Bình luận văn nghệ  Điểm sách

Một cuốn sách của tác giả Nobel Hoà bình mà “toàn thể nhân loại cần đọc”

Thứ Tư, 05/06/2019 09:16

Tháng 4/1945, trại tập trung Auschwitz khét tiếng đã được giải phóng bởi binh lính Mĩ, hàng chục ngàn người đã được giải cứu, một người trong số đó về sau (năm 1986) đã giành được giải Nobel Hòa bình: Elie Wiesel.

Tác giả Elie Wiesel (1928-2016)

Elie Wiesel đã dành 10 năm, bắt đầu từ thời điểm được giải cứu ra khỏi trại tập trung, để kể lại những gì bản thân ông đã trải qua nơi lò thiêu - địa ngục trần gian ấy. Ông nhấn mạnh rằng, những người sống sót viết lại đoạn hồi ức này “không phải là một nghề nghiệp, mà là một loại nghĩa vụ”.

Cuốn tự truyện hồi kí Thế giới vẫn cứ im lặng của ông được xuất bản tại Paris năm 1958, sau đó đổi tên thành Đêm. Cuốn sách không chỉ mô tả chi tiết sự tàn bạo của Đức Quốc xã, mà còn nêu lên được áp lực tâm lí mà những người Do Thái phải chịu đựng khi bị bắt giữ. Đêm là được coi là lời chứng, còn hai cuốn tiếp theo Dawn (Rạng sáng, 1960) và Accident (Tai nạn, 1960) được dùng như là lời luận giải, làm thành ba bản tường thuật vô cùng sinh động và thương tâm.

Thật khó tìm đúng từ ngữ để viết về một cuốn sách như Đêm. Thật khó tìm được lời lẽ để diễn tả hết cảm xúc về câu chuyện kể trong Đêm. Vì rằng mọi ngôn từ đều trở nên mơ hồ trống rỗng để có thể kể minh tường chuỗi ngày đêm kinh hãi con người đã phải trải qua ở nơi ấy. Những di dời và tuyển chọn, những ngọn lửa và ống khói, những kẻ sống và xác chết, những công trường và khu trại: từ ngữ chỉ cho chúng ta nhiều khái niệm nhưng không giúp chúng ta nhìn rõ và cảm nhận sự ghê tởm ở những nơi chốn ấy - nơi chốn con người bị truy bức đến đường cùng, đến mức sống không bằng chết, đến mức không còn được là người.

Ngày hôm nay dù phát xít đã thất trận, cuộc Thế chiến phi nghĩa đã lùi xa, nhưng lịch sử giải thích thế nào về những trẻ sơ sinh đã bị ném vào lửa, về những đứa con sẵn sàng đánh chết cha mình vì một miếng ăn, về những con người trần truồng giãy chết trong các buồng ngạt hơi? Lịch sử sẽ trả lời thế nào về những Auschwitz, Birkenau, Buna, cùng nhiều trại tập trung khác? Và lịch sử sẽ nói gì với những con người sống sót bước ra từ các khu trại chết chóc ấy?... Không có lời giải đáp thích đáng nào cho những thân phận vô tội đã bị ép chết, cũng không có câu trả lời hợp lẽ về các trại tập trung ghê rợn đã đày đọa người Do Thái, càng không có lời lẽ nào công bằng cho những con người bước ra từ nhục hình ấy; bởi lẽ chính những cái chết phi lí đã là sự kiện, những trại tập trung đã là nơi chốn, những tù nhân sống sót đã là nhân chứng của một trang đen tối và bi thảm nhất trong lịch sử loài người.

Đêm của Elie Wiesel, Bảo Trân dịch, Nxb Hội Nhà văn & Tao Đàn, 2019

Đây là một trích đoạn từ Đêm: “Sẽ không bao giờ tôi quên được đêm ấy, đêm đầu tiên ở trại, cái đêm dài nhất trong cuộc đời tôi cùng với bảy lần bị giam giữ. Sẽ không bao giờ tôi quên làn khói ấy. Sẽ không bao giờ tôi quên những khuôn mặt bé nhỏ của những đứa trẻ tôi đã nhìn thấy thịt da chúng cuộn dúm lại dưới bầu trời lặng câm. Sẽ không bao giờ tôi quên những ngọn lửa đã thiêu rụi mãi mãi đức tin của tôi. Sẽ không bao giờ tôi quên sự tĩnh lặng của cái đêm đã tước đoạt vĩnh viễn trong tôi khát vọng sống. Sẽ không bao giờ tôi quên những khoảnh khắc đã giết chết Đức Chúa trong tôi cùng linh hồn tôi, và những giấc mơ của tôi trở nên hoang vắng. Sẽ không bao giờ tôi quên chuyện này, cho dù tôi có bị kết án phải sống lâu dài như chính Đức Chúa. Sẽ không bao giờ.”

Theo bà Winfrey - chủ nhân Oprah's Book Club - Đêm của Elie Wiesel là một cuốn sách mà toàn thể nhân loại cần đọc (“should be required reading for all humanity").

Dịch giả Bảo Chân phát biểu: “Mỗi một trang lịch sử rồi sẽ lùi về quá khứ, dẫu có đau thương; thế nhưng mỗi trang sử phải trở thành kí ức và trách nhiệm của con người, chúng ta phải nuôi dưỡng và lưu truyền kí ức ấy để những người đã chết sẽ không chết lần thứ hai vì bị lãng quên, để những thảm kịch lịch sử không tái diễn trong hiện tại, và để đau thương trong quá khứ không trở lại trong tương lai.

Đêm của Elie Wiesiel chính là một kí ức cần được lưu truyền cho nhiều thế hệ sau - một thảm kịch lịch sử không thể đi vào lãng quên trong kí ức nhân loại.”

Đêm, theo như chính tác giả xác nhận, là một cuốn hồi kí thực sự, về những điều ghê rợn mà ông chứng kiến, khi còn là một đứa nhỏ, ở trại tù, nơi cha mẹ chị em ông đã bị giết. "Vì là hồi kí cho nên đây là kinh nghiệm của tôi, từ A đến Z, chúng phải thực... - ông nói”. Ông không muốn người đọc coi đây là một cuốn tiểu thuyết, vì ông biết có nhiều khác biệt.

Tuy nhiên, do phẩm tính văn chương của Đêm, nhiều người vẫn cứ muốn coi cuốn sách này là một tác phẩm tiểu thuyết, tác phẩm tiểu thuyết của nhà văn đoạt giải Nobel… Hoà bình.

TẦM THƯ

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)