Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Nghìn tấm gương phản chiếu chúng ta

Chủ Nhật, 22/09/2019 13:53

Liên hoan Nhà văn quốc tế 2019 được Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (Literature Translation Institute of Korea, viết tắt là LTI Hàn Quốc) tổ chức tại thủ đô Seoul, từ mồng 5 đến hết ngày 13 tháng 10 tới đây.

Liên hoan năm nay LTI Hàn Quốc đã mời 14 nhà thơ, nhà văn từ các châu lục, gồm, nhà văn Graeme Macrae Burnet (Anh quốc); nhà văn David Szalay (Anh quốc); nhà văn-nhà phê bình văn học Chandrahas Choudhury (Ấn Độ); nhà văn, dịch giả và biên tập viên Forrest Gander (Hoa Kỳ); nhà văn Shinji Ishii (Nhật Bản), nhà thơ Mona Kareem (Cô-oét / Hoa Kỳ), nhà văn Liu Zhenyun (Trung Quốc); nhà văn Nicolas Mathieu (Pháp); nhà văn, nhà báo, nhà phê bình văn học Florence Noiville (Pháp); nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học, dịch giả Víctor Rodríguez Núñez (Cuba / Hoa Kỳ); nhà thơ, nhà viết kịch Niyi Osundare (Nigeria / Hoa Kỳ); nhà văn, đạo diễn phim Atiq Rahimi (Afghanistan / Pháp); nhà thơ, nhà sử học Aleksandra Tsibulia (Nga); và tôi, đến từ Việt Nam. Phía chủ nhà, LTI đã mời 18 nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của Hàn quốc.

Liên hoan Nhà văn quốc tế lần này được tổ chức với chủ đề “Nghìn Tấm Gương Phản Chiếu Chúng Ta” (A Thousand of Mirrors Reflecting Us). Theo đề từ của LTI Hàn Quốc, “Từ lâu tấm gương đã thành công cụ phản chiếu hình ảnh chân thực, đẹp nhất của con người. Mọi người thường quan sát hình dáng của mình trên mặt nước hoặc trên mặt gương bằng đồng. Văn học là một hình thức nghệ thuật có chức năng như một tấm gương như vậy. Tấm gương của văn học phản ánh con người và thế giới theo nhãn quan của kẻ sáng tạo. Tuy nhiên, văn học sẽ đơn điệu nếu chỉ có một tấm gương? May mắn thay, lịch sử và hiện tại đã mang đến cho chúng ta rất nhiều tấm gương phản chiếu. Và văn học, với những đặc điểm và ý tưởng khác nhau đã phản ánh cuộc sống phong phú, phồn tạp như hàng triệu tấm gương đan cài. Liên hoan Nhà văn quốc tế Seoul 2019 muốn nhấn mạnh sự tồn tại của vô vàn tấm gương văn học. Thông qua những cuộc gặp gỡ, hội thảo và trình diễn tác phẩm, liên hoan sẽ cho phép các nhà thơ, nhà văn sử dụng những tấm gương tâm hồn để phản ánh chính mình và thế giới xung quanh từ mọi hướng”.

Liên hoan 2019 sẽ bao gồm năm phần chính: một, đối/ hội thoại; hai, nhà văn trò chuyện; ba, trò chuyện với khán giả (diễn đàn); bốn, đọc/ ngâm thơ; và năm, gặp gỡ bạn đọc. Mỗi phần sẽ thảo luận các vấn đề toàn cầu, từ nhân tính, giới tính, thù hận sắc tộc, tôn giáo… đến sự cô lập, tha hóa của con người trong thời toàn cầu hóa.

Chương trình nghị sự của LTI Hàn Quốc năm nay đã mang cho tôi nhiều hứng thú. Trong phần đối/ hội thoại, Ban tổ chức sẽ sắp xếp cho hai nhà văn đối thoại về những cuộc cách mạng văn hóa, cải tổ xã hội được thực hiện bởi các dân tộc và cộng đồng địa phương chống lại áp bức chính trị. Mục đích của đối thoại để chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và lợi ích văn học, thực hiện tham khảo chéo bằng những quan sát thực tế tại các bản địa. Ngoài ra, mỗi nhà văn sẽ tìm kiếm con đường mới hướng tới sự đoàn kết, bằng cách dẫn chiếu các ví dụ, sử dụng văn học như một công cụ phòng thủ hiệu quả chống lại áp bức cường quyền. Mỗi nhà văn sẽ khám phá những điều kiện sống mà những người bình thường phải đối mặt, những người không mạnh mẽ, không phải anh hùng, những thay đổi trong cuộc sống của họ, liên quan đến quan điểm văn học hoặc lịch sử vùng miền. Điều này sẽ cho phép chúng ta tham khảo và kết nối với các vấn đề xã hội, với mục đích tìm hiểu sâu hơn những vấn đề liên quan đến lịch sử Đông Á hoặc thế giới.

