Đọc tùy bút Chu Văn Sơn, bỗng nhớ câu nói cực tài tình của Trương Trào trong U mộng ảnh: “Văn chương là sơn thủy trên án thư, sơn thủy là văn chương trên mặt đất” (Văn chương thị án đầu chi sơn thủy, sơn thủy thị địa thượng chi văn chương). Phiêu du vào cõi văn chương hay dấn mình thám hiểm chốn sơn thanh thủy tú, cả hai đều là những cuộc khám phá đầy đam mê, đòi hỏi biết bao tâm sức và cả những ngón nghề riêng do trau dồi kỹ lưỡng mà có.
Lớn lên và bước vào đời đúng thời buổi tột cùng khó khăn, dù sẵn bẩm chất nghệ sĩ, Chu Văn Sơn lúc ấy chắc chẳng dám mơ sẽ có lúc mình được thỏa chí chu du thiên hạ để học… rùng mình (mượn tên một truyện cổ của Grimm). Thế là anh đi vào nghề thầy - thầy dạy văn chương. Với nghề này, không/ chưa được đi mà như đi. “Sơn thủy trên án thư” cũng lồng lộng bao la một cõi. Đẹp và đầy mê đắm. Sơn nhập vào chốn ấy, thi triển hết tài hoa của mình để mở những “nếp gấp” của chữ nghĩa, phong cách, đặng nhìn thấy chân diện mục của cái đẹp, gặp người đồng điệu, tìm ra mình và đồng thời cũng giúp cho bao kẻ thụ giáo có được niềm vui trong lành, vô vị lợi trước văn chương. Văn chương dẫu đẹp mà đầy thách thức. Đi vào nó như đi vào chốn “sơn trùng thủy phúc”, khéo chẳng thấy đường (nghi vô lộ), mong gì hạnh ngộ “hựu nhất thôn” sau “liễu ám hoa minh” như Lục Du thuở trước. Thế mà Sơn đã đến, đã gặp, đã vượt qua những lối đi khuất khúc, gập ghềnh bằng những chiêu thức học được, luyện được, để cuối cùng tìm thấy một chỗ đứng có thể từ đó phóng mắt nhìn xa mà cảm khái, như Quang Dũng ngày nào khi viết nên câu thơ tuyệt bút: Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…
Chân dung nhà văn, nhà phê bình Chu Văn Sơn qua kí hoạ của bạn văn Phan Huy Dũng (2012)
Rồi đến ngày, đời sống tươi hơn, điều kiện thuận lợi hơn, lại được sự hối thúc của người bạn đời tháo vát và mạnh mẽ, Sơn lên đường, đến những miền một thời tưởng chỉ có thể được gặp qua trang sách. Nếu “sơn thủy trên án thư” có thể làm mệt trí, hao dầu, cạn đêm thì sơn thủy của thiên nhiên cũng bắt anh phải “nhọc” chẳng kém: căng cơ, chồn chân, mỏi gối… Nhọc mà ham. Thì đời kẻ trót dính nợ văn chương có bao giờ thoát khỏi chữ “ham” ấy, dù thực tế, Sơn là một người nhu hòa, dễ chia sẻ và cũng biết… sợ đau. Nhưng Sơn đã có nhiều kinh nghiệm. Những chiêu dò tới “ngọn nguồn lạch sông” của “sơn thủy trên án thư” ngày nào giờ được chuyển hóa thành các chiêu chinh phục tấm đồ hình kỳ bí của “văn chương trên mặt đất”. Vẫn một Sơn ấy: kỹ lưỡng trong chuẩn bị, uyển chuyển trong từng động tác, mỗi bước dừng, bước đi đều hữu ý, càng gặp khó lại càng… lì. Sơn biết, tới trước, anh sẽ được bù đắp: gặp chính con người mình, được bộc lộ mình như vốn có, chẳng phải e dè liếc nhìn quanh quất. Sơn thủy đã cho anh sự can đảm và sức mạnh ấy chăng?
