Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Thơ ca Nga đương đại Những Sắc Màu Tươi Mới

Thứ Năm, 09/01/2020 09:03

.THANH TÂM (Nga)

Là đối tượng nằm trong tiến trình của văn học Nga, thơ ca vận hành và phát triển qua các thời kì từ trung đại, cận đại đến hiện đại; là quá trình xuất hiện và thay thế lẫn nhau của các kiểu tư duy nghệ thuật. Ở đó có sự góp mặt của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tượng trưng và các khuynh hướng hiện đại khác. Đó cũng là sự phát triển từ thơ ca truyền miệng đến thơ ca thành văn, từ những hình thức nguyên hợp (thơ gắn với nghi lễ, với âm nhạc) đến khi trở thành hình thức nghệ thuật ngôn từ đặc biệt, tuân thủ theo những hệ thống thi luật chặt chẽ. Đến nay, trải qua nhiều biến đổi (tất nhiên khó để khẳng định đã đạt tới đỉnh cao mà Pushkin đặt dấu vết từ trước), nhưng với một cách nhìn khoa học và biện chứng, trong tiến trình vận động của một nền thơ, thơ ca thời đại sau luôn có những đóng góp mới.

Nếu như trước đây, thơ ca Nga gần như “cho tất cả mọi người”, tồn tại những buổi hội tụ đọc thơ mang tính chất thưởng thức, suy ngẫm trong một tinh thần chung, thì ngày nay thơ là “một công việc đơn độc”, “cho chính người viết”. Quá trình sáng tác một tác phẩm văn học luôn gắn với những tác động khách quan của lịch sử, thời cuộc. Bởi vậy, đã và đang có những nhà thơ hướng ngòi bút cho tổ quốc, dân tộc, cho những đề tài của chiến tranh, nhân dân. Tuy nhiên, có thể nhận ra, hiện nay người viết quan tâm hơn đến đời sống cá nhân, sự phát hiện những diễn biến tâm lí phức tạp ở một thế giới khác - thế giới nội tâm vừa quen vừa lạ ở con người. Họ tìm tòi và khai thác sâu muôn mặt đời sống, tìm kiếm những cảm giác mới, những đề tài mới, những tư duy mới…

Thơ ca đương đại Nga đang tồn tại đồng thời nhiều thế hệ nhà thơ, tạo nên bức tranh nhiều màu sắc. Đó là thế hệ nhà thơ sinh ra ở ngã rẽ thời đại, những năm sáu mươi, bảy mươi. Ở những bước ngoặt lịch sử ấy, họ chính là chứng nhân của một thành tựu đã đi qua. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, sự tồn tại của họ cũng có thể gọi dậy một thế hệ nhà thơ mới. Tất cả phụ thuộc vào cường độ sống, cách sống, các thích nghi và độ sâu nhận thức của họ đối với cuộc sống và văn chương. Những người sinh năm 1985 về sau có thể được chứng kiến thành quả của perestroika (cải tổ). Toàn bộ cuộc sống, ý thức của họ hình thành trong một bầu không khí phức tạp, hỗn loạn. Họ dễ bị nhầm lẫn đạo đức và đôi khi đối với những người lớn tuổi, họ bị quy chụp là xuống cấp nhanh chóng về nhân phẩm. Tuy vậy, màu sắc đầy lạ lẫm mà họ mang lại ở khía cạnh khách quan cũng được giới phê bình đánh giá cao. Một thế hệ mới - chính xác hơn là một vài thế hệ gần với thời đại mới - đã ra mắt trong những thập kỉ gần đây, được gọi là “thế hệ của Babylon”. Nó cũng là tên của hiệp hội các nhà thơ nổi tiếng nhất trong giai đoạn này, được thành lập vào năm 1989. Điểm nổi bật của thơ ca đương đại Nga nằm ngay ở khía cạnh khó nắm bắt về đặc điểm và những xu hướng chính của nó. Nếu như văn xuôi đương đại ở Nga đã có những định hình khá rõ nét trong hành trình đổi mới thì việc tìm kiếm một bản đồ thống nhất cho thơ ca là một sự khó khăn đối với các nhà nghiên cứu phê bình văn học hiện tại. Trong quá trình nghiên cứu phê bình của mình, Mikhail Epstein đã chia mười trường phái thơ khác nhau trong công trình Katalog thơ mới như sau: thơ thuộc trường phái ý niệm, hậu ý niệm, tân cổ điển, “không phong cách”, thơ giễu nhại, thơ hiện thực siêu hình, thơ liên lục địa, thơ trình bày, thơ chính trị và “thơ trữ tình lưu trữ”. Chủ nghĩa hiện đại đang là cuộc rượt đuổi, tìm kiếm và khẳng định phong cách, khát vọng đổi mới, mở rộng bản đồ văn học nói chung và thơ ca nói riêng nên cơ sở phân loại, cách phân loại như trên chỉ mang tính tương đối. Ở bài viết này, chúng tôi xin phép được đề cập đến những điểm nhấn trong thơ hiện đại gồm bốn xu hướng chính sau: giễu nhại, khái niệm, tân cổ điển, tân tiên phong.

