Các diễn ngôn trong tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới Tây Nam

Thứ Tư, 23/01/2019 15:33

. PHAN TUẤN ANH

Xem xét kiểm kê lại những tác phẩm văn học Việt Nam nói chung và tiểu thuyết nói riêng viết về đề tài chiến tranh từ giữa thế kỉ XX cho đến nay, tôi nhận ra một vài điều khác biệt. Nếu so sánh với số tác phẩm đông đảo viết về chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, có thể thấy lượng tác phẩm viết về chiến tranh biên giới Tây Nam ít hơn nhiều, “quanh đi quẩn lại” vẫn là những Dòng sông Xô Nét của Nguyễn Trí Huân, Không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy, Khoảng rừng có những ngôi saoNgôi chùa ở Pratthana của Văn Lê, Dòng sông nước mắt của Thanh Giang, Đại tá không biết đùa của Lê Lựu, Bên dòng sông mê của Bùi Thanh Minh, Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân, bộ tứ tiểu thuyết Đất không đổi màu, Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Người khóc mướn của Nguyễn Quốc Trung, Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú, Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân… Trong đó, theo Sương Nguyệt Minh, có thể xem Dòng sông Xô Nét của Nguyễn Trí Huân viết năm 1980 là tiểu thuyết đầu tiên viết về chiến tranh biên giới Tây Nam.

Viết về chiến tranh, tất yếu, các nhà văn phải xây dựng nên ba hình tượng cơ bản gồm quân ta, quân địch và nhân dân. Xét từ góc độ đạo đức, kẻ thù luôn đóng vai phản diện trong diễn ngôn dân tộc của tiểu thuyết. Trong Hoang tâm, quân Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu là những kẻ “lừa thầy phản bạn” bởi Việt Nam từng giúp đỡ và huấn luyện chúng trong quá khứ. Quan điểm này cũng được Sương Nguyệt Minh nhiều lần nhấn mạnh trong Miền hoang: “Ngày trước cơm vẫn lành canh vẫn ngọt, hai nước còn một kẻ thù chung, Quân giải phóng Việt Nam đem những kinh nghiệm đánh Mĩ dạy cho lính Khmer Đỏ thế nào thì lúc này quân lính Pol Pot áp dụng đúng những bài học xưa một cách xuất sắc để đánh lại “thầy”, lại “bạn”. Việc phản bội, vô ơn là quan điểm chung của các nhà văn khi đánh giá về quân Khmer Đỏ. Ngoài ra, kẻ thù phía Tây Nam còn được xây dựng là những kẻ sùng bái một cách máy móc, ngu dốt và điên cuồng lãnh tụ cũng như chính sách cực đoan của chúng. Trong Miền hoang, tàn quân Khmer Đỏ luôn có niềm tin cuồng tín rằng chúng đang xây dựng chủ nghĩa xã hội thiên đường, trong bảy triệu người dân Khmer chỉ cần một triệu người vô sản là đủ, còn lại hoàn toàn có thể giết bỏ. Và việc Khmer Đỏ không xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là do... Việt Nam: “Vì bọn Doul chúng mày mà lãnh tụ Pol Pot và Angka chúng tao không xây dựng được xã hội chủ nghĩa”. Sự ngu dốt cộng với nhiệt tình cách mạng đã tạo ra một trong những chế độ diệt chủng kinh hoàng nhất thế kỉ XX. Đúng như cảnh báo của Umberto Eco về sự đam mê thái quá các đại tự sự: “Có lẽ sứ mạng của những ai yêu nhân loại là làm cho con người cười nhạo chân lí, là làm chân lí bật cười, vì chân lí duy nhất là học cách giải thoát chúng ta khỏi sự điên cuồng đam mê chân lí”(1). Kẻ thù hiện ra là những kẻ tàn bạo bị nhồi sọ và tẩy não bởi tư tưởng cực đoan, không hề có khả năng sám hối và phản tư nên biến thành cỗ máy giết người hàng loạt. Ngay cả những bậc trí thức của một dân tộc văn minh cũng từng bị A.Hitler quyến rũ thông qua học thuyết đại tự sự cực đoan, để xây dựng nên bộ máy Đức quốc xã giết người khổng lồ. Nhưng rất khác với phát xít Đức, kẻ thù của Việt Nam ở biên giới Tây Nam đa phần xuất thân từ nông dân ít học, văn hóa thấp và có cuộc sống nghèo đói. Chính vì vậy, đặc điểm của những kẻ này khi có công cụ bạo lực và cơ hội bạo lực trong tay đó là chúng sẵn sàng thực hiện hành vi dã man và thú tính. Trong nhiều tiểu thuyết, chúng ta bắt gặp trên từng trang sách những tội ác kinh hoàng của Khmer Đỏ đối với nhân dân Việt Nam và chính nhân dân Campuchia. Bằng đôi câu văn ngắn miêu tả cái nhìn lướt qua bảng thông báo của thiếu tá Tuấn trong Không phải trò đùa, Khuất Quang Thụy đã lột tả được sự tàn bạo của quân lính Khmer Đỏ đối với nhân dân ta: “Tiếp theo là thông báo về số thường dân bị giết trong tuần qua trong những trận pháo kích và tập kích bằng bộ binh của địch sang đất ta. Cái con số 375 là thế nào nhỉ? Bao nhiêu người già, bao nhiêu phụ nữ, bao nhiêu trẻ em”. Nguyễn Đình Tú trong Hoang tâm đã tố cáo những tội ác man rợ vi phạm mọi quy định của chiến tranh và đối mặt với tòa án lương tri nhân loại của chúng khi phanh thây, mổ xác chiến sĩ của chúng ta: “Nhiều lần cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi Anh khẽ nhặt lên một đoạn tóc, một mảng da đầu, một cánh tay, một ống chân, một con mắt, một mẩu môi, một vành tai, một chóp mũi, một đầu vú, một mảnh hông… Không một thân xác nào còn nguyên vẹn”. Còn sự độc ác tàn bạo của lính Khmer Đỏ với đồng bào mình - nhân dân Campuchia - được nhà văn Khuất Quang Thụy tái hiện qua lời kể của người lính trinh sát trong Không phải trò đùa: “Đến dân nó, mỗi ngày nó còn đập chết vài ba ngàn chơi mà”. Sự ác độc của Khmer Đỏ là một bằng chứng phản ánh tính chính nghĩa của quân đội nhân dân Việt Nam, khẳng định việc đưa quân sang Campuchia là nhiệm vụ quốc tế cao cả nhằm cứu nhân dân nước này khỏi họa diệt chủng.

