"Truyện Kiều" - từ tác phẩm văn học đến sân khấu, điện ảnh

Thứ Tư, 14/03/2018 00:31
. LÊ QUỐC HIẾU
 
truyen kieu
Chúng ta đang sống trong thời đại của chuyển thể, cải biên. Hãy tưởng tượng rằng gần như mọi tác phẩm đều có thể được tái diễn giải, làm lại, chuyển dạng sang một hình thức khác. Người nghệ sĩ có thể cải biên tác phẩm văn học, vở opera, ballad, bài hát, vở diễn, bộ phim, video, game, truyện tranh… sang các hình thức nghệ thuật khác nhau. Trong mối quan hệ chằng chịt của mạng lưới cải biên, văn học, sân khấu và điện ảnh đã trở thành những kênh dữ liệu dồi dào và sống động nhất bởi quá trình tái lặp cải biên diễn ra không ngừng giữa các hình thức nghệ thuật và trong từng phiên bản tạo sinh. Với bối cảnh nghệ thuật đương đại, quyền năng của cải biên được minh chứng ở đặc tính: Một hệ thống kí hiệu của văn bản này không ngừng đi xuyên qua các thể loại, các phương tiện để xác lập nên những văn bản mới.

Trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam, để chỉ ra một tác phẩm cải biên thành công, theo chúng tôi, không dẫn chứng nào có thể sánh với Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. So sánh giữa Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân) và Truyện Kiều (Nguyễn Du) vốn là thao tác thường thấy khi nghiên cứu cải biên. Với hơn 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều, vấn đề này đã được rất nhiều học giả bàn luận, đặc biệt là luận điểm phủ nhận thân phận dịch phẩm của Truyện Kiều. Theo đúng tinh thần của dịch, tức là đề cao tính trung thành của văn bản dịch với văn bản gốc, Truyện Kiều không phải là một dịch phẩm - đơn thuần chuyển ngữ. Có thể thấy, đây là tác phẩm cải biên xuất sắc của Nguyễn Du bởi tính sáng tạo độc đáo thấm đẫm tinh thần dân tộc đã đưa danh tác này lên vị thế cao hơn nguyên tác. Cuộc “hôn phối” này còn đem lại vinh dự lớn cho “tác phẩm gốc” Kim Vân Kiều truyện bởi từ một sáng tác “thường thường bậc trung”, từ một thân phận không được đoái hoài, bị “quên lãng”, nó đã “nhảy vọt” lên thành danh tác thế giới. Mặt khác, thú vị hơn nữa, Truyện Kiều không chỉ được dân gian hóa bằng các hình thức: đề Kiều, vịnh Kiều, hát Kiều, đố Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều… mà danh tác này còn được soạn/ viết lại, phiên chuyển, cải biên thành nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Truyện Kiều được xem như một văn bản nguồn bởi khả năng cung cấp chất liệu dồi dào cho các sáng tác cải biên. Chỉ tính riêng thực hành cải biên từ Truyện Kiều sang hình thức trình diễn (performing)/ trình chiếu (showing) - sân khấu/ điện ảnh - truyền hình, mỗi lần công diễn là một lần văn bản cũ được “tái sinh” (regenerate), “viết lại” (rewriting), văn bản mới hình thành. Bởi vậy, hiện nay tồn tại rất nhiều văn bản tái sinh bên cạnh văn bản nguồn - Truyện Kiều.

