Những nguyên tắc trong đối thoại văn hóa của Nguyễn Ái Quốc

Thứ Sáu, 02/10/2020 06:10

. NGUYỄN THANH

Khi đi tìm đường cứu nước cũng là sự đồng nghĩa với quá trình Nguyễn Ái Quốc đối thoại với những nền văn hóa để tìm ra chân lý. Bài viết đặt vấn đề tìm hiểu các nguyên tắc đối thoại này.

1.Những sự thật rõ ràng

Trên báo La Vie Ouvrière số 100, ngày 1/4/1921 có bài báo 10 trường học, 1500 đại lý rượu rất được dư luận Pháp quan tâm, nội dung bài báo thuật lại lá thư của Toàn quyền Đông Dương, ông Anbe Xarô gửi các công sứ phải hết sức giúp đỡ Nha thương chính đặt thêm đại lý thuốc phiện và rượu. Cuối bài viết là lời bình luận của tác giả. Có một quy luật tâm lý thông thường trong đời sống xã hội: Kẻ xấu thường phải đeo mặt nạ, vì nếu không thì cái xấu trơ ra nên dễ bị mọi người xa lánh, ghê tởm, lên án. Và vì phải đeo mặt nạ nên kẻ xấu cũng có thừa những âm mưu, thủ đoạn để che giấu thiên hạ. Người lột mặt nạ phải là người cao tay biết kẻ xấu đeo mặt nạ gì, có âm mưu thủ đoạn nào thì khi “lột mặt nạ” cả kẻ bị lột lẫn độc giả mới “tâm phục, khẩu phục”. Khi Nguyễn Ái Quốc dùng chính lá thư của quan Toàn quyền yêu cầu các công sứ phải đặt thêm đại lý rượu và thuốc phiện chính là một cách dùng “gậy ông đập lưng ông”, “ông” nói “khai hoá văn minh” thực ra là phản văn minh, phản khai hoá, vì “ông” bắt dân hút thuốc phiện và uống thật nhiều rượu để cho họ ngu đi cho “ông” dễ bề cai trị.

“Kính gửi ông Công sứ

Tôi trân trọng yêu cầu ông hết sức giúp đỡ Nha thương chính đặt thêm đại lý thuốc phiện và rượu, theo chỉ thị của ông tổng giàm đốc Nha thương chính Đông Dương...”. Ký tên: Anbe Xarô”.

Lời bình luận của tác giả thực ra không bình luận gì cả mà chỉ đưa ra con số, những con số biết nói, không bình luận mà lại là bình luận sắc sảo nhất, chính xác nhất, có sức thuyết phục nhất: “Lúc đó có một nghìn năm trăm ty rượu và thuốc phiện cho một nghìn làng trong khi chỉ có mười trường học cũng cho bấy nhiêu làng. Ngay cả trước bức thư nổi danh đó, người ta đã cho 12 triệu người bản xứ - kể cả đàn bà và trẻ con - nốc 23 đến 24 triệu lít rượu mỗi năm.

Lời bình luận nào cũng là thừa”[1].

Người Pháp sang nước An Nam khốn khổ không phải là đem “văn minh” đến để “khai hoá” đất nước lạc hậu này như họ từng rêu rao tuyên bố, mà là để bóc lột vơ vét làm giàu cho chính quốc. Muốn vơ vét bóc lột được nhiều thì phải có chính sách cai trị, mà thích hợp nhất là chính sách ngu dân, ngu dân bằng cách cho họ uống thật nhiều rượu và hút thuốc phiện. Để vạch trần bản chất vô cùng đểu giả này nếu là Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu hoặc một nhà yêu nước An Nam nào đó thì dư lụân chắc sẽ không tin. Tác giả đã lấy ngay chính bản thông tư của ông Anbe Xarô, khi ông làm Toàn quyền Đông Dương, gửi cho tất cả các viên công sứ như sau:

“Để công việc tiến hành có kết quả, tôi xin gửi ông một bản danh sách những đại lý cần đặt trong các xã đã kê tên; tới nay phần đông các xã này vẫn hoàn toàn chưa có rượu và thuốc phiện.

Thông qua các quan và các xã trưởng Cao Miên, ông có thể dùng ảnh hưởng lớn của ông để làm cho một số tiểu thương người bản xứ thấy rằng buôn thêm rượu và thuốc phiện là rất có lợi…

Chúng ta chỉ có thể đạt được kết quả mỹ mãn, nếu chúng ta đồng lòng phối hợp chặt chẽ và liên tục, vì lợi ích tối đa của công khố.

