Tự sự của im lặng

Chủ Nhật, 03/02/2019 00:55

. NGUYỄN ĐÌNH MINH KHUÊ

(Đọc Người cha im lặng của Doan Bui, bản dịch của Thuận, Nxb Hội nhà văn, 2018)

Đầu năm 2018, cùng với sự ra đời của Người cha im lặng (bản dịch Việt ngữ của cuốn Le silence de mon père xuất bản lần đầu tại Pháp năm 2016), Doan Bui - một nữ nhà văn, nhà báo tài danh người Pháp gốc Việt - chính thức xuất hiện trên văn đàn Việt Nam và ngay lập tức tạo được mối đồng cảm lớn lao với bạn đọc trong nước. Từ một cõi im lặng xa xôi, chị bất chợt cất lên tiếng nói của mình giữa dải đất quê hương sau hơn nửa thế kỉ li biệt. Tiếng nói ấy khoác lên mình vẻ sắc lạnh của lí trí song ẩn sâu bên trong lại là một thứ xúc cảm da diết, nồng đượm đến lạ kì.

Trong Người cha im lặng, như cái tựa đề của nó đã gợi mở phần nào, những câu chuyện mà Doan Bui kể ra đều ít nhiều có liên quan đến cái vùng hư vô miên viễn nơi sự câm lặng ngự trị. Một người cha mãi mãi mất đi tiếng nói sau đợt tai biến bất thình lình. Một gia tộc có thói quen gom nhốt, chôn vùi mọi bí mật, mọi nỗi đau và nước mắt vào cõi u uất của những cái lắc đầu hay cúi mặt nín lặng. Những Paris, Le Mans, Hà Nội, Sài Gòn, làng Sét,… lấp kín mọi bão giông quá khứ cuồn cuộn trì nặng vào trong vô thanh.

Tuy nhiên, dù diện mạo bề ngoài của tất cả những tự sự ấy là một chuỗi thinh lặng đến ám ảnh, thì Người cha im lặng, theo tôi, thực ra lại là một cuốn sách của sự nói ra, của cái khao khát được sẻ chia, được đối thoại, hay nói đúng hơn, được tình tự.

Nhân vật người cha - vị bác sĩ trầm lặng Bùi Anh Dũng - trong tiểu thuyết này là một hình tượng nổi bật thể hiện rất rõ tinh thần ấy. Sang Pháp năm mười chín tuổi, tưởng chừng sẽ được về Việt Nam với gia đình sau khi học xong khóa đào tạo y khoa, nhưng vì những biến động chính trị, ông đành ở lại nước Pháp để rồi cưới vợ, sinh con và định cư tại thành phố Le Mans. Sống một quãng đời dài tại Pháp, song như lời kể của Doan Bui, tiếng Pháp của ông không hề trôi chảy, thuần thục và sau bao nhiêu năm vẫn không cải thiện bao nhiêu. Ông chọn cách im lặng, kiệm lời, hi hữu lắm mới nói vài câu trong suốt một quãng đời thăm thẳm. Dường như ông không nỡ thấy những ngôn từ ngoại lai kia trôi sượt qua môi mình. Trong ông đau đáu một thứ tiếng nói nối kết với truyền thống và ngôn ngữ quê hương, với những kí ức có cả hạnh phúc lẫn đau đớn về gia đình, dòng tộc, xứ sở.

Chính vì vậy, tôi cho sự mất đi tiếng nói lại là một niềm hạnh phúc đối với ông. Bởi chính khi ấy, tiếng nói vật chất, hữu hình, thứ tiếng nói mà ông phải dùng Pháp ngữ để kiến tạo nên đã không còn khả năng ràng buộc ông được nữa. Ông có thể sống với một thứ âm vang tiếng Việt vĩnh cửu cuồn cuộn chảy tràn trong máu huyết. Ông có thể tự do đối thoại cùng những bóng ma, những ân oán, những vui buồn kéo dài từ quá khứ mà không bị giằng xé rằng liệu mình có nên hòa nhập hoàn toàn vào nền văn hóa Tây phương, như vợ ông, các con ông và bao người Việt lưu vong khác.

