Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Lãng mạn và hoài niệm: Bậc thầy dương cầm Sergei Rachmaninoff

Thứ Ba, 09/07/2019 09:41

.PHẠM MINH QUÂN

Sergei Rachmaninoff (1873 - 1943) là một trong những nhà soạn nhạc - bậc thầy dương cầm cuối cùng, đồng thời là biểu tượng cuối cùng của trường phái lãng mạn Nga trong âm nhạc cổ điển kéo dài tới thế kỉ XX. Trong diễn trình lịch sử âm nhạc nói riêng và lịch sử văn hóa - nghệ thuật nói chung, Rachmaninoff là một nhân vật khá đặc biệt. Bởi lẽ, Rachmaninoff xuất hiện ở một giao thời lịch sử, giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và cách tân, và thậm chí thể hiện những ảnh hưởng lưỡng phân từ sự xê dịch về địa lí. Nhìn từ Sergei Rachmaninoff, ta thấy một bức tranh văn hóa toàn cảnh của thời đại, trong đó có cảm quan lãng mạn, tinh thần quốc gia và hoài niệm quá khứ được phản ánh thông qua âm nhạc của ông.
Một trong những ảnh hưởng lớn định hình sự nghiệp âm nhạc của Rachmaninoff sau này, đến từ sự xuất thân của ông. Rachmaninoff sinh năm 1873 tại Semyonovo (Nga) trong một gia đình quý tộc giàu truyền thống âm nhạc có dòng dõi hoàng gia Moldavia. Ông nội của ông là một nhạc công, cha mẹ ông đều là người chơi piano. Ngay từ bé, Rachmaninoff đã thể hiện năng khiếu âm nhạc thông qua trí nhớ tuyệt vời - có thể xướng âm lại toàn bộ một đoạn nhạc không hề sai một nốt nào. Phát hiện biệt tài của con trai, mới bốn tuổi, Rachmaninoff đã được mẹ dạy nhạc và đàn piano. Đôi bàn tay lớn bất thường của ông trở thành một phương tiện toàn bích, xử lí được những nốt khó trên phím đàn piano bằng kĩ thuật tinh tế, thể hiện có hồn và đầy màu sắc, đến nỗi sau này nhiều tạp chí âm nhạc thường xếp ông đứng đầu danh sách những người chơi piano xuất sắc nhất mọi thời đại. Rachmaninoff sớm được tiếp xúc với các giáo viên là các nhạc công chơi piano bậc thầy, sau đó ông được giới thiệu học thầy Nikolai Zverev tại Học viện Âm nhạc Moscow. Nhờ vậy, thành công và danh tiếng đến với Rachmaninoff từ rất sớm. Năm 1892, khi mới mười chín tuổi, Rachmaninoff đã giành huy chương vàng của nhạc viện nhờ vở opera Aleko, phỏng theo bài thơ Những người Digan của đại thi hào Nga Pushkin. Tác phẩm Khúc dạo đầu Đô thăng thứ, lần đầu công diễn vào tháng 9 năm 1892 và bản Piano concerto số 2 Đô thứ biểu diễn tại Moscow, tháng 10 năm 1901 là minh chứng cho thấy Rachmaninoff không chỉ là một nhạc công chơi piano đạt trình độ virtuoso (bậc thầy thượng thừa) mà còn là một nhà soạn nhạc trẻ đại tài.
