Phát hành phim độc lập: Kinh phí ít, vẫn phải quảng bá

Thứ Năm, 20/06/2019 10:17
Một số phim độc lập Việt Nam đã được vinh danh tại các liên hoan phim quốc tế, thậm chí trình chiếu tại rạp nước ngoài, nhưng lại chưa chinh phục được công chúng trong nước. Theo các nhà chuyên môn, đừng mặc định phim độc lập khó phát hành, nhà sản xuất cần tận dụng mọi cơ hội để quảng bá, đưa phim đến khán giả.

Gian nan ra rạp

Khoảng chục năm trở lại đây, dòng phim độc lập đã dần trở nên quen thuộc với giới điện ảnh và công chúng nước nhà. Không chỉ vậy, các bộ phim này đã có những thành công nhất định tại các liên hoan phim quốc tế, như “Bi, đừng sợ!” của đạo diễn Phan Đăng Di (đoạt giải Dự án châu Á nổi bật tại Liên hoan Phim quốc tế Pusan 2007), “Đập cánh giữa không trung” của Nguyễn Hoàng Điệp (giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice - Liên hoan phim Venice 2014), “Cha cõng con” của Lương Đình Dũng thắng giải Phim hay Nhất châu Á - Liên hoan Phim quốc tế Iran 2018... Gây được tiếng vang như vậy, nhưng với các nhà làm phim, chọn phim độc lập vẫn là đi vào con đường nhiều chông gai.


Chú trọng quảng bá, phim độc lập sẽ dễ đến với khán giả

Ngoài độc lập về kinh phí sản xuất, phim còn độc lập về nội dung, tư tưởng, tiêu chí nghệ thuật. Nếu như chỉ xác định tham gia các liên hoan phim quốc tế, nhà làm phim có thể đi đến tận cùng đam mê và mong muốn thể hiện, nhưng các chuyên gia cũng góp ý, nếu có ý định phát hành trong nước, họ nên tham khảo các yếu tố để phim có thể được chấp nhận tại Việt Nam.

Tuy được tự do thể hiện ý tưởng và sáng tạo, nhưng gian nan trước tiên mà đạo diễn phải đối mặt là kinh phí sản xuất. Thường thì các tác giả tự viết dự án phim, tự bỏ tiền túi hoặc thuyết phục nhà tài trợ, quỹ điện ảnh đầu tư. Có những bộ phim được “thai nghén” ròng rã nhiều năm mới có thể ra đời. Như đạo diễn Lương Đình Dũng từng chia sẻ, anh làm phim “Cha cõng con” vì món nợ cá nhân, tác phẩm được ấp ủ trong 10 năm...

Khó khăn tiếp theo khiến các nhà làm phim nản lòng hơn là hành trình đưa phim đến với khán giả. Đạo diễn Trần Phương Thảo, tác giả của bộ phim tài liệu “Đi tìm Phong” cho biết, phim hoàn thành năm 2015, nhưng hành trình đưa phim đến rạp không dễ dàng. Đạo diễn đã quyết định đưa phim tham gia các LHP quốc tế, với hy vọng khi có giải thì các nhà phát hành trong nước đỡ e ngại. Phim đã tham gia hàng chục LHP quốc tế, giành một số giải thưởng và nhận được đánh giá cao của các nhà phê bình. Đến năm 2018, “Đi tìm Phong” mới được trình chiếu tại Việt Nam nhưng doanh thu cũng chưa được như mong muốn.

Có thể thấy, con đường vòng qua các LHP quốc tế vẫn chưa phải công thức bảo đảm cho phim ra rạp thành công, bởi nhiều bộ phim thế giới đã ghi nhận, nhưng nhà phát hành, khán giả trong nước vẫn quay lưng. Nguyên nhân được cho là do phim kinh phí thấp thường là phim ngắn, khó ra rạp; phim thường không có ngôi sao, nội dung thể hiện các vấn đề khác với phim giải trí, hành động, nên kén khán giả hơn.

Tận dụng cơ hội quảng bá

Theo các nhà chuyên môn, không chỉ ở Việt Nam, phim độc lập ở nước ngoài ra rạp cũng khó tương tự, nhưng không vì thế mà hoàn toàn không có cơ hội. Bà Nguyễn Thùy Vân, người 10 năm đảm nhiệm vị trí Film Marketing Manager tại Megastar/CGV Hà Nội cho biết, trong quá trình phát hành phim, nhà phát hành không phân biệt và dán mác phim độc lập hay phim nghệ thuật, phim thương mại. Mỗi phim có đối tượng khán giả riêng, và nhà phát hành cùng nhà sản xuất phối hợp để tìm ra đúng đối tượng cho phim. Ví dụ, có những bộ phim hài kiểu Mỹ, không phù hợp lắm với văn hóa Việt Nam, nhưng vẫn có đối tượng khán giả, nhà làm phim phải biết rõ để có hướng tiếp cận thích hợp.

Thực tế hiện nay, không chỉ phim độc lập, mà các nhà làm phim nói chung, hầu như hoàn thành dự án mới bắt đầu đi tìm nhà phát hành và quảng bá phim, vì thế, có những bộ phim hoàn thành rất lâu mới được công chiếu. Bà Nguyễn Thùy Vân cho biết, nhiều khi không có những tài liệu cơ bản về phim như hình ảnh, câu chuyện trên trường quay, quá trình sản xuất phim, thông tin về diễn viên... để phục vụ truyền thông. Các nhà làm phim nên học qua các lớp liên quan đến marketing phát hành, bởi nếu chỉ đam mê làm phim thì chưa đủ. Nhiều phim ra rạp mới truyền thông, trong khi 3 ngày đầu tiên ra rạp quyết định phim thành công hay không. Vì thế, thời điểm quảng bá phim phải được tiến hành trước để phim được biết đến nhiều nhất lúc khởi chiếu, tránh tình trạng ngày công chiếu chỉ có vài khán giả, tạo hiệu ứng không tốt. Đặc biệt là phim độc lập, vốn đã kén khán giả, nếu không chú trọng truyền thông thì khó thu hút đúng đối tượng khán giả.

Tuy doanh thu không so được với phim bom tấn, nhưng nhiều phim độc lập ở nước ngoài đã ra rạp thành công. Một phim ra rạp thường được chi khoảng 10% tổng doanh thu ước tính cho marketing. Nhưng với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhiều bộ phim không có tiền vẫn có thể quảng bá tốt, dựa trên các nền tảng miễn phí. Do vậy, dù làm phim độc lập kinh phí ít nhưng vẫn phải chuyên nghiệp trong quảng bá và phát hành. Ngay từ khi nhen nhóm ý tưởng, nhà làm phim có thể lập fanpage, cập nhật thông tin làm phim, tham gia các liên hoan quốc tế... để tạo dựng cộng đồng quan tâm, có lợi thế khi làm việc với nhà phát hành.

Ngoài chiếu tại rạp, nhà sản xuất phim độc lập cũng nên quan tâm đến các không gian văn hóa nghệ thuật tại những thành phố lớn, cũng như khai thác các nền tảng mới như Netflix, Amazon, cung cấp video theo yêu cầu... Các yếu tố này kết hợp với nhau nhuần nhuyễn để tạo doanh thu, đưa phim đến với đông đảo công chúng. Đây là nguồn lực và động lực cho nhà làm phim tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn, làm nên sức sống mạnh mẽ hơn cho dòng phim độc lập Việt Nam.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Thảo Nguyên)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)