Đối lập với hình tượng kẻ thù tàn ác, mông muội, các diễn ngôn dân tộc đã xây dựng nên hình tượng quân ta - những chiến sĩ cách mạng Việt Nam đầy lí tưởng. Đại tá Thủy trong Đại tá không biết đùa là một con người anh dũng gan dạ. Trong các chiến dịch, ông bao giờ cũng đi trong đội hình đột kích, chủ công có nhiệm vụ “đánh chiếm đầu cầu”, mở đường cho các đơn vị khác tiến lên. Tuấn trong Không phải trò đùa là người lính trinh sát sắc sảo, nhanh trí, hết lòng vì đồng đội. Mặc dù được ưu tiên cho rút khỏi vòng vây trước do đã có gia đình, vợ con nhưng Tuất trong Hoang tâm sẵn sàng nhường quyền được sống cho đồng đội. Phiên trong Dưới tán rừng thốt nốt của Nguyễn Tam Mỹ là người lính vừa mưu trí, dũng cảm khi cùng đồng đội đánh đổ căn cứ 2480 của tàn quân Pol Pot vừa rất mực nhanh nhẹn, tháo vát giúp đỡ nhân dân Campuchia trong cuộc sống sau thảm họa diệt chủng. Trong Miền hoang, hình tượng người lính cách mạng hiện ra thật đẹp bởi họ là những trí thức đại học thủ đô Hà Nội. Họ am hiểu văn hóa, phong tục Khmer một cách sâu sắc, nói được tiếng nước bạn, yêu nghệ thuật và tôn giáo của Campuchia, có thể chết vì cái đẹp, khiến nhiều cô gái Khmer phải đem lòng yêu mến, ngưỡng mộ.