Sự giễu nhại là khuynh hướng của thế hệ nhà thơ bị thất lạc, họ tồn tại và mỉa mai về quá khứ của chính họ: Và cuộc sống/ như bạn nhìn thấy/ với sự lạnh lùng xung quanh/ như một trại giam chờ đợi sự tỉnh táo! (Vladimir Druk), hay vừa chấp nhận, vừa tiếc nuối: Kết thúc thế kỉ, thế kỉ hai mươi/ Nó quét qua tất cả các giới hạn/ Tuyết rơi, ồ đặc biệt/ Thật thú vị, màu trắng... (I. Irtenev). Những nhà thơ giễu nhại đương thời đã thành lập và sinh hoạt trong một câu lạc bộ không chính thức ở Moskva. Ở đó có những đại diện nổi tiếng như Y. Abov, E. Bunimovich, V. Druk, A. Eremenko, I. Irtenev, N. Iskrenko, V. Korkiya... Đến nay, họ vẫn tiếp tục cố gắng thích nghi với cuộc sống, viết về cuộc sống như một sự an ủi đối với chính mình.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thơ khái niệm là một xu hướng rộng lớn trong thơ hiện đại, bao gồm ba dòng chảy cơ bản: nghệ thuật xã hội, chủ nghĩa khái niệm, chủ nghĩa tối giản. Nghệ thuật xã hội là một xu hướng trong nghệ thuật hậu hiện đại hình thành ở Liên Xô vào những năm 1970 như là một phần của văn hóa thay thế, chống lại hệ tư tưởng nhà nước thời kì đó. Cho đến nay, xu hướng này vẫn còn tồn tại. Điều này được ghi nhận chủ yếu trong các tác phẩm của T. Kibirov (Cầu nguyện, Nông dân và rắn, Duy nhất...), D. Prigov (Có sức mạnh như vậy trong tôi, Khi em yêu anh, Nỗi đau khổ kinh hoàng của tôi, Một bức thư ngỏ (gửi cho những người cùng thời, đồng nghiệp của tôi và cho tất cả trong tôi), V. Sorokin (Ồ nếu như, Con quỷ, Mắt mẹ, Chúng tôi nhìn thấy bạn...).

Chủ nghĩa khái niệm chính là ánh xạ thực tế, giải thích tính phổ quát các khung khái niệm nằm trong tâm trí tư duy, không từ kinh nghiệm mà đồng hành cùng kinh nghiệm. Những đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa khái niệm trong thơ ca đương đại là Nikolaevich Nekrasov, Lev Semenovich Rubinstei, Vsevolod Nekrasov. Những tác phẩm thơ của họ được biểu hiện đặc biệt trên mặt hình thức, như để khẳng định, nội dung tư tưởng nằm ngay trên chính hình thức đó. Những dòng thơ chứa khoảng trống, những co thắt ở hình dạng, ngôn ngữ ít, ngắn, nhịp điệu thay đổi liên tục, đứt vỡ... là mức độ cao nhất của tự do về tư tưởng, cảm xúc. Những bài thơ đó không phải để giải thích, không cố gắng để được rõ ràng theo một định hướng cụ thể. Ở đó có sự phóng khoáng để mở ra những ý niệm, khái niệm, tư duy mới, vừa cho độc giả vừa cho chính tác giả. Với bài thơ Tôi ở đây, trong hình thức tồn tại dưới dạng phụ đề và giống với các câu mệnh lệnh, Lev Semenovich Rubinstein khiến chúng ta mơ hồ giữa tâm thế thưởng thức một cuộc trò chuyện, hay là sự tự vấn của suy nghĩ, hoặc là một “tôi” đang bắt sóng suy nghĩ của ai đó:

1.

Vì vậy, tôi ở đây!

2.

Và vì vậy ...

3.

Và tôi ở đây ...

4.

(Bạn đến từ đâu? Bạn không mong đợi nữa ...)

5.

Và vì vậy ...

6.

Và tôi đây! Làm thế nào bạn có thể mô tả những cảm xúc ...

7.

... những cảm xúc đó ...

8.

... những cảm xúc đó ...

Nhân vật trữ tình đồng hành với hành động, hành động cũng hòa nhập với anh ta, mang đến những ý nghĩa khác nhau. Trong giọng điệu, có lúc thấy như đang có một sự di chuyển rời rạc hoặc chuyển hướng quá mức đột ngột đến nỗi nó trở nên khó chịu. Tuy nhiên, phải có những phút gặp gỡ, đồng điệu về cảm xúc và lặng lẽ trong tâm hồn thì mới có thể thấu hiểu một bài thơ thuộc xu hướng ý niệm như bài thơ Tôi ở đây. Và điều này không phải là dễ dàng, nó thuộc phạm trù đọc, sự giao tiếp giữa nhà văn và độc giả qua văn bản.

Chủ nghĩa tối giản cũng đang được nhiều nhà thơ đương đại Nga vận dụng. Màu sắc nay đã hướng về phương Tây nhiều hơn so với trước kia. Xu thế này được xem là một chiến lược để hiện thực hóa trong thời kì hậu hiện đại. Jan Satunovsky và Vs.Nekrasov là những người đã phát triển ý tưởng tối giản hóa một cách triệt để nhất. Vs.Nekrasov diễn giải tất cả như một sự tìm kiếm thực tế. Thơ ông đề cập trực tiếp đến lời nói, mọi cảm xúc nằm gọn trong từng câu chữ, giảm thiểu triệt để quán tính của văn học truyền thống. Ông từng viết những câu thơ đầy gợi mở:

Làm ơn

Những gì tôi có thể

nói

và những gì sẽ cần thiết

nói

Cảm ơn

Bài thơ là một lời tự sự, cho chủ thể hay cho khách thể, ta có thể chưa bàn tới, nhưng trực cảm đầu tiên khiến ta dễ dàng rung động là tính khấn nguyện, hàm ơn trong mạch đứt gãy của nhịp điệu và cảm xúc. Trở lại với chủ nghĩa tối giản, sự chuyển đổi từ chủ nghĩa tối đa hiện đại sang chủ nghĩa tối giản hậu hiện đại là một vấn đề quan trọng trong thực tế của thời đại. Nó đang nằm ở trạng thái “chiến lược”, chưa thực sự chuyển mình. Năm 1971, Jan Satunovsky đã viết bài thơ này như một lời giải thích:

Mọi người viết những bài thơ lớn

Chỉ có tôi và Seva

Một xu hướng khác khá rõ nét trong thơ đương đại Nga là xu hướng tân cổ điển. Tân cổ điển là một thuật ngữ được sử dụng trong phê bình nghệ thuật chỉ các hiện tượng nghệ thuật cuối thế kỉ XIX đến nay, được đặc trưng bởi sự hấp dẫn đối với nghệ thuật cổ đại, nghệ thuật thời Phục hưng nhưng có sự đổi mới độc đáo. A. Yeremenko là nhà thơ khó phân định về khuynh hướng giễu nhại hay tân cổ điển, nhưng không thể phủ nhận một số tác phẩm của ông là điển hình cho khuynh hướng thơ này. Ông có một đôi tai lắng nghe ngôn ngữ tuyệt vời - là một hiện tượng hiếm có khi lắng nghe được bản chất con người bằng một âm thanh riêng, sống động, siêu hình. Yeremenko có cách diễn đạt của mình, nhà thơ có thể nói rất nhiều về mọi thứ, nhưng cũng có thể chỉ im lặng để chúng ta suy ngẫm dựa trên ngòi bút tân cổ điển của mình: Đi qua Pushkin, đi qua... nhà thơ đưa chúng ta tới đâu?/ đi qua “Học thuyết bí mật”/ Người Tatar Krym/ Belorussian, Kazan, Slavic/ thị trường...