Ký tên: Anbe Xarô

Toàn quyền Đông Dương”[2].

Thật đúng là “hai năm rõ mười”, không còn trắng đen lẫn lộn, lời của chính viên Toàn quyền, hơn nữa lại là “thông tư” mang rõ tính mệnh lệnh hành chính của cả một “hiến pháp”, dĩ nhiên đây là “hiến pháp” của kẻ cướp, đểu giả, vô nhân tính!

Con số là sự thật khó chối cãi nhất. Những dẫn chứng sau nói rõ nhất về bản chất bóc lột phi nhân tính đến tận cùng của chủ nghĩa thực dân đối với người bản xứ thuộc địa. Ví dụ sau chỉ nói về lĩnh vực thực dân thuên dân bản xứ khai thác mỏ trong 10 năm từ 1911-1921:

“Trong lúc các nhà đi khai hóa của chúng ta ngày càng béo ra với những món lợi nhuận khổng lồ, thì sau đây là những điều đã xảy ra đối với nam nữ công nhân người bản xứ:

1.465 tai nạn chết người.

1.871 người chết

2.212 người bị thương nặng.

40% vô sản hầm mỏ là phụ nữ và trẻ em...”[3].

2. Những dẫn chứng thực tế.

Nguyễn Ái Quốc cực lực lên án bọn thực dân, ngoài tội ác “bắt lính và ăn cướp”, nguy hiểm hơn còn đầu độc dân bản xứ: “Còn ở xứ An Nam đau khổ thì ngoài việc bắt lính và ăn cướp như ở xứ Đahômây kia, bè lũ thực dân còn triệt để thi hành chính sách ngu dân, ngu dân bằng cách bắt họ hút thuốc phiện và uống rượu”. Mà đây chỉ là một trong những thủ đoạn bắt người dân phải mua rượu của các đại lý thực dân:

“Đây là một sự kiện đầy ý nghĩa của một viên chức đứng đầu tỉnh Sơn Tây, một tỉnh ở Bắc Kỳ.

Số dân tỉnh này ước tính chỉ độ 200.000 người. Nhưng để nâng số lượng rượu phải tiêu thụ lên, số dân ấy bỗng nhiên tăng vọt nhanh như chớp tới 230.000 người. Nhưng vì 230.000 dân này uống quá ít, viên công sứ Sơn Tây đã ra công một năm đẩy số lượng rượu tiêu thụ lên 560.000 lít.

Ngay lập tức, viên công sứ được thăng cấp và được khen...”[4]. Ngay chỉ một chính sách bắt mua rượu quái đản này cũng đủ thấy sự “bảo hộ” dã man đến chừng nào. Ngược lại, không hề bảo hộ mà là huỷ hoại cả tinh thần và thể xác con người, là vơ vét, bóc lột để thoả mãn cái dạ dày của con quái vật thực dân! Chủ nghĩa thực dân, ở đâu cũng thế, là phản văn minh, phản nhân đạo, là một trong những thứ chủ nghĩa phản động xấu xa nhất của lịch sử nhân loại!

Đây là một “đối thoại” mang tính “lật tẩy” tâm địa thực dân:

“Dân một làng Bắc Kỳ, buộc phải uống rượu, thấy nguy cơ đe dọa ấy, đã kêu với viên quan người Pháp “của họ” rằng: “Ngay đến cái ăn, chúng tôi cũng không có gì cả”. Quan đáp: “Chúng mày quen ngày ba bữa, bây giờ bớt đi một bữa, hay nếu cần thì bớt đi một bữa rưỡi để có thể mua rượu của nhà nước”[5].

