. HOÀNG PHONG TUẤN
Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Những niềm vui nào Nguyễn Du nghĩ đến khi ông đặt mình trong vị trí người đọc tác phẩm của ông? Niềm vui của lứa tuổi thiếu niên khi đến với khoảnh khắc Kim - Kiều gặp nhau trong tiết thanh minh? Niềm vui của người thưởng thức khi khám phá ý nghĩa mới của tác phẩm? Và còn những niềm vui nào khác nữa?
Niềm vui hay niềm vui sướng (pleasure) của sự đọc là động lực cơ bản nuôi dưỡng sự gắn bó của mỗi người khi đến với tác phẩm văn học. Đó không chỉ là cảm giác vui và hào hứng trước một cảnh tượng đẹp hay một hành động tích cực của nhân vật trong thế giới hư cấu. Sâu xa hơn, nó là sự say mê đến tha thiết khắc khoải khi ta dõi theo từng con chữ, là cảm giác được bù đắp hay được thanh lọc khi ta gấp trang sách lại. Nói đúng hơn, đó là một bình diện của mĩ học về sự tiếp nhận tác phẩm.
Ở cấp độ ngôn từ của văn bản, theo Stanley Fish, niềm vui của sự đọc là niềm vui trải nghiệm sự chuyển hướng ý nghĩa trên tiến trình thời gian đọc. Một người đọc sâu văn bản sẽ thấy thế giới nghĩa của tác phẩm chuyển đổi qua mỗi sự xuất hiện của con chữ. Chẳng hạn như đoạn Từ Hải gặp gỡ Kiều, Nguyễn Du thuật lại lời của Từ: Từ rằng: “Tâm phúc tương cờ/ Phải người trăng gió vật vờ hay sao?/ Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanh chẳng để ai vào, có không?...”. Chữ “tâm phúc” mở đầu câu nói của Từ làm cho một người đọc kĩ tất sẽ không khỏi ngạc nhiên. “Tâm phúc” có thể hiểu là biết tỏ ruột gan nhau, thường là phải qua bao đồng cam cộng khổ. Mới gặp nhau lần đầu, dẫu cho đã nghe biết tiếng nhau cũng không ai có thể gọi nhau là “tâm phúc”. Theo sau “tâm phúc” là một chữ với nghĩa hầu như là đối lập: “tương cờ”. “Tương cờ” gợi mối quan hệ sơ giao, là điều gì thoáng qua trong dòng chảy miên viễn của thời gian. Chữ “tâm phúc” vì thế đặt ra một nghi vấn và một chờ đợi. Phải chăng Từ Hải đã nhận định quá mức một mối quan hệ sơ giao với người con gái chốn lầu xanh? Hay với Từ Hải, “tâm phúc” là điều gì khác với thông thường? Câu hỏi tiếp theo của Từ, thực ra là để khẳng định rõ hơn ý định của Từ, cũng không làm rõ mối băn khoăn ấy của người đọc. Có thể không phải là quan hệ “trăng gió” nhưng cũng chưa thể là “tâm phúc” theo lẽ thường. Nhưng chữ “bấy lâu” ở câu kế tiếp chuyển hướng ý nghĩa của văn bản bằng cách gợi nên một cảm nhận đối lập về thời gian với chữ “tương cờ”, “bấy lâu” nghe tiếng nhưng cũng chỉ là “tương cờ” khi gặp gỡ. Điều này làm cho chữ “tâm phúc” bị kéo căng ra hai chiều hướng ý nghĩa: “bấy lâu” nghe biết là quãng thời gian có thể đủ gọi là “tâm phúc”, nhưng lại là từ một phía; “tâm phúc tương cờ” là sự “tâm phúc” trong muôn một, ngắn ngủi trong cái trôi chảy đời thường “bấy lâu nghe tiếng”. Như vậy “tâm phúc” không phải là kết quả của một quan hệ đã có từ lâu, mà là điều còn ở phía trước vì cần sự tương hợp từ phía còn lại. Nó vì thế là một dự phóng vào vĩnh cửu vượt khỏi thời gian trong cảm nhận của con người đời thường. Từ Hải vẫn đang tìm kiếm người “tâm phúc” của mình và bày tỏ cho Kiều biết về sự tìm kiếm đó chứ không phải là đã khẳng định người đó là Kiều. “Tâm phúc” là một mong ước và chờ đợi của Từ đối với Kiều hơn là một mối quan hệ đã khẳng định. Trong mấy câu thơ trên, sự xuất hiện của hai từ trên trật tự thời gian - “tương cờ” và “bấy lâu” - làm cho nghĩa của từ “tâm phúc” được mở ra trong một tiến trình đầy bất ngờ đem đến cảm giác thích thú cho người đọc. Niềm vui của sự đọc ở đây là niềm vui của người du hành vào thế giới chưa biết và hứa hẹn những bất ngờ mới mẻ của văn bản.
