Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Mẻ chữ đầu, từ Trại viết Phú Yên

Thứ Năm, 21/05/2020 15:42

Có mặt tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt từ chiều mồng 8, đến hôm nay (19/5/2020) vừa tròn 12 ngày, các trại viên trại viết Phú Yên đã tạm đóng lại những trang bản thảo trên máy tính của mình. 12 ngày với một chuyến đi thực tế các danh lam thắng cảnh và một buổi giao lưu cùng cán bộ chiến sĩ tỉnh đội Phú Yên, còn lại là thời gian dành cho những ý tưởng, tâm huyết, cảm xúc trên trang viết mà trước đó, vì những lo toan bận bịu thường nhật và nhiều lí do khác chưa thể trải ra. 21 nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình đến Tuy Hòa, Phú Yên từ các miền đất khác nhau trong thời gian ở tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt đã tạo ra nhiều tác phẩm văn học đa dạng về đề tài và phong cách.

Về văn xuôi

Xuất phát từ chủ trương của Ban tổ chức mời trại viên tham gia trại viết mở rộng từ truyện ngắn, bút kí, tản văn, kí ức lính đến văn học dịch, vì thế, các tác phẩm văn xuôi cũng đa dạng hơn về thể loại. Mảng đề tài các tác giả tập trung khai thác nhiều nhất vẫn là chiến tranh và người lính. Viết trực diện thông qua các kí ức ngồn ngộn được nén sau bao năm, bút kí Vào thành phố của nhà văn Thái Chí Thanh là những câu chuyện hết sức hóm hỉnh, sinh động của những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn năm 1975, từ “say” giường lò xo bởi nó bồng bềnh như sóng biển, đến định bắt cá cảnh trong bể để thịt vì không biết, xem diễn xiếc phi dao cứ tưởng thật… Với nhà văn Nguyễn Trọng Luân, Tuy Hòa lần này với anh vừa là một cuộc đi mà cũng là một cuộc về. Cuộc đi của hiện tại với những đổi thay của vùng đất sau mấy mươi năm đang phát triển và cuộc về của kí ức một thời đánh trận… Quá khứ, hiện tại, hôm qua, hôm nay đan cài tái hiện trong những lời tâm sự với đồng đội đã hy sinh và với chính mình trên những trang bút kí Trở lại Tuy Hòa: Tôi đi tìm xóm nhà và một vườn cây đêm 1/4/1975 tôi đã mắc võng ngủ ngoài vườn. Dù biết là vô vọng nhưng tôi cứ đi tìm. Đi tìm trong một buổi sáng Tuy Hòa có màu nắng hệt như 45 năm trước. Chỉ đi tìm, thế thôi, là con người tôi thấy mình hạnh phúc biết bao…

Viết về đề tài chiến tranh và cuộc sống hậu chiến của những người lính còn có các truyện ngắn Con tàu đi về miền gió bấc, Ruộng lầy của nhà văn Nguyễn Trọng Luân, Sức ép AK, Xóm vui ngày nắng, Điều không có trong phim của nhà văn Trung Sỹ, Ai xuôi về của Nguyễn Minh Cường…

Có lẽ, cái bí bức của Hà Nội và những ngày cách li Covid như cái van nén chặt những ý tưởng, cảm xúc của nhà văn - họa sĩ Đỗ Phấn để rồi cái khoáng đạt, mênh mang của Khu du lịch sinh thái Sao Việt và biển Phú Yên đã làm bật tung cái van ấy. Chỉ trong chưa đầy 12 ngày tại trại viết, anh đã cho ra đời ba truyện ngắn về đề tài xã hội gồm Kẻ vận đen, Vệt nắng trong vườn, Tin nhắn. Nếu như Vệt nắng trong vườn là sự mơ hồ về thân phận, cuộc đời nhân vật tạo một cảm giác mông lung về bi kịch (và có thể là hạnh phúc) của kiếp người để mỗi độc giả tự luận giải, tự tìm ra đáp án thì Kẻ vận đen lại là những câu chuyện rõ ràng, rành mạch được nhẩn nha, tí tách kể từ góc nhìn một người bạn kéo dài từ thời chiến tranh cho đến những năm tháng khó khăn của bao cấp tới bây giờ.