Để lừa bịp dư luận, khi áp đặt một hệ thống chính trị có lợi cho thực dân ở bất cứ một thuộc địa nào, người Pháp đều cố nặn ra một thể chế bù nhìn. Nguyễn Ái Quốc đã lột trần cái gọi là dân chủ ở xứ Đông Dương, dân chủ thực dân không hề có gì gọi là thực chất mà chỉ là giả hiệu: “Xứ Nam Kỳ do một thống đốc cai trị, viên thống đốc này do sắc lệnh tổng thống Pháp bổ nhiệm. Để làm tròn nhiệm vụ cao cả của mình, vị quan cao cấp này dựa vào một hội đồng hỗn hợp gồm cả người Pháp lẫn người An Nam, gọi là hội đồng quản hạt. Một trong những quyền hạn chắc là quan trọng nhất của hội đồng này là hằng năm biểu quyết dự toán ngân sách của thuộc địa. Chúng tôi xin nói ngay rằng nguồn thu của ngân sách ấy là các khoản thuế trực thu và gián thu do người An Nam nộp, còn các khoản dự chi, thì trên nguyên tắc (nhưng không bao giờ trên thực tế!) là phải được chi tiêu cho những công cuộc có lợi cho người An Nam; tóm lại là quyền lợi của người An Nam được giao phó cho cái hội đồng quản hạt ấy. Thế nhưng cái hội đồng quản hạt quý hoá này lại gồm nhiều người Pháp hơn là người An Nam: có 18 người Pháp, thì 12 là đại biểu do tuyển cử bầu ra, 6 là đại biểu của các công ty, phòng thương mại, phòng canh nông v.v., và 6 người An Nam. Cứ cho rằng luôn luôn đủ mặt đi nữa thì 6 phiếu của người An Nam kia tài nào mà chống lại được 18 phiếu của người Pháp? Vì thế chính phủ cứ việc tuỳ ý mà dự toán và chắc chắn là tất cả các khoản dự toán đều đã được biểu quyết trước rồi”[6]. Các ngôn từ mang sắc thái mỉa: nhiệm vụ cao cả, hội đồng quản hạt quý hoá đã góp phần làm nổi bật cái ngược đời, vô lý mà vẫn tồn tại, tồn tại một một cách hợp pháp, công khai. Đúng là dân chủ thực dân là dân chủ giả hiệu, ngược đời mà trắng trợn! Tác giả đưa ra số liệu cụ thể không thể chối cãi để phơi bày ra một sự thật hiển nhiên: Hội đồng quản hạt ấy có 18 người Pháp và chỉ có 6 người An Nam. Chỉ cần con số này đã lật tẩy bản chất của cái dân chủ thực dân chính là áp đặt, ép buộc và ra lệnh!!!

Phanh phui chính sách ngu dân để dễ bề cai trị, Nguyễn Ái Quốc để cho chính những kẻ “tai to mặt lớn” thực dân Pháp tự nói ra sự thật. Đây là sự trung thực nhất về tình hình An Nam:

“Đại tá Bécna viết: Về phương diện tinh thần, người Pháp không tổ chức một nền giáo dục mới thay thế cho nền giáo dục An Nam mà họ đã bỏ đi. Họ chỉ xây dựng được một ít trường học để đào tạo ra những con vẹt, những người vong bản thiếu đạo đức và thiếu cả kiến thức phổ thông.

Trong một bản báo cáo về tình hình Đông Dương, tướng Penơcanh cũng viết: Trong 50 năm chiếm đóng ở Nam Kỳ và 25 năm chiếm đóng ở Bắc Kỳ, những trường học Pháp không đào tạo lấy được một người An Nam thật sự có học thức.

Ông Mácxơ, văn sĩ thuộc địa, đã viết câu sau đây lột tả được đúng tư tưởng đang thống trị trong đầu óc của các nhà cai trị của chúng ta: Chúng ta chỉ cần dạy tiếng Pháp cho người An Nam, dạy cho họ biết đọc, biết tính toán chút ít thôi; biết hơn nữa chỉ là thừa vô ích”[7]. Đây là những lời nhận định có trọng lượng, chính xác, vô tư khách quan về một nền giáo dục “vong bản thiếu đạo đức và thiếu cả kiến thức phổ thông”, một nền giáo dục giả dối, một nền giáo dục tay sai! “Văn minh” mà thực dân Pháp “khai hoá” ở nước An Nam này là như thế! Giáo dục thì phản động như thế, còn công lý, tác giả dẫn lời một nghị sĩ và những người Pháp có thẩm quyền trong lĩnh vực toà án, kiểm sát: “Nói về nền công lý Pháp ở Angiêri, một nghị sĩ Pháp đã viết một cách châm biếm rằng: "Pháp luật, công lý với người bản xứ ư? Thôi đi! Chỉ có ba toong, súng lục, súng trường, đó mới là những thứ xứng đáng với lũ sâu bọ ấy!".

