Nữ nhà văn Nhật Bản Yuko Tsushima từng chia sẻ rằng, đối với bà, một trong những giấc mơ vẫn thường lặp lại trong giấc ngủ của mình là hình dáng người cha - nhà văn Dazai Osamu - người đã tự tử khi bà chỉ vừa một tuổi. Cũng có lẽ vì thế trong hầu hết các tác phẩm của mình, bà luôn ẩn chứa các nhân vật bị che khuất bởi cái chết của một người trong gia đình họ. Đó có thể là những trải nghiệm được tạo ra từ câu chuyện vô cùng cá nhân, một kiểu autofiction khi những sắp xếp tiểu thuyết được xây dựng bằng những trải nghiệm thật của bản thân tác giả.
Nếu ta thấy rõ điều này với Yuko Tsushima ở tiểu thuyết Lãnh địa ánh sáng; thì cũng tương tự thế, với Rex Ogle - cây bút trẻ đoạt giải Yalsa - Ala 2020 cho tiểu thuyết dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên xuất sắc nhất, thì Bữa trưa miễn phí (Free lunch) đã xây nên câu chuyện với bệ đỡ là những gì anh đã trải qua: về quá trình trưởng thành, những mối quan hệ gia đình, về cấu trúc xã hội nước Mỹ và hơn hết, là cuộc sống của những gia đình khó khăn đang sống cuộc sống dưới ngưỡng trung bình. Họ yếu đuối và đầy mong manh.
Bữa trưa miễn phí là câu chuyện thật về những gì Rex đã trải qua suốt thời thơ ấu của mình. Anh sống với mẹ và cha dượng trong một gia đình hầu như thiếu thốn đầy đủ mọi thứ. Anh ngủ trong một căn phòng trống không, không có cả giường và bọn gián luôn là chướng ngại lớn nhất; anh ăn những bữa McDonald’s được trả bằng phiếu giảm giá khi mẹ phản ánh chất lượng phục vụ bằng lời dối trá; anh ăn bữa trưa ở trường bằng chương trình Bữa ăn miễn phí của người theo Công giáo - một vết nhơ có thể nói ở lứa tuổi anh khi mọi đứa bạn xung quanh đều giàu có và ở những khu nhà đẹp. Hơn thế, trước cảnh thiếu thốn của mình, ở trường anh chẳng có bạn, giáo viên thì đầy định kiến; về nhà là những cuộc cãi vã giữa mẹ và bố dượng. Cuộc sống của anh xoay vòng trong mớ bòng bong đó, và cũng song song trong dòng thời gian ấy, là quá trình trưởng thành, lớn lên và đối mặt với chính thực tại mình đang gặp phải.
Với cuốn tiểu thuyết đầu tay này, bằng cách dẫn nhập vô cùng khéo léo, Rex Ogle dẫn dắt người đọc đi vào hành trình trưởng thành của bản thân mình. Từ những cảm xúc tuyệt vọng, cự tuyệt, phản kháng cho đến dần dần hiểu ra, chấp nhận và cảm thông. Câu chuyện của Rex một mặt vô cùng phổ biến, là câu chuyện mà mỗi chúng ta ai cũng từng rơi vào, hoặc nhìn thấy đang xảy ra ở đâu đó; nhưng mặt khác, đó cũng là cách mổ xẻ dưới góc nhìn của người trong cuộc cho những ai chưa từng, hoặc sẽ rơi vào, hoặc thật may mắn, sẽ không bao giờ rơi vào.