Ở cấp độ nhân vật và cốt truyện, niềm vui của sự đọc là niềm vui đồng nhất hóa. Khi ta đọc Truyện Kiều, tác phẩm dần đưa ta vào thế giới hư cấu với nhân vật và sự kiện, với hoàn cảnh và số phận của nhân vật, ta bắt đầu đồng nhất hoá mình với nhân vật. Niềm vui từ sự đồng nhất hoá là một khía cạnh quan trọng tạo nên tính đại chúng của sự đọc. Nó chủ yếu dựa trên điều mà Cawelti gọi là các khuôn mẫu (formular) xuất hiện trong tác phẩm dưới hình thức các nhân vật hay các mô hình kết cấu.
Truyện Kiều có thể được xem là một tác phẩm có những khuôn mẫu của văn hóa đại chúng. Trước hết, ở góc độ nhân vật, nó cung cấp những khuôn mẫu nhân vật cho những lứa tuổi khác nhau. Người trẻ tuổi và đang yêu sẽ cảm thấy hào hứng say mê khi Thuý Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình. Chính khuôn mẫu của tài tử giai nhân, hay sâu xa hơn là mô hình của một người vượt thoát khỏi những ràng buộc của quy ước xã hội để đến với tình yêu tự do làm giải phóng ẩn ức, những mong ước và khao khát không thành trong sâu thẳm nội tâm họ, đem đến cho họ cảm giác vui thỏa. Mặt khác, những người đọc mà sâu xa trong đời sống cá nhân của họ phải chịu nhiều sự bất công có thể cảm thấy hân hoan vui thỏa khi Thúy Kiều, dưới uy quyền của Từ Hải, đã có một cuộc báo ân báo oán công bằng cả về lí lẫn về tình. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà phê bình cho rằng đoạn viết về Từ Hải là đoạn sảng khoái nhất của Truyện Kiều, và không phải ngẫu nhiên mà tương truyền rằng có vị vua đã nổi giận đùng đùng khi đọc đoạn ấy. Sâu xa ở đây là mẫu hình của người anh hùng, vốn rất phổ biến trong văn hóa đại chúng, bắt rễ sâu xa trong niềm mong mỏi sự công bằng của mỗi con người chúng ta. Kẻ xấu phải bị ai đó trừng trị.
Thứ nữa, về mặt kết cấu, có thể thấy Truyện Kiều là một tác phẩm có kết cấu vừa mang yếu tố của tính đại chúng vừa chống lại các yếu tố này. Tác phẩm có khuôn mẫu của câu chuyện về một hành trình gian khổ cuối cùng đoàn viên, tuy nhiên, Nguyễn Du đã liên tục phá vỡ những chờ đợi về khuôn mẫu này, bằng một hình thức kết cấu mà ở đó tính đại chúng của sự chờ đợi niềm vui liên tục bị chất vấn bằng sự thất vọng. Kết cấu này làm chuyển hoá ngày càng tăng những cảm xúc đối cực hi vọng/niềm vui-chờ đợi-thất vọng/nỗi buồn-chờ đợi trong lòng người đọc.
Tiết thanh minh và sự gặp gỡ mở ra những niềm vui của tình cảm đầy hứa hẹn, nhưng tiếp ngay sau đó là cảm giác thất vọng khi nhận ra rằng cuộc đời Kiều đã định sẵn kiếp đoạn trường. Nhưng chi tiết Kiều nghĩ về buổi gặp gỡ trong khoảnh khắc với Kim Trọng lại gợi mở cho người đọc sự chờ đợi về điều gì tốt đẹp hơn sẽ đến. Khoảnh khắc Kim, Kiều thề nguyền thỏa mãn sự chờ đợi đó để rồi người đọc lại càng trở nên thất vọng hơn khi chứng kiến cảnh Kiều phải bán mình cho gã Mã Giám Sinh ô trọc. Phần thứ hai của tác phẩm cũng liên tục mở ra sự chờ đợi và niềm hi vọng khi lần lượt để Kiều thoát khỏi chốn thanh lâu cùng với Sở Khanh và Thúc Sinh rồi Từ Hải, nhưng sau mỗi hi vọng là nỗi thất vọng. Tận cùng là nỗi tuyệt vọng khi Từ Hải, người “tâm phúc tương tri”, phải rơi vào cảnh chết đứng bi thảm. Kết cấu chuyển hoá này lấy niềm vui và sự chờ đợi điều tốt đẹp sẽ đến với nhân vật làm tiền đề cho sự hấp dẫn của tác phẩm. Cawelti và Radway có nói đến thế giới của những huyễn tưởng, đó là khi người đọc đắm mình và giải phóng những ẩn ức, để rồi khi gấp trang sách lại, trở về với đời sống thường nhật, họ cảm thấy mình như được làm mới lại, như được thanh lọc khỏi những khát khao không thành.