Trong chủ đề bàn về sự cô lập của con người, Ban tổ chức gợi ý, các tác phẩm văn học hầu như luôn sáng tác trong bối cảnh xã hội, lịch sử, cũng như trải nghiệm riêng của mỗi nhà văn. Mặt khác, “văn học không bao giờ thất bại trong việc đạt đến một mức độ phổ cập hơn đối với sự tồn tại và ý thức của con người”. Điều này khiến chúng ta có thể đồng cảm với nhau ngoài những khoảng cách về ngôn ngữ, chủng tộc và lãnh thổ. Trong phần này, các nhà văn sẽ tham gia vào cuộc đối thoại mang tính đặc thù của văn học, tập trung vào sự cô lập của con người, một trong những chủ đề cơ bản nhất của văn học hiện đại bằng cách trao đổi ý tưởng dựa trên kinh nghiệm văn học của mỗi tác giả, nhằm mang đến một cơ hội để xem xét tính phổ quát của văn học trong cái nhìn mới.

Ban tổ chức sẽ mời các nhà văn định cư ngoài lãnh thổ Hàn Quốc, những người có điều kiện tiếp cận thường xuyên hơn với độc giả toàn cầu, đặc biệt những nhà văn nhập cư, những người đã lên tiếng chống lại tệ phân biệt chủng tộc, cũng như những nhà văn đã thoát khỏi biên giới quốc gia để sống và sáng tác tại các địa chính trị, địa văn hóa khác biệt. Bất kỳ ý kiến nào về hiện tượng toàn cầu, về xã hội đa văn hóa đều được hoan nghênh. LTI Hàn Quốc mong muốn hơn, các nhà văn có thể giải thích về quan niệm “bản sắc của ngôn ngữ” hay “bản sắc của một nhà văn” được hiểu như thế nào, dựa trên nỗ lực nào để tìm đến sự sáng tạo.

Trong liên hoan sẽ có phần trò chuyện tự do. Các nhà văn cho thấy những dấu vết bên trong của văn học được tìm thấy trong tác phẩm, nó sẽ không đứng yên hoặc được tích lũy. Điều ấy cho phép bạn đọc quan sát được các dấu hiệu bị lung lay hoặc bị từ chối trong những khoảnh khắc khi các nhà văn đối mặt với thế giới bên ngoài. Làm thế nào để sáng tác văn học mà không biến đối tượng của văn học thành một biểu tượng khô cứng hoặc một khái niệm bổ sung sáo rỗng? Chúng ta còn lại gì sau khi phủ nhận những hình ảnh quen thuộc và một số khái niệm ổn định, có trật tự? Làm thế nào để đối đầu với điều đó? Đó là một số câu hỏi sẽ được người dẫn chương trình gợi ý để bàn thêm về tính thẩm mỹ, cùng như các thủ pháp sáng tác.

Trong phần trò chuyện tự do sẽ được Ban tổ chức gợi ý về sự thay đổi của phương tiện truyền thông, từ sách giấy chuyển sang sách điện tử và điện thoại thông minh. Trong thời đại mà mô hình truyền thống đang được điều chỉnh và cải tổ nhanh chóng, làm thế nào để những thế giới của những câu chuyện hay những câu chuyện của thế giới có thể đến với bạn đọc? Điều này sẽ đánh dấu sự ra đời của một nền văn học mới hay cái chết của văn học truyền thống? Làm thế nào để những câu chuyện văn học có thể tiếp tục tồn tại? Đây là cơ hội để các nhà văn và khán giả chia sẻ và cùng đàm luận. Thay vì chỉ lắng nghe những gì các nhà văn nói, khán giả có thể đưa ra những suy nghĩ của họ. Tại diễn đàn này, khán giả sẽ tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận thay vì thụ động thưởng thức văn học. Đồng thời, các nhà văn với tư cách là những người có ý tưởng độc đáo được yêu cầu phải lắng nghe tiếng nói của khán giả và sau đó trả lời họ. Hình thức mới này là một thử nghiệm cho thấy các nhà văn và khán giả có thể gặp gỡ nhau và tạo ra cách tư duy mới.

Liên hoan Nhà văn Quốc tế Seoul 2019 tìm cách truyền tải tiếng nói của các nhà văn từ các quốc gia, những người khao khát vượt qua sự khác biệt và xây dựng một thế giới đoàn kết, tôn trọng và đa dạng. Trong bối cảnh lịch sử và thế giới hiện nay, con người ở khắp nơi trên trái đất đều thấy mình trong những tình huống không mong muốn. Khoảng hai mươi năm đã trôi qua kể từ cuối thế kỷ 20, kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh, tuy vậy, chiến tranh, bạo lực, và thù hận vẫn tiếp tục xẩy ra một số nơi trên hành tinh. Vậy làm thế nào chúng ta có thể giải thích thế giới ngày hôm nay, nơi hòa bình bị cản trở bởi chiến tranh và căng thẳng cứ tăng lên giữa kẻ yếu và kẻ mạnh? Tại sao mọi người dường như thích xung đột hơn yêu thương? Các nhà văn có thể tìm thấy sức mạnh ở đâu để giúp nhân loại xua tan hận thù và nguôi đi sự giận dữ trong cuộc sống?

