Đấu tranh chống sự xuyên tạc Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc

Chủ Nhật, 16/08/2020 00:25

. NGUYỄN THANH TÚ

Sự xuyên tạc ác ý này nhằm mục đích tách rời hệ thống quan điểm tư tưởng của Hồ Chí Minh đã nhất quán ngay từ khi chàng trai Nguyễn Tất Thành xuống tàu tìm đường cứu nước. Đó là “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (Trả lời phỏng vấn tại Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp năm 1920) và “Ham muốn tột bậc của tôi là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (năm 1946). Sự xuyên tạc này làm mất lòng tin của một bộ phận cán bộ, nhân dân về Bác Hồ, người có công lao lớn nhất tìm ra con đường giải phóng cho cả dân tộc bị nô lệ. Đây là cách “bôi đen”, “hạ bệ” rất nhẫn tâm, thâm hiểm và hèn hạ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã trở thành thần tượng vĩ đại của cả dân tộc ta và nhân loại yêu hoà bình.

Trên thực tế sự quan tâm Nguyễn Ái Quốc có phải là Hồ Chí Minh được quan tâm không phải là mới, mà ngay từ năm 1946. Ngày 01-6-1946 trên chuyến bay sang thăm Pháp, tướng Raoul Salan tháp tùng Hồ Chủ tịch hỏi có ý tò mò về đời tư, mà trong ngoại giao, điều ấy là tối kỵ: “Trong bản Hiệp định ngày 6-3, Ngài ký tên là Hồ Chí Minh. Nhưng tên chính của Ngài có phải là Nguyễn Ái Quốc không?”. Người đáp: “Cũng trong bản Hiệp định đó, vị đại diện của Chính phủ ngài ký tên là Sainteny, nhưng tên thật của ông ta chẳng phải là Jean Roger đó sao?”[1]. Một câu đáp thật tuyệt vời của một trí tuệ nhạy bén, gần như khẳng định nhưng lại nói vòng sang chuyện tương tự để “chặn họng”, hàm ý nhắc nhở đối phương, đẩy họ vào thế bối rối, bị động: ngay đại diện chính phủ của ngài cũng vậy đó thôi!

Thời gian ở Pháp (cuối tháng 6/1946), một nhà báo nước ngoài hỏi: “Có phải Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc không?”. Với sự khiêm tốn Bác hóm hỉnh trả lời: “Ông cứ đến ông Nguyễn Ái Quốc mà hỏi”[2]. Tại sao lại nói “khiêm tốn”? Vì Nguyễn Ái Quốc đã là một người cộng sản nổi tiếng, ngay từ tháng 6/ 1919 đã có Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây và là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp…

1. Xét về ngoại hình chúng ta dễ thấy đôi mắt tinh anh, sáng ngời của Nguyễn Ái Quốc và sau này của Hồ Chí Minh là một. Cổ nhân nói “Thần tại lưỡng mục” (Thần thái ở đôi mắt). Ngạn ngữ nước ngoài nói: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Với Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, thì đúng là như vậy.

Thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc một vài anh em bảo vệ, được sống gần gũi và được quan sát trực tiếp Bác hỏi vì sao một bên tai (trái) của Bác có sẹo. Bác trả lời, một lần cùng các bạn câu cá ở ao gần nhà bà ngoại ở làng Trùa. Một bạn giật mạnh cần câu, lưỡi câu mắc vào tai Cung, máu ra nhiều. Cậu nén đau, bình tĩnh rút lưỡi câu, nhờ các bạn lấy “lá niệt” rửa sạch, rịt vào vết thương cầm máu. Vết thương về sau thành sẹo, để lại dấu ấn ở tai[3].

Ngay một chi tiết này cũng bác bỏ ác ý xuyên tạc Bác Hồ không phải là Nguyễn Sinh Cung!

