Đối thoại với chính sách thực dân – Một phương pháp đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc

Thứ Năm, 08/10/2020 06:18

. NGUYỄN THANH TÚ

Bất kỳ một thể chế chính trị nào cũng có chính sách của riêng nó thể hiện quan điểm về đối nội, đối ngoại. Với các nước thuộc địa thì chính sách của thực dân Pháp là ăn cướp và bóc lột. Một bài học mà Nguyễn Ái Quốc để lại cho kho tàng lý luận cách mạng là đối thoại với các chính sách phản động này để cả thế giới thấy rõ chân tướng đích thực.

1.1.Phơi bày bản chất ăn cướp

Tác giả hay dùng nhiều lần hình ảnh ẩn dụ cá mập (17 lần - con số khảo sát trong Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000) để chỉ chủ nghĩa thực dân. Cá mập là loài cá dữ, háu ăn, tạp ăn, sẵn sàng ăn thịt cả đồng loại khi đói. Ẩn dụ này nói được một cách chính xác nhất bản chất ăn cướp, tham lam, tàn nhẫn, tinh ranh của chủ nghĩa thực dân đế quốc:

“Sau khi bị binh lính bắn phá và chém giết, Đông Dương lại bị bọn cá mập thực dân cướp bóc đến tận xương tuỷ”[1].

“Chúng tôi chắc chắn rằng cả thế giới văn minh và những người Pháp lương thiện sẽ cùng với chúng tôi lên án bọn cá mập ở các thuộc địa đã không ngần ngại đầu độc cả một chủng tộc để làm đầy túi tiền của mình”[2].

“Bọn cá mập của nền văn minh không những đầu độc nhân dân An Nam bằng rượu và thuốc phiện, mà còn thi hành một chính sách ngu dân triệt để”[3].

Hình tượng ẩn dụ “bầy diều hâu” gợi ở người đọc một suy nghĩ về sự tham lam đến tàn nhẫn trong việc bóc lột, đục khoét, vơ vét của chủ nghĩa tư bản đối với người dân bản xứ, vì diều hâu, xét theo nghĩa đen là loài chim ăn thịt, tinh ranh:

“Nói đến các món độc quyền, người ta có thể hình dung Đông Dương như một con nai béo mập bị trói chặt và đương hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no”[4].

Người cũng hướng ngòi bút mỉa mai châm biếm vào những tên kẻ cướp- chủ nghĩa thực dân đế quốc, dưới danh nghĩa đi “khai hóa văn minh” nhưng thực chất là đi xâm lược, đi ăn cướp các thuộc địa. Bộ sưu tập động vật (Me’nagerie) mang ý nghĩa luận tội, kết án: “Người ta thường quên, tưởng rằng các nhà bảo hộ của chúng ta lúc nào cũng thi hành cái chính sách của loài đà điểu”[5]. Đà điểu là một loài chim lớn sống ở miền nhiệt đới châu Phi có dạ dày rất khỏe, “chính sách của loài đà điểu” (Politique de l’autruche) là một ẩn dụ mỉa tố cáo chính sách vơ vét tham lam vô độ của chủ nghĩa thực dân đế quốc. “Cái con chó ngắn mõm chẳng đã chạy đến nhe bộ răng khả ố của nó ra mà xé toạc cả cơ cấu của Hội nghị Pari đó sao? Thành thử con khỉ phlamăng và con gà trống gôloa phải một mình đương đầu với con phượng hoàng giécmanh ở miền Ruya”. Sau Chiến tranh 1(1914-1918) các đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị Vécxây để phân chia lại quyền lợi và bàn cách tăng cường bóc lột thuộc địa. “Con chó ngắn mõm” ám chỉ nước Anh, “con khỉ phlamăng” ám chỉ nước Bỉ, “gà sống gôloa”- nước Pháp, “con phượng hoàng giecmanh”- nước Đức. Cách dùng ẩn dụ trào phúng đã làm nổi lên bản chất ăn cướp và những mâu thuẫn quyền lợi không thể dung hòa của chủ nghĩa đế quốc.

Trong Động vật học tác giả cũng mỉa mai những kẻ bóc lột cũng chỉ là một loại động vật vì chỉ biết đến tiền và bóc lột kẻ khác.

