Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân - điểm nhấn mới của Hà Nội

Thứ Bảy, 22/02/2020 20:24

Sau thành công bước đầu của Dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, Hà Nội, nhằm mang lại không gian văn hoá giải trí mới cho cộng đồng, Dự án nghệ thuật công cộng trên khu vực phường Phúc Tân ven sông Hồng (thuộc Dự án cải tạo bức tường bảo vệ hành lang bờ vở sông Hồng, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) có thể coi là một nỗ lực tiếp theo của chính quyền địa bàn và nhóm nghệ sĩ tình nguyện. Dự án lần này lấy cảm hứng từ chính địa thế hết sức đặc trưng, là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hoá lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kì, từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với kí ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây.

Một đặc điểm cũng hết sức đặc trưng của khu vực này là tuy có vị trí ven sông Hồng lịch sử nhưng bãi Phúc Tân nói riêng cũng như những khu vực chạy dọc ven sông nói chung lại chưa được ứng xử như mặt tiền thành phố như nhiều nước văn minh trên thế giới. Khu vực ven sông từ cách tiếp cận của lịch sử vẫn bị coi là mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác và nhiều thứ phế thải ra đó. Từ bối cảnh văn hoá này, nhóm nghệ sĩ do Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển nghệ thuật đã lên ý tưởng và triển khai thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương. Dự án phần lớn sử dụng những đồ rác tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phi, vành lốp bánh xe máy, ống bô xả… cũng như các đồ rác thải từ chính khu vực này và những khu xử lí đồ tái chế khác trong thành phố làm nguyên liệu chính để tái tạo ra các tác phẩm sắp đặt tương tác ngữ cảnh của dòng sông Hồng cũng như của lịch sử văn hoá phong phú vùng đất Thăng Long - Kẻ Chợ.

Trên những bức tường còn sót lại trải dài gần 200 mét là 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật của 16 nghệ sĩ.

Tác phẩm “Phản chiếu song hành” (7m x 1,5m) của nghệ sĩ Cấn Văn Ân như một con thuyền chống lũ của người dân vùng lũ sông Hồng, trên đó gắn 5000 mảnh gương để phản chiếu hình ảnh chính cây cầu Long Biên. Ánh sáng lấp lánh phản chiếu trên những tấm gương tạo thành những lớp sóng của dòng sông, một hình ảnh phân mảnh trừu tượng tương tác với người xem.

Tác phẩm “Xẩm tàu điện” (7m x 2m) của tác giả Phạm Khắc Quang là một cách tương tác với lịch sử Hà Nội xưa bằng nghệ thuật hát xẩm tàu điện - loại hình nghệ thuật giờ trở thành một di sản văn hoá phi vật thể đã bị đánh mất của Hà Nội. Các mẩu thép vụn và thép tấm được cắt CNC sau đó xếp lại thành những điểm ảnh, tạo nên hình ảnh hai toa tàu điện - một hình ảnh quen thuộc trong kí ức của Hà Nội, trên đó xen lẫn phảng phất hình bóng của những nghệ nhân hát xẩm cùng với hình bóng của phố phường Hà Nội xưa. Phía sau những tấm thép được trổ thưa thành điểm ảnh là những tấm kính màu được tạo ra từ túi nilon bỏ đi. Tác phẩm đặt ra vấn đề đưa rác tái chế vào kết hợp với ánh sáng để đối thoại với những di sản văn hoá đã bị đánh mất của cộng đồng, kích gợi những thông điệp và những suy tư thẩm mĩ cho khán giả.

Tác phẩm “Voi”, “Sống xanh” (7m x 1.7m) của Goerge Burchett - hoạ sĩ người Úc sinh ra tại Hà Nội - sử dụng hình ảnh con voi trong lịch sử văn hoá Việt Nam. Từ con voi của bà Trưng bà Triệu đã từng tham gia đánh giặc, cũng là biểu tượng gắn liền với thiên nhiên, Goerge Burchett làm thành mô hình con voi giống như cách gập giấy thủ công của trẻ con, mang đến một tác phẩm giàu sức tương tác với người xem, đặc biệt là các em nhỏ.

Tác phẩm "Voi", "Sống xanh"

Tác phẩm “Lịch sử vỡ” (5m x 1.8m) của nghệ sĩ Vương Văn Thạo là một sắp đặt 36 đĩa gốm đường kính 30cm, tương tác với câu chuyện về ngôi làng cổ làm gốm ven sông - làng gốm Bát Tràng. Bằng việc vẽ hình bóng những ngôi đình làng trong phố cổ Hà Nội bị phân thành các mảnh vỡ sau đó ghép lại bằng vàng, tác phẩm này giống như một suy tư về những giá trị văn hoá bị mất mát trong lịch sử và gợi lên những câu hỏi về ứng xử của thời đại này với những giá trị di sản đó.

Tác phẩm “Vòng quay” (4m x 3m) của nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến sử dụng các vành bánh xe máy ô tô cũ kết hợp với những hình ảnh về kí ức cây cầu Long Biên lịch sử được in UV lên những tấm nhựa tạo nên một tác phẩm sắp đặt tương tác với người xem, để cùng họ chia sẻ về những kí ức, kỉ niệm và tình yêu đối với cây cầu cũng như suy tư về những biến thiên của lịch sử.