2. Đối với Bác, trên đất nước mình, đâu cũng là quê hương, những ấn tượng ấu thơ sâu sắc thì Người không bao giờ quên. Có khoảng thời niên thiếu sống ở Huế, được đi chơi, đi thăm nhiều nơi, Bác rất yêu Huế. Sau này Bác thường hỏi cán bộ Thừa Thiên-Huế: “Ở Huế còn có các cô bán chè mặc áo dài trắng, giọng rao chè thánh thót với những gánh chè đầy, đủ loại, chén múc chè nhỏ xíu để trên cái trẹt, xây ba bốn tầng... không?”. Có lần Bác hỏi một cán bộ: “Chú ở gần làng Dương Nỗ không? Rồi Bác vòng tay làm dấu hiệu: “Cột đình làng Dương Nỗ to thế này này”[4]. Nhà thơ Tố Hữu từng kể về ấn tượng gặp Bác tháng 8 năm 1945, việc Bác quan tâm trước nhất là “dân sống như thế nào”. Khi nhà thơ báo cáo chính quyền cách mạng “phát động trồng rau màu khắp nơi” để chống đói thì Người hỏi ngay: “Khắp nơi là thế nào? Huế có nhiều vườn hoa cũng phá à?”[5]. Câu hỏi đột ngột ấy cho thấy trong hoàn cảnh vận nước cực kỳ gian nan mà Người vẫn quan tâm tới cái đẹp, rất mong muốn cái đẹp không bị chà đạp, tàn phá bởi một lý do nào.

Liệu có ai tin được Bác Hồ không phải là Nguyễn Sinh Cung thời niên thiếu từ những dẫn chứng này?

3. Bác Hồ rất thích dân ca, nhất là dân ca Nghệ Tĩnh và ca, hò Huế, vì đó là cái hồn của quê hương nơi Người sinh ra và Huế, nơi lưu dấu tuổi thơ Người. Một nghệ sỹ hát cho Bác nghe hát ví đò đưa:

Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục...

Bác chữa ngay: “Ở Nghệ An, người ta gọi là “nác” chứ không phải là “nước”.

Một nghệ sỹ hát: “À ờ ơ ...ru em em ngủ cho muồi...”. Bác chữa: “Ru tam tam théc cho muồi...”

Vì tiếng miền Trung, “tam” có nghĩa là “em”; “théc” có nghĩa là “ngủ”.

Nghệ sỹ hát tiếp: Mua cau chợ Sải, mua trầu chợ Dinh”. Bác cười: “Mua cau Cam Phổ chớ không phải chợ Sải”[6].

Đây chính là bài học về giữ gìn, bảo tồn nguyên trạng di sản văn hoá. Cách Bác dùng ngôn ngữ là bài học tuân theo nguyên tắc căn bản của folklore học: nó như thế nào thì giữ nguyên dạng như thế!

Bôn ba cả tuổi trẻ, đi hầu khắp năm châu bốn biển vì dân vì nước mà không hề quên một điệu hát lời ru, đó là một trí nhớ siêu việt, nhưng cái chính là một tấm lòng sâu nặng với quê hương nguồn cội. Thật cảm động và sâu xa ý nghĩa biết bao, trước khi từ giã nhân dân, đất nước, Bác muốn nghe một khúc dân ca xứ Nghệ, một câu hò Huế, để nhớ về nơi mình sinh ra, nơi tuổi thơ của mình đã sống, nơi người mẹ thân yêu của mình qua đời. Bài học từ Bác là bài học của một tình yêu, bài học hiểu sâu, nắm vững ngôn ngữ, văn hoá dân tộc mình, quê hương mình. Còn là bài học về giữ gìn, bảo tồn lời ăn, tiếng nói, rộng hơn là văn hoá dân tộc.

Mỗi khi Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Đồng nghe các nghệ sỹ xứ Nghệ hát ví đò đưa, khi đến chỗ có thổ âm, Bác ra hiệu ngừng lại rồi quay sang dịch cho bác Phạm Văn Đồng nghe[7].

Thử hỏi một người Trung Quốc có thuộc và hiểu đơn giản một bài dân ca Nghệ Tĩnh, chưa nói tới hiểu sâu, hiểu kỹ như Bác như thế không? Hai bản nhạc dành cho sáo trúc dân tộc của tác giả Ngọc Phan lúc đầu có tên Lý hoài Nam Bác đổi lại là Nhớ về Nam; bản Du xuân được Bác đổi lại là Đi chơi xuân thuần Việt, dễ hiểu, giản dị lại nói đúng được cái thần thái của cả bài. Không phải là người có tâm hồn nghệ sỹ Việt ở trong máu không thể gọi tên một cách chính xác và biểu cảm như vậy.

4. Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, hàm súc diễn đạt trọn một ý, một nhận xét thiên về đúc kết kinh nghiệm, tri thức. Thành ngữ là đoạn câu, cụm từ có sẵn, tương đối cố định dùng để thể hiện một quan niệm nào đó, là sản phẩm của cách nói ví von phổ biến trong nhân dân. Thành ngữ tục ngữ được tích luỹ lâu đời nên đã góp phần tạo ra một đặc điểm ở tiếng Việt là giàu hình ảnh. Là một hiện tượng văn học đặc biệt trong việc kế thừa, phát triển vốn văn hoá đặc sắc của dân tộc nên việc Hồ Chí Minh hay dùng thành ngữ, tục ngữ như là sự tất nhiên vậy. Thống kê trong Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập) cho thấy Người dùng tục ngữ 52 lần, thành ngữ 285 lần[8]. Trong đó Bác Hồ dùng thành ngữ, tục ngữ vào mục đích trào phúng là 232 lần[9]. Con số chỉ nói lên một phần nhưng cái chính là phẩm chất của các dẫn ngữ này rất đa dạng, phong phú, nhiều hình vẻ, giàu sắc thái được sử dụng hết sức linh hoạt. Có những câu văn có nòng cốt là tục ngữ, thành ngữ: “Xã hội mới không phải là cứ “nhiều tiền thì mua tiên cũng được”, mà phải làm, phải học, nếu không sẽ vào tình trạng “làm thầy cũng dở, làm thợ cũng rầy”[10]. Nói về dân, nói với dân nên dùng lời ăn tiếng nói của dân cho thấy Bác thấu hiểu những hy sinh mất mát của dân, thấu cảm tấm lòng kiên trung một lòng theo Đảng của dân. Câu văn của Người mang tính truyền cảm cao, thấm thía ân nghĩa, sâu nặng chân tình: “Trong một năm trường, đồng bào kháng chiến, người thì tan nhà nát cửa, người thì hy sinh tính mạng, người thì bị tù, bị đày. Nhưng lòng yêu nước của đồng bào vẫn trơ như đá vững như đồng. Đối với gan vàng dạ sắt của đồng bào toàn thể quốc dân không bao giờ quên, Tổ quốc không bao giờ quên...”[11].

Bác sử dụng thành ngữ rất “đắc địa”, rất đúng lúc, đúng chỗ, phù hợp một cách cao nhất với chủ đề: “Cán bộ phải lấy quần chúng làm tiêu chuẩn hành động, nếu không sẽ “cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”[12].

Bác dùng thành ngữ, tục ngữ luôn đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Có khi trong một đoạn văn ngắn Người dùng nhiều thành ngữ tạo cho lời văn giàu sắc thái trữ tình, thấm thía, cảm động: “Tôi luôn luôn nhớ đến những ngày công tác ở tỉnh ta. Cùng mấy đồng chí trong tỉnh, trèo đèo lặn suối, ở núi nằm hang, khi thì cùng năm, bảy anh chị em, bí mật tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức. Khi thì cùng các anh em du kích đánh Nhật, chống Pháp, trừ Việt gian. Anh em no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, một lòng một chí. Do đó mà đào tạo nên những cán bộ quân sự và chính trị”[13].

Bác là tác giả sáng tạo ra những thành ngữ mới: “Lãnh đạo phải thực hiện công tác kiểm tra giám sát, nếu không cán bộ “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị" mà công việc vẫn không chạy”[14].

5. Trong Vừa đi đường vừa kể chuyện , tác giả T.Lan thuật lại: “Trong những ngày đi đường, Bác dạy chúng tôi học những đoạn Kim Vân KiềuChinh phụ ngâm, hoặc kể chuyện đời xưa, chuyện tiếu lâm. Vừa đi vừa ngâm nga nói cười như vậy cho mọi người khuây khoả, đi đường xa nhưng quên mệt mỏi”[15].

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi kể: “Trong câu chuyện vui với các đại biểu, Bác có dẫn mấy câu Kiều, hình như là Đến bây giờ, mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai. Một đại biểu nói: “Bác xa nước lâu thế vẫn nhớ Kiều!”. Bác vui vẻ trả lời: “Càng xa mới càng nhớ chứ!”[16].

