. NGUYỄN THANH TÚ
Người Việt có thành ngữ “Gậy ông đập lưng ông”, xét ở phương diện chính trị thì Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là một trong những người vận dụng thành công nhất ý nghĩa thành ngữ này vào sự nghiệp cách mạng.
Trong Thư trả lời ông H. (Thượng Huyền) ngày 9-4-1925 (Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia 2002, 12 tập, tập 2, tr.156-165. Các dẫn chứng trong bài đều lấy từ bộ sách này) Nguyễn Ái Quốc mượn truyện ngụ ngôn Hội đồng chuột để châm biếm mỉa mai thói xấu của người An Nam. Sau khi tóm tắt truyện này, tác giả đưa ra lời bình luận đắt giá như sau:
"Phải, không một con chuột nào của La Phôngten nói trong thơ ngụ ngôn dám buộc chuông lên cổ mèo; tuy vậy chúng đều căm ghét kẻ thù của chúng và đồng tình sẽ treo cổ nó lên. Những con chuột ấy thật là hơn hẳn "những con chuột An Nam" không biết căm thù "những con mèo Pháp", vì những con chuột này không biết đoàn kết lại để bàn việc tiêu diệt những con mèo kia, chúng sợ rằng trong hàng ngũ chuột của chúng sẽ có con đi báo với mèo Pháp.
Những người tự hào là dòng giống Rồng Tiên lại không bằng chuột! Thật là hổ thẹn, có phải không thưa ông!" (Tập 2, tr.164). Lời bình hướng tới hai sự phê phán đích đáng: tinh thần bạc nhược, đớn hèn và sự phản bội xấu xa. Toát lên một chân lý phổ quát: người An Nam phải biết đoàn kết lại thì mới sửa chữa được những thói xấu ấy.
Và đến Truyện ngụ ngôn được Người viết tại Quảng Châu năm 1925 (Tập 2, tr.444) thì tinh thần phê phán còn cao hơn và ý nghĩa rõ ràng hơn cho đối tượng là "dân An Nam". Truyện có lời mở đầu mang tính mời gọi, hấp dẫn:
"Hãy nghe câu chuyện ngụ ngôn này. Tất cả các bạn, hãy im lặng và lắng nghe!
Loài vật đang tranh nhau công trạng…".
Có thể tóm tắt truyện thế này, con rồng tự hào là thủy tổ của người An Nam có nhiều bậc anh hùng cứu nước. Con tôm "phản biện" lại, nói tôm sướng hơn người An Nam vì thân nó cong là do ý trời còn người An Nam lưng còng là chịu sưu cao thuế nặng. Con cừu đồng tình nói, người An Nam giống loài thỏ, cừu bị cắt lông một năm một lần nhưng người An Nam bị Pháp bóc lột tứ thời. Rắn nói người Pháp "khẩu Phật tâm xà" mà người An Nam lại rước họ vào nước mình. Voi buồn cho người An Nam "rước voi về giày mả tổ". Lươn chê người An Nam dễ để cho đồng tiền cám dỗ. Chuột mỉa mai người An Nam không nghĩ gì đến đất nước. Gà trống khinh người An Nam vì tiền mà bội bạc. Cá chép sung sướng bởi mình sẽ có ngày hóa rồng mà buồn thay cho dân An Nam suốt đời nô lệ mà không dám vùng lên… Kết lại câu chuyện là lời bình luận của người kể: "Ôi, những người An Nam, các anh phải luôn nhớ rằng đoàn kết làm nên sức mạnh".