Tổn thương tâm lí là một tác nhân hai mặt đối với sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Họ dồn nén những u uẩn, lắng đọng những trải nghiệm và chuyển hóa thành động lực, cảm hứng sáng tạo, như Beethoven và rối loạn lưỡng cực, như Van Gogh và bản năng chết, như Goya và ảo giác mê sảng… Những tổn thương tâm lí này đa phần đến từ ấu thời và được biểu kiến lúc trưởng thành, đặc biệt trong những sáng tạo nghệ thuật và chúng đẩy sáng tạo chạm tới đỉnh cao. Tuổi thơ Rachmaninoff đầy những xung đột và mất mát. Ông luôn hờn trách người cha ham mê cờ bạc của mình, người đã đẩy gia đình đến bờ vực lụn bại kinh tế. Năm 1883 và 1885, hai người chị gái thân thiết của Rachmaninoff lần lượt qua đời, đặc biệt là người chị Yelena. Tình yêu âm nhạc và phong cách sáng tác sau này của Rachmaninoff không thể thiếu vai trò của Yelena, người đầu tiên dẫn dắt ông đến với những tác phẩm của nhạc sĩ Tchaikovsky, tượng đài khổng lồ của âm nhạc cổ điển lãng mạn Nga. Những nhạc phẩm giai đoạn đầu của Rachmaninoff có nét tương đồng lớn với phong cách Tchaikovsky. Chính cái chết của Tchaikovsky vào năm 1893 khiến cho Rachmaninoff đánh mất cảm hứng viết nhạc trong một thời gian, trước khi tìm thấy một lối viết mang đậm tính cá nhân hơn. Một cú sốc khác đến với Rachmaninoff chính là buổi trình diễn lần đầu Bản giao hưởng thứ nhất Rê thứ đầy hi vọng đã trở thành “một sự vỡ mộng” (như ông nói) vào năm 1897. Danh tiếng bủa vây, kì vọng và thất bại, đau thương gia đình và bất hạnh tình cảm đẩy ông vào chứng trầm cảm. Những sang chấn tâm lí còn kéo dài cho đến giai đoạn giữa sự nghiệp của Rachmaninoff, khi ông vấp phải cơn khủng hoảng ba năm liền bế tắc không thể sáng tác và phải tìm đến sự trợ giúp điều trị của bác sĩ tâm lí thông qua phương pháp tự kỉ ám thị. Tổn thương tâm lí là lực đẩy cho sáng tạo, lại cũng trở thành lực cản của Rachmaninoff.
Sergei Rachmaninoff là đại diện tiêu biểu cuối cùng của giai đoạn (có người gọi là phong cách) lãng mạn trong âm nhạc cổ điển, mở đầu từ giữa thế kỉ XVIII, trở thành đỉnh cao vào thế kỉ XIX và kết thúc cùng Rachmaninoff đầu thế kỉ XX. Âm nhạc lãng mạn chính là biểu kiến điển hình nhất của chủ nghĩa lãng mạn (romanticism). Nó bắt nguồn như một phong trào chống lại quan niệm duy lí của thời kì Khai sáng, vốn dĩ coi vũ trụ là một cỗ máy cần được nghiên cứu bằng phân tích khoa học. Chủ nghĩa lãng mạn khinh thị quan niệm cơ giới này, nhấn mạnh sự hiện diện huyền bí của thiên nhiên - một thể hữu cơ thống nhất phản ánh tâm hồn con người, khía cạnh quan trọng nhất của thực tại. Do đó, đề tài lớn nhất của văn học và âm nhạc lãng mạn chính là biểu đạt những cung bậc cảm xúc chân phương của con người - tình yêu, hạnh phúc, khổ đau… Và để thể hiện khát vọng to lớn của con người trước thiên nhiên, khát vọng vươn tới vô tận, âm nhạc cổ điển lãng mạn cũng tự phóng mình về không gian biểu diễn, thể loại và nhạc lí. Âm nhạc cổ điển trước đây chỉ được biểu diễn trong các thính phòng nhỏ hay phòng dạ hội để chủ yếu phục vụ tầng lớp quý tộc, nay được biểu diễn tại các khán phòng và rạp hát quy mô lớn, với sự tham dự của cả tầng lớp trung lưu đô thị. Về thể loại, các nhà soạn nhạc lãng mạn ưa thích sử dụng opera để khuếch trương quy mô sử thi cho nhạc kịch trường của mình. Không chỉ đơn thuần sáng tác ở thể loại piano độc tấu, concerto và sonata, Rachmaninoff còn sáng tác các bản nhạc dành cho dàn giao hưởng hợp xướng, rhapsody và opera - những thể loại điển hình của âm nhạc lãng mạn.
