Màu của nỗi buồn

Thứ Bảy, 12/09/2020 00:46

(Đọc Thức cùng tưởng tượng của Nguyễn Thị Kim Nhung, Nxb Hội Nhà văn, 2019)

. ĐOÀN MINH TÂM

1. Chủ âm của thơ là gì? Theo tôi đó là nỗi buồn. Con người thường làm thơ khi tâm trạng có “vấn đề”. Đương nhiên khi vui, cao hứng cũng làm, nhưng số đó không nhiều và thơ thường không hay. Nỗi buồn trong thơ phong phú, đa dạng và phức tạp hơn cái vỏ ngôn ngữ chứa đựng nhiều lần. Nỗi buồn có thể mang chứa trong mình những đại tự sự như niềm u ẩn Niệm thiên địa chi du du/ Độc sảng nhiên nhi thế hạ (Nghĩ trời đất rộng lớn mênh mông/ Riêng mình ta đau lòng rơi lệ) của Trần Tử Ngang, nỗi ai oán về giấc mộng đế vương bất thành Lực bạt sơn hề khí cái thế/ Thời bất ngộ hề Chuy bất thệ (Sức bạt núi, khí trùm đời/ Thời thế không có lợi, ngựa Chuy không chạy) của Hạng Vũ… hay những tiểu tự sự bộn bề trăm mối của con người trong kiếp nhân sinh vô thường.

Buồn hiện hình trong thơ Huy Cận với nỗi sầu vạn cổ qua cành củi “lạc mấy dòng” và đôi mắt “thường đẫm lệ”. Buồn hóa thành cái bi thảm tội nghiệp của một con người bệnh trọng chỉ dám lặng nhìn trong mộng miệng em cười, cái phẫn uất đến mức sáng dậy điên cuồng mửa máu ra trong thơ Hàn Mặc Tử. Buồn trong thơ Nguyễn Bính là cái xa xót của anh khóa nghèo “đã hỏng khoa thi” cuối cùng chỉ biết giương mắt nhìn mọi thứ trượt khỏi tầm tay.

Dường như bấy nhiêu nhà thơ thì có bấy nhiêu nỗi buồn. Và tôi cũng bắt gặp nỗi buồn có màu sắc lạ trong tập thơ đầu tay Thức cùng tưởng tượng của nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Kim Nhung. Cái buồn trong thơ chị là nỗi hoang hoải, trải đều, triền miên như con nước trong đôi chục bài thơ.

Cái hoang hoải này xuất phát từ thái độ sống chần chừ, lần khân qua ngày tháng. Thuộc thế hệ “du mục cả niềm tin” (Viết sau giấc mơ) và đánh mất “bản sắc cá nhân”: Chúng mình như bầy ngựa/ đánh mất khu rừng trong một lần cuồng chân/ và cánh đồng may còn chút hình dung (Phố Gầm Cầu), nhân vật trữ tình trong thơ Kim Nhung mãi loay hoay trong những quẩn quanh cuộc đời, nhờ nhệch như một bức tranh vô sắc.

Tự ví mình là chú ngựa hoang muốn bứt phá, nổi loạn, khát khao vươn đến những chân trời mới Vó ngựa tung giấc mơ biên ải (Ngựa trắng) nhưng lại thiếu tự tin: Tôi là chú ngựa màu tro/ không tin mình màu trắng/ có đôi lần nghi ngại/ cuối tiếng thở dài gió tất tưởi đuổi trăng (Viết sau giấc mơ), bị ghim mình trong giới hạn năng lực của bản thân: Bạn bảo chúng mình tuổi ngựa/ Nông nổi nhiều và mãi phân ưu/ Nên chẳng có tương lai hoàn bị (Những ngày ở viết văn Nguyễn Du), của cái đơn điệu, cũ xưa: Tháng năm mải miết trôi về phía trước vẫn gặp lại chính mình (Đi tìm điều đã mất), tâm trạng nhân vật trữ tình cứ mãi giằng co giữa những thái cực trái ngược.