Dễ thấy một sự học tập hình thức truyện Lục súc tranh công trong ngụ ngôn dân gian để châm biếm sự ươn hèn, yếu đuối, bạc nhược cam chịu nô lệ nhục nhã của "dân An Nam". Câu chuyện không chỉ đáng đọc ở cái thời đất nước ta đắm chìm trong nô lệ mà cũng rất đáng đọc ở cái thời nay, đọc để tự ý thức về tinh thần vươn lên, về cởi bỏ những tâm lý xấu, tính cách xấu… Hôm nay người ta nói nhiều đến phản biện, phản biện xã hội, coi phản biện như là một hình thức tư duy mới mẻ, tiến bộ. Thực ra phản biện, phản biện xã hội luôn là một thuộc tính tư duy của con người, càng có tinh thần khoa học, dân chủ, càng có khát vọng đổi thay xã hội, làm mới, làm tốt cho con người thì càng giàu ý thức phản biện. Không phải ai cũng có ý thức phản biện và năng lực phản biện, phải là người có trách nhiệm sâu sắc với xã hội, có tình yêu con người, có năng lực phát hiện vấn đề… mới có thể phản biện được. Trên tinh thần ấy tôi thấy Bác Hồ là một người luôn có tinh thần phản biện mà hôm nay chúng ta rất nên học tập về mọi phương diện, ý thức, cách thức, đề tài, nội dung.
Loại truyện Lục súc tranh công không chỉ có trong truyện ngụ ngôn dân gian Việt Nam mà có cả ngụ ngôn Trung Quốc. Ở ngụ ngôn dân gian Pháp cũng có mô típ các con vật tranh công như gà trống tranh công với ngựa. Gà trống khoe nhờ mình mà loài người biết giờ giấc để dậy đi làm nên người Pháp lấy gà trống làm biểu tượng còn ngựa lừa chỉ là đầy tớ phục vụ...Ngựa lừa “vặc” lại chê gà trống chỉ biết “gáy” chẳng sự tích gì còn mình giúp người đủ mọi việc...Rõ ràng Nguyễn Ái Quốc mượn Lục súc tranh công còn hướng cả vào đối tượng người Pháp hoặc nói tiếng Pháp.
Năm 1929, Bác Hồ từ châu Âu về nước Xiêm phát triển tổ chức Việt kiều gây dựng cơ sở cách mạng, một hôm trên đường đi công tác Bác kể cho đồng chí của mình câu chuyện ngụ ngôn Pháp Trẻ con không nên nghe trộm. Chuyện rằng: "Có hai em bé vào chơi trong rừng. Mải mê nghe chim kêu, xem bướm lượn cùng những thú rừng kỳ lạ khác, trời sập tối lúc nào không hay. Hai em đang lo lắng thì gặp một ông cụ tiều phu. Cụ đưa hai em về nhà cho ăn và ngủ. Đến đêm, cụ ông bàn với cụ bà làm thịt gà để ngày mai thết hai em bé. Cụ ông nói: "Thịt con lớn hay con bé?". Cụ bà bảo: "Nói khẽ chứ! Nói to, chúng nghe, chúng chạy mất…". Lúc này hai em vẫn còn thức, nghe thấy thế, đinh ninh là các cụ bàn cách thịt mình, nên lo sốt vó…"(Nhiều tác giả - Bác Hồ kính yêu - Nhà xuất bản Kim Đồng, 1970, tr.31). Tưởng đó chỉ là câu chuyện vui nhưng đấy lại là một bài học chính trị về nhận định con người để gây dựng cơ sở cách mạng, mà như lời bình luận của Bác, có những người "có thái độ bề ngoài tuy thô lỗ như cục sắt nhưng bên trong lại là một tấm lòng vàng". Theo chúng tôi, những câu chuyện ngụ ngôn mà Bác kể như chuyện trên sinh động và thuyết phục hơn nhiều những bài học lý thuyết chay về mối quan hệ giữa hiện tượng và bản chất, giữa hình thức và nội dung… trong việc nhận xét cá nhân, xây dựng tổ chức cách mạng.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, với nhãn quan chiến lược Bác Hồ ủng hộ Đồng Minh, ngày 24-11-1940 trên Cứu vong nhật báo (Trung Quốc) Người viết bài Chú ếch và con bò (Tập 3, tr.177) dưới bút danh Bình Sơn. Bằng giọng hài hước tác giả tóm tắt lại câu chuyện ngụ ngôn nước Pháp, ở phần bình luận tên độc tài người ý Mútxôlini được ví như chàng ếch tội nghiệp kia, vì không biết lượng sức mình mà đem quân đánh Hy Lạp, nào ngờ bị "mảnh giáp không còn", chú ếch Mútxôlini đã "ô hô toi mạng". Câu chuyện phỏng ngụ ngôn, hài hước, vui nhưng quan điểm chính trị thì rất rõ ràng: đứng về phe Đồng Minh, mỉa mai phê phán phe Trục.