Nhà văn Việt Nam viết những lời ca ngợi người lính Việt Nam là logic bình thường, hợp quy luật. Tuy nhiên, điều đáng nói là phần lớn các tiểu thuyết gia thường xây dựng hình tượng một chiều, tô hồng thái quá chân dung người lính, thường nhấn mạnh đến mặt lí trí mà bỏ qua những dục vọng, bề sâu trong tâm hồn. Chính vì vậy, nhiều chi tiết, nhân vật hiện ra khá khiên cưỡng, không phù hợp với thực tế. Đại tá Thủy trong Đại tá không biết đùa mưu trí, dũng cảm, gan dạ nhưng cứng nhắc đến tàn nhẫn, phũ phàng. Sự cứng nhắc đã khiến ông mất đi đứa con trai duy nhất và mất luôn cả người con dâu và đứa cháu nội đang trong bụng mẹ. Trong Miền hoang, nhân vật chính Tùng đi đánh trận mà vẫn đem theo cuốn tiểu thuyết dày cộp Anna Karenina của Lev Tolstoy trong ba lô là chi tiết hư cấu không thuyết phục. Tùng nhiều lần gần gũi, tắm khỏa thân và yêu cô gái Sa Ly người Khmer nhưng luôn dừng lại không quan hệ tình dục, đó cũng là sản phẩm sáng tạo của lí trí người viết. Diễn ngôn dân tộc trong các trường hợp này đã lấn át diễn ngôn nghệ thuật.

Mặc dù các tiểu thuyết viết về biên giới Tây Nam được sáng tạo dưới cảm hứng chính của diễn ngôn dân tộc, nhưng vẫn có thể nhận ra nhiều cố gắng cách tân về mặt kĩ thuật tiểu thuyết theo hướng thi pháp (hậu) hiện đại. So với nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ trước Đổi mới, tiểu thuyết về chiến tranh biên giới do thời điểm ra đời muộn hơn nên những cách tân và xu hướng, quan điểm nghệ thuật mới của tiểu thuyết (hậu) hiện đại được thể hiện khá rõ. Diễn ngôn chấn thương (trauman discourse) là một trong những cách tân về bút pháp nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật về con người của các tác giả. Chiến tranh “đâu phải trò đùa” và sự mất mát, hi sinh lớn lao của người lính là có thật, không thể bù đắp. Hình tượng người lính thương binh hậu chiến bị tâm thần khá phổ biến trong diễn ngôn tiểu thuyết về chiến tranh biên giới, bởi những ám ảnh, chấn thương tâm lí khủng khiếp mà họ phải gánh chịu. Thà - người anh rể của Tùng trong Miền hoang có triệu chứng tâm thần (với một cái chân đã để lại chiến trường), còn Tùng sau khi thoát khỏi sự tra tấn của tàn quân Pol Pot và những tháng ngày khủng khiếp đói rét trong rừng sâu cũng đã phát điên. Ở cuối truyện, chúng ta thấy thường trực một bóng ma đi theo Tùng ở mọi nơi mọi lúc cho dù anh đã được an toàn và cứu sống.

Diễn ngôn huyền ảo (magical discourse) cũng được đưa vào thường xuyên trong các tiểu thuyết về chiến tranh biên giới như một trong những đặc trưng nghệ thuật hậu hiện đại, mà cụ thể là sự tiếp thu từ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Nếu như tiểu thuyết về chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ thường được sáng tạo trong khuôn khổ của chủ nghĩa hiện thực (xã hội chủ nghĩa), các sự kiện, nhân vật đều theo nguyên lí phản ánh, miêu tả “như thật”, thì tiểu thuyết về chiến tranh biên giới giai đoạn sau 1986 đã phá vỡ khuôn khổ của hiện thực này bằng các yếu tố huyền ảo. Trong Miền hoang, Sương Nguyệt Minh khéo léo xen giữa câu chuyện khắc nghiệt, tàn bạo của hiện thực chiến tranh và cuộc đấu tranh sinh tồn giữa rừng hoang bằng những huyền thoại kinh dị và đẹp đẽ nhuốm màu huyền ảo. Đầu tiên là huyền thoại về ma lai vốn là thứ ma đàn bà có nhan sắc, có khả năng sống bình thường giữa cộng đồng, có thể lấy chồng và có con như mọi người đàn bà khác, kế đó là huyền thoại về người rắn, loài sinh vật thường cứu những chàng trai dân chài bị chết đuối nhưng sau đó lại quyến rũ để quan hệ giao hoan cho đến khi họ sức tàn lực kiệt mà chết. Với Hoang tâm, bên cạnh tuyến truyện về chiến tranh mang tính hiện thực, tác giả đã khéo léo tạo ra thêm một tuyến truyện huyền ảo song song phía bên kia Cửa Núi. Tuyến truyện huyền ảo này kể về những xã hội bí ẩn tồn tại biệt lập phía sau những rặng núi, nơi có những tộc người La Mã và người Khi với nhiều nét văn hóa độc đáo. Đây thực chất là cuộc khám phá, du hành vào thế giới nội tâm và các chấn thương tinh thần bề sâu trong vô thức nhân vật - một cựu chiến binh của chiến tranh biên giới. Có thể nói, diễn ngôn huyền ảo đã phá vỡ tính khuôn sáo, gò bó và đơn nghĩa của tính hiện thực để dẫn dắt bạn đọc vào ý nghĩa bề sâu của chiến tranh, vào những chấn thương tinh thần của người lính.

