Delete - một dấu chỉ của phi lí phận người

Thứ Tư, 29/07/2020 00:03

(Qua tiểu thuyết Cô độc của Uông Triều, Nxb Hội Nhà văn, 2019)

. LÊ THỊ HƯỜNG

Delete là một trong những cái nhìn hậu hiện đại. Trong Cô độc của Uông Triều, delete ẩn dụ những chủ đề hiện sinh: sự xa lạ, lưu đày và cái chết. Toàn bộ tác phẩm là một thế giới hoang đường, nhòe lẫn thực hư, khó phân biệt. Nhà văn dẫn dụ người đọc vào một mê cung ảo giác. Ở đó mọi thứ đều bị xóa bỏ, kể cả con người. Như một “sự kì lạ của thế giới” (Sartre) - cuộc sống chung quanh B/Ba, với B/Ba phi lí đến rồ dại, đáng sợ.

Cảm thức phi lí được thể hiện sâu sắc qua kiểu nhân vật chấn thương. B/Ba cô độc, một mình một cõi và tuyến bên kia là những khuôn hình đồng dạng (Mạo, Ngụy…). Những con người như bóng ảo, những nghịch dị phi lí, những bóng ma quá khứ bước ra đối mặt người đang sống với mọi sắc thái sân, si, hỉ, nộ, ái, ố…

Thế giới của các loài động vật (bướm, sóc, nhện, kiến, gián, chuột, lũ mọt…) cũng cứ giăng ra, phình ra, tự do hơn và lấn át con người. Đàn bướm khổng lồ sặc sỡ bay lượn ám ảnh. Con sóc đực hiện hữu một cách lì lợm, khó giải thích. Mỗi lần xuất hiện nó lại làm B thấu nhận sự cô độc đến thừa mứa của mình. Anh giết con sóc vì “nó tự do tự tại hơn hẳn anh”, cũng như có lúc B muốn giết người vì chán mứa.

Một sự dư thừa lặp đi lặp lại trong tri nhận của B về thế giới chung quanh. Cuối cùng tất cả ảo thực cuộc đời đều được nhà văn bấm nút delete. Xóa. Thiêu. Tự hủy. Delete trở thành thao tác chủ đạo trong tiểu thuyết. Từ chiến lược trần thuật của nhà văn, delete ẩn dụ cho phi lí phận người.

Mạch truyện có nhiều vùng mờ. Một số nhân vật đột ngột bị xóa trong mạch kể, bị đánh vắng trong một khoảng thời gian vô định, hoặc tồn tại dưới dạng bóng âm. Cầm bị delete ngay từ đầu văn bản, những gì khẳng định sự có mặt của cô (trong cuộc đời B/Ba) là những trang bản thảo kì lạ (cũng biến mất một cách kì lạ 20 năm), là những cánh bướm hoang dã, chiếc váy đen thấp thoáng nhắc nhớ, truy tìm.

Quyển sách bí mật của người thầy giáo đã biến mất một cách bí ẩn, mơ hồ. Ngay sự hiện hữu của B/Ba cũng tồn tại những vùng “bí mật” đối với chính anh ta. Anh có những vùng trắng trong một quá khứ đầy ám ảnh và chính “những khoảng trắng đó luôn làm Ba lo lắng”. Ba dự phần vào cuộc sống nhưng anh xa lạ, luôn phấp phỏng bất an về cuộc sống. Kể cả khi miệt mài với những trang bản thảo - niềm khoái thú của anh - cảm giác cô độc giữa chìm nổi các khuôn mặt người/nhân vật vẫn bám riết anh.

B cô độc với niềm khoái cảm riêng, luôn muốn “một mình tưởng thưởng niềm khoái lạc vô biên”. Chung quanh anh chỉ là “những cái bóng mờ nhạt… những khuôn mặt trống rỗng và vô cảm”. B có tất cả, gia đình, tài sản, tiền, tình và những quyển sách… chỉ có điều anh chối bỏ. Thiêu hủy, xóa, đốt chính là niềm thống khoái của anh. Kể cả những have sex chớp nhoáng cũng chỉ mang khoái cảm trút bỏ.