Trong màn đoàn viên, Kim Trọng nghe Thuý Kiều đánh đàn: “Chàng rằng: Phổ ấy tay nào/ X­ưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?/ Tẻ vui bởi tại lòng này/ Hay là khổ tận đến ngày cam lai?” (câu 3207… 3210). Tiếng đàn Kiều khác x­ưa vì cuộc đời Kiều khác trư­ớc, lời nhận xét của Kim Trọng về tiếng đàn đ­ược nâng lên thành một nhận định phổ quát về cuộc đời, đầy niềm tin, ấm áp, ân tình. Bác Hồ lại m­ượn ngay chính lời chàng Kim để tập trong một bài thơ chan chứa tình đời, trĩu nặng nghĩa ân:

Cảm ơn bà biếu gói cam,

Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?

Tháng 1 năm 1946[17]

Bài thơ Bác làm vào tháng 1 năm 1946 khi Cách mạng tháng Tám vừa thành công, n­ước cộng hoà non trẻ của chúng ta vừa ra đời, hẳn nhiên còn phải vượt qua biết bao ghềnh thác. Thế mà bài thơ đã mang một không khí lạc quan, dĩ nhiên cả đất n­ước còn “khổ tận” nhiều nh­ưng “đến ngày cam lai” là tất yếu. Tình ng­ười, niềm tin vào hạnh phúc trong bài thơ của Bác còn toát ra từ lối tập Kiều ý vị, ai cũng biết câu Kiều ấy là ở màn đoàn viên sum họp, Bác chỉ thay hai chữ Hay là của Kim Trọng bằng hai chữ Phải chăng còn nhiều dự cảm. Đúng thế, vì khi ấy cả đất n­ước ta đang ngổn ngang trăm mối mải lo đối phó với thù trong giặc ngoài!

Là ng­ười giàu tình thư­ơng yêu nên không ngẫu nhiên Bác rất thích tập hoặc lẩy câu Kiều: “M­ười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình” (Những là rày ­ước mai ao/ M­ười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình) ở màn “đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy”. Điều này phần nào chứng minh tấm lòng ấm tình yêu th­ương con ng­ười, niềm hy vọng về con ng­ười luôn được đoàn tụ hạnh phúc, sum vầy ở Bác Hồ.

Bác Hồ là một nhà phê bình văn học, có những nhận xét tinh tế, sắc sảo. Qua nhận xét về Truyện Kiều phần nào cho thấy quan niệm của Bác về một tác phẩm hay: “Thể thơ Việt Nam, được dân ta ưa thích, phải kể có lục bát. Chú hãy xem, không người nào không nhớ một câu Kiều. Chú có rõ Kiều hay như thế nào không?... Chính vì, không ai đọc là không thấy tình cảm của mình ít nhiều trong đó, do đó, truyện Kiều hấp dẫn người đọc”[18]. Đây là một chi tiết đắt, rất tiếc, trong các giáo trình đại học, các sách lý luận khi chứng minh cho một tác phẩm hay vừa mang tầm phổ quát nhân sinh vừa đi sâu vào tâm hồn mỗi con người, chưa thấy đâu viện dẫn câu nói này.

Chưa nói tới người nước ngoài, so sánh với chính người Việt Nam thôi, đã mấy ai hiểu Kiều sâu sắc, thấm thía như Bác? Nói Bác Hồ là người Việt Nam nhất, là từ những căn cứ này!

N.T.T


[1]. Nhiều tác giả - Hồ Chí Minh nhà văn hóa của tương lai. Nxb Thanh Niên, 2009. tr 124.

[2] Ban Tuyên giáo Trung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 67.

[3]. Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb Văn hóa dân tộc, 2000, tr 48.

[4]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh. Nxb Nghệ Tĩnh, 1990. tr 194.

[5] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 1, tr 14.

[6] Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh - Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 1, tr 360,361.

[7]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990.tr 139.

[8] Nguyễn Thanh Tú (2012). Hồ Chí Minh và những mạch nguồn ngôn ngữ văn hoá. Nxb Quân đội, tr 43.

[9] Nguyễn Thanh Tú (2011). Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 329.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, 15 tập. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tập 4, tr 456.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, 15 tập. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tập 4, tr 470.

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, 15 tập. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tập 5, tr 288.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, 15 tập. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tập 5, tr 238.

[14] Hồ Chí Minh toàn tập, 15 tập. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tập 5, tr 637.

[15] Hồ Chí Minh - Truyện và ký. Nxb Văn học, 1985, tr 272.

[16]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011.tr 309.

[17] Hồ Chí Minh toàn tập, 15 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tập 4, tr 195.

[18]. Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội Văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 189.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)