Với Nguyễn Anh Vũ, Biên niên phố 198x là sự trở lại với văn chương, truyện ngắn đầy ngoạn mục của anh sau khi đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn VNQĐ năm 2008 - 2009. Những câu chuyện phố được hiện ra dưới góc nhìn của một cậu bé 10 tuổi tạo nên cảm giác khách quan, vô tư, tưởng như trong trẻo, hồn nhiên nhưng lại đầy chất chứa. Tưởng chỉ là một biên niên tuổi thơ nhưng nó đúng thực là một truyện ngắn. Một truyện ngắn ngồn ngộn chi tiết được tác giả sắp xếp hết sức khéo léo với cái kết: Buổi sớm những năm 198x là một màu xám bạc. Phố đầy gió. Nó nhìn những lưng người lầm lũi đạp xe chở những câu chuyện phố. Nào đã hiểu được chuyện gì đâu…

Cũng viết về đề tài xã hội, Phương Trà mang đến trại ba truyện ngắn được viết bởi cảm hứng chung là sự vị tha: vị tha trong tình yêu ở truyện ngắn Đợi, vị tha trước những lọc lừa, thủ đoạn trong Sự tha thứ cuối cùng và vị tha trong con bão dịch Covid đang diễn ra. Vẫn với giọng văn đằm đẵm ẩn trong đó là chút man mác trong cảm nhận thiên nhiên, trong đôi khi niềm vui, đôi khi nỗi buồn người phụ nữ của một vùng làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Nhà văn Vũ Thanh Lịch - người đoạt giải Nhất cuộc thi Lửa Mới do Tạp chí VNQĐ tổ chức vừa kết thúc tháng 1/2020 góp với trại viết 2 truyện ngắn Lá úa rơi ngoài cửaQuanh tán cây thị già. Hương Văn, nữ sĩ của đất võ Bình Định là Kẻ thừa kế khai thác những khối mâu thuẫn trớ trêu trong gia đình ở một làng quê. Bùi Thanh Thùy, một sinh viên năm cuối của Khoa sáng tác, Đại học Văn hóa, trại viên trẻ nhất trại, là Cánh buồm màu trắng - một câu chuyện về tình yêu chớm nở, tình cảm anh em ruột thịt ở một làng chài ven biển mà xuyên suốt là những mảnh ký ức tuổi thơ, những mất mát trong đời. Dịch giả Trần Ngọc Hồ Trường là hai truyện dịch của Pháp và Ireland Tấm da lừaTrụ cột gia đình.

Sau bề bộn những trang viết truyện ngắn, bút kí là những quãng nghỉ. Ở quãng nghỉ ấy, cảnh sắc thanh bình, sự ấm áp, dịu dàng nhưng cũng hết sức nhiệt thành của đất và người Phú Yên, đặc biệt là Khu du lịch sinh thái Sao Việt đã khiến không ít nhà văn thổn thức. Đã có những cảm xúc về Sao Việt, về nắng gió Tuy Hòa tràn trên trang viết qua những tản văn Tìm nơi vắng vẻ, Nơi bình minh tỏa hương, Cư dân bé nhỏ của nhà văn Vũ Thanh Lịch, Đỗ Phấn và Trung Sĩ, rồi Ăn chậm, Mắm ngon của Uông Triều.

 

Về Thơ

Đất và người Phú Yên đã tạo dấu ấn đặt biệt với thi ca hiện đại. Bạn đọc cả nước từng biết đến những thi phẩm viết về Phú Yên vang danh trên thi đàn Việt của các nhà thơ Tản Đà, Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Trần Vũ Mai… Phú Yên còn được biết đến là tỉnh có Ngày Thơ được tổ chức sớm nhất cả nước. Nói thế để thấy rằng, thi ca đã góp phần kiến tạo nên nét đẹp văn hóa tinh thần của người xứ “Nẫu” và xứ “Nẫu” cũng đã tạo nên niềm cảm hứng không nhỏ cho các nhà thơ tham gia trại viết lần này.

