Yếu tố tính dục trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam đương đại

Thứ Sáu, 20/04/2018 00:56
. NGUYỄN VĂN HÙNG

Văn xuôi sáng tạo về đề tài lịch sử đương đại có không ít tác phẩm khai thác đời sống tính dục, đặc biệt là tính dục của các nhân vật lịch sử được coi là thần tượng, huyền thoại dân tộc. Kể từ chùm truyện ngắn về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp (Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Nguyễn Thị Lộ, Mưa Nhã Nam) đến tác phẩm gần đây nhất của Trần Thanh Cảnh (Đức Thánh Trần) ngót đã 30 năm nhưng vấn đề này vẫn luôn là một trong những mối quan tâm đặc biệt của các nhà văn viết về đề tài lịch sử, và là tâm điểm trong nhiều cuộc trao đổi, tranh luận của cộng đồng diễn giải. Bởi lẽ lằn ranh giữa sự sáng tạo, luận giải và sự bịa đặt, tùy tiện vốn đã rất mong manh khi viết về nhân vật thần tượng, huyền thoại, nay lại càng mong manh khi đề cập đến câu chuyện được coi là nhạy cảm, thầm kín nhất của họ: đời sống tính dục. Bằng tài năng, bản lĩnh, sự cẩn trọng, nghiêm túc, nhiều tác giả tiêu biểu đã kiến tạo quan niệm, nguyên tắc, diễn ngôn mới nhằm nhận diện, khám phá lịch sử và con người trong tính đa chiều, phức tạp, toàn diện. Đây là một trong những dấu hiệu thể hiện sự đổi mới trong tư duy, cảm thức, cách tiếp cận lịch sử của các nhà văn đương đại.   
 
Tính dục như là phương thức kiến tạo quan niệm mới về con người

Trong nỗ lực hoàn nguyên các giá trị, trả lại cho lịch sử chiều sâu nhân bản cùng những biểu hiện đa dạng, phức tạp của tính người trọn vẹn, các tác giả đã miêu tả nhân vật, đặc biệt là các nhân vật nữ bằng vẻ đẹp thân thể, gợi tình, giàu nữ tính. Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Võ Thị Hảo, Nam Dao, Đỗ Trọng Khơi, Sương Nguyệt Minh, Uông Triều, Trần Thanh Cảnh… đã không ngần ngại sử dụng chất liệu thân thể gợi cảm để kiến tạo nên diễn ngôn thân xác. Trong Mẫu Thượng Ngàn, Nguyễn Xuân Khánh quan tâm nhiều đến vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ thông qua hình ảnh đôi vú và làn da - một biểu tượng cho vẻ đẹp mỡ màng, phồn sinh phồn thực. Trong Giàn thiêu, vẻ đẹp của Ngạn La được Võ Thị Hảo miêu tả đầy hoang sơ, mê hoặc với chiếc rốn nhỏ màu chu sa là “mơ ước muôn đời của các bậc đế vương”. Hay vẻ đẹp tinh khiết vừa e thẹn, vừa bạo dạn, cùng mùi hương trinh nữ đầy mê dụ của người con gái hái dâu Quế Lan đã đánh thức khát khao trần tục của người anh hùng Trần Quốc Tuấn (Đức Thánh Trần - Trần Thanh Cảnh).

