Miền sáng tối một sức nổ nhân văn

Thứ Sáu, 23/03/2018 00:22
(Đọc tiểu thuyết Miền sáng tối của Dương Thanh Biểu - Nxb Hội Nhà văn, 2017)
 
. CHU LAI
 

Khi tiếp xúc với một tác phẩm văn học người ta thường có hai cảm xúc trái chiều. Hoặc đọc xong quên đi, như đi xem xiếc, coi một chương trình gala. Hoặc bâng khuâng, hồi hộp chỉ lo hết, thỉnh thoảng lại giở ảnh tác giả xem hắn là ai mà viết kinh thế. Cuốn này thuộc dạng thứ hai, đúng là kinh. Kinh một cách giằng xé, sâu xa và ngọt ngào.

Đây là một cuốn sách có thể đọc liền mạch. Tức là hấp dẫn. Không phải thứ hấp dẫn theo thị trường mà hấp dẫn ở chiều sâu nhân văn của nó. Thường một tác phẩm văn xuôi có ba thứ hấp dẫn: cốt truyện, tư tưởng và câu chữ. Ở đây thấp thoáng cả ba, tuy không nổi bật.

Tác giả như một chàng dũng sĩ khá tinh thông võ nghệ dám cầm đà đao lao vào một khu rừng rậm đầy thú dữ. Có cảm giác anh ta sẽ sa lầy, không thoát ra được nhưng đã thoát một cách ngoạn mục và toàn thây. Thật đáng chúc mừng.

Bởi đây là một mảng đề tài nhạy cảm mà không phải ai cũng dám xông vào khai triển bút lực nếu không có cái tâm, cái tầm và lòng tự tin mãnh liệt. Tác giả đã dám miêu tả cái xấu cái ác đến tận cùng của một số cán bộ đảng viên cao cấp, dám động đến cả cấp bí thư tỉnh uỷ, giám đốc công an… chứ không phải chỉ mon men chạm đến cấp phó vô thưởng vô phạt. Tức là tác giả đã chạm đến một vấn đề cốt lõi đang thịnh hành và lộng hành ngày hôm nay là cấu trúc quyền lực và nhóm lợi ích. Chạm đến bằng một tư duy khoa học, bằng sự cắt nghĩa trầm tĩnh và bằng cả cái xót xa “chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau” chứ không lu loa, ám chỉ, võ đoán, quy chụp, nói cho hả, cho sướng rồi bỏ đó.

Toàn truyện là phá án nhưng cốt lõi lại là vấn đề con người, là những mối quan hệ phức tạp của con người với con người. Đề tài này rất dễ xui khiến người viết sa đà bất tận vào những cái li kì, lâm li vượt ra ngoài giá trị văn học. Mà lại là những con người ngày xưa đã từng chung chiến hào, thậm chí là những người anh hùng nhưng cạm bẫy thời bình đã biến họ thành kẻ thù của nhau, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn hiểm ác nhất để triệt hạ nhau. Thế mới biết trận giặc hôm qua còn rạch ròi, thông thoáng hơn trận địa dựng xây kinh tế rậm rịt hôm nay rất nhiều mà ba phạm trù quyền, tiền, tình là ba con quái thú sẵn sàng ăn tươi nuốt sống lòng tham, thói vị kỉ của con người. 

 
IMG 0416(1)

Tác giả đã dũng cảm không cho phép mình đứng giữa dòng nước lợ để miêu tả nửa vời, để cho ra những câu văn nhợt nhạt. Các tình huống, các nhân vật ở đây đều được đẩy đến tận cùng xấu tốt, không sợ “phạm huý”, không có vùng cấm, không đuỗn đệt một chiều - xấu là xấu mãi, tốt là tốt mãi - mà luôn biến động, ẩn chìm, nhá nhem. Đó là cách nhìn can đảm và cũng là cách nhìn biện chứng của người cộng sản, của người lính một khi đã dám ngẩng cao đầu với cây bút trên tay.