Ở đó anh cho thấy góc nhìn của một cậu bé lớp 6 mới lớn nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình. Đầu tiên là những cự tuyệt. Đó có thể là trận cãi vã giữa anh và mẹ, là những cú đánh của bố dượng hay mẹ giáng xuống đầu anh, là những đòi hỏi vô cùng cơ bản nhưng chưa bao giờ được ưng thuận bởi những ích kỷ khi cuộc sống đã quá khốn đốn. Từ nỗi cự tuyệt ấy, dâng dần lên là sự phản kháng trong con người của độ tuổi đang lớn. Anh cãi lại mẹ và làm những thứ theo ý mình, càng bị ngược đãi, càng bị trừng phạt dường như anh lại càng hiểu ra tình trạng của mình. Ở một chi tiết, khi Brad cho anh xem cách con trăn tiêu hóa chú thỏ mù, ở một khoảnh khắc nào đó, đó dường như cũng là hình tượng của anh với chính cái nghèo. Anh mù lòa với tương lai phía trước, trong khi những đổ vỡ gia đình hay nghèo đói vẫn đang nhe nanh múa vuốt như con trăn ấy quấn quanh thân cây chờ chực con mồi.
Nhưng sự phản kháng còn lớn hơn nữa khi dần trở thành những lời độc địa. Ở cuốn sách The Discomfort of Evening - một trong những ứng viên nặng kí cho giải Booker International năm nay, nữ tác giả Marieke Lucas Rijneveld (cũng trùng hợp thay là cuốn tiểu thuyết đầu tay) đồng thời cho thấy cách trẻ con phản kháng thông qua lối bạo hành động vật. Chúng nhìn nhận cách bố mẹ mình đối xử với nhau, cách họ đối xử với chúng; và cũng thông qua đấy, bản tính nội tâm hình thành. Và nếu đó là mối quan hệ độc hại như trường hợp của Rex, thì cách anh bộc lộ ra những ước mong rất khó chấp nhận dường như là điều dễ hiểu. Mong muốn mẹ anh biến mất mà thay vào đó là một người khác hay việc cầu Chúa làm thêm một trận Đại hồng thủy để tất cả biến thành sơ khai đôi lần lướt nhanh qua anh như cách phản kháng cho những cự tuyệt đã quá mệt mỏi. Rex Ogle một cách thẳng thắn thể hiện những chi tiết này vô cùng táo bạo, lạnh tanh nhưng đầy ám ảnh.
Nhưng rồi cũng đến lúc chính những đứa trẻ ấy tự biết chấp nhận và trở nên cảm thông. Từ sâu trong những phản kháng tưởng như không có điểm dừng ấy, cuối cùng anh cũng nhận ra cách lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn với mẹ mình. Hình ảnh anh ôm và an ủi mẹ trong cơn rối loạn của những nguy nan, hay tình cảm thấu hiểu anh dành cho cha dượng, cho đứa em trai ở phía sau cuối; tất cả trở thành một bản hòa khúc nóng ấm trong lòng hiện thực lạnh tanh. Đến cuối tiểu thuyết, khi anh chú ý tên người phụ nữ phụ trách sổ sách vẫn thường ngày mang đến nỗi hổ thẹn cho mình, chỉ khi đó người đọc ngợ ra một điều, đôi khi chỉ cần lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn - đó chính xác là cách thế giới vận hành, là bó than củi mà mỗi gia đình luôn muốn thắp lên trong ngôi nhà mình.
Cuộc sống túng khó, nghèo khổ của người nhập cư dần dần hiện ra thông qua hình ảnh của bố mẹ Rex. Họ là những người nhu nhược, mệt mỏi vì những gánh nặng trên vai. Họ chán chường, nóng nảy, mắc chính những cơn sang chấn tâm lý để rồi cuối cùng đánh mất khả năng yêu thương, biến họ từ một người đáng nhẽ chở che trở nên thù địch với con cái họ. Mẹ anh và Sam là những con người không việc làm, họ nợ tín dụng, phải cầm cố vật dụng trong nhà. Họ sống cuộc đời thường ngày bằng trò gian giảo vô cùng tinh vi: báo cáo phàn nàn sai trái, sử dụng thẻ giảm giá nhân đôi hay xin vào khu chung cư cho người không còn khả năng lao động. Ở chính những chi tiết này, phần “người” trong họ dường như mục ruỗng, nó bị ăn sống bởi cái nghèo, cái đói, bởi gánh nặng trên vai. Và cũng chính những khó khăn ấy, nó khiến họ bỏ mặt con cái, xa rời chúng như trong chi tiết khi xém chút thì Rex và Ford cũng đã hút khí máy lạnh để rồi bất tỉnh theo trò đùa tưởng như vô hại của Brad-Benny khi cha mẹ chúng bỏ đi đâu đó không thấy ngày về. Bức tranh cuộc sống của những người nhập cư (và ở đây cụ thể là Mexico) vô cùng ảm đạm, từ đó họ đánh mất đi tình cảm thiêng liêng nhất vốn có trong con người mình.