Roland Barthes có một góc độ tiếp cận khác với niềm vui của sự đọc. Ông phân biệt văn bản để đọc (readerly text) đem đến niềm vui (pleasure) và văn bản để viết (writerly text) đem đến niềm vui thống khoái (pliss) có tính chất thống khổ. Văn bản để đọc chứa đựng những quy ước đọc có sẵn trong nền văn hóa mà nó ra đời, làm cho người đọc cảm thấy vui thỏa bằng việc đem đến khả năng diễn giải và do đó có thể cấp cho họ ý nghĩa mà họ chờ đợi, hay nói đơn giản là nó xoa dịu bản ngã của họ. Văn bản để viết thì khác, nó giết chết sự mong mỏi của người đọc, vốn được kiến tạo nên và vì thế đòi hỏi được thỏa mãn bằng các quy ước văn hóa, nó phá hủy bản ngã của họ, cái bản ngã vốn được hình thành nên từ sự xung đột giữa ham muốn cá nhân và quy ước văn hóa. Roland Barthes diễn đạt niềm vui thống khoái này một cách rất phức tạp trong những cuốn sách khác nhau. Nhưng điều ông muốn nói có lẽ là, sự thống khoái khi đến với văn bản là một niềm vui sướng trong sự tự hành hạ mình của người đọc.
Chiếc thuyền ngoài xa có thể là tác phẩm vừa đem đến sự vui thỏa vừa đem đến sự thống khoái đến đau đớn khi nó làm phân rã những quy ước văn hóa hình thành nên bản ngã của người đọc. Câu nói “các chú đừng bắt tôi bỏ nó” đan bện với những câu nói về gia đình: “người đàn bà ở thuyền chúng tôi sống cho con chứ không sống cho mình được”, “vui nhất là khi nhìn đàn con chúng nó được ăn no”. Tất cả dường như xây dựng nên một diễn ngôn đạo đức về sự hi sinh của người mẹ, cắm rễ sâu thẳm trong một nền văn hóa mang những quy ước giá trị về sự hi sinh của người đàn bà. Những quy ước này đẩy người đọc đến chiều hướng giải mã ý nghĩa tác phẩm như là ca ngợi sự hi sinh. Nhưng đồng thời với tiến trình định hình diễn ngôn ấy cũng là tiến trình diễn ngôn ấy bị rạn vỡ bởi những chi tiết về sự chứng kiến của đứa con trước cảnh cha chúng đánh mẹ chúng, và lời thề của thằng Phác rằng nó không để cha nó đánh mẹ nó thêm lần nữa. Áp lực của một số chi tiết như trên đè nén lớp nghĩa về sự hi sinh: Sự hi sinh có phải lúc nào cũng mang đến bình yên cho những đứa con? Và niềm vui của người mẹ khi thấy những đứa con ăn no phải chăng tương ứng với hạnh phúc của những đứa con? Những sự đè nén ấy tấn công vào bản ngã của người đọc vốn được xây dựng nên từ những quy ước văn hóa ca ngợi sự hi sinh. Người đọc đau đớn như thể văn bản đang cắn cấu vào da thịt của mình. Nhưng sự đau đớn ở đây là rất đặc biệt, nó sinh ra một mong muốn viết lại văn bản, nhưng mong muốn ấy bị dồn nén vào bề sâu, xung đột và lẩn tránh; và cuối cùng người đọc thưởng thức vẻ đẹp của sự hi sinh trong một ẩn ức không được giải tỏa về sự hi sinh đó.
Từ quan niệm của Barthes, tác phẩm không chỉ đem đến cảm xúc đơn thuần nào đó cho chúng ta, vui hay buồn, mà nó đem đến một khoái cảm của niềm vui bằng việc nó chất vấn chúng ta, giằng xé chúng ta. Nói tóm lại, nó làm cho chúng ta trải nghiệm mình như một thực thể đầy bi hài. Và có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du, nơi gần cuối tác phẩm Truyện Kiều lừng danh, nói đến “thiện căn” và “chữ tâm”, sau khi tác phẩm của ông đặt ra những chất vấn nhất định về sự đoàn viên, về sự bình yên và không bình yên của lòng Kiều. Phải chăng ông muốn đem đến một sự bình lặng nào đó trong khoảnh khắc, sau cơn giông tố của đời Kiều, để người đọc tìm thấy chỗ trú thân trong cơn giông tố của lòng mình, để có thể về lại với cuộc đời thực đầy những lo toan vất vả trong một tâm thế mới.
H.P.T