Trên một phương diện khác, cách tân đáng chú ý của diễn ngôn tiểu thuyết về chiến tranh biên giới là các tác giả đã viết dưới quan điểm đa thanh và đối thoại. Khác hẳn với tính quan phương, độc thoại một chiều của đa phần tiểu thuyết về chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, tiểu thuyết về chiến tranh biên giới chủ yếu là diễn ngôn đa thanh (polyphonic discourse). Các diễn ngôn kiểu này thường được triển khai theo kiểu đa tuyến, với nhiều người kể chuyện và nhiều điểm nhìn nghệ thuật khác nhau, đối lập nhau, thời gian nghệ thuật cũng có sự đảo thuật, hồi cố giữa các tuyến. Tiêu biểu có lẽ là Miền hoang. Ngoài người kể chuyện ngôi thứ ba mang tính toàn tri truyền thống, diễn ngôn Miền hoang còn chứng kiến sự hòa âm đối thoại của nhiều người kể chuyện ngôi thứ nhất khác nhau như Tùng - người chiến sĩ cách mạng bị bắt làm tù binh, Lục Thum - thủ lĩnh nhóm tàn quân Khmer Đỏ, Rô - chiến binh sát thủ dã man của quân Khmer Đỏ, Sa Ly - cô y tá của quân Khmer Đỏ có cảm tình với quân Việt Nam và đem lòng yêu Tùng. Những chương riêng được thiết kế dành cho những người kể chuyện khác nhau, có thể tự do bộc lộ điểm nhìn, tư tưởng, ngôn ngữ, nhận thức của mình. Mỗi người luôn được nhìn trong con mắt của kẻ khác. Đấy cũng là nỗ lực nhìn thấu chiến tranh từ phía bên kia của chiến tuyến. Ngoài ra, Miền hoang còn “tích hợp” các loại văn bản như các bài báo, các bản tin thời sự của đa dạng các cơ quan thông tấn của nhiều quốc gia về chiến tranh biên giới Tây Nam - được sử dụng như những đoạn đề từ đặt ở đầu mỗi chương. Những văn bản được trích dẫn này đã làm rõ tính khách quan, tất yếu và chính nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam. Bên cạnh đó, các bài thơ, các bài hát nổi tiếng của Việt Nam và Campuchia được trích dẫn rất dài và thường xuyên tạo nên một trường văn hóa phong phú trong tác phẩm.

Nhìn nhận một cách khái quát, tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam Việt Nam là diễn ngôn được kiến tạo nên từ chủ nghĩa dân tộc giai đoạn cuối thế kỉ XX - đầu thế kỉ XXI. Nhưng bằng tài năng, ý thức nghề nghiệp của các nhà văn, cũng như được viết trong sinh quyển, trào lưu và hệ hình nghệ thuật mới của hậu hiện đại, nên những tiểu thuyết này có nhiều cách tân nghệ thuật đáng chú ý, bắt kịp với trình độ đương đại của văn học thế giới.

P.T.A

------

1. Umberto Eco, Tên của đóa hồng, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1989, tr.490.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)