Mở rộng ra thêm, Bữa trưa miễn phí còn là cách các mối quan hệ trong các gia đình được thể hiện rõ hơn. Nếu đa số những mối quan hệ trong cuốn sách này được Rex đặc tả trong trạng thái đối nghịch, thì cũng đâu đó, vẫn có những gia đình giữ được không khí êm ấm. Nếu mẹ Rex luôn cảm thấy sự thương hại đến từ bà ngoại Abuela để rồi nổi khùng, coi đó như cách bị tước đi tình cảm yêu thương thì nội bộ gia đình của Ethan tuy giàu và có đủ thứ nhưng tất cả dường như không thật, họ chỉ như đang diễn vai diễn của mình trên sân khấu cuộc đời: từ những bức ảnh cười nhe răng đến sự săn sóc giả tạo của người mẹ kế, từ vẻ ngoài cứng nhắc của người cha đến trận cãi vã khi đi nghỉ đông… Đó dường như là mặt trái cách các gia đình vẫn luôn che giấu, và với Bữa trưa miễn phí, Rex Ogle lần giở chúng như phân tách lớp da, giúp ta nhìn thẳng vào thực chất cấu trúc của những gia đình vẫn hàng ngày tề tựu quanh nhau trong một xã hội hiện đại không có một phút ngơi nghỉ.
Trong suốt quá trình trưởng thành của mình, Rex lớn lên cùng những trận đòn vô cớ từ mẹ hay cha dượng anh, nhưng dường như chưa bao giờ xuất hiện một nhân vật dang tay che chở dưới một góc độ những nhân viên xã hội. Hay trong chi tiết siêu thị, khi anh và mẹ cãi nhau về danh sách những thứ đồ dùng học tập, cuối cùng bạo lực cũng đã xảy ra thì những người phụ nữ giàu sang vẫn đứng đó trơ trơ không phản ứng gì. Một xã hội đầy vô cảm, dửng dưng và sợ can lụy là cách mà Rex khắc họa trong cuốn sách này. Một xã hội khi phần “con” đã chiếm ưu thế vượt quá phần “người”. Một xã hội đang dần chết mòn, không bởi cơn lũ mà Chúa giáng xuống mà bởi chính cách con người đối xử với nhau.
Khép lại câu chuyện, có thể nói Bữa trưa miễn phí là cuốn tiểu thuyết quen thuộc và gần gũi, nhưng đôi khi cũng tàn bạo và lạnh lẽo đến gai người. Đó là một bữa ăn đầy đủ khẩu vị, đưa cảm xúc từ cảm thông, khó chịu đến bất bình, đồng cảm. Cách viết của anh trong cuốn sách này không quá sáng tạo, nhưng bằng cảm nhận và lối diễn đạt tinh tế, Rex Ogle đã khơi mở một trong những mặt trái nơi sự thật vẫn luôn che giấu. Nhưng rồi, mọi thứ khép lại với một hy vọng. Dường như đó cũng là cách anh muốn lan truyền đến người đọc trẻ, rằng dù cho có thế nào đi nữa, gia đình vẫn luôn là nơi ta muốn tìm về - một chốn ấm áp với tình yêu, con người, hy vọng; với những sẻ chia, ngọt ngào, yêu thương. Và quan trọng nhất, chỉ cần lắng nghe, mọi thứ sẽ đến và tốt đẹp hơn.
NGÔ MINH
VNQD