Nửa đầu năm 1944 thực dân Pháp tiến hành khủng bố, lùng sục gắt gao, cách mạng có nơi sa vào thoái trào, không tránh được tình trạng có một bộ phận cán bộ, nhân dân hoang mang. Bác Hồ giải thích tình hình bằng một ngụ ngôn dân gian Pháp mà có lẽ không một lý luận nào hay hơn có thể thay thế: "Hiện nay lính Pháp đông thì có đông, súng nhiều thì có nhiều, nhưng so với lực lượng quần chúng của ta thì có thấm vào đâu. Nó chỉ là con trâu già mà Đội Việt Nam tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân của chúng ta là con voi non. Con voi non tuy hiện giờ còn yếu, nhưng mỗi ngày một lớn lên và khỏe ra, nó sẽ giơ vòi quật chết con trâu già"(Nhiều tác giả - Bác Hồ kính yêu - Nhà xuất bản Kim Đồng, 1970, tr 60).
Bác Hồ đã coi truyện ngụ ngôn như là một thứ vũ khí cách mạng, để phê phán, tố cáo kẻ thù, để cảnh tỉnh, thức tỉnh người nô lệ, kêu gọi dân ta đoàn kết, để giải thích tình hình… Chúng tôi tìm thấy một chi tiết trong Trả lời ông Vaxiđép Rao, thông tín viên hãng Roitơ, Người mượn câu chuyện ngụ ngôn để vạch trần một cách đích đáng luận điệu xảo trá của thực dân Pháp khi chúng gây hấn trở lại hòng cướp nước ta lần nữa.
"Hỏi:… Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về lời tố cáo của những người Pháp nói rằng Việt Nam đã gây ra cuộc xung đột hiện nay?
Trả lời:… Nước Việt Nam không có lợi gì gây chiến tranh để làm cho nhân dân thiệt hại và chịu bao nhiêu tang tóc. Ông hãy nhớ lại bài ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên Con chó sói và con cừu" (Trả lời vào tháng 5-1947. Tập 5, tr.134).
Truyện Con chó sói và con cừu kể một chú sói làm đục dòng suối, con cừu ra suối uống nước liền bị sói mắng là đã làm bẩn nước, cừu cãi lại, nói chính sói mới là kẻ gây ra. Chó sói liền đòi ăn thịt cừu. Ngụ ý của câu chuyện thật dễ hiểu: liệu cái lý của kẻ mạnh mà độc ác (như sói) bao giờ cũng đúng? Không phải. Kẻ mạnh mà độc ác luôn đi ngược lại chân lý thông thường. Chỉ cần mượn một câu chuyện ngụ ngôn mà nói được bản chất của vấn đề: Pháp như con sói kia, là kẻ đi xâm lược, gây ra chiến tranh mà còn vu cho người Việt "gây ra cuộc xung đột…". Đúng là không thể nói những gì, diễn đạt những gì chính xác hơn, hay hơn cách mượn ngụ ngôn này. Lã Phụng Tiên, tức La Phôngten (La Fontaine) nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới, người Pháp, tác giả của Con chó sói và con cừu. Cũng thật là thâm thúy khi Bác Hồ lấy chính một tác phẩm yêu thích của người Pháp nói chung để hài hước mỉa mai những người Pháp xấu - những kẻ thực dân.
Ngoài một thiên tài về tầm nhìn chiến lược, về nhận định thế cuộc, phải khẳng định Bác Hồ là một nhà văn, nhà ngôn ngữ kiệt xuất trong việc dùng ngôn ngữ, hình tượng văn học để diễn đạt một cách chính xác, tinh tế nhất tình hình chính trị mà những câu chuyện trên phần nào chứng minh.
N.T.T
VNQD