Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Biểu tượng Tổng thống Mỹ/ quân xâm lược Mỹ trong văn thơ Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 12/11/2019 09:21

.NGUYỄN VIỆT ĐỨC

 

Khi chúng ta đang đánh Pháp, Bác Hồ đã lên tiếng phản đối Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Tơruman đang có âm mưu can thiệp vào Việt Nam, mà điểm bắt đầu của ông ta là từ Tưởng Giới Thạch – nhân vật chính trị của Trung Hoa dân quốc.

Ngày 22-3-1950 với bút danh Din, Người có bài viết bằng tiếng Pháp Nước Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập của mình gửi tuần báo Vì một nền hoà bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân, có đoạn:

“Là một tay đánh bạc tồi, Tơruman đã đặt cọc vào Tưởng Giới Thạch một số đôla và nỗ lực đồ sộ. Và kết quả là ông ta nhận được một trận đòn khủng khiếp. Ông ta bị mất vốn và mất mặt, con ngựa Trung Quốc của ông ta bị đánh quỵ hoàn toàn, nước Trung Hoa cách mạng được giải phóng một cách thắng lợi”[1].

Từ địa vị một Tổng thống, tác giả đã biến thành một tay đánh bạc, vì say máu khát tiền mà mất cả chì lẫn chài. Cái thâm thuý là tác giả đã diễn tả bối cảnh chính trị Trung Quốc như một cuộc đua ngựa, một trò thể thao phổ biến ở châu Âu: tay chơi bạc Tơruman “đặt cược” vào Tưởng Giới Thạch cưỡi con ngựa Trung Quốc, kết quả bị thua đau. Tổng thống Mỹ bị hạ bệ đau đớn từ địa vị cao sang tụt xuống thân phận thảm hại: kẻ đánh bạc vừa bị ”mất vốn” lại bị ”mất mặt”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chỉ bằng hai câu tục ngữ mà Bác làm nổi bật bản chất thâm hiểm của Tổng thống Mỹ Kennơđi:

Ngoài miệng thì tụng "nam mô",

Trong lòng thì đựng cả bồ dao găm[2].

Bác vạch ra sự giả dối lừa gạt đê tiện của một vị Tổng thống: “Trong những lời tuyên bố trước thiên hạ, tổng Ken thường ba hoa dùng những danh từ như “tự do, hợp tác, chân lý, hoà bình”, v.v.. Song những cuộc xâm lược ở Cuba, ở Cônggô, ở Lào... đã chứng tỏ Ken chỉ là một tên bợm “treo đầu dê, bán thịt chó”[3]. Mặc dù “Ken nói những lời ngon ngọt như "mật rót vào tai". Ví dụ: “Mỹ kiên trì phấn đấu cho hoà bình...”[4], nhưng “Chó sói học nói giọng cừu”. Lời đường mật của tổng Ken chẳng những không lừa bịp được nhân dân nước ngoài, mà cũng không lừa bịp được đồng bào Mỹ của y”[5]. Bởi “bọn trùm đế quốc như tổng Ken đều là: "Khẩu Phật tâm xà; miệng là Bồ Tát, bụng là Xatăng!"[6]. Những thành ngữ Bác dùng đã hạ bệ Tổng Ken, từ địa vị sang trọng xuống hàng những kẻ đểu cáng nhất, tráo trở, giả dối, thâm độc…!

Tổng thống Mỹ chỉ là đại diện tiêu biểu cho tính cách diều hâu, cơ hội của cả bè lũ đế quốc. Bác Hồ dùng những thành ngữ vạch trần bộ mặt thật của chúng một cách đích đáng. Sau đây là một đoạn trích trong bài viết Trò xiếc tuyển cử Tổng thống Mỹ được Bác viết đăng trên báo Nhân dân số 3869 ngày 3-11-1964 chế giễu trò hề bầu cử dân chủ giả hiệu của đế quốc Mỹ. Trong cuộc bầu cử này tổng Giôn là người của Đảng Dân chủ, Gônoatơ thuộc Đảng Cộng hoà. Thế là hai ứng viên nói xấu nhau.: “Giôn thì nói Gônoatơ là bạn thân của bọn đầu trộm đuôi cướp, chủ trương phân biệt chủng tộc, chống người Mỹ da đen, v.v..

Mặt khác, cả hai chàng đều ra vẻ dân chủ, bắt tay với người này, cụng chén với người kia. Cả hai chàng đều ra sức lừa bịp nhân dân, hứa hươu hứa vượn, miễn là câu được lá phiếu của cử tri.

Mạt cưa mướp đắng hai bên cũng vừa.

Nhưng cả hai gã đều không dám nói làm thế nào để cải thiện tình trạng đen tối ở nội bộ Hoa Kỳ...”[7].

Làn sóng phản đối chiến tranh mà Mỹ gây ra ở Việt Nam ngày càng mạnh mẽ ngay chính trong lòng nước Mỹ: “Hầu như ngày nào tờ Thời báo Nữu Ước cũng có đăng thư của giới trí thức công khai chống chính sách của Giôn.

