Thế nào là một truyện ngắn hay? (Phần 2)

Thứ Hai, 04/06/2018 00:16
(Tiếp theo kì trước)

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: “Một câu hỏi lớn không lời đáp”
 
NGUYỄN VIỆT HÀ ảnh
Những người viết văn xuôi dài, như tiểu thuyết gia chẳng hạn, hoặc những người viết ngắn hơn, như tạp văn gia chẳng hạn, hầu như đều bắt đầu bằng truyện ngắn. Với nhiều văn tài tầm thế giới thì những kĩ năng chỉ riêng có ở truyện ngắn chính là một thứ étude (không hẳn là bài tập) vừa bắt buộc vừa kinh điển. Không phải ngẫu nhiên mà vị thế truyện ngắn ở Việt Nam có một bề dày đáng nể. Ở mức độ sâu sắc tràn lan, nó chỉ thua thơ. Kể từ khi có chữ quốc ngữ, hầu như tất cả những người viết văn xuôi thành danh đều đã từng đắm đuối trải nghiệm với thể loại này. Và đã có một vài đỉnh cao thật sự, ông Nam Cao là ví dụ đáng kể. Ở thời đoạn đương đại cũng có những tác giả, ví như Nguyễn Huy Thiệp, đã tạo dựng tư cách nhà văn của mình chỉ trong đôi ba truyện ngắn đầu tiên. Theo tính toán của nhiều nhà phê bình quen thói lưỡng lự, lúc văn học ở ta bước vào thời kì Đổi mới (mốc khởi thủy tạm tính là 1986), thì truyện ngắn luôn là một thể loại chủ lực sung sức.

Thế nhưng khoảng mươi năm lại đây, truyện ngắn của người Việt bắt đầu hụt hơi. Vô số nguyên nhân vớ vẩn được kể lể. Nào là thi pháp cũ quá, không tinh tế tối giản hậu hiện đại như Raymond Carver. Nào là báo chí chỉ dành đất chật chội cho nó, không được phép quá năm nghìn chữ. Nào là sự lấn át của truyền thông của facebook. Rồi thì một lí do muôn đời muôn thuở sang trọng, là túng thiếu tài năng.

Các nhà xuất bản, đặc biệt là đám đầu nậu in ấn, bắt đầu lạnh nhạt khi cầm một tập bản thảo truyện ngắn. Truyện ngắn hay vốn hiếm, càng ngày lại càng hiếm.

Vậy thì thế nào là một truyện ngắn hay? Một câu hỏi lớn không lời đáp (Huy Cận). 

Truyện ngắn hay bây giờ thường là những truyện giành được giải thưởng lớn. Có phải vậy chăng mà năm 2013, giải Nobel văn học, sau hơn một trăm năm trao cho tiểu thuyết cho thơ cho tiểu luận (essay), đã lần đầu tiên trao cho Alice Ann Munro, nữ nhà văn người Canada chỉ chuyên viết truyện ngắn.

Có điều, trong vài trăm truyện ngắn vừa đời thường vừa cảm động vừa chân thành của bà nhà văn này, thì quá nửa là hay thật.
 
 
Nhà văn Đỗ Quang Vinh: Truyện ngắn đến từ sự bí ẩn của tâm trí con người

 
ĐỖ QUANG VINH ảnh
Thi thoảng tôi nghĩ nếu tiểu thuyết là một chuyến du hành xa xôi, băng qua một cánh rừng thăm thẳm, đi giữa đồng hoang rộng lớn hoặc lang thang trong sa mạc mênh mông, thì truyện ngắn lại giống với một góc vườn sau nhà, nơi nụ hoa dại bất chợt mọc lên giữa um tùm cỏ dại, hay khoảng tường rêu xanh trên bức tường cũ kĩ nằm đằng sau khung cửa sổ, nơi vạt nắng sớm rắc lên vô số hạt bụi vàng li ti.