Nói cách khác, chính trong sự câm lặng mãi mãi, ông tìm thấy tiếng nói của chính mình.

Cũng rất có thể vì vậy mà khi đọc xuyên suốt tiểu thuyết này, ta nhận thấy Doan Bui rất ít khi, thậm chí không hề, mô tả những đau đớn cuồng dại của ông Dũng khi biết rằng mình đã mất đi tiếng nói vì cơn tai biến - nỗi đau mà có lẽ không nhiều người có khả năng chịu đựng một cách bình tâm và thanh thản như ông. Đọc Người cha im lặng, người ta sẽ nhớ đến ông với hình dáng của một người đàn ông hiền lành ngồi trước vô tuyến, hay a-o-a vài tiếng vô nghĩa, rồi im bặt đi như thể đang trò chuyện say sưa với những hình bóng bước ra từ một tầng thế giới nào. Bằng thứ siêu ngôn vô thanh.

Tuy vậy, mọi thứ có lẽ không chỉ dừng lại ở đây. Sự im lặng đột ngột của ông Dũng như điểm thắt nút của quyển tiểu thuyết này còn có một vai trò rất khác. Nó không chỉ khiến ông tìm lại được tiếng nói thất lạc của mình, khiến ông cảm thấy hạnh phúc, được giải tỏa, mà còn khiến cho những người quanh ông dần thoát khỏi sự câm lặng đau đớn từ suốt mấy mươi năm.

Có thể thấy rất rõ, rằng cái vỏ bọc câm nín vĩnh cửu của hình tượng người cha trong quyển tiểu thuyết này hầu như chỉ là cái cớ để từ đó mở ra, thôi thúc toàn bộ những con người có liên quan đến cuộc đời ông bước vào một hành trình truy vấn căn tính, một cuộc đối thoại xuyên lịch sử, xuyên không gian, xuyên phả hệ dằng dặc hân hoan, cay đắng và đau đớn. Ở đó có một nữ nhà báo từ lâu đã quen với việc khai thác câu chuyện đời của những phận người di trú, lưu vong nhưng chợt nhận ra mình chưa bao giờ biết được một điều gì về những quãng quá khứ tha hương đầy bi kịch của người mà cô gọi là cha trong suốt mấy mươi năm. Ở đó có những Bùi 1, Bùi 2, Bùi 3, Bùi 4,… - những con người không phải chịu một nỗi đau thể xác nào, không phải trải qua một lần tai biến nào để mất đi tiếng nói như người cha đau khổ ấy, nhưng chợt thấy mình như kẻ lạc lõng, câm điếc trên chính quê hương vì tiếng mẹ đẻ từ lâu đã bị bứt đi, chỉ còn ẩn trú đâu đó trong một vùng tối tăm của vô thức. Ở đó có những câu chuyện, những thân phận như hai đứa con rơi của ông Dũng với một bà đầm Tây, tưởng chừng đã bị bỏ lại trong hố thẳm của quá khứ, nhưng chính từ lần tai biến của người cha ấy mà chúng bắt đầu vụn vỡ ra, cất lên tiếng nói của mình sau nhiều năm tháng giấu mình đi vì những thù hận chiến tranh, những định kiến sắc tộc.