Bên cạnh ca ngợi vẻ đẹp thân thể, các nhà văn trong nỗ lực nhận diện về con người một cách thành thực, trần trụi, không tô vẽ - con người như chính sự tồn tại phức tạp trong đời sống - đã đi sâu khám phá nhân vật trong khía cạnh tự nhiên, bản năng và nhân bản nhất. Trong Thế kỉ bị mất, Phạm Ngọc Cảnh Nam vừa miêu tả Lụa với vẻ đẹp đằm thắm, đậm đà vừa khai thác tinh tế những rung động thầm kín, thẳm sâu của người đàn bà. Nguyễn Quang Thân (Hội thề) đã đưa nhân vật Thị Lộ trở về với kích cỡ của một người đàn bà, với những đòi hỏi, khát khao và cả những ước mơ rất đỗi đời thường. Miêu tả những hành vi dục tính, các nhà văn đã tìm cho mình một “mật mã” để khơi mở những góc khuất bí ẩn trong đời sống tâm lí con người. Những tiết đoạn tính giao được Võ Thị Hảo, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Nam Dao, Trần Thanh Cảnh… miêu tả tinh tế, đầy tính ước lệ, tượng trưng. Với các tác giả đây như là phương thức hữu hiệu tiếp cận, khai thác con người bản năng, vô thức, qua đó lí giải những “vết hằn” trong cuộc đời mỗi con người, nhất là với các vĩ nhân dân tộc. Trong Giàn thiêu, lần ái ân duy nhất với Nhuệ Anh trên con đường hành cước đã ám ảnh suốt một đời về khát vọng không thỏa của Từ Lộ, để rồi cứ “khát” và “nhớ” một điều gì đó vô hình. Sự hiến dâng trinh tiết của Xuyến (Đất trời  - Nam Dao) cùng những đêm nồng nàn tình tự như một điểm tựa bình yên cho Nguyễn Trãi trong những ngày sóng gió ở thành Đông Quan. Cảm giác nhục thể có được từ kinh nghiệm tình dục ban sơ cùng nỗi ám ảnh, mặc cảm tội lỗi khi vô tình gây ra cái chết tức tưởi của người tình nhỏ bé tội nghiệp đã trở thành nỗi đau thầm kín trong tâm thức Nguyễn Trãi ngay cả khi ở đỉnh cao của sự nghiệp và gặp được tri âm tri kỉ Thị Lộ. Buổi giao tình của Quốc Tuấn với công chúa Thiên Thành trong đêm hội Mo Nang và Quế Lan bên nương dâu xanh ngát đã để lại cho người anh hùng dân tộc những dư vị vừa ngọt ngào, mê đắm vừa nuối tiếc, nhớ thương về một thời trai trẻ với nhiều khát khao, cuồng nhiệt (Đức Thánh Trần).

Tình yêu, dục cảm chính là kết tinh của niềm khao khát được sống thành thật, không che giấu với những gì mình có. Tiếng nói của bản năng con người tự nhiên trở thành tiếng nói thiêng liêng và sâu thẳm nhất, khiến các nhân vật lịch sử “trở mình” sống lại và hơn nữa, được sống như-là-chính-mình. Soi rọi Trần Khánh Dư từ cái nhìn ấy, Uông Triều trong Sương mù tháng Giêng đã khám phá những góc khuất trong tâm hồn, những khát khao thầm kín, thành thực, rất đời, rất người ở nhân vật này. Chấp nhận tất cả để được sống với chính cảm xúc của mình, Khánh Dư hiện lên như một con người của dục vọng, sẵn sàng quên trời quên đất, quên phép tắc, định kiến khắc nghiệt, sống hiện sinh, hết mình với phút giây hiện tại. Mối tình oan nghiệt với Thiên Thụy không đơn thuần chỉ là tiếng gọi của thể xác, dục vọng nguyên sơ mà nó còn trở thành sự nuối tiếc, nỗi day dứt, niềm khát vọng suốt một đời không thỏa của ông.
Có thể nói, tính dục đã trở thành mẫu số chung, nơi gặp gỡ của nhiều nhà văn trong quá trình tiếp cận, miêu tả và nhận diện trọn vẹn con người. Quan niệm về tính dục như một thiên tính tự nhiên, con người như là một sản phẩm của tự nhiên đã giúp cho người nghệ sĩ có cái nhìn chân thực hơn, “người” hơn và theo đó, cách đánh giá cũng độ lượng, giàu tính nhân bản hơn về các nhân vật lịch sử.

 
gian thieu vo thi hao
 Ảnh minh họa

Tính dục như là phương thức luận giải lịch sử, đối thoại văn hóa

Để thể hiện cái nhìn mới về lịch sử, các nhà văn đã đặt các nhân vật trong vô vàn mối quan hệ đời thường, xoáy sâu vào phần khuất lấp và bi kịch nội tâm, nơi có sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, phi thường và đời thường, hữu thức và vô thức, khát vọng và dục vọng nhằm tìm ra “tiếng nói tối hậu về con người”. Trong Giàn thiêu, Võ Thị Hảo đã đưa ra những “giả thuyết” mới mẻ về nhân vật lịch sử và cũng là nhân vật huyền thoại tôn giáo - Từ Đạo Hạnh. Khi đã đạt đến đỉnh vinh hoa cùng sự ngưỡng vọng, tôn thờ của mọi người, con người dục vọng trong Từ chưa bao giờ ngủ yên. Ngọn lửa sắc dục luôn thiêu đốt ông từng đêm, con rắn độc phiền não luôn chực chờ thức dậy để vò xé, làm khổ ông. Để rồi thiền sư quyết định bỏ rơi đệ tử, đầu thai vào nhà Sùng Hiền hầu, chờ đợi mười hai năm sau trở thành hoàng đế Thần Tông. Suy cho cùng, lịch sử chỉ là cái cớ để nhà văn bộc lộ những trăn trở về thân phận con người và luận giải những vấn đề nhân sinh có tầm phổ quát.