Những dự án đưa Kiều lên phim ảnh, chuyển thể Truyện Kiều sang các loại hình sân khấu hiện đại vẫn không ngừng nhận được sự quan tâm lớn của công chúng nghệ thuật. Có nên chuyển thể Truyện Kiều không khi các tác giả chuyển thể (sân khấu, điện ảnh) phải đứng trước tình huống không thể khác bởi việc cắt gọt một số lượng lớn tình tiết truyện đồng thời văn bản chuyển thể sẽ vắng bóng gần như toàn bộ hệ thống thơ lục bát? Và bất chấp những “kì vọng tan vỡ” nơi công chúng đối với các phiên bản chuyển thể thất bại, tại sao số lượng các phiên bản chuyển thể Truyện Kiều vẫn không ngừng gia tăng ở mọi loại hình nghệ thuật? Vì sao các dự án chuyển thể Truyện Kiều vẫn đang khởi động, luôn tạo ra những háo hức, mong chờ nơi công chúng? Theo chúng tôi: thứ nhất, Truyện Kiều có cốt truyện kịch tính với những nút thắt mở liên tục, nhiều tình huống éo le đan cài. Một câu chuyện như vậy sẽ hứa hẹn những kịch bản độc đáo. Đây chính là lí do vì sao số lượng các kịch bản văn học (điện ảnh, tuồng, chèo, đặc biệt là cải lương…) chiếm số lượng rất lớn trong đời sống cải biên, chuyển thể. Thứ hai, hình tượng nhân vật chính (Thúy Kiều) tài sắc vẹn toàn, có cuộc đời nhiều thăng trầm trong suốt quãng thời gian mười lăm năm, trải dài trên các vùng không gian lưu lạc “chân trời góc bể bơ vơ”… Đặc biệt hơn, phần lớn hoạt động của nhân vật chính diễn ra trong một không gian “nhạy cảm” vốn rất ít được phản ánh trên sân khấu, màn bạc: chốn lầu xanh. Một số nhân vật phụ như Tú Bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Từ Hải... có tính cách độc đáo, khiến câu chuyện thêm phong phú, hấp dẫn. Thêm nữa, phim về đề tài kĩ nữ, lầu xanh vẫn chưa có nhiều tác phẩm ấn tượng. Thứ ba, thân phận nàng Kiều, những hình tượng nhân vật trong Truyện Kiều như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Từ Hải… đã “ăn sâu bén rễ” trong tâm thức cộng đồng… nên vô hình trung, công chúng luôn trong tâm thế mong đợi được thưởng thức cuộc trình diễn/ trình chiếu Truyện Kiều ở các hình thức nghệ thuật khác. Thứ tư, lí do để cải biên Truyện Kiều, còn phải kể đến những ý kiến, quan điểm của một số biên kịch và đạo diễn. Ngay từ đầu thế kỉ XX, trong kịch bản tuồng - cải lương Kim Vân Kiều soạn giả Lê Công Kiền đã trình bày lí do cải biên danh tác này: “… kể từ ngày có truyện Kim-Vân-Kiều của cụ Nguyễn Du ra đời đến nay, văn nhân nhân lãm ai cũng khen ngợi là một quyển truyện thực hay, nhời nhẽ chuốt ngót, nhiều ý sâu xa, tả rõ ràng, toàn nhời thanh lịch”(1). Với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, chuyển thể Truyện Kiều thành vở opera ballet Định mệnh bất chợt là “sự sáng tạo của những con người đương đại trong một tác phẩm cũng rất đương đại” bằng các hình thức chuyển tải đương đại - kết hợp giữa opera, ballet, ngâm thơ truyền thống và kịch thoại. Theo nhạc sĩ, đó sẽ là một tác phẩm nhằm tôn vinh kiệt tác văn học của Việt Nam(2).

Số lượng các phiên bản cải biên Truyện Kiều gia tăng không ngừng theo thời gian, tồn tại dưới nhiều hình thức nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại (chèo, tuồng, cải lương, kịch bản văn học, cải lương video, cải lương truyền thanh, điện ảnh, ballet, nhạc kịch, kịch hình thể…). Bức tranh cải biên Truyện Kiều là minh chứng sống động cho sức sống mãnh liệt, khả năng tái sinh, thâm nhập mạnh mẽ của kiệt tác này. Có thể thấy, nỗ lực quảng bá, giới thiệu Truyện Kiều ra thế giới (phim Kim Vân Kiều - đạo diễn Pháp Famechon; phim Một câu chuyện tình - đạo diễn Trịnh Thị Minh Hà; nhạc kịch Truyện Kiều - đạo diễn Mĩ Burton Wolfe…) và tham vọng tái sinh, làm sống lại Truyện Kiều dưới mọi hình thức nghệ thuật luôn không ngừng thách thức mỗi người nghệ sĩ. Diễn trình cải biên Truyện Kiều khẳng định thêm khả năng điển hình hóa sâu rộng trong ý thức cộng đồng, thậm chí là liên cộng đồng của danh tác này. Ở thời đại thông tin truyền thông, một trong những cách thức điển hình hóa, huyền thoại hóa mạnh mẽ, đó chính là hướng cải biên Truyện Kiều sang các loại hình nghệ thuật trình diễn/ trình chiếu hiện đại. Một mặt, hình thức này phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ của công chúng đương đại, mặt khác, nó cung cấp những kĩ thuật biểu hiện mới so với các hình thức nghệ thuật truyền thống.