Những khung cảnh ấy có thể khiến người ta ngẩn ngơ, khi cái đẹp bất chợt hiện ra và ta nhìn điều quen thuộc với một đôi mắt mới lạ.
Nét đẹp của một truyện ngắn có lẽ ẩn tàng trong những khung cảnh bình thường như thế. Đó là sự khám phá ngay từ những điều mà ta vẫn thấy mỗi ngày, một góc nhỏ quen thuộc trong cuộc sống. Đó là một khung cảnh giới hạn, một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng hàm chứa sự rộng lớn vô chừng và có thể bao trùm cả thế giới. Truyện ngắn hay là sự chấm phá trong cuộc sống thường nhật, tựa bức tranh kí hoạ thuỷ mặc, chỉ vài nét cọ, lắm lúc tưởng như bất chợt vô nghĩa, nhưng có thể gợi nên những suy nghĩ sâu thẳm từ người thưởng lãm.

Vì thế với tôi truyện ngắn cần sự kết hợp nhuần nhuyễn của cảm hứng vụt sáng, phi thường từ tâm thức lẫn suy tưởng cụ thể của lí trí. Sự đặc sắc được tạo thành từ việc cân bằng giữa độ dài và hàm ý mà người viết muốn thể hiện. Chính việc giới hạn dung lượng tạo nên nét riêng biệt của thể loại truyện ngắn. Nó khiến người viết phải vận tâm chắt lọc và nâng niu từng từ ngữ, ý tứ một.

Viết truyện ngắn lắm lúc tựa như một ông đồ vẽ chữ. Tất cả chỉ xảy ra trong một niệm duy nhất, một hơi thở, một khung cảnh, một ý tưởng. Trong khoảnh khắc nét bút không rời khỏi trang giấy, cả người và bút là một, sự xuất thần ấy cần thiết để tạo nên một bức thư pháp đẹp cũng như một truyện ngắn hay. Bởi tính cô đọng là yếu tính của truyện ngắn.

Làm cách nào mà một thân cây mọc cheo leo trên bức tường giữa phố gợi nhắc đến cả khu rừng, làm cách nào mà vũng nước đọng trên vỉa hè khiến ta nghĩ tới bầu trời nó đang phản chiếu? Trong tâm trí con người luôn có những cái đẹp đang chờ đợi được khơi ra, tựa một mạch nguồn ẩn sâu trong lòng đất. Và một truyện ngắn hay sẽ nói lên điều vốn dĩ nằm trong chính tâm hồn người đọc.

Với tôi, văn chương đến từ sự bí ẩn của tâm trí con người, cách mà chúng ta liên tưởng và kết nối mọi thứ với nhau trong một không gian hẹp, cách mà chúng ta suy tưởng về mọi thứ từ một câu chuyện nhỏ. Điều ấy càng hiển thị sinh động ở thể loại truyện ngắn.
 
 
Phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Cầm Thi: Truyện ngắn hay đứng ngoài mọi công thức

 
ĐOÀN CẦM THI ảnh
Chẳng thể nào tìm ra công thức cho truyện ngắn hay. Cá nhân tôi từ chối đọc những sơ đồ na ná ngụ ngôn với thông điệp bài học ý nghĩa (văn dĩ tải đạo), những châm biếm đả kích (kiểu người Việt xấu xí), những phát ngôn siêu hình (lên gân minh họa), những uốn éo tâm trạng (như trình diễn thời trang).
 
Nhà văn Trần Hoài Văn: Truyện ngắn hay thuyết phục ngay từ đòn võ mở đầu
 
Chúng ta đã thường xuyên từng nghe, kiểu như, nghệ thuật không có đúng - sai, phải - trái, chỉ có thích hay không thích mà thôi.
Nếu vậy thì bất kì một tác phẩm nghệ thuật nào để được gọi là hay, điều kiện tiên quyết là phải làm cho người đọc, người xem, người nghe thấy thích. Sau là gợi lên những luồng cảm xúc từ vừa phải tới mãnh liệt, rất mãnh liệt, thậm chí ám ảnh theo chiều hướng tích cực đến tâm trí người ta. 

Vậy riêng truyện ngắn, thế nào là hay?

Trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, thú thật là tôi chưa được biết một định nghĩa nào có đủ sức thuyết phục về truyện ngắn. Bởi nếu quy định theo số chữ, số trang thì sự co giãn là vô cùng. Có những truyện chỉ gồm mươi dòng, mươi câu, có truyện lại lên tới hàng ngàn chữ, hàng chục trang.