Tác phẩm “Nhà nổi” (5m x 2.5m) của nghệ sĩ Lê Đăng Ninh sử dụng các thùng phi bỏ đi - những vật liệu không thể thiếu của những ngôi nhà nổi trên Sông Hồng - như muốn khắc hoạ hình ảnh những ngôi nhà đó lên trên chính những chiếc thùng phi bằng kĩ thuật cắt laze xuyên thủng kết hợp với hiệu ứng đèn led ánh sáng từ bên trong. Tác phẩm sắp đặt này như là một đối thoại thú vị với những người nhập cư sống lênh đênh trên những “du thuyền” - hình ảnh gần gũi với sông Hồng từ xưa đến nay.

Tác phẩm “Gánh hàng rong”, “Phù điêu Đông Dương” (10m x 1.8m) của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn mang đến câu chuyện về những người gánh rong, những người bán hàng, những người lao động đã từng tụ tập ngay tại bến sông này, gợi nhắc hình ảnh trên bến dưới thuyền của đất Kẻ Chợ xa xưa. Bên cạnh đó là hai bức phù điêu với tổng chiều dài 16m bằng xi măng trộn với composit như những phiên bản thu nhỏ phục dựng lại của bức Ngư nghiệp và Nông nghiệp hiện đang nằm trên đoạn tường bị che khuất của trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam. Tác phẩm sắp đặt này giống như một đối thoại về ngữ cảnh cuộc sống cũng như những di sản nghệ thuật từng tồn tại và bị biến đổi theo thời gian.

Tác phẩm "Gánh hàng rong", "Phù điêu Đông Dương"

Tác phẩm “Emoji City” (3.5m x 1.5m) của nghệ sĩ Nguyễn Hoài Giang là sự tạo hình trên cơ sở các viên gạch nhựa màu hình vuông (được chế tác từ nguyên vật liệu có sẵn là nắp chai nhựa), mang đến thông điệp về bảo vệ môi trường.

Tác phẩm “Những Thánh Gióng đương đại” (6m x 3m) của nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm là một sắp đặt nói đến trận chiến cho một cuộc sống xanh. Với việc sử dụng nhiều vật liệu tái chế và kết hợp hợp sắt tấm tái chế cắt CNC sơn màu, tác phẩm nói câu chuyện mỗi người lái xe máy như là một Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đang chiến đấu với kẻ thù là ống đựng chất thải như một con mãng xà.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn (giữa) cùng các đồng nghiệp bên tác phẩm "Những Thánh Gióng đương đại"

Tác phẩm “PhucTanGang” (4m x 3m) của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lam là sự kết hợp cảm hứng từ tranh Hàng Trống và những thanh tò he - một trò chơi dân gian truyền thống của trẻ con Việt Nam. Bằng những composit, tác phẩm mang đến những sắp đặt 3D gần gũi với đời sống.

Tác phẩm “Thành phố ven sông” (3m x 2.5m) của nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Lâm sử dụng thùng phi cũ tạo ra một viễn cảnh về sự phát triển của đô thị cùng với những vấn đề đi kèm. Vào buổi tối khi các ô cửa biến đổi màu sắc liên tục, tác phẩm trình hiện như một ảo ảnh về đời sống hiện đại.

Khách tham quan thích thú trước sự biến màu của tác phẩm "Thành phố ven sông" khi đêm về

Tác phẩm “The Red River’s Dragon” (15m x 2m) của nghệ sĩ Diego Cortiza là những lồng đèn nhiều màu sắc chiếu sáng vào con rồng được vẽ trên tường kết hợp xếp gương vỡ thành hình cầu Long Biên, từ nguyên liệu là những bu gà bỏ đi ở chợ Long Biên; ngoài ra là một dãy ghế sắt được tái chế từ những khung cửa sổ sắt cũ để làm nơi nghỉ chân ngắm tác phẩm cho du khách và người dân.

Tác phẩm “Bức tường danh vọng” (10m x 2m) của nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế sử dụng 5 cánh cửa bằng sắt cắt CNC giống như kí ức về những cánh cửa của những căn “nhà Tây” bị biến mất đi trong quá trình phát triển của đô thị, kết hợp với bích hoạ vẽ hoa giấy lên tường gợi nhớ về một Hà Nội yêu kiều và lãng mạn thuở xa xưa.

Tác phẩm “Thuyền” (10m x 3.5m) của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông tái chế những vỏ chai nhựa, vỏ chai dầu nhớt kết hợp với khung sắt tạo hình nên những cánh buồm và những con sóng lô nhô, gợi nhớ về một nơi bến sông tấp nập buôn bán xưa kia.

Các nghệ sĩ bên tác phẩm "Thuyền"

Tác phẩm “Phù sa” (4m x 2m) của nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương lấy bụi của đô thị kết hợp với phù sa của sông Hồng và các mảnh sành được thu lượm từ dưới đáy sông để tái hiện nền móng của một ngôi chùa thế kỉ XVI đã bị biến mất.

Tác phẩm “Kẹp tóc” (3m x 1.8m) của nghệ sĩ Trần Tuấn như một tương tác với chính bức tường lịch sử ở bãi Phúc Tân bằng việc điêu khắc ngay trên một đoạn tường gạch và sử dụng kết hợp thêm với xi măng để biến đoạn tường đó trở thành một bức rèm được vén lên mềm mại như một mái tóc.

Dự án nghệ thuật công cộng trên khu vực phường Phúc Tân ven sông Hồng này với thiết kế có thể mang tới hiệu quả ban ngày cũng như cả hiệu ứng ánh sáng ban đêm, là một điểm nhấn tiếp theo của thành phố Hà Nội, có khả năng thu hút cộng đồng cũng như mang lại lợi ích về văn hoá, môi trường và tham quan du lịch cho chính người dân địa phương.

NGUYỄN HOÀNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)