Có lẽ tôi đã hơi phóng đại khi nói về chuyện “đi” của Chu Văn Sơn, do bị ám bởi những trang viết đầy hào hứng và nhiều phát hiện, trong đó có nhắc đến các chốn lẫy lừng như Sơn Đoòng, Angkor, Venise? Thật ra, đi thế đâu phải đã nhiều, so với những kẻ mắc bệnh xê dịch thứ thiệt. Hơn nữa, không hiếm những thiên tùy bút chỉ là kết quả của mấy chuyến dạo quanh, đến những chỗ ai cũng đến được, ngắm những cảnh ối người đã ngắm (mà cũng có khi họ không thèm ngắm). Nhưng, số ki - lô - mét mà bàn chân đã đo (với sự tiếp sức của những phương tiện giao thông hiện đại) không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với số “ki - lô - mét” của ý nghĩ, nhận thức, suy nghiệm. Chu Văn Sơn quan tâm đến điều sau hơn hết. Chẳng phải thế mà ký ức Sơn bồi hồi phong lại dấu bàn chân dẫm trên bờ ruộng trắng cứt cò đã se khô trong gió? Chẳng phải thế mà Sơn để màu hoa lau ràn rạt trắng những triền núi khuất hay rủ bờm trong đêm sương cô tịch dồn mối liên tưởng về phận người đến tận cùng hoang mang? Và chẳng phải thế ư, việc Sơn để mọi giác quan cùng rung lên trước pho tượng ngồi ôm mặt ở nhà mồ Banar, với hốc mắt giàn dụa nước mưa và những mẩu gỗ mủn đen lả tả rớt xuống như “xương rời thịt rụng”? Thì ra, với Sơn, mỗi dặm đường khám phá cảnh quan bên ngoài chính là một dặm đường tìm về với tâm thức. Bước phiêu du cùng sơn thủy có lúc phải dừng theo những lịch trình nhất định, nhưng bàn chân đi về “cõi ta” cứ lầm lũi chẳng thể ngừng, vì con đường phía trước còn hun hút. Những trang tùy bút của Sơn hấp dẫn vì lẽ đó. Đi là phơi trải. Mỗi nơi đến đưa lại một nguồn kích thích khác nhau, để những cảm giác, suy nghiệm đầy ứ mưng mưng tìm được cách hiển lộ phù hợp, trong những hình tướng đa dạng, luôn biến hóa. Tôi không nghĩ Sơn đã tính sẵn sẽ viết gì trước mỗi chuyến đi. Anh thường thả lỏng mình, tin vào duyên gặp gỡ. Và câu chuyện cứ thế mà triển nở, đủ làm vui cho người thích các series ảnh tân kỳ về những chốn anh đặt chân tới, cũng đủ lấp đầy mong đợi của những kẻ thường băn khoăn lật đi lật lại tìm nghĩa lý sinh tồn hàm chứa trong sự tồn tại của mọi đối tượng, từ tráng lệ, kỳ vĩ tới khiêm nhượng, lặng thầm. Có một sự thống nhất của rừng chi tiết, liên tưởng, so sánh trong các thiên tùy bút. Chúng biểu lộ cái gì, nếu không phải là những ngóc ngách của “hang mạch đáy lòng” Sơn: có u uẩn, ẩm ướt, có rạo rực, nồng nàn, có nghẹn ngào, tấm tức, có tở mở, hân hoan. Lòng nhiều đối cực nên văn cũng nhiều đối cực, gắn với thói quen “ngắm phong cảnh giữa hai bề lá cỏ”, với thao tác thường dùng là tìm sợi dây liền lạc ẩn sâu dưới những phản trái mang tính biểu kiến. Bài viết nhân chuyến viếng thăm Angkor thể hiện rất rõ nét riêng này của tùy bút Chu Văn Sơn, cũng là nét riêng của một cách tra vấn ý nghĩa tồn tại. Ta mệt nhọc vì cách tra vấn ấy nhưng rồi bỗng thấy lòng mình nhẹ nhõm, khoáng đạt không ngờ trước muôn vàn nghịch lý, để có thể vừa khắc khoải với tiếng kêu trầm thống của đá trong điêu tàn, lại vừa mơ mộng với tiếng hoan ca của cái đẹp, của khát vọng sống khi đối diện cùng vĩnh cửu. Tôi từng không ngăn nổi niềm sung sướng khi đọc Sơn Đoòng lần đầu trên FB của Sơn và thích thú nhận ra ở đây có một cuộc đối thoại đúng nghĩa. Sơn thủy đợi Sơn, kỳ quan hang động chờ Sơn để tiết lộ những âm u thăm thẳm của lòng mình. Ngược lại, anh cũng sá kể thử thách để đến với Sơn Đoòng, nhờ Sơn Đoòng khuếch âm giùm những náo động của tâm tư dồn nén, làm hiển thị giúp những tầng lớp chập chùng của suy nghĩ về tạo hóa, về những bí nhiệm của đời sống và kiếp nhân sinh. Cuộc gặp, cuộc đối thoại ấy đã làm vọt trào một “kỳ trận chữ”, một cuộc bắn pháo hoa của chữ. Có thể nói, tùy bút thần sầu này đã giúp ta ngộ ra cái lý của cổ nhân khi đồng nhất văn chương và sơn thủy. Đến đây, tôi muốn bổ sung cho một ý đã triển khai ở trên, rằng: ngoài việc đi vào sơn thủy như đi vào văn chương, Sơn còn muốn dùng văn chương để tái tạo, tái sinh sơn thủy, cũng theo cách mà anh từng quen khi dựng dậy cái thế giới sống động náu mình trong những con chữ, trang chữ dưới bàn tay nâng niu lật giở. Chẳng biết có cái gì như là tiền định trong cuộc, trong cách trùng phùng đó không?