Trong những bóng đàn bà mà B đã xếp vào một góc kín, duy nhất Cầm là nỗi ám ảnh làm nên định mệnh đời anh. Trên hành trình truy tìm bản thể, Cầm như tia sáng nhỏ nhoi, mờ ảo nhưng rọi tỏ miền bản năng vô thức trong B. Cầm là ẩn ức tính dục, đồng thời cũng là ẩn ức sáng tạo. Cầm-váy-đen và những cánh bướm hoang dã là dấu tích của một tính dục thánh thiện vĩnh viễn bị xóa bỏ, khiến bao nhiêu lần anh trút hết mình trong những cuộc bạo dâm với cảm giác chơi vơi, chênh vênh lẫn niềm thống khoái.

Cầm và những trang bản thảo cũng là dấu tích của miền thánh thiện trong suốt của B với “mơ ước tuổi ấu thơ trở thành một nhà văn” trước khi anh trở thành ích kỉ, tàn nhẫn, dửng dưng. Ám ảnh, mặc cảm tuổi thơ khiến B sợ hãi cái viết. Nhưng niềm đam mê chữ khiến anh tìm đến nghề biên tập để cô đơn trên chữ, cô độc trên những phận người.

B/Ba cô độc bởi anh chưa hề sống, anh chỉ hiện tồn trong một thân xác rã rời, trống rỗng, chỉ có niềm thống khoái hủy diệt. Hai niềm khoái thú chính của B/Ba là “hủy diệt” người tình trong những cơn khoái lạc và đốt bản thảo. Những cuồng khoái phi nhân phản ánh sự lệch lạc, tổn thương không thể chữa lành của một tâm hồn nhạy cảm.

Cái cách nhà văn viết về thiên nhiên sinh thái thật ấn tượng. Thác và núi là hai thực thể dự phần quan trọng trong chuỗi đời cô độc của B. Dòng thác cuốn với những âm thanh hoang dã của núi rừng. Núi là một phần thể xác, tâm hồn B. Núi luôn hiện diện trong những khoảnh khắc B tìm lại thời gian quá vãng. Cô độc núi. Hòa nhập núi. Núi gợi miền kí ức yên bình làm B quên hiện tại bất an, đầy ám ảnh, thậm chí còn tạo cho B những khoái cảm.

Thiên nhiên trong quá khứ đối lập với bối cảnh hiện tại. Hiện hữu quanh B là không gian đô thị - xã hội có tính chất cầm tù, hủy diệt với căn phòng biên tập u ám, nhà kho, hành lang tối om như đường đến địa ngục, những mê cung nhuốm mùi nghĩa trang. Một thứ hiện hữu bóp nghẹt, cầm tù con người cả trong hơi thở lẫn suy nghĩ. Một sự đối lập gợi lên những suy nghĩ về mối quan hệ của con người trong mối quan hệ ứng xử với thiên nhiên và xã hội.

Theo Sartre, để tránh tình trạng ngụy tín con người phải thoát khỏi một cách lựa chọn duy nhất, bởi “con người có nhiều lựa chọn, kể cả tự sát”. Không thỏa hiệp với tha nhân, đa phần nhân vật của Uông Triều lựa chọn cái chết. Người biên tập viên tiền nhiệm tự sát vì trầm cảm khi làm việc dưới những uy lực vô hình.

Người thầy giáo chủ nhiệm treo cổ trong nhà với lời trăng trối duy nhất: “Tôi sở hữu một quyển sách lớn và mọi cố gắng chiếm đoạt của các người đều thất bại”. Mạo chết bởi những viên thuốc ngủ trong tâm lí ngụy tín về chỗ đứng danh vọng của mình. Ngụy tự cắt tai của mình trong cơn kịch phát đam mê quyền lực, để rồi sống cuộc đời tàn tạ với mảnh tai “ướp lạnh, để trong tủ đá,… chẳng để làm gì cả”, chỉ để “lưu giữ thân thể mình” như một vật chứng đóng dấu một thời kì hiện hữu.