Nói như vậy để dễ thấy, rằng sự mất đi tiếng nói của ông Dũng thực ra chỉ là sự câm lặng bề ngoài. Ông im lặng nhưng lại chính là người nói ra, hoặc ít nhất là khiến mọi thứ được nói ra. Trong khi đó, người vợ của ông, chị ông, những đứa con, cả trong và ngoài giá thú của ông, dù chẳng có vấn đề về nói năng nào, lại mới chính là những kẻ câm lặng, từ bấy lâu nay hoặc chôn vùi đi, hoặc không biết cách để tìm thấy tiếng nói của mình. Để rồi tất cả họ cùng tham gia vào những cuộc hành trình tìm lại tiếng nói lưu lạc. Đối với thế hệ đi trước, cái thế hệ đã trực tiếp đi qua những quãng lịch sử bão giông, thì đó là hành trình của sự đánh thức, gợi nhắc và trút ra những bí mật nặng lòng về tình yêu, tình vợ chồng, con cái, cha mẹ, xóm làng, đất đai, nhà cửa. Còn đối với thế hệ đi sau - thế hệ của Doan Bui, cái lứa mà chị gọi là thế hệ “chuối”, ngoài vàng trong trắng, bề ngoài châu Á nhưng tâm tính châu Âu - thì đó lại là cuộc hành trình lần tìm về căn tính, cội nguồn để cất lên tiếng nói nối kết với máu mủ ruột rà, với truyền thống phong tục, và nhất là với ngôn ngữ, với nền văn hóa của xứ sở quê hương.

Sự nói ra ấy có lẽ chính là lời giải tối ưu cho bài toán hóc búa mà bao thế hệ người Việt lưu vong tìm kiếm để giải thoát mình khỏi những ám ảnh trì nặng. Bởi thực ra là chỉ có những trải lòng, những tình tự trút cạn như thế mới có thể khởi sự cho bất kì một cuộc hòa giải hay tha thứ nào. Những bí mật ôm kín trong lòng, những bóng ma nặng nề trì kéo chắc hẳn không có một ý nghĩa gì ngoài việc chỉ khiến cho người ta ngày càng chìm sâu vào đau đớn, u uất, khổ lụy. Phải nói ra, phải bộc bạch, phải kể lể ra để tất cả mọi sự hóa thành một cơn gió thổi về hư không, để những nỗi đau, những thù hằn, ghen ghét lửng lơ bay đi như một đám mây nổi rồi tan biến.

Cái kết cục mà Doan Bui xây dựng trong Người cha im lặng, theo tôi, là để hướng đến tinh thần ấy. Ở quyển tiểu thuyết này, Doan Bui đã trở về đúng với cái hình bóng Việt Nam nhất của chị: một người phụ nữ lòng chứa chất đầy những mối sầu, lặng lẽ cất lên một tiếng ru thăm thẳm giữa trời tuyết Paris. Câu chữ của lời ca tuy mang hình dáng của một thứ ngôn từ xa lạ, nhưng đượm nồng cái điệu tự sự buồn buồn mà biết bao thế hệ phụ nữ Việt, suốt mấy ngàn năm qua, đã tha thiết hát lên. Chị hát là để trải lòng, để xoa dịu chính mình, nhưng thực ra cũng là kêu gọi người ta dũng cảm mở ra cái kho tàng quá khứ từ lâu bị chôn vùi, khép cửa. Kho tàng ấy có thể đựng chứa biết bao nỗi đau bi kịch, biết bao phận người bị vùi lấp, xoay cuốn trong vòng xoáy cuồng nộ bất tận của lịch sử. Nhưng với Doan Bui, chị khuyên chúng ta hãy âm thầm đối diện với toàn bộ vỉa quá khứ tối tăm và bi đát ấy, cố gắng kiếm tìm một tiếng nói thấu hiểu, đồng điệu hòng để cho mọi phiền trược bay đi. Giống như cái tinh thần mà đoạn kết của quyển tiểu thuyết này truyền dẫn: “Những câu chữ, tôi sẽ truyền lại cho các con gái tôi. Và cùng với chữ, là lời của cha tôi, những người vắng mặt, những người đã chết, những người đã chết của tôi. Rồi những câu chữ ấy cũng sẽ bị xóa đi. Biển sẽ nuốt tất cả”.

N.Đ.M.K

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)