Sự đối lập này biểu hiện không chỉ trong hình tượng con ngựa như trích dẫn ở trên mà còn trong cấu trúc câu thơ. Nhiều câu thơ trong Thức cùng tưởng tượng chứa những từ, cụm từ mang ý nghĩa trái ngược, va đập nhau:

- Ngày tựa vào đêm thao thức

(Trung du)

- Mưa chiều xanh lại ban mai

(Gửi về xóm núi)

- Khu tập thể toàn người đơn lẻ

(Đêm thiếu phụ)

- Giữa phố chật lòng như

sông vắng

(Đêm thiếu phụ)

Không chỉ bó gọn trong một câu thơ, sự đối lập này còn xuất hiện trong những cặp câu thơ, tạo nên những tứ thơ đối nghịch:

- Năm tháng khoác trên mình chiếc

áo lãng quên

Choàng lên cổ chiếc khăn nỗi nhớ

(Người con gái thứ hai)

- Bóng một người mất ngủ

Ngồi canh giữ giấc mơ

(Gốm)

Cái hoang hoải ấy nhìn từ trục tâm trạng là tổng hòa của nỗi bi ai, mất mát: Bên hồ nước còn chùm hoa ngơ ngác/ Sao chị không về cùng em (Đêm suông), hoàn cảnh gia đình yếm thế: Căn nhà phên liếp/ mỗi mùa nghiêng một hướng (Có một ngày), nỗi thất vọng, cảm giác bất lực cùng cái mệt mỏi, chán nản về bản thân và cuộc đời: Ai cũng tìm dòng sông/ lúc đời mình đang khát/ nên thuyền tôi mắc cạn/ không đến được ngọn nguồn/ biết tìm đâu một rặng mưa tuôn (Nghĩ).

Cái hoang hoải ấy khiến nhân vật trữ tình mắc kẹt giữa làng quê - phố thị, giữa quá khứ - hiện tại. Kí ức gắn liền với tuổi thơ đầy ám ảnh nơi làng quê: Ấu thơ rộc rạc/ bữa cơm rau đắng em quay đi/ anh giẫm nát những trưa nắng đổ (Trung du). Hiện tại là những quãng ngày cô đơn giữa phố thị đông đúc: Giữa phố chật lòng như sông vắng (Đêm thiếu phụ).

Những chuyến trở về quê hương - những tưởng sẽ đem lại một chút mật ngọt - hóa ra cũng không gợi nên điều gì khác ngoài sự đơn điệu, tẻ nhạt: Con thoảng về như khách/ cũ xưa trở lại một lần (Nhà cũ). “Quay đi mắc núi, trở lại mắc sông”, cái thế “kẹt” của nhân vật trữ tình trong thơ Kim Nhung chính là cái thế kẹt của một thế hệ bị bỏ rơi trong hoàn cảnh hiện đại.

 

2. Ở thời điểm này, khi nói về sự bỏ rơi thơ ca, chúng ta hay nghĩ đến sự hờ hững, lạnh nhạt của phần lớn xã hội đối với thơ ca. Xã hội đã không mấy quan tâm đến thế hệ nhà thơ 7X- 9X sinh sau chiến tranh và cả thế hệ nhà thơ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ từng được vinh danh hết mức trong các giai đoạn trước đó. Bối cảnh thơ ca hiện tại vẫn như nội dung bốn câu thơ tôi đã đọc cách đây khá lâu, tiếc là không nhớ tên tác giả: Thơ bây giờ người viết đã nhiều hơn/ Đã lăn lộn giữa mọi bề cảm xúc/ Thơ bây giờ chao giữa hư và thực/ Thực vô cùng là người đọc ít hơn. Tuy nhiên đây chỉ là một vế của vấn đề.

Theo tôi, xã hội bỏ rơi thơ ca và thơ ca cũng bỏ rơi xã hội. Bàn về mối quan hệ xã hội - thơ ca trong phạm vi bài viết này e là không hợp, tôi sẽ trở lại với luận điểm trên trong một dịp khác. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến cái cảm giác bị/được bỏ rơi ấy đã tạo nên một hệ sinh quyển mới trong thơ ca đương đại, nhất là trong thơ của những cây bút trẻ như Kim Nhung. Trong thơ Nhung, cái tâm thức thu mình, trốn tránh xã hội hiển diện rất rõ.

