Nhạc sĩ Nguyên Nhung với con đường sáng tạo âm nhạc

Thứ Năm, 10/01/2019 00:10

. HOÀNG MINH ĐỨC

Nhạc sĩ Nguyên Nhung tên khai sinh là Nguyễn Bá Nhung, sinh ngày 15/11/1933 tại làng Hòa Ninh, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.

Người cha của Nguyên Nhung là ông Nguyễn Thúc Hướng, chủ nhà buôn sở hữu một đội thuyền gồm tám chiếc với tám mươi nhân công từ Quảng Bình vào đến Khánh Hòa và sang Lào. Ông buôn bán chủ yếu là bông vải với rượu dâu. Ông còn pha chế một số rượu thuốc Bắc nhập cho người Tàu sang làm ăn ở Việt Nam. Ông lấy tên các vị thuốc Bắc là Sâm, Nhung, Quy, Phụ để đặt tên cho bốn người con (sau này Quy chữa lại thành Quý và Phụ thành Phú), còn hai người con nữa ra đời khi Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra đặt tên là Yên và Thái.

Bà mẹ của Nguyên Nhung là một phụ nữ hiền thục, đảm đang. Bà đã nuôi dạy con cái, quán xuyến mọi việc trong nhà để cho chồng đi làm ăn xa. Bà thường tham gia hát nhà trò, hát Kiều, hò đối đáp nơi làng xã. Các con của bà đã được thừa hưởng chất giọng trời phú với các làn điệu dân ca miền Trung, những điệu hò khoan trên sông nước của bà truyền lại.

Năm 1947, giặc Pháp đánh chiếm Quảng Bình, các cơ quan đầu não của tỉnh và nhân dân dưới xuôi tản cư lên vùng rừng núi Tuyên Hóa. Gia đình ông Hướng lánh về làng Còi. Ngày 24/4/1949 tại hang Đại Hòa, Trung đoàn 18 được thành lập cách làng Còi không xa. Mới mười sáu tuổi, Nguyên Nhung xin vào bộ đội. Ông đã được chọn vào đội văn nghệ truyên truyền của Trung đoàn 18, thuộc Sư đoàn 325.

Sáng 19/5/1950, trong lễ mít tinh kỉ niệm lần thứ sáu mươi ngày sinh Bác Hồ và chào mừng thắng lợi chiến dịch Lê Lai, đội văn nghệ đang biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân thì nhận được tin quân Pháp bất ngờ mở quyết định tấn công Trung đoàn 18. Cuộc mít tinh đành hoãn lại, quân dân tổ chức chuẩn bị chống càn.

Ngày 20/5/1950, tiểu đoàn 6 Spha-hy từ đồn Mỹ Trạch và tiểu đoàn ứng chiến Quảng Bình từ đồn Thượng Phong vượt sông, tấn công Xuân Bồ nhưng bị quân ta chống trả quyết liệt. Từ thế phòng ngự ta chuyển sang phản công, bẻ gãy nhiều đợt xung phong của địch. Trong cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu hi sinh anh dũng. Người đồng hương với Nguyên Nhung - Anh hùng Lâm Úy, người con của làng Hòa Ninh - đã dùng lưỡi lê đâm chết hàng chục tên giặc Pháp. Lê gãy, anh tiếp tục xông vào vật lộn với tên sĩ quan Pháp, quật hắn cùng ngã xuống dòng sông Kiến Giang. Nguyên Nhung lúc đó vừa chiến đấu vừa cáng thương binh, hát cho thương binh nghe để giúp họ phần nào quên đi sự đau đớn khi phẫu thuật.

Sau chiến thắng Xuân Bồ, Nguyên Nhung lại theo đội văn nghệ Trung đoàn 18 chuyển sang hoạt động bên Lào và Campuchia.

Năm 1955, đoàn văn công sư đoàn thành lập, Nguyên Nhung được tuyển làm nhạc công và diễn viên. Năm 1957, ông được dự một lớp sáng tác nhạc tại Hà Nội và năm sau đi thực tế trên miền Tây Bắc, đến khu tự trị Thái - Mèo. Ông đi khắp các bản làng Tuần Giáo, Điện Biên, Lai Châu…, về những nơi đèo heo hút gió. Hai tác phẩm đầu tay sau khi học lớp sáng tác bài bản Chiếc đàn môi và Từ trên đỉnh núi được đánh giá là bước đột phá trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Nguyên Nhung. Hai bài hát được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, được công diễn ở nước ngoài.

Nguyên Nhung quan sát một cách tinh tế đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi. Từ làn điệu dân ca Mèo quen thuộc ông đã phát triển thành bài ru con hiện đại. Nếu Từ trên đỉnh núi là tiếng lòng tự hào, biết ơn Đảng, Bác Hồ đã đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào các dân tộc, thì Chiếc đàn môi là một bản tình ca lãng mạn của đôi trai gái yêu nhau. Chiếc đàn môi là vật làm tin mà người con trai thức thâu đêm làm để tặng cho người yêu trước khi vào bộ đội. Ca từ Em đưa vòng tay anh, anh nhớ đừng vòng tay ai. Anh đi dù thương ai, anh nhớ về làm đàn môi đây. Gửi gắm ngàn tình thương là dù xa xôi lòng em mãi đợi chờ thật sâu lắng, dễ thương. Giai điệu câu hát dù xa xôi lòng em mãi đợi chờ cứ dìu dặt luyến láy, lặp đi lặp lại khẳng định tình yêu chung thủy sắt son của người con gái.

