Sôi động điện ảnh phương Nam

Thứ Ba, 08/05/2018 00:40
Nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm hoạt động điện ảnh sôi nổi và lớn nhất cả nước. Đây là nơi tập trung đông nhất các hãng phim, cho ra số lượng phim truyện nhiều nhất, góp phần phát triển thị trường điện ảnh và quảng bá bản sắc phương Nam trong tổng thể chung văn hóa Việt.

Vùng đất hấp dẫn điện ảnh

Vài năm trở lại đây, số phim ra rạp được sản xuất ở phương Nam thường chiếm vị trí áp đảo. Như năm 2017, trong 39 phim truyện điện ảnh ra mắt khán giả, chỉ có 2 phim của các nhà sản xuất phía Bắc. Không chỉ chinh phục phòng vé, phim do các hãng tư nhân phía Nam sản xuất như: Em chưa 18, Cô Ba Sài Gòn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... cũng “ghi điểm” tại những giải thưởng lớn của điện ảnh Việt Nam, trong đó có Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam, Liên hoan phim Việt Nam và Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội.

Nhiều bộ phim ra mắt thời gian qua được sản xuất ở phía Nam Nguồn: ITN

Có thể thấy, điện ảnh phía Nam đang có những bước dịch chuyển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các nhà làm phim tư nhân tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy. Tuy nhiên, đây cũng là cuộc chơi lắm công phu, mà khán giả là một thước đo thành quả sáng tạo của nghệ sĩ. Các nhà làm phim đã nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu khán giả và tích cực đáp ứng bằng những bộ phim hợp thời, đúng sở thích, nhu cầu của người xem. Tháng nào cũng có vài bộ phim được bấm máy. Không chỉ diễn viên chuyên nghiệp, nhiều diễn viên “tay ngang” cũng xuất hiện trên màn ảnh lớn. Nhờ môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, phần lớn nghệ sĩ chọn TP Hồ Chí Minh để lập nghiệp, thêm nhiều cơ hội gắn bó với nghề. Thậm chí, một số nhà làm phim phía Bắc, khi có dự án điện ảnh cũng vào Nam thực hiện...

Diễn viên Trương Ngọc Ánh chia sẻ: “Khán giả các vùng miền khác không phải không yêu điện ảnh, nhưng chưa có thói quen ra rạp, nhất là khán giả lớn tuổi. Đó là bài toán các nhà sản xuất phải suy nghĩ. Trong khi đó, ở phía Nam, người lớn tuổi cũng đi ra rạp xem phim, thậm chí cả gia đình, và số lượng rạp nhiều hơn, nên thị trường này chiếm ưu thế hơn”.

Hướng tới giá trị nghệ thuật, nhân văn

 “Bắt kịp xu hướng làm phim và nhu cầu thưởng thức của khán giả, các nhà sản xuất phim tại TP Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đầu tư, khởi động trước. Gần đây nhiều nghệ sĩ miền Bắc cũng vào miền Nam để làm phim và tiếp cận thị trường này. Cũng phải nói rằng, việc sản xuất phim phía Nam năng động, môi trường làm việc tốt và nguồn đầu tư cho điện ảnh lớn. Nhờ đó, đã có nhiều tác phẩm điện ảnh ngày càng chất lượng”.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Chương

Cuộc sống tại một thành phố đang phát triển nhanh với chất liệu phong phú, kho tàng văn hóa dồi dào, là điểm tựa quan trọng giúp các nhà làm phim mở rộng đề tài, khai thác và thể hiện trong tác phẩm của mình. Nhiều năm trước, màu sắc Nam Bộ được thể hiện rõ rệt trong những bộ phim nổi tiếng như: Cánh đồng hoang và  Mùa gió chướng (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến); Ván bài lật ngửa (Lê Hoàng Hoa); Tuổi thơ dữ dội(Nguyễn Vinh Sơn)... Tuy nhiên, có một thời kỳ, điện ảnh phía Nam hướng tới phim hành động, mang yếu tố giải trí nhiều hơn, văn hóa mờ nhạt. Đạo diễn Đào Bá Sơn nhận định: “Từng có nhiều bộ phim hành động, mà ta nhìn có bóng dáng ảnh hưởng phim hành động Mỹ, thậm chí có phim khai thác cái ác, chất bạo liệt... Nhưng mấy năm nay, dần dần phim kiểu ấy đã vắng bóng. Nhiều năm trước, báo chí nói nhiều bộ phim làm cẩu thả, vội vã, mì ăn liền, hoặc thảm họa, thì năm vừa rồi, không có phim nào có thể gọi là thảm họa điện ảnh. Trên đòi hỏi cao của chính khán giả trẻ, các phim phải làm tử tế, hay mới có thể cạnh tranh được. Đáng mừng, tôi thấy chất lượng phim, đề tài, tính chuyên nghiệp càng ngày càng tốt, tỷ lệ thuận với sự phát triển về số lượng tác phẩm”.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam ủng hộ nhiệt tình các hãng tư nhân đã đầu tư sản xuất nhiều bộ phim chất lượng, cố gắng tiếp cận đề tài lớn về thân phận con người hay những vấn đề của đất nước. Phim hành động, hài nhảm đang dần nhường chỗ cho các bộ phim đi sâu thể hiện tinh thần nhân văn, yếu tố truyền thống. Đặc biệt, văn hóa phương Nam, tâm tư riêng của con người Nam bộ được phản ánh rõ, trong cái chung của văn hóa Việt, như Cô Ba Sài Sòn, giải Cánh Diều Vàng 2017, đề cao giá trị truyền thống dân tộc, đặc biệt là tôn vinh tà áo dài Việt Nam, đồng thời cách kể chuyện hấp dẫn, đầu tư kỹ lưỡng trong khâu sản xuất. Hay phim Dạ cổ Hoài Lang, đi sâu vào đề tài thân phận người Việt tha hương luôn nhớ về mảnh đất mình sinh ra. Hay trước đó, Sài Gòn anh yêu em, cũng được đánh giá là một bộ phim đậm chất phương Nam, có cái nhìn đôn hậu, phóng khoáng trong cả tình yêu, cuộc sống...

Theo đạo diễn Đào Bá Sơn, điện ảnh luôn gắn liền với cuộc sống, theo kịp nhịp sống, nhịp thở đương đại, nên các nhà làm phim luôn phải đổi mới, sáng tạo trong cách kể, cấu trúc kịch bản, diễn xuất, không thể lấy cách kể lạc hậu, cũ kỹ của vài chục năm trước. Dấu ấn thời đại được thể hiện rất rõ trong mỗi tác phẩm. Còn đạo diễn Nguyễn Hồng Chương khẳng định: “Nhịp sống của một thành phố đang phát triển nhanh ảnh hưởng nhiều đến tư duy, cung cách, nhịp độ của người làm phim. Văn hóa, cuộc sống của con người cũng được phản ánh đậm đặc trong sản phẩm của vùng đất đó. Điện ảnh Việt Nam đã tiến một bước khá dài về công nghệ làm phim, kỹ thuật điện ảnh. Tuy nhiên, những bộ phim mang dấu ấn lớn, có tầm về bản sắc văn hóa, cuộc sống con người phương Nam nói riêng và đất Việt nói chung, vẫn được cả những người trong nghề và công chúng chờ đợi xuất hiện thời gian tới”.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Ngọc Phương)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)