Đọc Sơn, tôi thật quý một thái độ trước thời thế. Cái đẹp của thiên nhiên, của cảnh quan văn hóa hút hồn ta mê mải. Nhưng cũng chính nó không ngừng nhắc ta phải có thái độ cảnh giác. Cảnh giác với lòng tham, cái ác, sự vô minh cố hữu của con người. Cảnh giác với những hành động khó lường do ngu muội về văn hóa. Cảnh giác với những nhân danh trong một thời tao loạn bởi nhân danh. Thiên nhiên, cảnh trí thường nhắc nhưng người đời thường… không nghe. Riêng Sơn, Sơn đã nghe. Nghe và thao thức. Hộp đàn lòng Sơn đã cộng hưởng với từng âm thanh nhỏ nhất của nó, để rồi làm loang ra những sóng âm mênh mang mà day dứt. Những kết nối giữa câu chuyện về cái đẹp nơi đâu với câu chuyện về cuộc sống nhiều nham nhở quanh ta đã được anh thực hiện rất tự nhiên và không thiếu tinh quái. Chúng nhẹ như đám lông cò trắng phau bay loạn nơi đầm Vạc, nhưng cũng nặng như tiếng rên của giọt máu điểm cuối mỗi chân lông xơ xác. Chúng thoảng qua như hơi gió lạnh mặt hồ ở chốn thanh an khi trời sẩm tối, nhưng cũng miết vào lòng ta một niềm lo lắng bất an. Chúng lởn vởn như bóng chiều âm u nơi khu tượng nhà mồ, nhưng bỗng chốc làm “réo rít” trong ta những tiếng kêu thảng thốt mà câm lặng. Có lạ không khi được thỏa lòng đến những nơi kỳ thú mà lòng Sơn vẫn không thôi ao ước? Đang dạt dào cảm xúc với Sơn Đoòng, anh lại mong được gặp, được thấy một mẫu người tận hiến như Yersin, Howard Limbert ở Việt Nam, là người Việt Nam. Tràn đầy phấn khích khi được đến thật gần tượng David của Michelangelo ở Florence, thấy những phiên bản của tượng này đặt rải rác nhiều nơi trong thành phố quê hương của thiên tài, anh lại ước không gian văn hóa tượng đài ở xứ mình phải được làm sạch, chấm dứt những nhố nhăng, nhiễu loạn. Ôi, chẳng có gì lạ đâu, vì với Sơn, đi du lịch không phải là du hí, mê cái đẹp của “sơn thủy trên án thư” hay “văn chương trên mặt đất” không phải để quên, nói chuyện vô thường không phải để buông trôi, phó mặc. Nói thì to tát nhưng trách nhiệm của một ông thầy, một người cầm bút đã “buộc” lấy Sơn, như là duyên, hay là định mệnh.
Đã từng có một Chu Văn Sơn trong phê bình văn học, giờ lại có thêm một Chu Văn Sơn trong tùy bút. Ai đó có thể ngạc nhiên, còn tôi thì không. Từ lâu, tôi đã chờ đợi ngày anh thêm nét vẽ này, mảng màu này vào bức chân dung tự họa độc đáo của mình, với nhiều đồng cảm. Chắc anh vẫn chưa mãn ý, dù người đời đã xúm vào ngợi khen tấm tắc. Và tôi còn đợi, thong dong, bên một ấm trà…
PHAN HUY DŨNG
VNQD