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết đậm chất phi lí. Ông giám đốc đời trước và người bảo vệ đời sau, hao hao bóng hình. Ông gác cổng nhà xuất bản, loay hoay đào đường xuống địa ngục với những nhát cuốc nảy lửa giữa bóng đêm. Những bóng đàn bà váy đen lẩn quẩn, bóng dáng những đứa con được kết tụ chóng vánh sau những cuộc tình… tất cả nhòe lẫn vào nhau trong tâm trí B. Không ai tồn tại trước mặt B. Kể cả B hay Ba.

“Thấy mình không có” là quan niệm cốt lõi của triết học hiện sinh J. P. Sartre. B luôn hình dung về sự biến mất của mình, về tình trạng mình đang chết - “Anh đang chết. Sao thế? Nói đúng ra là tâm hồn anh đang chết, anh chán thế giới này. Tại sao? Chẳng tại sao cả”. B hay Ba đều mờ nhòe. Nhân vật loay hoay tìm chính mình.

B luôn có cảm giác bị truy bức và cũng tự truy bức mình. Tôi là ai, tôi làm gì, tôi ở đâu. “Anh là ruồi, nhện hay là mạng nhện?”. Những câu hỏi về hiện hữu đời người day dứt, làm đau con người kiêu hãnh trong anh. Để khi đối mặt với mình, nhìn thấu bản ngã (qua cuốn sách của Mạo) từng li ti nếp nhăn nội tâm khiến B hoảng loạn, chối bỏ, tự delete mình. B đốt ảnh của mình, đốt bản thảo đã phản ánh đúng con người anh ở những phần ẩn khuất tối tăm.

Hành trình truy bức nội tâm đầy dằn vặt như một lời tự thú. Tôi “lập dị hay ích kỉ hoặc cả hai”, tôi khốn khổ, kẻ cô độc, tôi tàn nhẫn, kẻ vong thân… Đi tìm và trả lời câu hỏi về bản thể, về phi lí phận người, B lựa chọn con đường phản bội (vì chống lại những thế lực bảo thủ). “Anh không muốn bước xa khỏi thế giới của mình cũng không muốn bước chân vào thế giới của người khác”. Không bán linh hồn cho những bóng ma quá khứ đang tồn tại đầy quyền uy ở hiện tại; mắc nợ những phận người đa đoan trong vô số bản thảo bị anh đốt bỏ vì “tởm lợm”, vì “nhạt nhẽo”, B chọn cái chết, trong lò sưởi, nơi chính anh đã từng đốt không biết bao nhiêu bản thảo, mỗi bản thảo nhân bội biết bao phận người.

Cô độc là một hướng thể nghiệm khác đầy trăn trở của Uông Triều - một trong những nhà văn luôn có ý thức loại bỏ lối viết nhợt nhạt, thiếu “dấu vân tay”. Cảm thức chủ đạo của tác phẩm là những suy tư về sự hiện tồn - con người phải làm gì để tránh ngụy tín, chống lại sự phi lí đang tồn tại trong chính mình và tha nhân; để thức nhận sâu sắc về nhân vị.

Chọn một hệ thống nhân vật chấn thương, với những biểu tượng phi lí, qua thao tác chủ là delete, nhà văn gây ấn tượng sâu sắc về sự hiện tồn và ý nghĩa nhân sinh - là những vấn đề đã được đề cập và luôn lan tỏa trong văn học toàn cầu. Từ góc nhìn liên văn bản, cuốn tiểu thuyết gợi liên tưởng tới những vóc dáng tỏa bóng toàn nhân loại.

Những phi lí vô nhân của Kafka, kẻ xa lạ của Camus, dấu vết nhân vị của Sartre, một thoáng Van Gogh với kiểu nhân vật hoảng loạn, tâm thần phân liệt, tự chấn thương, kể cả những ẩn dụ lặp lại một cách nghệ thuật kiểu Marquez. Song ở đôi chỗ, đôi đoạn, dấu vết của kĩ thuật lộ, có dấu hiệu của sự khiên cưỡng. Tuy nhiên những điều này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tiểu thuyết.

L.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)