Một người Pháp khác, cũng kêu lên như thế này: "Ở Đông Dương cũng đúng như vậy đấy, ở đây "công lý" nằm trong tay những tên quan lại thiếu trách nhiệm, hoặc khi chúng ta phải thực hành công lý, thì bằng súng!". Một người Pháp khác viết: "Nếu viên chủ sự viện kiểm sát xét kỹ theo đúng tinh thần pháp lý thì trong số hai nghìn đến hai nghìn rưởi biên bản lập hằng năm ở Bắc Kỳ, không có biên bản nào là có giá trị đối với Pari cả”[8]. Và họ nói ra sự thật về cuộc “khai hoá” bằng dùi cui, súng…:

“Tôi mạn phép nói rằng cách khai hoá đánh vỡ đầu người ta chứ không cải biến đầu óc cho người ta, như thế là hơi thô bạo. Đây là những người đang sống yên ổn trong nhà họ. Bỗng nhiên chúng ta xông vào đất đai không phải của chúng ta, mang danh nhân đạo, chúng ta chém giết những người bản xứ hoặc đuổi họ ra khỏi nhà. Chính cái đó đã gợi cho họ một ý niệm kiêu hãnh đối với cái văn minh ấy. Vì tình nhân loại, người ta giết; vì tình nhân loại, người ta cướp đoạt; vì tình nhân loại, người ta bóc lột những người bản xứ!" (E.Macác)”[9]. Đúng là, như một thành ngữ của người Việt: “vạch áo cho người xem lưng”, tức là tự vạch ra những khiếm khuyết của mình, phơi ra những cái xấu của mình cho thiên hạ biết, nhưng ở đây, không phải là những người Pháp ý thức về “nói xấu” chính họ mà họ chỉ nói trung thực những gì họ biết, cũng có thể vô tình họ nói ra sự thật, còn tác giả Nguyễn Ái Quốc chỉ là người ghi chép laị những lời nhận xét ấy. Thế là sự thật được phơi bày: chỉ có cuộc xâm lược, cướp của, giết người của thực dân Pháp trên đất An Nam mà thôi.

3. Thái độ thẳng thắn, công khai, bình đẳng.

Ngày 14/10/1919 trên tờ Le Populaire có đăng Thư gửi ông Utơrây của Nguyễn Ái Quốc. Cần nói rõ hơn về cái ông Utơrây này: Ecnêxtơ Utơrây, người Pháp tham gia Hội đồng thuộc địa Nam kỳ, là đại biểu của Hội này trong Hạ nghị viện Pháp. Là một đại địa chủ, ông ta từng chiếm 2000 ha đất lập đồn điền ở Nam bộ, về chính trị thì cực kỳ phản động. Tại Nghị viện Pháp họp ngày 18/9/1919 Utơrây có những lời lẽ thô bỉ vu cáo thoá mạ Nguyễn Ái Quốc nên tác giả có bức thư ngỏ này để trả lời ông ta trước công luận.

“Tôi sẽ tránh không nổi nóng la lối chửi rủa, đáp lại sự thô tục bằng sự thô tục, vì như vậy là tự hạ giá mình: không phải hễ cứ ném được bùn lên địch thủ là mình có lý đâu.

...Nếu ông không thể trả lời câu hỏi trên cho thoả đáng, nghĩa là có bằng cứ chứng minh, thì cho phép tôi hỏi ông rất nhã nhặn rằng kẻ nào trong hai ta, người vu khống hay người bị vu khống, xứng đáng với danh hiệu thằng khốn nạn? Tôi rất muốn chọn cho ông một tính ngữ đúng với đặc tính của ông mà không làm ông phật ý, nhưng tôi không tìm thấy trong từ vựng tiếng Pháp những từ nào khác thật thích đáng ngoài từ thằng nói láo, và tôi buộc phải nói với ông, không chút thù hằn và sợ hãi, mà thẳng thắn và mặt đối mặt, rằng ông đã nói láo, rằng ông là một thằng nói láo”[10]. Đoạn tranh luận, dù có nảy lửa cũng cho chúng ta một bài học về đối thoại có văn hoá: “không nổi nóng la lối chửi rủa”, về căn cứ rõ ràng, cụ thể khi nhận xét phê bình người khác, và nhất là ngôn từ hùng biện, chính xác, thẳng thắn, mạnh mẽ để phản bác lại đối phương. Một câu hỏi phanh phui làm cho kẻ đối thoại không thể né tránh, những câu chữ đầy chất mỉa mai khinh bỉ, và nhất là sự nhấn mạnh trọng âm của hơi văn dồn về cuối đoạn rơi vào danh ngữ chỉ đặc tính của đối phương: thằng nói láo, nói láo, thằng nói láo. Nhưng trên hết là bài học về tư cách chính nghĩa của người đối thoại: phải ở tư cách một người có văn hoá để tố cáo vạch trần những kẻ vô văn hoá lại đội lốt văn hoá, phải là người yêu nước, yêu chính nghĩa, có lý tưởng đúng đắn về “tự do và công lý”.