Âm nhạc lãng mạn nhanh chóng tìm được miền đất lí tưởng của mình ở Nga. Nước Nga đã sản sinh và đóng góp cho trường phái âm nhạc lãng mạn rất nhiều cái tên lớn như Mikhail Glinka, Mily Balakirev, César Cui, Alexander Borodin, Modest Mussorgsky, Nikolay Rimsky-Korsakov, Pyotr Ilyich Tchaikovsky… Một điều kiện thuận lợi giúp cho âm nhạc lãng mạn phát triển ở Nga, chính là khía cạnh đề cao dân tộc chủ nghĩa và chú trọng tới bản sắc dân tộc. Cảm thức yêu nước khích lệ các nhà soạn nhạc tìm kiếm nguồn cảm hứng trong truyền thống dân tộc, cụ thể là chất liệu văn hóa dân gian. Nền âm nhạc nước Nga đầu thế kỉ XIX bị áp đảo bởi âm nhạc Ý, và sân khấu Saint Petersburg bị thống trị bởi các nhà soạn nhạc người Ý. Glinka là nhà soạn nhạc đầu tiên lấy ý tưởng từ giai điệu và tiết tấu đặc trưng của các điệu nhảy và bài hát dân ca Nga. Sau đó Balakirev và các môn đệ của mình học hỏi Glinka, tách ra trở thành một trường phái riêng. Rồi đến Tchaikovsky nhận ảnh hưởng của họ, và đưa các truyện ngụ ngôn dân gian, truyền thuyết, sử thi Nga phối kết hợp với âm nhạc giao hưởng truyền thống phương Tây. Bởi vậy, cho dù không thừa nhận âm nhạc của mình mang tính dân tộc, nhạc của Tchaikovsky vẫn đầy “tính Nga”. Tựu trung, sự kết hợp thành công giữa âm nhạc cổ điển lãng mạn và làn sóng chủ nghĩa dân tộc Nga thế kỉ XIX, chắc chắn khởi phát từ một yếu tố nền tảng - cái gọi là tâm hồn Nga, tinh thần Nga, hay tính cách Nga.
Sau năm 1917 đầy biến động tại quê hương, Rachmaninoff chuyển đến Thụy Điển, rồi sau đó định cư tại Mĩ. Trong vòng hai mươi lăm năm tiếp theo ông sống tại một đất nước nói tiếng Anh, nhưng một điều rất hài hước là ông không thể nào thông thạo được ngoại ngữ này. Cuộc sống của ông trở nên khép kín, biệt lập. Sự cô lập này không hề giúp ích chút nào cho việc sáng tác của ông, thậm chí nó còn khiến ông cùn mòn đi. Rachmaninoff giờ đây đã mang một tâm thế lưu vong, một kẻ phiêu bạt không có thành quốc. Một tâm hồn Nga lạc lõng giữa lòng nước Mĩ xa lạ. Ông da diết nhớ đất mẹ Nga và người Nga - nguồn cảm hứng bất diệt đối với ông. Phần lớn thời gian ở Mĩ ông lấp đầy bằng việc đi lưu diễn. Khi biểu diễn, ông cũng chỉ lựa chọn chuyển soạn lại các tác phẩm của Tchaikovsky, Balakirev, Mussorgsky, Medtner, Liadov. Các sáng tác hiếm hoi của Rachmaninoff trong giai đoạn này, chủ yếu đến từ hoài niệm. Minh chứng tiêu biểu là Bản giao hưởng thứ ba La thứ ông sáng tác năm 1936 chứa đầy cảm quan u sầu ảm đạm đặc trưng của người Slavic. Bản giao hưởng này, hệt như một tiểu thuyết Nga, đầy những biến cố và thống nhất bởi chủ đề vĩ đại bao trùm.
