Nhà thơ Nga gốc Do Thái Ôxíp ManđenStam (1891-1938), sinh ra trong một gia đình thương gia. Làm thơ từ trẻ. Năm 1909 đã có thơ in báo. Sau cách mạng tháng Mười, tham gia các cơ quan tuyên truyền văn hóa, sáng tác nhiều thể loại nghiên cứu văn học và viết báo. Ôxíp ManđenStam gặp và phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc tháng 12-1923, viết bài: THĂM MỘT CHIẾN SĨ QUỐC TẾ CỘNG SẢN - NGUYỄN ÁI QUỐC đăng trên tờ Ogoniok, số 39 ngày 23-12-1923. Đây là một bài viết ngắn, đặc biệt ấn tượng. Ấn tượng nhất là những cảm nhận và linh cảm chính xác về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vào năm 1923 "Là người An Nam duy nhất ở Mátxcơva - Đó là một thanh niên gầy gò, linh hoạt, mặc cái cáo len đan. Đồng chí nói tiếng Pháp - tiếng của những kẻ áp bức, nhưng mà những chữ Pháp từ miệng đồng chí Nguyễn Ái Quốc nghe trầm trầm, lắng xuống như hồi âm của tiếng mẹ đẻ quê hương đồng chí". Từ một quan sát gần, với cảm nhận tinh tế, Ôxíp ManđenStam đã đưa ra một "Dự báo thiên tài về một thiên tài": "Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai".
Không chỉ vậy, qua Nguyễn Ái Quốc, Ôxíp ManđenStam "thấy": "Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới".
Với độ lùi 89 năm (2012 - 1923), tôi thật sự kinh ngạc khi đọc lại, đọc kỹ bài báo sâu sắc, sinh động và tinh tế này. Một bài báo nói theo ngôn ngữ hiện đại là viết "Rất có văn". Điều vô cùng thiếu vắng trong "rừng" báo hiện nay. Tôi đã "đi tìm" Ôxíp ManđenStam và đã "tìm thấy" đôi nét về cuộc sống, tính cách, tài năng… của ông trong bài viết của nữ sĩ người Nga Anna Akhmatôva có đầu đề: HỒI NIỆM ÔXÍP MANĐENSTAM. Anna Akhmatôva viết: "MandenStam là một trong những người trò chuyện tuyệt vời nhất: Anh lắng nghe không phải cho anh mà đáp lại cũng không phải vì anh. Trong suốt buổi trò chuyện, anh luôn nhã nhặn, thông minh và vô cùng phong phú. Tôi chưa bao giờ nghe ở anh lặp lại một điều gì… (Hoàng Quảng Uyên nhấn mạnh). Ôxíp học các ngôn ngữ một cách dễ dàng. Anh đọc thuộc lòng những trang Thần khúc bằng tiếng Ý. Trước khi mất ít lâu anh còn nhờ vợ (Nađia) dạy cho tiếng Anh, tiếng mà anh chưa biết. Anh nói về thơ có phần thiên vị và đôi khi cực đoan thái quá (chẳng bạn như với Blôk). Anh nói về Paxtenak: "Tôi nghĩ nhiều về anh ấy đến mức rã rời" và "Tôi tin rằng anh ấy không đọc một dòng nào của tôi"…
Ôxíp sống ở nhà với âm nhạc, đó là một nét vô cùng quí hiếm. Hơn tất cả mọi điều, anh sợ sự câm lặng của chính mình… Anh hiểu rõ và nhớ thơ của nhiều người, anh thường tìm đến những dòng nhỏ riêng biệt, anh nhớ rõ ràng những gì người ta đọc cho anh”.
Về mối "quen biết" với ManđenStam, Anna Akhmatôva viết: "Đặc biệt, tôi thường gặp ManđenStam vào những năm 1917 - 1918, ManđenStam thường ghé vào chỗ tôi, chúng tôi đi trên những xe ngựa qua những ổ gà lớn của mùa đông cách mạng. Thời gian này, những bài thơ được nhắc đến có quan hệ đến tôi: "Tôi không tìm kiếm trong những khoảnh khắc tươi đẹp" "Giọng tuyệt vời của em"… cả hai chúng tôi làm việc ở "ý dân". "ManđenStam là một trong những người viết theo những chủ đề công dân. Đối với anh, cách mạng là một sự kiện vĩ đại và tiếng nhân dân xuất hiện trong thơ anh không phải là ngẫu nhiên (H.Q.U nhấn mạnh)".
Tính cách của ManđenStam là dứt khoát và đi đến tận cùng: "Sống, nói chung không thể là nửa vời, nửa vời chuyến đi, nửa vời nhận xét, nửa vời lời hứa". ManđenStam giàu lòng thương người, kính trọng bậc sinh thành: "Có người nào đó đi sau lưng tôi kể rằng cụ thân sinh Ôxíp không có áo ấm. Ôxíp cởi chiếc áo len dài tay mặc lót trong áo vét và nhờ chuyển về cho ông cụ" và "ManđenStam không có bậc thầy. Nghĩ sao riêng về điều này ? Tôi không biết có hiện tượng nào tương tự trong thơ ca thế giới. Chúng ta biết ngọn nguồn của Puskin và Blôk, nhưng liệu ai có thể chỉ giúp những âm điệu tuyệt vời, mới mẻ này đã đến từ đâu, hay những âm điệu tuyệt vời ấy là chỉ riêng với thơ ManđenStam".
ManđenStam có một số phận chìm nổi và bi thương. Mùa thu năm 1933, cuối cùng ManđenStam cũng nhận được một căn hộ ở hẻm Nasôkinski, và cuộc sống lang bạt tưởng như chấm dứt, nhưng thực tế không thể chấm dứt. Thời gian này, ManđenStam thay đổi rất nhiều. Nặng nề, mệt mỏi, tóc ngả bạc, thở khó nhọc, trông như một ông già, chỉ có cặp mắt vẫn sáng như xưa.
Với một tính cách như vậy ManđenStam rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy của sự đố kỵ, hiểu lầm và những thiên kiến hiểm ác trong giai đoạn các cuộc thanh trừng, bắt bớ xảy ra liên miên. Ngày 13-4-1934 ManđenStam bị bắt và bị đưa đi giam giữ ở một nơi xa, mãi đến tháng 5-1937 mới được trở về Matxcơva. Công ăn việc làm không có. ManđenStam nói với vợ: "Giờ đây chúng ta là những kẻ mạt hạng nhất". Và ngày mùng 2 tháng 5 năm 1938 Ôxíp ManđenStam lại bị bắt ở nhà dưỡng trí gần ga Tserusta và bị chết trên đường đi đày vào ngày 27 tháng 12 năm 1938, trong một trại chuyển tiếp ở gần Vlađivôxtốc.
Một nhà thơ tài hoa, một nhà dự báo tài năng, một con người có tâm hồn trong sáng, tinh tế, một trái tim nồng ấm tình người bị cuộc đời xô đẩy vào chốn khốn cùng, một con người như vậy ắt là rất đồng cảm với cảnh ngộ những người khốn khó, những con người quên mình, dấn thân trong sóng gió đấu tranh cách mạng và vì lẽ đó trái tim Ôxíp đã hoà nhịp với trái tim Nguyễn Ái Quốc trong "Ngộ ngã lương bằng" (có hoàn cảnh giống nhau) để viết nên một bài báo xuất sắc, giờ đây là một tài liệu quý về Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nặng lòng thương cảm và biết ơn Ôxíp Êmiliêvits ManđenStam - con người của lịch sử và những suy tưởng tương lai.
HOÀNG QUẢNG UYÊN
VNQD