. ĐỖ THỊ THU HUYỀN
Tây Nguyên là vùng đất cao nguyên nhiều kì thú, nơi con người sống hòa đồng với thiên nhiên, qua nhiều thế hệ đã tạo nên kho tàng tri thức dân gian phong phú, giàu bản sắc. Trong quá trình phát triển, các tộc người cư trú với tính chất hỗn dung và tiếp biến văn hóa đã tạo nên sự độc đáo có một không hai của vùng. Văn học hiện đại của khu vực này đến nay vẫn là một mảnh đất nhiều khoảng trống cần nghiên cứu. Văn học dân tộc thiểu số nói chung có sự phát triển đi sau so với bề dày thành tựu và thời gian hình thành của văn học miền xuôi.
Nếu GS. Phan Đăng Nhật lấy năm 1945 để làm mốc phân chia giữa văn học dân gian và văn học hiện đại các dân tộc thiểu số Việt Nam(1) thì nhà phê bình Lâm Tiến cũng khẳng định “văn học viết các dân tộc thiểu số Việt Nam mới chỉ hình thành và phát triển vào thế kỉ XX”(2). Tuy nhiên, văn học hiện đại khu vực Tây Nguyên nếu tính theo mốc thời gian này thì có sự khác biệt khá rõ so với các khu vực, đặc biệt là miền núi phía Bắc.
Giai đoạn 1945-1975, khi văn học dân tộc thiểu số khu vực miền Bắc đã tiến những bước đáng kể với những tên tuổi như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu… thì văn học Tây Nguyên vẫn như một mảnh đất hoang sơ, đây đó có những “sự sống” chưa thực mạnh mẽ. Những sáng tác rải rác của Y Điêng, Mlô Y Choi, Nay Nô, Kpă Ylăng… chưa đủ để tạo thành một diện mạo đáng kể. Nhưng dẫu sao, những bước đi ban đầu ấy cũng là tiền đề cho sự phát triển riêng, dù không đầy đặn, không bùng nổ sau này.
Giai đoạn sau 1975, những tác giả cũ vẫn tiếp tục hành trình sáng tạo và có những người bật lên được phong cách riêng. Một số tác giả mới xuất hiện, dù chưa định hình cho mình một lối viết độc đáo nhưng sự tìm tòi và đầu tư có thể nhận thấy khá rõ. Giai đoạn cuối thế kỉ XX và một chặng ngắn của những năm đầu thế kỉ XXI xuất hiện những tác phẩm mang chất Tây Nguyên một cách liên tục và đem đến sự khởi sắc cho miền đất trống: văn xuôi với Kim Nhất, H’linh Niê…; thơ với Ka Sô Liễng, Đinh Xăng Hiền, Hơ Vê, Hồ Chư, Krajan Plin… Một lứa tác giả trẻ và rất trẻ đang bước vào thời kì sung sức như Niê Thanh Mai, Hoàng Thanh Hương… là sự tiếp tục rất đáng kể làm nên một diện mạo mới cho văn học khu vực này. Những tác giả trẻ như Đinh Su Giang, H’Trem Knul, K’sor Bi Tô, H’phi La Niê, H’wera Niê, Y Việt Sa, H’xíu H’Môk… cũng hứa hẹn một sự bổ sung nhiều triển vọng vào đội ngũ những người viết trẻ của Tây Nguyên.
Thành tựu nổi trội nhất của văn học hiện đại Tây Nguyên có lẽ chính ở sự nỗ lực phục dựng một bức tranh về đời sống sinh hoạt, tinh thần của người Tây Nguyên. Các tác giả thường lựa chọn những đề tài như cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc với sự gan dạ, hi sinh quật cường của con người Tây Nguyên, tình yêu thời chiến, nét đẹp phong tục quê hương… Mlô Y Cla Vi đã tái hiện hình ảnh Cô gái vót chông với lối viết vừa bay bổng vừa giàu sức khái quát: Ai nhanh tay vót bằng tay em/ Chim hót không hay bằng tiếng hát em/ Mỗi cây em vót cắm sâu dưới đất/ Lũ giặc Mĩ lao vào chết queo. Kpă Y Lăng đã nói lên tình cảm của người dân Tây Nguyên với Bác Hồ kính yêu: Ơi các ngôi sao cao vút long lanh/ Chúng mày hãy bay về phương bắc/ Cho người Tây Nguyên gửi cả mối tình/ Tới Bác Hồ và dân mình ngoài đó/ Rằng thưa với Bác/ Trong bão lửa tổng tấn công/ Những chàng trai Êđê, con gái Mnông/ Tay cầm gươm mang tiếng thét xung phong/ Những mẹ già Srá, Kadong/ Tay chống gậy lưng còng gùi đạn (Người Tây Nguyên mãi theo lời Bác Hồ).