Rachmaninoff như một luồng nghịch lưu, lạc lõng giữa dòng chảy âm nhạc của thời đại. Đặt trong bối cảnh âm nhạc đương đại thế kỉ XX bấy giờ, Rachmaninoff né tránh và khước từ những phong cách mới kiểu avant-garde, ấn tượng chủ nghĩa, tân cổ điển, nhạc 12 âm (serialism), vô điệu tính (atonality). Trong một bài trả lời phỏng vấn năm 1943, ông thể hiện rõ khác biệt trong quan điểm sáng tác của mình với những nhạc sĩ đương đại. Thứ âm nhạc mới, đối với ông, quá nặng tính lí trí (“không đến từ trái tim, mà đến từ cái đầu”). Ông nhận định rằng các nhạc sĩ đương đại có lẽ sáng tác dựa trên tinh thần của thời đại, nhưng tinh thần của thời đại này không tìm thấy sự biểu đạt thông qua âm nhạc. Bởi vậy, thay vì sáng tác thứ âm nhạc mang tính tư duy nhiều hơn cảm nhận, tốt hơn hết các nhạc sĩ nên lùi lại và nhường chỗ cho những nhà văn hoặc nhà viết kịch, những bậc thầy của con chữ. Quan điểm này tình cờ đồng vọng với một học giả lớn người Đức đầu thế kỉ XX, Oswald Spengler, trong công trình triết học lịch sử Sự suy tàn của phương Tây. Trong đó, văn hóa được hiểu là một sinh thể sống, mỗi thời đại hưng thịnh của văn hóa nghệ thuật được duy trì và di dưỡng bởi một linh hồn bên trong. Văn hóa phương Tây ở thế kỉ XX đang suy tàn, bởi linh hồn đưa nó đến đỉnh cao đang dần lụi tắt và kiệt cùng những khả thể. Linh hồn đó, được Spengler mượn tên nhân vật Faust từ tác phẩm cùng tên của Goethe để gọi tên. Nó biểu hiện cho khát vọng vươn tới vô tận của con người phương Tây, tổng hợp của ý chí, sức mạnh và hành động. Spengler nhận định: “Thứ được gọi là nghệ thuật ngày nay - âm nhạc sau Wagner hay hội họa sau Cézanne, Leibl và Menzel - bất lực và giả dối. Chúng ta đến mọi triển lãm, mọi buổi trình diễn, mọi nhà hát kịch và chỉ thấy những người thợ vụng kiểu công nghiệp và xướng ca vô loài, những kẻ vui thích tạo ra một thứ gì đó cho thị trường, thứ gì đó sẽ “nắm bắt” được đám đông, trong khi hội họa, âm nhạc và kịch đã không còn là những sự cần thiết dành cho tinh thần”. Đỉnh cao của nghệ thuật nhân loại mãi nằm lại cùng âm nhạc cổ điển. Thế kỉ XX đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa lãng mạn và bị soán ngôi bởi các trào lưu mới: trong hội họa là tranh biểu hiện chủ nghĩa của Edvard Munch và Wasily Kandinsky, tranh lập thể của Pablo Picasso, phong trào kiến trúc và nghệ thuật Bauhaus; Paris trở thành kinh đô mới của âm nhạc với Claude Debussy, Maurice Ravel, Erik Satie.
Đầu thế kỉ XX bùng nổ những sự thay đổi và thể nghiệm trong âm nhạc, nhưng âm nhạc của Sergei Rachmaninoff vẫn sống trong biểu đạt của thế giới lãng mạn thế kỉ XIX. Nhìn theo quan điểm bi quan lịch sử, thì ông là một nhân vật bi kịch, hiện thân của một thời đại văn hóa rực rỡ nay đã lụi tàn. Nhưng Rachmaninoff, như một ngôi sao lẻ loi, trước khi kết thúc vòng đời của mình, vụt sáng trở thành một “siêu tân tinh” trên bầu trời thiên thể
P.M.Q

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)