Truyện Kiều đã trở thành chất liệu sáng tác dồi dào, vừa tham dự như một chất liệu cải biên vừa tồn tại dưới các dạng thức kịch bản văn học: chèo, tuồng, cải lương... Hiện nay, các phiên bản chuyển thể Truyện Kiều sang cải lương ở cả kịch bản và vở diễn chiếm số lượng áp đảo. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay có khoảng hơn mười ba kịch bản cải lương cải biên từ Truyện Kiều. Tùy theo từng cách thức cải biên cũng như thái độ ứng xử với chất liệu Truyện Kiều mà các kịch bản đều có những điểm khác biệt. Việc cải biên mang đậm tính cá nhân, chủ quan của tác giả cải biên. Vì thế mà, mỗi kịch bản cải lương lại chọn lựa và xử lí hoặc là chỉ một trường đoạn, hoặc là toàn bộ cốt truyện Truyện Kiều. Ví dụ, các soạn giả Trương Quang Tiền, Phạm Minh Kiên, Quy Sắc, Nguyễn Thúc Khiêm đã cải biên gần như toàn bộ cốt truyện Truyện Kiều và tuân thủ theo mạch tự sự của tác phẩm gốc. Tuy nhiên, ở một số kịch bản, các soạn giả đã chọn lựa chỉ một trường đoạn ấn tượng, mấu chốt, giàu kịch tính, có ý nghĩa bước ngoặt để cải biên, như: Kiều du thanh minh, Hoạn Thư tróc Kiều, Kiều ngộ Từ Hải (Trương Quang Tiền); Trăng thề vườn thúy, Má hồng phận bạc, Kiều Từ li hận (Quy Sắc)… Ví dụ, kịch bản Kiều du thanh minh diễn từ đoạn Kiều đi thanh minh cho đến đoạn Kiều theo Mã Giám Sinh đến lầu xanh của mụ Tú Bà. Kịch bản Hoạn Thư tróc Kiều diễn từ đoạn Sở Khanh lừa gạt Kiều trốn khỏi lầu xanh cho đến đoạn sư Giác Duyên gửi Kiều đến nhà họ Bạc.

Từ những “khai mở” thành công nhờ chuyển thể kiệt tác nghệ thuật kinh điển như Truyện Kiều mà sân khấu cải lương đã hình thành. Truyện Kiều mang đến vinh dự lớn lao cho sân khấu cải lương bởi vở diễn Kim Vân Kiều (1918) của Trương Duy Toản được nhận định là một trong những tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự khai sinh loại hình sân khấu mới mẻ này(3). Có thể thấy, vở cải lương này thuộc hình thức cải biên cơ bản nhất bởi soạn giả đã đưa toàn bộ Truyện Kiều lên sân khấu, chỉ ghép nhạc và lời ca theo từng phân cảnh, phân màn và kết hợp lối diễn “ca ra bộ” (ca nhạc có nguồn gốc từ đờn ca tài tử kèm theo động tác, điệu bộ). Xuyên suốt giai đoạn gần 100 năm (từ 1918) của sân khấu cải lương, Truyện Kiều đã được chuyển thể, tái diễn giải/ sáng tạo nhiều lần từ sân khấu truyền thống đến hiện đại. Mỗi vở diễn là một văn bản, mỗi lần công diễn là một văn bản mới được tái tạo dù vẫn là những đào, kép cũ. Bởi tính chất đặc trưng của loại hình sân khấu nên chắc chắn không thể có một thống kê đầy đủ về những vở diễn chuyển thể Truyện Kiều thời gian dài qua.