Chùm sáng tác của nhà thơ Nguyễn Trọng Luân là những lắng cảm sâu đậm của một người lính từng sống và chiến đấu, từng trực tiếp tham gia giải phóng Tuy Hòa trong những ngày tháng tư lịch sử. Hay nói cách khác, Nguyễn Trọng Luân đã mở ra miền kí ức thanh xuân của chính tác giả với bạn đọc, mà ở đó những hi sinh mất mát của cuộc chiến đã vang lên như một nỗi đau đầy - ám: Anh nhớ Chóp Chài đêm ấy sư đoàn gửi nhiều trai tân, mà ở đó còn nồng đượm dáng hình một người con gái để thương để nhớ: Nhà em còn đó không? - Dưới chân Nhạn tháp/ Đêm ấy rất xa em lội ruộng dẫn đường/ Đêm tối quá chỉ biết em là út/ Sao trời hôn nòng súng ướt sương.

Từ cuộc gặp gỡ với Anh hùng, thuyền trưởng Tàu không số Hồ Đắc Thạnh, cùng chuyến thực tế với ông đến Vũng Rô, nhà thơ trẻ Trương Bách Mỵ đã viết bài thơ Ơi, Tuy Hòa - một bài thơ mà ý thơ đã khơi lên một dòng chảy song song, trong trẻo giữa hiện tại và quá khứ của người lính nơi người đứng đây ngày đã chồng lên thế kỉ nhưng niềm xưa vẫn như vạn thanh xuân thổi mát dịu Tuy Hòa:

Những chiến sĩ về qua hành lang vắng

Phượng cuối xuân đổ bóng mát mùa hè

Ve bóc những thanh âm sần sùi vào gành đá

Tháng năm xanh gửi lại Vũng Rô

Người đứng nghe những cung đường nước chảy

Rễ phong ba lần bám vịnh che xanh

Tiếng của đá nâng mùa trên lá rụng

Tiếng xa xưa tha thiết gọi bãi bờ

Đến với trại viết lần này, nhà thơ Nguyễn Minh Cường và Nguyễn Giúp cũng đã kịp thời hoàn thiện 2 trường ca để gửi Ban tổ chức. Đây là những trường ca được các tác giả ấp ủ và khởi viết trước khi tham gia trại sáng tác. Nhưng những ngày ở Đồi Thơm, Sao Việt đã giúp hai tác giả hoàn thành thi phẩm của mình. Đó là trường ca Đời tôi biên giới (viết về đề tài chiến tranh biên giới phía Bắc) của Nguyễn Minh Cường và Sóng Thu Bồn (viết về đề tài quê hương) của nhà thơ Nguyễn Giúp.

Không chỉ có trường ca, những bài thơ viết về Phú Yên của Nguyễn Giúp cũng thể hiện sự tinh tế trong cảm xúc, trong ngôn ngữ của người thơ đất Quảng khi viết về Đồi Thơm: Đồi Thơm/ vàng tươi hoa dại/ hắt vào lồng ngực những nắng/ quanh đây chim réo sóng/ ngàn khơi cánh bay.

Với Đặng Thiên Sơn, những ngày ở Phú Yên vừa đủ để cho anh có những tiếc nuối khi sắp phải rời xa: Mai về phố bước trên đường cơm áo/ Còn vương hương xứ núi hoa vàng/ Bao hạnh ngộ… nếu một lần được chọn/ Sẽ quay về cầu sắt tới La Hai. Và còn đó những câu thơ đầy chất ngẫm ngợi của Lý Hữu Lương về cảnh và người nơi “đất phú trời yên”: Trời Tuy Hòa hằn nếp lằn ngăn ngắt/ Ai còn thấy không chân người mở đất/ Trên sóng Ô Loan đằm đẵm chinh ca/ Lưng đá nở những đóa buồn truyền thuyết. Thơ Lê Hào có cái tình sâu nặng với miền đất quê hương nơi anh sinh ra và lớn lên. Cái tình ấy trong anh luôn đi từ nhỏ tới lớn, từ tương lai mà nghĩ ngược về quá khứ: Đường bê tông quanh co chạy về Vân Hòa/ màn sương bao la/ mà ngỡ như điệp trùng lịch sử/ đồi núi lên cao xuống thấp/ cỏ xanh từ ngàn xưa xanh về…