 
Ảnh 2 Thầy Trần Hoài Văn 820x466
Nhưng kiểu gì cũng phải có một khái niệm tương đối thống nhất: Truyện ngắn là một câu chuyện có dung lượng câu chữ không nhiều, có thể đọc liền mạch. Trong câu chuyện này phải có nhân vật, sự kiện. Nhân vật này phải được khắc họa một cách rõ nét, ấn tượng, ngắn gọn nhất - được đặt trong dòng sự kiện, thể hiện trong quá trình diễn biến tâm lí rất súc tích với kịch tính rất cao. Truyện ngắn có thể chỉ là một lát cắt về thân phận, cuộc đời, diễn biến tâm lí của nhân vật trong một giới hạn ngắn về không gian, thời gian. Nhưng cũng rất có thể là về cả cuộc đời nhân vật đó với chiều không gian, thời gian rất dài, rộng… được chuyển tải trong một số lượng câu chữ không nhiều.

Với dung lượng câu chữ không nhiều, nhưng phải có nội hàm rất lớn. Nghĩa là những gì được thể hiện phải tạo ấn tượng mạnh đối với người đọc, người nghe. Thậm chí (như trên đã nói), phải khơi dậy được những luồng cảm xúc mạnh, rất mạnh, thậm chí ám ảnh. 
Để kết luận ý kiến của mình, tôi xin mượn võ để nói về văn: Muốn chứng tỏ trình độ võ học của mình, thông thường một võ sinh (thậm chí võ sư) phải đi hết bài quyền với rất nhiều động tác, đòn thế cho giám khảo, người xem đánh giá.

Thế nhưng, nếu chỉ cần ra một đòn đấm hoặc đá mà lập tức tất cả ồ lên nức nở, bị thuyết phục vì trình độ, đẳng cấp cao, thì trong văn học, đó là một truyện ngắn hay.
 
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Truyện ngắn hay là truyện ngắn đẹp

 
NGUYỄN THỊ KIM HOÀ ảnh
Với tôi, truyện ngắn hay là truyện ngắn đẹp. Không chỉ đẹp về câu chữ, cấu trúc, còn phải đẹp về không khí, tinh thần truyện.

Nói đẹp câu chữ, là tôi muốn đề cập đến những dòng viết cẩn trọng, có đầu tư, chắt lọc. Như một anh chàng nói ít, nhưng nói hay. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng. Đôi lúc quá chăm chút có thể dẫn đến những câu văn “làm dáng”, khiến cảm giác người viết gồng mình, lên gân. Tôi nghĩ, tiết chế nên là điều cần tâm niệm với người viết mới, người viết bản năng và cả người quen dùng kĩ thuật. Vẻ đẹp dễ làm rung động lòng người nhất chính là vẻ đẹp của sự đơn giản.

Tôi hay bị hút bởi những truyện ngắn có cấu trúc đẹp, gãy gọn. Bị hút từ chi tiết đầu. Ít ai có thể kiên nhẫn với nhịp điệu lê thê khi đọc truyện ngắn, như theo dõi một bộ phim với các tình tiết nhàn nhạt, gây buồn ngủ. Và tôi ưa cái kết có khả năng mở ra nhiều hướng nghĩ lẫn xúc cảm.

Tôi cũng hay ấn tượng với những truyện ngắn có không khí. Đi vào những truyện ngắn này, tôi cảm giác mình đang được chứng kiến, dự phần vào một câu chuyện có thật. Với những người viết có thể lồng ghép yếu tố vùng miền, phả hơi thở vùng đất mình sống vào không khí truyện, tôi nghĩ, cũng là một lợi thế lớn. 

Và nữa, truyện ngắn hay khi cái lõi, tinh thần truyện đẹp. Nếu ví yếu tố nghệ thuật là phục trang thì cái lõi này như tâm hồn truyện ngắn. Một tâm hồn có đẹp, có chan chứa yêu thương mới đủ sức lay động những tâm hồn khác.

Tuy nhiên truyện ngắn một khi đã hay thì không thể tách bạch được đâu là nội dung, đâu là hình thức; nó hay là hay tổng thể, nó hay là vì khó có thể tường minh tại sao nó hay.
                  