Nhưng "nói thẳng, mất lòng". Tổng Giôn chẳng những không lắng nghe những ý kiến đó, mà còn nổi giận lôi đình...

... Nay Giônxơn nối nghiệp Kennơđi, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã có chiều hướng biến thành một cuộc chiến tranh Triều Tiên khác. Chẳng hay tổng Giôn có "đạp vỏ dưa, thấy vỏ dừa mà sợ" không?...”[8]. Tổng Giôn sa vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan, như người cưỡi trên lưng cọp, cứ ngồi đấy cũng khó, bước xuống cũng nguy hiểm”[9].

“Tổng Giôn luôn mồm ba hoa rằng mục đích của Mỹ là "hoà bình", rằng Mỹ là kẻ "bảo vệ Hiệp định Giơnevơ", v.v.. Thật là láo toét!”[10].

Bác Hồ vạch trần tính chất ngược đời về mặt đạo lý của kẻ xâm lược trước thế giới công lý: “Còn đế quốc Mỹ thì: Đạo đức là giết người”[11].

Trong Báo cáo chính trị tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đọc ngày 11-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở cán bộ âm mưu của Mỹ: “Với tham vọng làm chúa thế giới, Mỹ một tay thì cầm đồng đôla để lợi dụ thiên hạ, một tay thì cầm bom nguyên tử để uy hiếp thế giới”[12]. Qua biểu tượng này đã cho thấy một cách rõ ràng hơn một đế quốc Mỹ giàu có, nham hiểm.

Ngược trở về những năm 1920 chúng ta thấy Nguyễn Ái Quốc đã ”xây dựng” một biểu tượng cho chủ nghĩa thực dân: “Người ta thường nói: "Chế độ thực dân là ăn cướp". Chúng tôi xin thêm: là hiếp dâm và giết người”[13]. Mấy chục năm sau cũng chính Người đã “xây dựng” cho chủ nghĩa đế quốc mà đứng đầu là những vị Tổng thống xâm lược của chúng một biểu tượng mới, kế thừa những nét xấu xa của chủ nghĩa thực dân và nâng lên một “trình độ” cao hơn. Có thể khẳng định chính Bác Hồ là Người đã đào mồ chôn chủ nghĩa thực dân, đế quốc bằng một cách riêng: mô hình hoá chúng bằng cách biểu tượng để nhân loại nhìn rõ hơn, nhận chân rõ hơn bản chất của chúng!

Tác giả mượn sự phân tích tình hình về chiến tranh mà Mỹ gây ra ở Việt Nam của một tờ báo có uy tín của Nhật: “Tạp chí Nhật Bản Thế giới (số tháng 7) đã đăng lại một bài của tạp chí Mỹ Ký giả dưới đầu đề “Tổng Giôn không phải là con chim hoà bình”. Xin lược dịch như sau:

"Hiện nay, rõ ràng là cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã trở nên cuộc chiến tranh riêng của tổng Giôn. Ông ta tự vạch ra chiến lược, tự thảo ra những lời thanh minh cho Bộ Ngoại giao. Ngày nào ông ta cũng giải thích chính sách Mỹ ở Việt Nam và tình hình chiến sự cho các nghị sĩ... và các ký giả nghe”[14]. Tên bài báo văn chương và hấp dẫn. Văn chương ở chỗ dùng ẩn dụ, ai cũng biết hình ảnh con chim bồ câu của hoạ sĩ Picatxô là biểu tượng cho hoà bình, “Tổng Giôn không phải là con chim hoà bình” nghĩa là Tổng Giôn không yêu hoà bình. Hấp dẫn mời gọi bạn đọc ở chỗ vì Tổng Giôn luôn múa mép là người của hoà bình mà nay có tờ báo nói ra sự thật thì ai cũng muốn xem thực hư thế nào.

Ở miền Nam chúng tìm đủ mọi cách tàn sát, giết chóc đồng bào ta như cách đưa chó săn vào tham chiến. “Đây là chuyện chó săn có bốn chân, chứ không phải loài chó săn mặt người bụng thú, rước voi giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà, như bọn Thiệu - Kỳ…Vừa rồi, các báo đăng tin nhiều phái viên Mỹ đi khắp thế giới để phân trần cái gọi là chính sách "đi tìm hoà bình" của tổng Giôn.

... Phái viên Mỹ nói một đường. Chó săn Mỹ sủa một nẻo. Thật là mâu thuẫn.

Nhưng mâu thuẫn hơn nữa chính là tổng Giôn”[15].

Như vậy Tổng thống Mỹ nhưng là kẻ chủ mưu xâm lược đã bị hạ bệ xuống thành một kẻ tầm thường nhất, xấu xa nhất.

N.V.Đ

_______________

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 32

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 274.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 10, tr 363

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 103

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 104

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr105

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 336.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 535

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 16

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 288

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 225.

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 6, tr 169

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 2, tr 106.

[14] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 11, tr 533

[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 12, tr 26.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)