Triển diễn sôi động của cải biên Truyện Kiều được minh chứng qua các vở diễn chất lượng như: Kim Vân Kiều (1971); Trăng thề vườn thúy (1973); Kim Vân Kiều (1989); Vương Thúy Kiều (1989), Ai giết nàng Kiều? (1991)… Một điều thú vị là các vở cải lương lấy tên ba nhân vật Kim, Vân, Kiều để đặt tên cho tác phẩm đều chưa xử lí trọn vẹn, hài hòa mối quan hệ giữa ba nhân vật này. Ví dụ, ở một số vở như Kim Vân Kiều (đạo diễn Nguyễn Bạch Tuyết); Kim Vân Kiều (đạo diễn Hoa Hạ) hình tượng Kim Trọng và Thúy Vân hết sức mờ nhạt. Một số đạo diễn ý thức rõ chủ đề của Truyện Kiều nên tác phẩm chuyển thể tập trung phản ánh số phận, bi kịch của nàng Kiều, như: Thúy Kiều; Vương Thúy Kiều; Ai giết nàng Kiều?…

Chuyển thể Truyện Kiều sang kịch bản cải lương là thao tác chuyển dịch và chuyển hóa thơ - truyện, chất trữ tình - tự sự sang hình thức mới: kịch bản và vở diễn. Do được cải biên từ truyện thơ nên ngôn ngữ cải lương thường thấm đẫm chất thơ, chất tình, lời lẽ ngọt ngào, sâu lắng dễ đi vào lòng người như tác phẩm gốc. Ở dạng thức chuyển thể từ kịch bản văn học sang sân khấu, các vở diễn đóng vai trò như một “chuyển thể kép”: kịch bản cải lương được cải biên từ Truyện Kiều, vở diễn được chuyển thể từ kịch bản cải lương. Nhìn chung, cách thức ứng xử với thơ trong Truyện Kiều thường là: sử dụng ý thơ của Truyện Kiều rồi sáng tạo nên lời ca mới, ghép nhạc phù hợp với từng tâm trạng, hoàn cảnh của nhân vật. Cách thức này thể hiện rõ nhất năng lực chuyển thể, khả năng sáng tạo của soạn giả/ đạo diễn. Đây chính là yếu tố quan trọng khẳng định phong cách nghệ thuật của người cải biên. Nhờ đó, tác phẩm chuyển thể có màu sắc riêng, giúp nó vượt thoát khỏi cái nhìn mang tính định kiến vốn vẫn gắn với tác phẩm chuyển thể: “phái sinh”, “thứ cấp”, “phụ thuộc”.

Với sân khấu hiện đại, tham vọng chuyển thể Truyện Kiều sang các loại hình sân khấu cao cấp, sang trọng đã được thử nghiệm, mang đến cảm xúc mới lạ cho người xem: âm nhạc (Hợp xướng Truyện Kiều - Vũ Đình Ân, Truyện Kiều: Thơ và Nhạc - Quách Vĩnh Thiện); nhạc kịch (Nhạc kịch Kiều - Trần Quảng Nam, Truyện Kiều - Burton Wolfe); opera - ballet (Định mệnh bất chợt - Nguyễn Thiện Đạo), kịch hình thể (Nguyễn Du với Kiều, - Nguyễn Lan Hương)… Bên cạnh những phiên bản chuyển thể trung thành/ thông diễn tái nhận (faithful adaptation/ recognitive interpretation) chúng tôi muốn xem xét những phiên bản chuyển thể sáng tạo/ thông diễn tái sinh (creative adaptation/ reproductive interpretation) vốn bộc lộ mạnh mẽ quan điểm, diễn ngôn của tác giả. Thông diễn tái sinh được thể hiện ở sự pha trộn nhuần nhuyễn, đa dạng những hình thức nghệ thuật mới. Năm 2012, vở kịch thơ kết hợp kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều của đạo diễn Nguyễn Lan Hương dù chỉ mang tính chất là một cải biên thể nghiệm nhưng đã nhận được những hồi ứng tiếp nhận đa chiều. Vở diễn hư cấu thêm hai nhân vật Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đóng vai trò là người dẫn chuyện chuyển cảnh, đồng thời vở diễn nêu bật “mối lương duyên đau đáu giữa cuộc đời Nguyễn Du với những nhân vật trong tác phẩm của ông”(4). Khác với sân khấu kịch truyền thống (Cải lương…), vở diễn đã giữ lại và trình diễn những đoạn thơ đặc sắc nhất của Truyện Kiều bằng sự kết hợp đa dạng của ngâm thơ, hát chèo Bắc Bộ, hò Huế miền Trung, ca vọng cổ miền Nam… cùng ngôn ngữ hình thể của diễn viên nhằm thể hiện những cung bậc cảm xúc của nhân vật trong suốt hành trình lưu lạc. Mặt khác, sự mới mẻ của phiên bản chuyển thể này còn thể hiện ở quan niệm của đạo diễn, khi gắn vở diễn với tư tưởng của đạo Phật. Kết thúc vở diễn, Kiều về nơi cửa Phật. Nguyễn Du với Kiều là sự giao thoa giữa sân khấu truyền thống và hiện đại, thể hiện những dấn thân táo bạo của đạo diễn. Tác phẩm đã tái sinh Truyện Kiều bằng hình thức trình diễn mới mẻ.