Một xu hướng rất đặc biệt, mang tính “lạ lùng” của thơ ca đương đại Nga là xu hướng tân tiên phong. Tân tiên phong đóng một vai trò kép trong nghệ thuật của những năm 1950 - 1980. Trước, nó là một nhân tố cho sự phân rã ngôn ngữ của văn học chính thống, sau là để tìm kiếm những khả năng sáng tạo nghệ thuật mới. Trong điều kiện phát triển xã hộ#i, một nhóm tác giả đã sáng tạo ra các tác phẩm tiên phong. Họ đến gần hơn với suy nghĩ của con người hiện đại. Sự xuất hiện của họ như dòng điện mạnh mẽ, tác động sâu đến tâm lí và tư tưởng của bạn đọc thời nay. Những nhóm thơ như SMOG, Palindrome, Helenkuty... hay là sự độc lập cá nhân của nhà thơ Gennady Aigi, Vladimir Shinkarev đã tạo những dấu ấn mạnh mẽ trong nền thơ ca đương đại... Xu hướng tân tiên phong đã tô thêm một nét cơ bản cho thơ ca Nga hiện nay, bởi họ sở hữu khát khao phá cách đầy bản lĩnh và can đảm. Chỉ trong điều kiện của toàn cầu hóa, một thế giới đa văn hóa, những điều không tưởng mới có thể diễn ra. Mục đích của văn học tân tiên phong là làm chủ “ngây thơ” thế giới trước một thế giới luôn luôn thay đổi.

Đối với sự phát triển của xã hội, thơ ca Nga nói riêng và văn học thế giới nói chung không chỉ nằm im trên trang sách, trang báo. Văn chương được đầu tư giới thiệu, quảng bá để đến với bạn đọc một cách tự do nhất có thể. Đây cũng là một đặc điểm rất nổi bật trong thơ ca Nga đương đại. Trên thực tế, mạng internet cũng đã giúp chúng ta phát hiện những tên tuổi nhà thơ ấn tượng và những tác phẩm có giá trị. Ví dụ như Yashka Casanova, Vitaly Puhanov, Alexander Solodovnikov... Mặc dù còn tồn tại nhiều vấn đề nhưng thơ ca mạng đang đóng góp vào thơ ca Nga một tiếng nói mới, một màu sắc mới, đôi khi là một sự độc đáo. Những tác phẩm mới mà họ đưa đến, trước hết phải là tự ý thức khám phá cái mới, tìm kiếm cái mới của nhà thơ. Nhưng đồng thời, cái mới mẻ còn được khám phá thêm một lần nữa ở sự nhìn nhận và nghiên cứu kĩ lưỡng của giới chuyên môn lẫn bạn đọc. Người viết thơ nhiều (thậm chí rất nhiều), nhưng để những bài thơ đó đi qua thách thức thời gian và sống lâu dài với sự chọn lọc khắt khe của bạn đọc lại là vấn đề của quy luật tồn tại. Phương thức nào cũng cần một nền tảng căn bản, đó là chất lượng và giá trị. Trong thế giới internet có những tác phẩm như thế. Có thể nói, thơ ca mạng, hiện tại vẫn chưa thoát khỏi những nền tảng cơ bản mà thơ ca truyền thống tạo dựng gìn giữ. Nó là thách thức cũng là cơ hội để độc giả, giới phê bình văn học thích nghi với phương thức tiếp cận mới, có cách nhìn, cách đánh giá mới mẻ, tự chủ hơn.