LTI Hàn Quốc đã đặt ra nhiều chủ đề thú vị cho các buổi đối thoại với các nhà văn tại Seoul lần này. Để Liên hoan Nhà văn Quốc tế Seoul 2019 diễn ra tốt đẹp và nhiều ý nghĩa, các điều phối viên của LTI Hàn Quốc đã chủ động liên lạc với các nhà văn quốc tế hơn một năm trước đây. Họ đã bàn bạc tỉ mỷ với từng nhà văn về các chủ đề đối thoại, lựa chọn các tác phẩm để dịch sang tiếng Hàn, đồng thời, quan tâm tới những thói quen, ẩm thực, sinh hoạt của từng nhà văn…

Trước khi kết thúc bài viết nhỏ này, tôi xin nói đôi lời về Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc - đơn vị chủ trì Liên hoan Nhà văn Quốc tế Seoul 2019.

Toà nhà chính của Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc

Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc - LTI Hàn Quốc, trước đây gọi là Quỹ Dịch thuật Văn học Hàn Quốc, được thành lập năm 1996, nằm trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, với mục đích quảng bá văn học và văn hóa Hàn Quốc ra nước ngoài, nhập khẩu có chọn lọc văn hóa và đặc biệt tác phẩm văn học, thực hiện các chương trình hợp tác dịch thuật với tác giả và các nhà xuất bản các nước, đồng thời, tăng cường đào tạo các dịch giả chuyên nghiệp, nâng cao năng lực dịch thuật của văn học Hàn Quốc.

Nhà thơ Kim Sa-in, hiện là chủ tịch của LTI Hàn Quốc. Ông sinh năm 1956, tại Boeun phía bắc tỉnh Chungcheong Province, tốt nghiệp khoa Văn học Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Seoul. Kim Sa-in là nhà thơ, nhà phê bình văn học, dịch giả tiếng Anh và tiếng Trung. Ông từng dạy viết văn tại Đại học Dongduk Women và Đại học Quốc gia Seoul, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard và Đại học Iowa, Hoa Kỳ.

Nhà thơ Kim Sa-in - Chủ tịch Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc

Từ khi thành lập đến nay LTI Hàn Quốc đã tổ chức nhiều sự kiện văn học, văn hóa có ý nghĩa, tầm ảnh hưởng của nó không chỉ ở Hàn quốc mà các châu lục. LTI Hàn Quốc đã hỗ trợ hợp tác quốc tế, xây dựng một mạng lưới kết nối với các dịch giả, tác giả, các nhà xuất bản trong và ngoài Hàn Quốc. LTI Hàn Quốc đã tổ chức các diễn đàn tại Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đức và Nhật Bản. Đó là hoạt động hữu ích, không chỉ nhằm quảng bá văn học, văn hóa Hàn quốc mà còn thu hút những tác phẩm có giá trị cho bạn đọc trong nước. Từ năm 2014, LTI Hàn Quốc đã tài trợ dịch thuật và xuất bản cho các nhà xuất bản nước ngoài giành được quyền xuất bản các tác phẩm văn học Hàn Quốc.

LTI Hàn Quốc còn thực hiện các chương trình giáo dục, tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao kỹ năng dịch thuật bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật và tiếng Nga. Hiện tại thường xuyên có hơn 100 học viên đang học tập và nghiên cứu tại LTI Hàn Quốc. Với những nỗ lực của LTI Hàn Quốc, trong gần hai thập kỷ kể từ khi thành lập đến nay đã gia tăng đáng kể số lượng sách Hàn Quốc được xuất bản ở trong nước và nước ngoài. Sách Hàn Quốc đang thu hút sự quan tâm và yêu thích của độc giả trên khắp thế giới. Trao đổi với ông Dasom Kim, điều phối viên của LTI Hàn Quốc, được biết, LTI Hàn Quốc đã hoạch định chương trình hoạt động, trước mắt, mở rộng và thu hút các tác phẩm của bán đảo Triều Tiên và của các tác giả trong cộng đồng người Hàn định cư ở các nước, đồng thời không chỉ tập trung vào văn học Hàn Quốc đương đại mà cả văn học truyền thống. Mục đích cao nhất của LTI Hàn Quốc, vẫn theo ông Dasom Kim, là đưa văn học Hàn Quốc lên vị trí xứng đáng trong trật tự văn học thế giới.

Hải Phòng, 9/2019

MAI VĂN PHẤN

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)