Không chỉ sòng phẳng, thẳng thắn với cá nhân mà với một quốc gia, Nguyễn Ái Quốc vẫn lập trường ấy để chế giễu, mỉa mai những đế chế nào, vì lợi ích của riêng mình mà có sự vụ lợi, ích kỷ, thiếu trong sáng. Trên tinh thần ấy, ngày 1/12/1922 tác giả cho in bài Về câu chuyện Xiki trên báo Le Paria: “Vì cụ lớn nư­ớc Anh đã không thể tiêu hoá nổi món bánh hình l­ưỡi liềm của Kêman cũng nh­ư món sôcôla của Găngđi cho nên ngài muốn bátlinh Xiki phải nuốt liều thuốc tẩy của Ngài, mặc dù Xiki là một ngư­ời Pháp. Các bạn đã hiểu ch­ưa?”[11]. Xiki là tên một đấu sỹ nổi tiếng lúc bấy giờ. Thế nên mở đầu bài báo là sự móc máy này: “Từ khi có chủ nghĩa thực dân, nhiều người da trắng được thuê tiền để đấm vỡ m...người da đen”.

Hình l­ưỡi liềm (croissant) ám chỉ hình mặt trăng lư­ỡi liềm trên lá cờ của n­ước Thổ Nhĩ Kỳ, món bánh hình l­ưỡi liềmCụ lớn nước Anh đã không thể tiêu hoá nổi có thể hiểu Cụ lớn nước Anh rất khó chịu với nước Thổ. Món sôcôla của Găngđi ám chỉ màu da của người dân Ấn Độ. Cụ lớn n­ước Anh cũng không thể tiêu hoá nổi món này nghĩa là Cụ cũng không vừa lòng với Ấn Độ, nên ngài muốn bátlinh Xiki. Bátlinh, tiếng Anh có nghĩa là đấu sĩ, đấu sĩ Xiki phải nuốt liều thuốc tẩy. Tại sao nước Anh lại muốn Xiki người Pháp “phải nuốt liều thuốc tẩy”? Là vì nước Anh lại thuê nước Pháp “nuốt” nước Thổ và nước Ấn. Muốn vậy, muốn “tiêu hóa” được chàng Xiki Pháp phải “nuốt liều thuốc tẩy” của nước Anh! Thì ra Cụ lớn nước Anh vừa đểu vừa ác không chỉ với Thổ, Ấn mà còn với cả Pháp nữa!

“Trong khi hãy còn bị xích cổ, thế mà con hổ chẳng đã nhá nghiến mất nhiều bộ của n­ước Cộng hoà đó sao? Ng­ười ta chẳng đã phí hàng mấy triệu, mấy tỷ để nhờ hai ông bạn vinh quang của chúng ta là Contrắc và Vranghen mua hộ da con gấu Mátxcơva, là con vật ngày nay hơn bao giờ hết, nó không thích để cho ngư­ời ta tuỳ ý muốn làm gì thì làm đó sao? (Chao! con vật mới quái chứ).

Trong số các bạn hữu ở chính quốc của chúng ta, ai là ngư­ời không phải phàn nàn về tai hại do loài diều hâu gây ra? Loài quạ mà lại chẳng phải là những kẻ phá hoại tai hại trong địa hạt tinh thần à? Còn những con mọt già thì có làm đư­ợc việc gì ngoài cái việc chỉ chuyên tìm cách lợi dụng những sự bất hoà và những chuyện xích mích trong xã hội? Lại còn con vật nào đó chẳng đã vô sỉ đến nỗi muốn cho phép tất cả các chàng rể láo xư­ợc cứ việc dùng tên nó để gọi mẹ vợ họ đó sao? Bọn mèo quý phái há chẳng thật sự là những kẻ đã dập tắt cả hạnh phúc gia đình của nhiều nhà đó ­? Và những con chuột cống ở khách sạn chẳng đã là những kẻ thù muôn thuở của tất cả những ng­ười đi du lịch đó sao?”[12].