 

Phê bình

Trong thời gian tại trại, các trại viên của Ban Lí luận phê bình đã hoàn thành 6 bài viết, bao quát nhiều vấn đề của đời sống lí luận phê bình văn học trong nước. Với Nhớ Nguyễn Mỹ Về Tuy An nhớ Liên Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Trang đã cung cấp nhiều tư liệu về cuộc đời, kiến giải những tác phẩm của hai nhà thơ - chiến sĩ tài hoa của mảnh đất Phú Yên là Nguyễn Mỹ và Liên Nam. Cũng liên quan đến mảnh đất và con người miền Trung nắng gió mà ấm áp nghĩa tình, trong bài viết Chế Lan Viên và “Điêu tàn” - đền đài tỏa bóng, TS Nguyễn Thanh Tâm nhìn nhận và đặt ra nhiều vấn đề mới về cuộc đời và thi nghiệp của nhà thơ Chế Lan Viên nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Ở một bài viết khác Viết xanh - khủng hoảng sinh thái và trách nhiệm của văn học, anh đã đề cập đến trách nhiệm của văn chương đối với môi trường sống toàn cầu, đưa ra một cái nhìn căn bản về văn học sinh thái, từ đó xem xét đến nhận thức, thái độ và trách nhiệm của văn học, nhà văn mà rộng hơn là con người đối với sinh thái xung quanh. Thông qua việc phân tích giấc mơ trong tiểu thuyết của những tác giả tiêu biểu như Nguyễn Xuân Khánh, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương…, bài viết Một giấc mơ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại của TS Nguyễn Thị Ái Thoa đã nhận diện, chỉ ra những đặc trưng nghệ thuật của giấc mơ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại như có tính chất điềm báo, là cánh cửa mở ra thế giới nội tâm, vô thức sâu thẳm của nhân vật… từ đó làm rõ quá trình đổi mới thi pháp tiểu thuyết của các nhà văn đương đại. Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa với bài viết Tự sự và tự truyện đã trình bày mối quan hệ giữa việc sáng tạo văn chương với đời thực, đời tư của tác giả và hành trình “giải mật” mối quan hệ đó của phê bình văn học. Việc một tác phẩm tự sự có yếu tố tự truyện là câu chuyện không cần ngờ vực. Vấn đề là làm sao phơi tách được điều này trong quá trình nghiên cứu, phê bình vì theo quy luật im lặng chỗ này thì lên tiếng chỗ kia, bao nhiêu bí mật đời tư đều được nhà văn cài đặt ở chế độ đóng trong tác phẩm. Việc của nhà phê bình là ở chỗ đó, chứ không phải là đơn giản đi so chiếu nhân vật với những thứ thuộc về bề nổi của tảng băng trôi tác giả.

Về, nhưng vẫn là ở lại. Với gần 30 truyện ngắn, 2 trường ca, trên 20 bài thơ và 6 bài phê bình, những tác phẩm đã nộp về Ban tổ chức chỉ là một quãng ngắn. Phía trước mọi người là những quãng dài mà điểm tựa là ý tưởng, cảm xúc được mang về từ những ngày ở trại viết này. Không phải hi vọng mà là chắc chắn, thời gian tới sẽ có những tác phẩm hay hơn nữa, ấn tượng hơn nữa tiếp tục được viết và gửi về ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, tòa soạn của Tạp chí VNQĐ được lấy cảm hứng từ trại viết Phú Yên 2020 này.

BAN TỔ CHỨC

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)