Lâu nay nhiều người vẫn luôn day dứt với câu hỏi, thơ có giá trị gì với đời sống hôm nay. Đó là một câu hỏi kinh điển mà không ít người viết loay hoay, tìm kiếm trong đời viết của mình cũng không trả lời được. Mấu chốt có lẽ nằm ở chỗ, chúng ta nên thay đổi cách đặt câu hỏi, để từ đó mở ra cho mình những tiếp cận giữa thơ và đời sống vốn tưởng như bất khả.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng. Ảnh: FBNV
Mùa biến động của Nguyễn Quang Hưng đã mở ra những chiều liên tưởng, đồng thời phóng chiếu thực tại này để ta có thể đi vào sâu hơn những gì đang diễn ra. Hay nói cách khác thì, Mùa biến động cho chúng ta sống lại một lần nữa những gì mà chúng ta đã trải qua trong thời biến động này một cách đầy đặn hơn bằng cách luôn truy vấn đến tận cùng cảm xúc của chính mình. Trong đời sống đầy biến động và bất trắc, con người phải giữ làm sao cho mình không biến động. Và thực tế thì đời sống này đang biến động hay chính con người đang biến động, sự biến động nào gây ra nguy cơ nhiều hơn? Bạn ơi không ở nơi nào xa lắc/ Thảm hoạ giấu sẵn trên tay người/ Bàn tay tôi làm điều gì đau lòng/ Sao tôi chưa chịu biết// Hãy nói thêm với nhau hàng ngày hàng giờ những câu chuyện/ Trong hoang mang này chúng ta nhận mặt hơn.
Tập thơ "Mùa biến động" của Nguyễn Quang Hưng.
Kể từ khi bước chân vào văn chương cho đến nay, Nguyễn Quang Hưng vẫn đang chứng minh cho bạn đọc thấy anh là một nhà thơ vạm vỡ trong sức viết và tinh nhạy trong lối viết. Mùa biến động như một sự củng cố chắc chắn hơn rằng Nguyễn Quang Hưng là nhà thơ có thể tiếp cận được mọi đề tài gai góc, khô cứng của đời sống. Chất thi sĩ trong anh sẽ sắp đặt, làm mềm và chuyển hoá những gai góc, những bê tông cốt thép của đời sống này thành nguồn thi liệu vô tận cho thơ ca. Tôi gọi quê quê sông đen đúa/ Tôi gọi phố lấp hồ nhà kính/ Tôi gọi chùa bê tông/ Tôi gọi đình đền quạt cho tôi bằng nhà chen lấn.
Mỗi câu chuyện, mỗi bức tranh, mỗi hiện diện mà Nguyễn Quang Hưng đề cập đến trong Mùa biến động là những gì sẽ diễn ra, đang diễn ra hay đã diễn ra, điều này đã không còn quan trọng, cho dù sẽ không ít bạn đọc quan tâm hoặc nghĩ đến điều đó khi đọc thi tập này. Tôi nghĩ đến một hiện diện khác mà anh đưa tới: Bi kịch đến khi tôi không chịu im lặng/ Tôi đòi được đến và ca hát/ Tôi có dám ngồi yên một chỗ/ Đến khi ai cũng tin tôi đã vắng lâu rồi?// Chỉ lẽ yêu thương nên ở lại/ Cho dù tôi phải trốn đi. Trong thời đại của chúng ta, trong Mùa biến động này, có những vắng mặt, có những im lặng lại làm nên sự hiện diện quý giá nhất.
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG
VNQD