Tiêu biểu là “ông Giôdép Caiô, cựu Thủ tướng, nhà lý tài ngoại ngạch, một nhà văn không phải tồi, không phải tương đối tồi như Anhxtanh nói, sau khi đã cai trị 40 triệu dân Pháp, đã nắm trong tay hàng triệu, hàng tỷ bạc, ông viết sách vở, rồi một buổi sang nọ, ông vò đầu và gãi điên cuồng- không phải là gãi tóc, vì ông ta không có sợi tóc nào cả- mà gãi tai, đồng thời tự hỏi và hỏi người khác: Châu Âu sẽ đi tới đâu nhỉ? Nước Pháp sẽ đi tới đâu nhỉ? Câu hỏi tuy có vẻ rất giản đơn, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải đáp được , trừ phi…

Này Ngài Thủ tướng, xin ngài cho tôi biết chân của châu Âu và nước Pháp ở chỗ nào, tôi sẽ nói cho ngài biết châu Âu và nước Pháp sẽ đi tới đâu!”

Chất mỉa mai bật ra ở câu nói kháy “chân của châu Âu và nước Pháp”. Nước Pháp và hầu như cả châu Âu lúc này đang sống bằng cách bóc lột thuộc địa, do vậy muốn biết họ “sẽ đi tới đâu” thì phải xem họ đang bóc lột ở những nơi nào. Một cách nói kháy mát mẻ, đầy ẩn ý không thể hiểu ngay. Nhưng đến câu này thì thật dễ hiểu: “Loài động vật này ăn thịt, ăn gạo, ăn cỏ và ăn cả ngân sách nữa. Cần chú ý rằng khi đã có thể tiến đến trình độ ăn ngân sách thì thường bị coi là thoái hóa, vì nó đã mất hết tinh thần của nòi giống rồi”. Chúng tôi cho rằng những câu nói này ở ngày hôm nay - trên đất nước ta vẫn nguyên tính thời sự, phải coi những kẻ tham nhũng “ăn cả ngân sách” cũng là loài động vật bị thoái hóa, tức là không còn cả tư cách của loài động vật thông thường nữa.

Hiện thân của lẽ “công bằng” mà nước Mẹ Pháp đã có công “khai hoá” ở đất nước An Nam là Toà án. Thì đây, cái gọi là “toà án” được tác giả suồng sã như thế này:

“Xét rằng: C và B và D còn tổ chức cả những hội buôn, những hội diễn thuyết và hội mặc Âu phục, cắt tóc ngắn (khủng khiếp chưa!).

Xét rằng: Tất cả những việc đó, họ đã cùng làm với nhau một lần.

Xét rằng: Trong những bài thơ của họ, có một câu có thể dịch là: "Chịu cảnh ô nhục, chịu thân cá chậu chim lồng". (Sai. Câu thơ trào phúng chế giễu những cuộc thi cử phải dịch như sau: Nếu các ông còn đeo đuổi mãi những cuộc thi cử lỗi thời ấy, thì trong khoảng trăm năm nữa các ông sẽ được nghe người ta chửi vào mặt. Khi nào thì các ông sẽ thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng ấy?).

Xét rằng: D đã cho phép học trò của anh ta hội họp (!) và những học trò ấy đã đọc câu phương ngôn: “Người trong một nước phải thương nhau cùng” (tội nặng chưa!)...

Chiếu chỉ, xử tên A, B và C tử hình án treo cổ, xử đánh D và F 100 trượng (chỉ có thế thôi à!) và đày chúng biệt xứ đi xa 1.500 kilômét khỏi nước An Nam (chúng ta cần chú ý là những bị cáo không được phép tự bào chữa và họ hoàn toàn không hề biết gì cả về những lời buộc tội lẫn bản án)”[6]. Thật là một cách xét xử vô lối, không hề dựa trên căn cứ, bằng chứng “tôị phạm”, không hề một chút công lý. Thật là một sự mỉa mai! Lời bình luận của tác giả trong ngoặc đơn hoàn toàn phủ nhận lời “buộc tội” của “toà án”, làm rõ hơn tính chất phi lý của “toà”: (khủng khiếp chưa!); (Sai. Câu thơ trào phúng chế giễu những cuộc thi cử phải dịch như sau: Nếu các ông còn đeo đuổi mãi những cuộc thi cử lỗi thời ấy, thì trong khoảng trăm năm nữa các ông sẽ được nghe người ta chửi vào mặt. Khi nào thì các ông sẽ thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng ấy?); (tội nặng chưa!); (chỉ có thế thôi à!); (chúng ta cần chú ý là những bị cáo không được phép tự bào chữa và họ hoàn toàn không hề biết gì cả về những lời buộc tội lẫn bản án)! “Đây! Chế độ lính tình nguyện ấy được tiến hành như thế này: vị "chúa tỉnh"- mỗi viên công sứ ở Đông Dương quả là một vị "chúa tỉnh"- ra lệnh cho bọn quan lại dưới quyền, trong một thời hạn nhất định phải nộp cho đủ một số người nhất định. Bằng cách nào, điều đó không quan trọng. Các quan cứ liệu mà xoay xở. Mà cái ngón xoay xở kiểu D thì các ông tướng ấy thạo hết chỗ nói, nhất là xoay xở làm tiền”[7].