Mọi không gian “ở ngoài kia” - không gian xã hội đều xa lạ, đầy những điều bất tường: Ở ngoài kia/ khoảng cách giữa hàng cây và bất trắc/ những mơ hồ dắt díu nhau qua (Ở ngoài kia). Hồ Gươm, biểu tượng của Hà thành hoa lệ chỉ ám gợi một nỗi buồn: Tháp Rùa lạnh hơn trăng/ Nước là nỗi buồn thuở trước (Cho những lặng im). Quán cà phê là nơi nhân vật trữ tình tự nhận mình lạc điệu với nhịp sống của xã hội: Tôi đã nghĩ nơi này không dành cho tôi/ ánh đèn tái xanh nhợt nhạt (Quán cà phê bên hồ). Lớp học là nơi vói lên chiều một vạt âu lo (Cuối năm).

Tâm thức ấy biểu thị qua thời gian. Thời gian trong thơ Nhung ngập tràn những cụm từ chỉ quãng thời gian cuối ngày như chạng vạng, chiều, bóng tối và nhiều nhất là đêm. Đêm chính là một dấu hiệu về cái cô đơn, sự trốn tránh xã hội của nhân vật trữ tình. Trong khoảnh khắc yên ắng ấy, nhân vật trữ tình mới tạm thoát khỏi cái ồn ã đời thường, sống thật với bản ngã của mình. Có cả một thế giới đêm trong thơ Nhung với đầy đủ những sắc màu, cung bậc.

Chỉ nội trong cách chỉ thời gian đêm đã có hàng loạt từ ngữ: đêm nay (Ngựa trắng), đêm muộn (Đêm thiếu phụ), đêm nào (Tháng chạp), bóng đêm (Đọc sách), đêm qua (Chứng nhân), đêm này (Thức cùng tưởng tượng), vào đêm (Gốm), đêm sâu (Ở ngoài kia), dải đêm (Có một ngày)...

Đêm được Nhung gắn với mùa: đêm mùa thu (Trung du), đêm đông (Còn lại)…; gắn với những sự vật hiện tượng, hành động: đêm trăng (Gửi về xóm núi), đêm trăng non (Thiếu phụ và ánh trăng), đêm mưa (Trung du), nước đêm (Đêm suông), dải mây đêm (Đêm), hát đêm (Khu vườn kí ức), đôi mắt đêm (Những ngày ở viết văn Nguyễn Du)...

Sau cùng đêm gắn liền với những thổn thức nỗi lòng của nhân vật trữ tình: đêm mặc khải (Có một ngày), đêm gượng ghẽ (Bình yên), đêm rất trắng - đêm không nói - đêm thao thức (Đêm), đêm vạch vẽ (Tuổi hai ba)… Bóng đêm đồng hành, đồng lõa, vừa là hóa thân vừa là tri âm, tri kỉ của nhân vật trữ tình. Chính trong bóng đêm ấy, hiện lên một khía cạnh rất khác trong thơ Kim Nhung: tình yêu.

 

3. Không hiểu sao mỗi lần đọc những câu thơ của Kim Nhung viết về tình yêu tôi lại nhớ tới Cổ Long. Hơn chục lần đọc trong những tâm thế, hoàn cảnh khác nhau - vui, buồn, chán nản, mệt mỏi, vội vã, thảnh thơi- đều vẫn thế. Nỗi nhớ da diết, quằn quại. Có lẽ tôi bị ám ảnh bởi Cổ Long (và cả Dostoevsky nữa). Hai ông đã tạo ra thứ văn chương ma mị, khiến người đọc sợ hãi thay vì cảm phục. Đó là thứ văn của trời, thần, quỷ chứ không phải của người. Văn của người chỉ khiến người ta thấy hay, thấy thích, thấy phục chứ không thấy sợ.

Dường như chỉ có Cổ Long với lối sống phóng túng, trác táng, sự điên loạn và tài năng văn chương thiên bẩm mới tạo ra nổi thứ tình lạnh đầy mê hoặc trong tiểu thuyết kiếm hiệp của mình theo một “tam giác tâm lí huyền ảo”: lí trí - đau thương - tôn thờ. Yêu đến tận cùng là lí trí; lí trí đến tận cùng là đau thương, oán hận; đau thương, oán hận đến tận cùng lại trở về với sự tôn thờ người đã gây cho mình bao sầu khổ. Tất cả cuốn nhân vật vào trong một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Một tình yêu đầy phi lí, mâu thuẫn nhưng có sức ám gợi mê hồn.