Nguyên Nhung theo sát cuộc trường chinh đánh Mĩ của dân tộc, đặt chân lên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Từ Đứng gác dưới trăng, Cô gái bên sông đến Từ trên đỉnh núi, Chiếc đàn môi tiếp theo là Hành quân, Tiếng chim rừng, Đường chín Đông, Đường chín Tây… là những bước tiến dài.

Khi đế quốc Mĩ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, leo thang bắn phá miền Bắc, cả dân tộc lên đường ra trận; phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” như là sự thách thức với bom đạn của kẻ thù. Bên cạnh những âm hưởng hào hùng sục sôi ngọn lửa chiến đấu và chiến thắng đương thời thì Nguyên Nhung góp một tiếng nói âm nhạc êm đềm, nhỏ nhẹ với giai điệu mượt mà, uyển chuyển, làm mát rượi lòng người. Bài ca bên cánh võng thai nghén khi ông đang học đại học âm nhạc được điều về Đoàn văn công Quân khu 4. Ông chọn hình tượng chiếc võng, một vật dụng không thể thiếu trong hành trang người lính Trường Sơn, bởi ba lô và khẩu súng trên vai, đôi dép cao su, chiếc gậy Trường Sơn, chiếc mũ tai bèo giản dị đã được nhiều văn nghệ sĩ bấy giờ khai thác.

… Dừng chân bên suối võng đưa

Nhìn trời cao trong xanh lồng lộng

Bông hoa rừng thơm ngát phải

đất nước cho ta

Mẹ yêu con gửi tình trong hoa

bát ngát…

Phút dừng chân, được nằm trên chiếc võng không phải trong nhà mà ngay giữa rừng Trường Sơn, được hòa quyện vào thiên nhiên, ngửa mặt nhìn trời cao trong xanh lồng lộng, có bông hoa rừng thơm ngát, có cả không gian bao la, cao vút, rộng rãi khoáng đạt vô cùng. Theo nhịp võng đưa, các tiết tấu, câu nhạc, nốt nhạc ngân dài xua tan đi khói lửa của chiến tranh. Cho quê ta hết giặc, bao em thơ yên ngủ. Về anh ru dưới võng dừa - những câu hát ngọt ngào đằm thắm mơ về cảnh đất nước thanh bình.

Những năm đầu của thập niên 70 thế kỉ trước, Bài ca bên cánh võng nổi tiếng toàn quân, được cất lên trong những đêm dạ hội văn nghệ hay cùng với hành trang người lính đi vào trận đánh.

Con đường sáng tác âm nhạc của Nguyên Nhung dài theo năm tháng, dài theo bước chân lịch sử dân tộc. Ông sáng tác tuy không nhiều nhưng luôn luôn đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng. Khi đất nước thống nhất, thính giả cả nước lại được đón nhận các nhạc phẩm mới của ông, những tác phẩm để đời như Chim yến bay, Tổ quốc...

Chim yến bay phổ thơ Lê Thị Mây là ca khúc mà Nguyên Nhung trăn trở, cố tìm tòi một phong cách diễn đạt mới lạ. Bài hát nhanh chóng được phát trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam, được biểu diễn khắp cả nước. Ông nói nhạc phẩm Chim yến bay như có một cái “điềm”, năm 1982, bà Hương Nhu, vợ ông như con chim yến đã lặng lẽ ra đi. Bà là một diễn viên của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, lúc đó đang bị bệnh suy tim nặng…

Nguyên Nhung còn phổ nhạc các bài thơ Như lá của Lâm Thị Mỹ Dạ, Biển của Xuân Diệu và Khúc ca bốn mùa của Đỗ Bạch Mai. Những ca khúc của ông đều mang nhiều âm sắc miền Trung, có lúc phảng phất chất ví dặm nhưng có phong cách riêng, mới mẻ, hiện đại.

Ngoài ca khúc, Nguyên Nhung còn là tác giả của các thể loại âm nhạc khác. Ông đã viết trên hai mươi tác phẩm liên khúc và hợp xướng lớn nhỏ. Ông là tác giả Bản giao hưởng số 1. Tổ khúc giao hưởng Bất diệt và bản nhạc Hành khúc tưởng niệm của ông được Nhà nước chọn làm nhạc tang lễ quốc gia. Ông đã từng giành giải Nhất cuộc thi ca khúc năm 1961 với tác phẩm Cờ ba nhất phấp phới bay.

Sinh thời, Nguyên Nhung thường về thăm quê vợ ở Hà Tĩnh và làng Hòa Ninh quê ông. Ông có nhiều buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong xã về âm nhạc. Ông viết bài Làng quê Hòa Ninh tặng nhân dân Quảng Hòa hát trong dịp xã đón danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hai con trai của ông cũng theo nghiệp cha, giảng dạy và sáng tác âm nhạc.

Bốn mươi lăm năm cống hiến trong quân đội, nhạc sĩ Nguyên Nhung về hưu với quân hàm đại tá. Ông vẫn tiếp tục sáng tác và ấp ủ nhiều dự định sáng tạo âm nhạc. Nhưng vào lúc 10 giờ ngày 5/1/2009, ông đã trút hơi thở cuối cùng vì trọng bệnh. Ông để lại một khối lượng sáng tác có giá trị nghệ thuật âm nhạc cao, cả thanh nhạc và khí nhạc. Ông là một tài năng âm nhạc đã lớn lên, đồng hành và tỏa sáng cùng đất nước, thật xứng đáng với Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2001).

H.M.Đ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)