“Xoay xở kiểu D”, kiểu D, bản phiên âm là Le système D, D là âm tiết đầu của chữ débrouillard có nghĩa là xoay sở tháo vát, ở đây là “xoay xở làm tiền”

“S.D.N. (xin đọc là xagiét đê naxiông), chứ không phải xôxiêtê đê naxiông nói rằng Thần Tài chỉ cười duyên với một người giàu có”[8].

S.D.N. viết tắt của Sagesse des nations, đọc là xagiét đê naxiông, có nghĩa là đạo lý cuộc sống; S.D.N. viết tắt của Société des nations, đọc là xôxiêtê đê naxiông, có nghĩa là Hội quốc liên. Đoạn văn không liên quan gì đến Hội quốc liên nhưng viết tắt và được giải thích như vậy là một cách “móc máy”, một cách nói kháy, nói giễu đến Hội quốc liên (có tên tiếng Pháp như trên), vốn là một tổ chức quốc tế được thành lập năm 1919 hoạt động kéo dài đến khoảng thời gian giữa Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai. Tổ chức này có tôn chỉ thực hiện những cam kết ký tại Hội nghị Hoà bình Pari năm 1919, với điều lệ là mục đích đấu tranh cho hoà bình, chống chiến tranh. Nhưng trên thực tế, Hội quốc liên đã dung túng các thế lực đế quốc, cổ vũ chiến tranh. Mà đối với Nguyễn Ái Quốc, những gì chống lại hoà bình thì đều đáng bị lên án, đả kích, dù có vẻ bề ngoài được che đậy.

“Tiếp theo châm ngôn “Đã có nước Đức trả” là câu châm ngôn “Đã có các thuộc địa trả”. Nước mẹ đòi hỏi các thuộc địa phải đưa tất cả sức lực của mình, tất cả khả năng của mình, tất cả ý chí của mình, tất cả tài nguyên của mình để giúp vào việc phục hưng kinh tế của nước mẹ, trong khi đó thì nước mẹ lại vừa cấm xuất khẩu pôtát của Andátxơ sang thuộc địa, để hoàn toàn dành riêng sản phẩm đó cho nông nghiệp Pháp”[9]. Thật là một sự ngược đời trắng trợn. Theo lôgích thông thường thì “mẹ” phải nuôi con, chăm sóc dưỡng dục con, đằng này lại hoàn toàn ngược lại, nước Mẹ Pháp không những bắt các con thuộc địa “phải đưa tất cả sức lực của mình, tất cả khả năng của mình, tất cả ý chí của mình, tất cả tài nguyên của mình để giúp vào việc phục hưng kinh tế của nước mẹ” mà còn bắt các con … nhịn đói!

Nguyên nhân bị bóc lột, bị ăn cắp mà kết quả là lại phải chịu “công ơn bảo hộ” của chính kẻ bóc lột mình, ăn cắp của mình:

“Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản. Chính họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch. Chính họ làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hoá và những bọn khác hưởng mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thãi; hễ mất mùa thì họ chết đói. Đó là vì họ bị ăn cắp khắp mọi phía, bằng mọi cách, do các quan cai trị, do bọn phong kiến tân thời và nhà thờ”[10].

Phát huy bài học này ở ngày hôm nay như thế nào? Trước hết là tìm ra bản chất của chính sách ấy nhằm vào nước ta với mục đích gì, ý đồ chính trị ra sao, chiến lược và sách lược của chính sách ấy ảnh hưởng gì tới sự phát triển cũng như an nình của đất nước ta.

N.T.T


[1]Sđd.tập 1, tr 388.

[2]Sđd.tập 1, tr 32.

[3]Sđd.tập 2, tr 97.

[4]Sđd.tập2, tr 36.

[5]Sđd.tập 1, tr 141.

[6]Sđd.tập 1, tr 423.

[7]Sđd.tập 2 , tr 24.

[8]Sđd.tập 1, tr 124.

[9]Sđd.tập 1, tr 270.

[10]Sđd.tập 1, tr 227.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)