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Không khí là linh hồn của truyện ngắn

 
ĐỖ HOÀNG DIỆU ảnh
Tôi không thích văn chương Alice Munro, nhà văn Canada đoạt giải Nobel năm 2013,  tác giả được xem là “Chekhov thứ hai”, “bậc thầy về truyện ngắn hiện đại”, sau nhiều lần cố đọc cố cảm nhận. Đối với tôi, truyện ngắn của bà thiếu lôi cuốn, thiếu điểm nhấn, rề rà, gây buồn ngủ. Có người nói truyện bà không hay vì viết những điều tủn mủn, vụn vặt. Tôi nghĩ khác. Đề tài không quyết định sự hay dở của một truyện ngắn. Quan trọng cách anh “dựa” vào nó, “dùng” nó, “điều khiển” nó để truyền tải giấc mơ, tái hiện “cơn ngáo đá” trong trí não và tâm hồn của chính anh về đề tài đó thế nào.

Nhưng có lẽ, cảm xúc mới là nguyên do chính khiến tôi “từ chối” truyện ngắn Alice Munro. Văn chương của bà không tạo ra xúc cảm cho độc giả tôi, dù tràng giang đại hải các trường đoạn tả cảnh tả tình. Cảm giác cảnh và tình trong truyện của bà cứ tuồn tuột trôi hết khi giở sang trang khác. Người ta cho rằng bà cố tình viết như vậy, đó là kĩ thuật viết của bà, là đỉnh cao nghệ thuật. Có thể. Nhưng tôi không phục thứ nghệ thuật đọc chưa ráo chữ, xem chưa khô hình, mình đã quên.

Bạn thể nào cũng giảng lại cho tôi, văn chương của Munro đã dựng nên khung cảnh đặc trưng của một thị trấn nhỏ bình lặng bên ngoài nhưng bão ngầm bên trong với những người phụ nữ trầm buồn. Đúng, tôi nhớ địa danh Ontario mà các nhân vật của bà sinh sống, ra đi hay trở về. Song tôi không nghe được tiếng thở của họ, không ngửi được mùi buổi sáng họ đã đắm chìm khi thức giấc, mùi hương đêm oi nồng họ trằn trọc hít thở, mùi sợ hãi của bước chân cô gái trẻ vội vàng trốn chạy trên con đường hun hút bóng tối... Nói cách khác, không khí trong truyện của bà chưa đủ đậm đặc, chưa làm tôi ám ảnh.

  Đối với tôi, không khí là linh hồn của truyện ngắn. Với nhiều tác phẩm, tôi không thể kể lại cốt truyện, nhưng vẫn nhớ nhịp điệu uể oải, ù mề, khô khốc hay nỗi sợ hãi mơ hồ về bầu trời sắp choàng ập nhân vật, choàng ập mình. Một truyện ngắn tạo ra được không khí đậm đặc là do nhiều yếu tố. Không khí khác bối cảnh. Đôi khi bối cảnh đặc trưng nhưng không khí vẫn hời hợt. Chẳng hạn câu chuyện xảy ra giữa các nhân vật buôn bán trong một chợ quê, cạnh cánh đồng, xa xa là dòng sông. Như vậy chợ, cánh đồng, dòng sông tạo ra bối cảnh. Song chợ ngột ngạt như lòng người bức bách thế nào, sông mùa bão nước đục ngầu hung dữ ra sao, cánh đồng mới gặt trơ gốc rạ trắng nhợt, u ám như diễn biến câu chuyện được miêu tả cách nào mới làm nên không khí. Từ ngữ, nhịp văn, chi tiết, tâm lí nhân vật, tâm lí thiên nhiên... như bản hòa tấu, lên xuống trầm bổng, réo rắt hòa quyện, tất yếu toát ra không khí đậm đặc, biểu trưng, duy nhất cho tác phẩm. Tất cả phụ thuộc vào tài năng, cảm xúc và kĩ thuật của nhạc trưởng - nhà văn.

  Văn chương nghệ thuật muôn hình vạn trạng. Đánh giá một truyện ngắn hay dở phụ thuộc cách đọc, cách cảm của từng người. Tôi không thích, không thể đọc Alice Munro nhưng bà đoạt giải Nobel và hàng triệu độc giả trên khắp thế giới yêu thích bà. Nên người viết cứ viết thôi, chuyện còn lại... để bạn đọc lo.
 
ĐĂNG HOÀNG thực hiện

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)