Thứ tình yêu ấy cũng thấp thoáng xuất hiện trong thơ Kim Nhung. Nhân vật trữ tình xưng em là một người con gái tỉnh táo, nhạy cảm trong tình yêu. Khi biết mình chỉ là người con gái thứ hai/ Anh nói thế trong một đêm mất ngủ (Người con gái thứ hai), cô gái đã hiểu rằng có người như những vì sao/ chỉ ngắm thôi không thể chạm vào (Tuổi hai ba) và tự nguyện rút lui, không níu kéo, tự hành hạ mình trong nỗi nhớ, niềm đau: Em gặp màu áo cưới ngày xưa/ từa tựa hình tan vỡ/ Sau cùng sẽ là nước mắt/ Nước mắt luôn là kẻ đến sau/ nhưng không lỗi hẹn bao giờ (Còn lại).

Những tưởng sau giọt nước mắt ấy, tình yêu của nhân vật trữ tình sẽ chuyển sang một trong những sắc thái của hận, của oán, của bi thương hay của cái ngạo nghễ “điểm phấn tô son lại” để chứng minh mình vẫn “sống tốt”, sống ổn. Nhưng không, sau tất cả là thứ tình yêu tôn thờ, đi ngược lại quy luật tâm lí của những người “bị ruồng bỏ”: Em sợ quên anh cuộc sống thôi ý nghĩa/ Anh là niềm tin (Người con gái thứ hai).

Một thứ tình yêu “vong ngã”, quỷ dị không thể tri nhận bằng lí tính thông thường mà chỉ có thể “thấu cảm” bằng sự “rồ dại” trong cảm xúc của những con người có trạng huống tâm lí không bình thường. Đây có lẽ là một trong những điểm nhấn thú vị nhất trong tập thơ này.

 

4. Một điểm khác cũng đáng chú ý trong Thức cùng tưởng tượng là khía cạnh ngôn ngữ, thi ảnh. Mặc dầu còn vài hình ảnh, câu chữ khá quen thuộc như “đàn chim một đời di trú” (Thu phố), “dấu tàng hoa cúc” (Giấc mơ người mẹ), “khuất nẻo trong nhau” (Tuổi hai ba)… nhưng nhìn chung Kim Nhung đã cho thấy những dụng công của mình trong ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ có yêu cầu nghệ thuật cao nhất.

Tôi thích cái cách chị dùng từ láy trong thi tập này. Những cụm từ có chứa từ láy như “dấu chân chơm chởm” (Nhìn nắng), “đông chớm xo ro” (Thu phố), “nực nụa hơi men” (Quán cà phê bên hồ), “vàng hoa xang xác” (Còn lại), “cái nhìn nhát nhúa” (Thiếu phụ và ánh trăng)… đã tạo ra những thi ảnh là lạ, đủ sức neo lại trong đầu bạn đọc - điều cốt yếu tạo nên sức sống bền lâu cho thơ ca. Tôi tin theo thời gian, Nhung sẽ gạt bỏ được những xưa cũ, tạo nên một trường ngôn ngữ thơ của riêng mình.

 

5. Khi đang tìm cái tứ để kết lại bài điểm sách nhỏ này thì bất chợt từ đâu đó vang lên một câu hát trong Kiếm ở bên ai - một trong những ca khúc “đi cùng năm tháng” của thể loại nhạc phim kiếm hiệp kì tình: Xuất kiếm phải mang theo sự ngạo nghễ trong lòng. Xuất kiếm ở đẳng cấp ấy thì thân thủ kiếm khách đã đạt đến tầm “độc cô cầu bại”, tiếng tăm đã “danh chấn giang hồ”, “vũ lộng cửu thiên” rồi. Mượn ý nhạc, tôi hi vọng và chúc cho Kim Nhung trong những sáng tác sau của mình có sự “ngạo nghễ” cần thiết. Một sự ngạo nghễ đánh dấu sự trưởng thành, chín chắn của một bản lĩnh thơ đủ sức đi đường dài trên con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Đ.M.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)