Dẫn chứng này trích trong Bộ sưu tập dộng vật (1/1/1923, báo Le Paria) với dụng ý mỉa mai các nước lớn coi thuộc địa chỉ là những con vật nhưng chính họ cũng là những con vật, khác nhau là vật ăn thịt mà thội. Con hổ ám chỉ Clêmăngxô, Gioócgiơ Bănggia, vốn là một bác sỹ rồi tham gia chính trị, là một nghị sỹ cấp tiến trong quốc hội Pháp, phái cực tả. Ông ta tham gia nhiều vào các vụ lật đổ Bộ trưởng, từng làm Bộ trư­ởng Chiến tranh, năm 1920 thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống n­ước Pháp. Loài quạ chỉ những kẻ viết th­ư nặc danh, những con mọt già (bản phiên âm: Chats- fourrés nghĩa đen chỉ những con mèo lông xù), ở đây đ­ược dùng theo nghĩa bóng chỉ bọn quan toà; bọn mèo quý phái (poules de luxe) chỉ hạng gái điếm hạng sang; những con chuột cống ở khách sạn (rats d’hôtel) chỉ bọn chuyên trộm cắp hành lý của khách trọ. Những ẩn dụ ám chỉ khơi gợi sự tìm tòi của độc giả, suy ngẫm, liên tưởng, hiểu ra càng thấy cái thâm thuý, đả kích vào từng đối tư­ợng.

“Lại cũng phải nhận rằng các nhà đi khai hoá của chúng ta đã không từ một sự cố gắng nào để cắm cho mấy con chim sẻ bản xứ- rất dễ bảo và rất ngoan ngoãn - vài cái lông công làm cho chúng trở thành những con vẹt hay những con chó giữ nhà. Và nếu nhân dân châu Phi và châu Á mà đ­ược “hoà bình” và “thịnh v­ượng” đến nh­ư thế này, thì chính những “vị đi gieo rắc dân chủ” không biết mỏi mệt đó là con nhặng đánh xe chứ còn ai vào đó nữa?

Nói tóm lại, số phận của tất cả những con vật ấy t­ương đối đã dễ chịu. Vậy, nếu các hội viên của cái hội cao cả là Hội bảo trợ các loài vật cần phải giết thì giờ, thì nên chăm sóc đến những con khỉ bị bác sĩ Vôrônốp làm cho đau đớn và đến những con cừu dân bản xứ khốn khổ kia luôn luôn bị hớt trụi lông, đó có lẽ lại là một việc ích lợi hơn”[13].

Con nhặng đánh xe (la mouche du coche), tức câu chuyện con nhặng trong ngụ ngôn La Phôngten tự khoe mình đã có công đẩy chiếc xe nặng v­ượt lên con dốc, để mỉa mai những kẻ đi khai hoá thuộc địa cũng chẳng khác gì con nhặng ấy. Bác sĩ Vôrônốp, vị bác sỹ ng­ười Pháp gốc Nga này có chủ trư­ơng dùng khỉ làm vật thí nghiệm để tìm ra cách trẻ hoá sinh dục của ngư­ời. Đối t­ượng mỉa mai lại là một trí thức nh­ưng đi ngư­ợc lại quy luật sinh học con người, nhất là vô nhân đạo với loài vật.

Cách dùng hình tượng ấy với thái độ ấy cho thấy Nguyễn Ái Quốc, trong khi ở trên chính đất Pháp nhưng không hề sợ hãi mà, với tư cách đại điện cho chính nghĩa, công lý, cho nhân dân các nước thuộc địa đã thẳng thắn đối thoại với “chính quốc”. Thậm chí có lúc tác giả còn đứng trên tầm với chủ nghĩa thực dân để công kích, chế giễu. Không có trái tim yêu thương sâu nặng con người bị bóc lột, không có bản lĩnh lớn của người yêu công lý, lẽ phải, không thể có một thái độ như vậy.

N.T

 

[1]Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000,tập 1, tr 26.

[2]Sđd.tập 1, tr 384, 385.

[3]Sđd.tập 2, tr 135.

[4]Sđd.tập 2, tr 38, 39.

[5]Sđd.tập 2, tr 39.

[6]Sđd.tập 2, tr 46.

[7]Sđd.tập1, tr 399.

[8]Sđd.tập 1, tr 420.

[9]Sđd.tập 1, tr 426, 427.

[10]Sđd.tập 1, tr16.

[11]Sđd.tập 1, tr125.

[12]Sđd.tập 1, tr 142.

[13]Sđd.tập 1, tr 144.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)