Nhân vật bí thư tỉnh ủy trong tiểu thuyết này không phải là nhân vật trung tâm nhưng lại có ảnh hưởng đến toàn bộ nhịp đập, sự vận hành của một vùng đất. Với tư cách người đứng đầu, anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải bị khai trừ khỏi Đảng - đây chính là thái độ không khoan nhượng của người viết. Một điều thú vị là trong sách có rất nhiều cuộc họp, các cuộc hỏi cung, các cuộc bàn soạn mà nếu không là người trong ngành, không có cách nhìn sâu sắc mang tính tổng quát, không từng trải, không có cảm xúc sạch lành thì những trang viết sẽ trở nên nhạt, khô. Tác giả đã thổi vào cái sa mạc chữ nghĩa ấy một nét tươi xanh của số phận, của nỗi niềm buồn vui, của xung đột gắt gao, có hi vọng tuyệt vọng, có bề nổi bề chìm, có trắng đen khó phân định, có xấu tốt nhập nhèm, có âu lo hồi hộp. Đó cũng là bút pháp.
 
Và tác phẩm cũng không chịu đi theo lối mòn khi miêu tả nhân vật nữ phạm nhân (vốn là phu nhân bộ trưởng, là nghị sĩ quốc hội của chế độ cũ) do có nhan sắc đong đưa mà đã được vị giám đốc công an cho thả ra để làm người tình. Những tưởng ả ta sẽ âm mưu leo cao chống phá cách mạng, đánh sâu vào nội bộ ta, nhưng không, ả hiện nguyên hình là một người đàn bà đa đoan, nặng nghĩa nặng tình với ân nhân của mình và khi không cùng chung sống được đã thực hiện một cuộc chia tay xé ruột xé gan như một tình yêu đích thực. Đó là cái mới của tác phẩm và cũng là những trang văn thấm đẫm tình người nhất.

Có thể có người cho rằng Miền sáng tối nặng về văn thông tấn mà thiếu chiều sâu nội tâm, điều mà một cuốn tiểu thuyết rất cần. Nhưng theo tôi đây lại là một thế mạnh của loại truyện hình sự tư liệu mà nếu nhấn nhá, cái gì cũng chẻ sợi tóc làm tư thì sức cuốn hút sẽ giảm, tốc độ tiểu thuyết sẽ chậm, văn sẽ bị tãi ra mà không đủ chất kết dính cho các tình huống và số phận nhân vật đủ sức bám níu, xoay quanh cái trục cốt truyện đó.

Lại nữa, không rõ tác giả có chủ đích như thế không, nhưng người đọc có cảm giác đặc điểm của ba loại hình nghệ thuật đều được tác giả sử dụng: độ tự sự lắng sâu của văn; lời thoại, kịch tính đậm chất sân khấu; mạch truyện cuồn cuộn như điện ảnh. Trộm nghĩ đây có thể là quặng quý cho các kịch tác giả, các nhà biên kịch điện ảnh nảy sinh cảm hứng sáng tạo, hình thành được những tác phẩm hay.

Giá như (cái gì chả có giá như nhất là ở một sản phẩm nghệ thuật) tác giả chăm chút cho tác phẩm dày công hơn nữa, xử lí chi tiết kĩ lưỡng, câu chữ tinh xảo và đẩy các mối quan hệ nhân vật xuống sâu hơn nữa thì chắc chắn Miền sáng tối sẽ tránh được cái kết nhẹ và vội. Với các sự kiện mở ra màu mỡ, ngổn ngang như thế, lẽ ra cái kết cũng phải phì nhiêu, trầm tích đặng gây được sự bất ngờ nhân văn tương xứng trong sự xúc động vỡ oà.

Giữa những ngày công cuộc chống tham nhũng đang đi tới cao trào sôi động của toàn Đảng toàn dân, Miền sáng tối đã góp một tiếng nói mạnh mẽ cho xã hội, một niềm tin vững chắc cho nhân quần và một trái nổ nhân tình rền vang giữa trường văn trận bút.

 C.L

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)