Khi viết về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, Người buôn Tría (Y Điêng) diễn tả một cách kín đáo mà thấm thía niềm tin của con người vào những lực lượng siêu nhiên kì bí. Môtip điềm báo “ngã xuống nước” gắn với nhân vật H’lônh đưa đến cho người đọc nhiều suy ngẫm về nhận thức của con người. Kết thúc tác phẩm để ngỏ mà thực ra cũng đã khá rõ ẩn ý, từ đó mở ra những liên tưởng về niềm tin của con người vào thực tại, gỡ bỏ những nỗi sợ hãi ám ảnh mơ hồ ăn sâu bao đời.
Thơ Hoàng Thanh Hương đậm đặc chất liệu Tây Nguyên với hoa dã quỳ vàng, những miền đất cao nguyên nắng lửa, những phong tục truyền thống và cả những con người của miền đất Iapa nhọc nhằn đi qua gian khó: Giấc mơ trôi giữa mùa khô/ Võ vàng hoa quỳ dại (Ngàn năm); Tháng Ba/ Rực cháy bông pơ-lang triền núi (Tháng Ba). Bằng chất giọng lạ, thơ Hơ Vê hướng đến phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống đồng bào bằng ngôn ngữ tươi sáng, khỏe khoắn: Có con chim ta lố/ Ở trên núi non cao/ Uống sương và quấn gió/ Đội nắng và tắm mưa (…) Tôi lại về núi non/ Làm đứa con của trời/ Làm đứa cháu của đất/ Nhiều lúc vui thật ít/ Đôi khi buồn thật nhiều/ Nghĩ không bằng ta lố/ Tôi lại ôm đất trời… (Con chim ta lố).
Ở những tác giả của thế hệ trưởng thành sau hòa bình, những vấn đề được lựa chọn cũng mang sự mới mẻ hơn. Nội dung sáng tác từ chỗ tập trung cho nhiệm vụ tuyên truyền, ca ngợi quê hương, cuộc kháng chiến… dần dần đã đi sâu khai thác thân phận con người vùng dân tộc thiểu số và miền núi, với những hệ lụy trong công cuộc di cư và hội nhập của mảnh đất Tây Nguyên. Linh Nga Niê Kđam (H’linh Niê) là nhà văn có sức viết khỏe, nhanh nhạy khi nắm bắt những vấn đề nổi bật của đời sống tinh thần, thực trạng biến đổi văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Văn xuôi của bà đã phần nào khắc phục lối viết cũ với ngôn ngữ thật thà, mộc mạc mà vươn lên tính khái quát, triết lí.
Trong số những tác giả đang bước vào độ chín của ngòi bút và lứa tuổi, Niê Thanh Mai thể hiện sự bứt phá trong tư duy và tiếp cận đời sống. Truyện ngắn của chị không chỉ khai thác những đề tài như thế hệ trước, với phong tục và lối sống người Tây Nguyên, mà hướng đến sự khám phá những mảng khuất thầm kín của con người, những lối sống, những ngã rẽ và chọn lựa trước những bộn bề. Không thấy vách ngăn như một cảnh tỉnh về sự vô vị và nguy hiểm của một cuộc sống không đam mê, không rõ ràng.
Ở cung bậc khác hơn, Đinh Su Giang thường lựa chọn những đề tài giản dị, đó là cuộc sống xung quanh nơi buôn làng, những câu chuyện đời thường nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Đôi lúc những tác phẩm ấy mang dáng dấp của khan, khi phản ánh lịch sử, xã hội, tín ngưỡng và phong tục người Tây Nguyên. Ở đó, tính chất vừa hư ảo vừa hiện thực được hòa lẫn. Truyện ngắn Đinh Su Giang đây đó cũng nói đến những đổi thay của quy luật cuộc sống, nó kéo theo những hệ lụy khi con người ý thức về lợi ích cá nhân ngày một rõ. Chiếc bè trên mặt hồ mang đến những dư âm buồn khi đề cập đến chuyện dời làng, tuy vấn đề không mới trong cuộc sống của những tộc người thiểu số Tây Nguyên nhưng xúc cảm của những con người rời bỏ mồ mả ông bà, bỏ nơi treo cuống rốn đến nơi ở mới khiến truyện có một chiều sâu nhân bản. Nhân vật A Hlung là người duy nhất không theo về làng mới, bám trụ trên một chiếc bè nơi làng cũ đã mênh mang nước.