Miêu tả tính dục, soi rọi dưới nhãn quan lịch sử - văn hóa - nhân văn, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Trọng Khơi, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Khắc Phục, Trần Thanh Cảnh… đã đối thoại nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa và luận giải tấn bi kịch của con người trong quá khứ. Trong Dị hương, Sương Nguyệt Minh qua bộ ba Nguyễn Ánh - Ngọc Bình - Trần Huy Sán đã luận giải hai vấn đề: cái đẹp trong sự kiềm tỏa, bao vây, trấn áp của chiến tranh (lúc này đồng nghĩa với cái ác) và thân phận của bậc kì tài sinh bất phùng thời, suốt một đời mải mê đi tìm cái đẹp, khát vọng lập công danh nhưng không tìm thấy minh chủ xứng đáng. Nhà văn đã dày công miêu tả những tiết đoạn giao hoan của Nguyễn Ánh và Ngọc Bình gắn với nhiều chi tiết kì ảo, hoang đường. Cái chết của Ngọc Bình như là biểu tượng cho dị hương - cái đẹp mong manh, thanh cao, tinh khiết bị hút cạn bởi sức mạnh tà hương - kết vón từ mùi máu tanh tưởi, mùi binh khí đối chạm khét lẹt.

Sự thức tỉnh về thiên tính tự nhiên, về đời sống vô thức cộng đồng là một tạo tác xuất phát từ tâm thức, văn hóa dân tộc trong sự tiếp biến, xâm nhập của văn hóa ngoại lai. Các nhà văn giai đoạn này đã tìm thấy trong đời sống tính dục của con người mảnh đất để chuyên chở những thông điệp đến hiện tại từ quá khứ. Từ quan niệm về nguyên lí Mẫu trong văn hóa Việt đến sự ra đời của Mẫu Thượng Ngàn, hơn ai hết Nguyễn Xuân Khánh đã chiêm nghiệm, lí giải truyền thống “trọng nữ” một cách sâu sắc và vẹn tròn. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn tiểu thuyết này đông đúc nhất, và cũng đẹp nhất, hay nhất, đậm nhất, mê nhất là những nhân vật nữ. Họ không những mang vẻ đẹp của sự thánh thiện, hoàn mĩ mà còn là vẻ đẹp của sức sống, sự mơn mởn, của khát khao cháy bỏng đẫm màu phồn sinh phồn thực. Vẻ đẹp tự nhiên ấy có một sức cám dỗ, gợi tình mạnh mẽ. Nó không chỉ mang lại cảm hứng xác thịt mà còn ẩn chứa một sức mạnh có thể cảm hóa, thức tỉnh con người. Tiết đoạn tính giao giữa Mùi và Philippe không đơn thuần là sự chung đụng xác thịt giữa người đàn ông và người đàn bà, đó thật sự là cuộc đối thoại ngầm giữa kẻ chinh phục - người bị chinh phục, văn hóa ngoại lai - văn hóa bản địa, sức mạnh cương cường - vẻ đẹp dịu dàng. Trong cuộc đụng độ Đông - Tây quyết liệt này, dường như chỉ có sức mạnh của người đàn bà giàu sức sống, đằm thắm, dịu dàng, cam chịu, gánh vác mới neo giữ được bản sắc trong văn hóa Việt. Bởi điều đơn giản mà vô cùng thiêng liêng là “Người đàn bà là Mẫu, là Mẹ. Người đàn bà là đất xứ sở. Người đàn bà là văn hiến”.

Trần Thanh Cảnh trong Đức Thánh Trần đã rất tinh tế khi sử dụng hai biểu tượng Lửa và Nước để miêu tả về mối tình oan nghiệt của công chúa nhà Trần An Tư (nước) và hoàng tử thứ chín nhà Nguyên Thoát Hoan (lửa). Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân Đại Việt, lửa và nước mang ý nghĩa của sự hủy diệt khốc liệt: lửa đốt cháy kinh thành Thăng Long, nước vùi dập quân Nguyên xâm lược. Trở thành con bài trong cuộc chiến cam go, An Tư mang sứ mệnh giăng bẫy tình khiến chủ soái đoàn quân chinh chiến nhà Nguyên mê mẩn sắc dục, quên việc quân để vua tôi nhà Trần có thời gian chuẩn bị lực lượng, kế sách mới. Nguồn nữ tính tràn trề, bất tận, dịu dàng (An Tư) đã xoa dịu, hóa giải cái hung tợn, hoang dã, bạo liệt (Thoát Hoan) khiến vị tướng trẻ kiêu dũng nhà Nguyên trở nên yếu đuối, ngờ nghệch, mải mê đáp ứng nhu cầu tình dục của bạn tình; đặc biệt biết rung động cảm xúc trong trẻo, lạ lẫm trước nàng công chúa Đại Việt. Trần Thanh Cảnh ở một khía cạnh nào đó đã khai thác thành công đời sống tình dục của nhân vật ở giá trị cứu rỗi, điều hòa, thức tỉnh; đồng thời giải mã hợp lí những điểm mờ mà lịch sử bỏ sót khi chép về cuộc đời và số phận bí ẩn của An Tư.