Phải thừa nhận, thời đại nào cũng có những mặt sau, sẽ có những tác phẩm nằm im, hoặc bị xã hội đẩy lùi. Ở đâu đó, vẫn còn sự hiện hữu của những tác phẩm “mạ bạc”, “mạ vàng”, và thế giới mạng là mảnh đất dễ sinh sôi nhất của những sự cẩu thả ấy. Có phải, đó là lương tâm của người cầm bút? Ở khía cạnh đó, thơ ca đương đại Nga đang gióng lên tiếng chuông thức tỉnh bởi sự “quá” trong ráo riết đổi mới, cách tân, mặt khác lại thiếu giá trị, thiếu chất lượng. Nhan sắc thơ đây đó có những mới lạ nhưng cái “hồn cốt thơ”, nội dung ẩn chứa sau cái bề ngoài của thơ lại có những chênh vênh nhất định. Có nhiều nhà thơ quá hăng hái cách tân hình thức lại rất quanh quẩn về nội dung. Có nhiều nhà thơ lại say sưa viết truyện (rõ ràng là kể chuyện hoặc viết luận) theo hình thức thơ và quy chụp là thơ. Phải chăng là do bài viết có hình thức của thơ và giàu tính nhạc? Mà vốn dĩ, ngôn ngữ Nga, trong mỗi từ mỗi tiếng đã đầy nhạc điệu. Mỗi tiếng chứa trọng âm, mỗi kiểu câu có các cách thức nhấn giọng lên xuống... tất thảy đó, ghép nối sẽ thành thơ?

Liên hệ với thơ đương đại Việt Nam, có thể thấy một thực tế sáng tác gặp gỡ nhau giữa hai nền văn học Nga - Việt là sự ra đời của văn học mạng đã kéo theo những nhánh rẽ mới của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Thơ ca Việt Nam tồn tại hai đối tượng sáng tác chính, đó là những nhà thơ chuyên nghiệp và những nhà thơ không chuyên. Nhà thơ chuyên nghiệp là những người mang trong mình ý thức sâu sắc về sứ mệnh và là lực lượng định hình cơ bản cho thơ đương đại. Nhà thơ không chuyên là những người yêu thơ, tự do viết thơ theo cảm tính - đối tượng này đông đảo, sáng tác và xuất bản với số lượng khổng lồ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực, gây khó khăn trong việc tìm kiếm và phát hiện những tác phẩm thơ có giá trị. Những nhà thơ trẻ ở Việt Nam hay ở Nga hiện đại, đều chung một tâm lí làm mới, làm lạ để thể hiện cái “tôi” gai góc mà quên đi tính ổn định, bền vững của thể loại. Bởi vậy, luôn cần có một sự đánh thức, phát huy tinh thần kiếm tìm cái mới nhưng vẫn luôn giữ vững những nền tảng cơ bản của nghệ thuật ở bất kì quốc gia nào. Sứ mệnh của thơ ca trên bất kì một nền văn học nào đều phải hướng đến cuộc đối thoại của con người với thời đại của họ. Thơ ca phải thấm đẫm tinh thần dân tộc và mang tính nhân loại sâu sắc thì mới đạt được giá trị chân thực.

Đối với nhân dân Nga, thơ ca được ví như một nét bản sắc đặc trưng tiêu biểu trong văn hóa của họ. Thơ ca Nga có thể so sánh ngang với triết học Đức, âm nhạc Tây Ban Nha và ẩm thực Pháp. Thơ ca Nga mang một phong vị riêng, hơi thở riêng không khó phân biệt. Từ thơ xưa đến thơ nay, những cảm xúc mới hay những lối viết mới, những đề tài mới hay cách diễn đạt mới... đều mang một dấu ấn rất Nga, vừa đậm tính dân tộc, thuần hậu, tự nhiên vừa mang hơi thở thời đại. Với những nỗ lực để khắc phục hạn chế và với niềm tin trước những thành tựu đạt được, thơ ca đương đại Nga sẽ tiếp tục phát triển rõ nét hơn nữa, xứng đáng với những hi vọng của công chúng đương thời

T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)