Có thể thấy, làng không chỉ là không gian sinh tồn, nó còn thể hiện sự cố kết bền chặt của cộng đồng, một cộng đồng mang tính tâm linh, trao truyền cho nhau những nếp sống, phong tục, đùm bọc nhau về lợi ích, nghĩa vụ và là chỗ dựa cho tinh thần con người. Lời nói của nhân vật A Hlung về sự ràng buộc máu thịt khiến tất cả cùng xót xa: “Dưới chiếc bè này là làng của ta, vợ ta, tổ tiên ta nằm đấy, ta không đi đâu cả! Ta ở đây cho đến khi về với tổ tiên, với ông bà cha mẹ thôi”…
Nhìn từ góc độ thể loại, văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên cũng có những điểm đáng chú ý. Ở thể loại “anh cả” là tiểu thuyết, dù số lượng không nhiều, đề tài không thực sự phong phú, nhưng một bức tranh kì vĩ, đa sắc màu được tạo dựng. Dù kĩ thuật chưa được đầu tư nhiều nhưng điểm nổi trội của thể loại tiểu thuyết trong văn học hiện đại Tây Nguyên là sự tái hiện thành công những phẩm chất, số phận đủ sức đại diện cho hình ảnh con người bình dị của vùng đất. Chuyện bên bờ sông Hinh ấn tượng bởi mối tình sâu đậm giữa Hơlinh và Y Thoa. Ngòi bút Y Điêng chủ yếu xoáy vào những diễn biến nội tâm và những chuyển biến trong tình cảm của nhân vật Hơlinh với ngôn ngữ bay bổng, đặc biệt là những khúc đoạn đối thoại của đôi nam nữ.
Xuất hiện khá muộn, tiểu thuyết của Kim Nhất bắt đầu có những dấu hiệu đổi mới về kết cấu, tái hiện một cách sinh động, cụ thể về những con người và vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Luật của rừng là câu chuyện về ba thế hệ, bắt đầu từ tình bạn của Ama Hơ Oăn và Ama Riêng. Những câu chuyện li kì về luật tục của người Tây Nguyên được hiện lên, kéo theo những số phận éo le, những cuộc gặp gỡ và kết thúc bằng việc giác ngộ đi theo cách mạng… đã đem lại cho tiểu thuyết Kim Nhất một dấu ấn khá thành công.
Truyện ngắn là thể loại ghi được những dấu ấn đậm nét. Nếu như kí của Linh Nga Niê Kđam thu hút bởi sự sắc nét trong khắc họa những chân dung, những đổi thay khi Tây Nguyên đối mặt với di cư và pha trộn văn hóa… thì truyện ngắn của bà mang đến một sự tinh tế trong lựa chọn chi tiết và xây dựng nhân vật. Tìm về bến nước thoát được lối kể truyền thống, khi đảo ngược thời gian tạo ra những thú vị trong cách kể, cũng từ đó, số phận nguồn cội con người hé mở theo mạch truyện.
Điểm mạnh nhất của truyện ngắn khu vực này nằm ở miêu tả. Hơ Vê với truyện ngắn Sang Điêng có những điểm tương đồng với phong cách thơ, đó là giàu hình tượng, lối liên tưởng cụ thể mà sinh động; dù cách triển khai câu chuyện vẫn theo lối truyền thống nhưng ngôn từ thú vị, văn phong mạch lạc giúp chị tạo được nét riêng. Hơi thở của núi (Niê Thanh Mai) miêu tả vẻ đẹp của Plang và con gái buôn Duntang như trăng rằm, “môi nàng đỏ, tươi như bông hoa gạo đầu buôn, thân hình con gái tròn mây mẩy, bờ vai đầy”. Góc núi mờ sương của chị lại mang đến câu chuyện buồn, không chỉ gói ghém một mối tình đơn phương mà còn chứa đựng trong đó cả một lối sống, sự lựa chọn, những đánh đổi và trả giá khi con người ứng xử trước hoàn cảnh.
Về thơ, đáng chú ý là sự xuất hiện của thể lục bát trong các sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số Tây Nguyên (vốn quen sáng tác thơ tự do). Rất hiếm nhà thơ viết lục bát, do đó sự xuất hiện những vần lục bát khá nhuần nhuyễn của Hồ Chư - nhà thơ Vân Kiều đầu tiên - là tín hiệu đáng mừng cho thấy thơ của các tác giả dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã “hòa nhịp” với thơ ca miền xuôi: Tình yêu như lửa mới nhen/ Đã nghe xao xuyến tiếng khèn tìm nhau/ Chợ tình không có trầu cau/ Lòng người nối nhịp qua bầu rượu thơm.
Có thể nói, qua sáng tác, các tác giả dân tộc thiểu số đã tái hiện Tây Nguyên hùng vĩ, quyến rũ một cách tự nhiên nhất, sinh động nhất. Với một đội ngũ tác giả đang ở độ tuổi sung sức, có tài năng, có tâm huyết, có khát vọng cống hiến cho nghệ thuật, văn học Tây Nguyên sẽ có những bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.
Đ.T.T.H
--------
1. Phan Đăng Nhật: “Khủn chưởng” - anh hùng ca Thái, Nxb Khoa học xã hội, 2005.
2. Lâm Tiến: Văn học
các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb Văn hóa dân tộc, 1995, tr.138.
VNQD