Khám phá về sự huyền bí của tôn giáo, về con đường đắc đạo của người tu hành, Đỗ Trọng Khơi trong Hành trạng tâm linh có những lí giải sâu sắc khi soi chiếu bản năng tính dục của con người dưới ánh sáng của tư tưởng Thiền tông. Đây thật sự là một cuộc đối thoại giữa Tâm và Thân, giữa Đạo và Sắc Dục trên con đường giác ngộ. Nhà văn đã có những trang phục bút miêu tả những biến chuyển tế vi trong “bản thể người”, “bản nguyên dục tính” của Tuệ Trung Thượng Sĩ trước cám dỗ sắc dục lồ lộ của Trầm Nga. Bức họa cuối cùng họa khỏa thân trực diện nàng Trầm Nga như một ranh giới thiêng liêng từ cõi tục bước vào cõi thiền, giữa dâm tục và nghệ thuật, giữa Tâm Đạo và Dục Vọng của Tuệ Trung. Sau khi những nét phác họa thân thể đã hoàn chỉnh, đến lúc họa tiết điểm cơ thể âm tính của Trầm Nga khiến Ngài lúng túng giây lát. Trong khoảnh khắc đốn ngộ, thật bất ngờ khi Tuệ Trung vung bút dứt khoát họa một đài hoa sen vào nơi ấy. Một biểu tượng thiêng liêng của Phật đài lại được họa vào dấu hiệu giới tính của một người phụ nữ. Người đàn ông - Nghệ sĩ - Thiền sư đã ở vào tâm điểm giao giữa Tâm và Thân ở nơi cùng tận của chuyến đò qua sông bản thể. Chính cái giây phút bông sen được mọc lên từ phần âm thế giới tính, sắc dục ấy, Tuệ Trung Thượng Sĩ đốn ngộ. Và sự thoát ngộ của Bùn và Sen, của nữ sắc dục cảm và tinh thần siêu thoát, hai trạng thái hóa ra làm một, như hai dòng sông hòa vào một biển cả duy nhất. Nàng Trầm Nga - người đàn bà minh triết (trong quan niệm của giáo phái Mật tông) sau khi chứng ngộ đã bốc cháy thành một cây hỏa ngọc. Vậy là Mật tông đưa con người ta vào cõi sống với cách đánh thức tận gốc rễ bản thể - bản năng dục của con người, từ đó giúp con người đạt đến thể tính nguyên sơ vô sắc giới của mình.

Rõ ràng, tình yêu, dục cảm tự nhiên trở thành tiếng nói thiêng liêng và sâu thẳm, khiến các nhân vật lịch sử “trở mình” sống lại và hơn nữa, được sống như-là-chính-mình. Bên cạnh những dấu ấn và thành tựu, vẫn còn đó những tác phẩm chưa sử dụng yếu tố tính dục một cách chừng mực, thậm chí nhiều khi quá lạm dụng yếu tố này khiến chân dung nhân vật bị méo mó, không thật và chưa thể chạm tới chiều sâu nhân bản, giá trị văn hóa và hằng số lịch sử. Một vài cây bút nhân danh đổi mới, tinh thần dân chủ, tự khoác cho mình quyền năng sáng tạo, hư cấu; khai thác quá mức các yếu tố thuộc bản năng tính dục làm méo mó, lệch lạc cái nhìn về các nhân vật được cộng đồng, dân tộc ngưỡng vọng, chiêm bái như Nam Dao với Gió lửa, Trần Vũ với Gia phả, Mùa mưa gai sắc, Nguyễn Thúy Ái với Trở về Lệ Chi Viên… Một khi các yếu tố bản năng bị dịch chuyển khỏi các giá trị văn hóa của cá nhân và cộng đồng, của cảm xúc thiêng liêng, trong sáng, thánh thiện thì con người sẽ đánh mất đi nhân tính, biến thành một sinh vật tầm thường và văn học mất đi ý nghĩa tồn tại đích thực của nó. Đây là điều hết sức đáng tiếc và các nhà văn nên hết sức tránh.
 
N.V.H

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)