Ở lĩnh vực điện ảnh, phim Kim Vân Kiều (1924) là thể nghiệm văn hóa táo bạo bởi cuộc hội ngộ độc đáo giữa văn hóa tư tưởng phương Đông và kĩ thuật điện ảnh phương Tây. Chúng tôi suy đoán việc chuyển thể Truyện Kiều sang hình thức điện ảnh là sự tiếp nối, thừa hưởng những thành công rực rỡ của sân khấu cải lương thời hoàng kim giai đoạn 1920-1930. Bởi thời gian này, những vở diễn cải biên từ Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị độ mai, Phụng Nghi Đình… được tái diễn liên tục trên khắp sân khấu trong Nam ngoài Bắc. Nhờ vậy, cải lương đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí chủ đạo, trở thành “thể loại chính” của sân khấu nước nhà. Theo một số phản hồi trên các tạp chí Tương lai Bắc Kỳ, Bắc Kỳ độc lập, Dư luận, Trung Bắc tân văn… có lẽ đạo diễn người Pháp chỉ thực hành quay lại buổi diễn tuồng - cải lương của gánh hát Quảng Lạc bằng hình thức điện ảnh có phần mới lạ, độc đáo lúc bấy giờ. Tại sao đạo diễn người Pháp và cộng sự Nguyễn Văn Vĩnh lại chọn lựa Truyện Kiều để chuyển thể mà không phải là một tác phẩm nào khác? Rõ ràng, bộ phim tuy nhận được những ý kiến đánh giá trái chiều nhưng không thể phủ nhận thái độ ứng xử đề cao kiệt tác thấm đẫm tinh thần, bản sắc dân tộc. Tham vọng tái diễn giải/ sáng tạo Truyện Kiều lên phim ảnh không dừng lại ở đó. Có thể liệt kê một số phiên bản phóng tác, cải biên khác như: Kim Vân Kiều (đạo diễn Dương Quý Bình), Một câu chuyện tình (đạo diễn Trịnh Thị Minh Hà); Sài Gòn nhật thực (đạo diễn Othello Khanh). Căn cứ vào phản hồi của giới phê bình và báo chí, bộ phim Sài Gòn nhật thực là phiên bản chuyển thể thất bại thê thảm(5). Có thể thấy, công chúng điện ảnh vẫn đang mong đợi một tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình chuyển thể từ Truyện Kiều. Tham vọng này rất cần những dấn thân, thể nghiệm mới mẻ của biên kịch và đạo diễn.

Có thể thấy, các phiên bản chuyển thể nêu trên, một mặt chúng vừa tồn tại như những văn bản độc lập (dĩ nhiên, quá trình tiếp nhận luôn có sự hồi nhớ, so sánh triền miên, dai dẳng đến nguồn gốc của nó: Truyện Kiều - Nguyễn Du), mặt khác, nếu xếp các văn bản này thành hệ thống, ta sẽ thấy rõ quan hệ xuyên văn bản rộng lớn về mặt chủ đề, đề tài, nhân vật, cốt truyện... Bằng cách nào đó, những yếu tố, kí hiệu của một/ nhiều văn bản không ngừng xâm nhập, tương tác, chuyển hóa vào các văn bản/ thể loại khác. Truyện Kiều chính là một liên văn bản giàu tính năng sản. Một cách dễ hình dung, các văn bản chuyển thể đã không ngừng xuyên thấm qua mọi thể loại, phương tiện nghệ thuật ở những thời đại khác nhau để nỗ lực tái/ sáng tạo nên tác phẩm mới. Trong cơ chế ấy, có thể thấy, nghiên cứu sự thích nghi thể loại, bối cảnh, văn hóa… của những sản phẩm cải biên vẫn còn là vấn đề đang bỏ ngỏ của ngành cải biên học.
L.Q.H
______
 
1. Lê Công Kiền (1926), Kim Vân Kiều, Nhà in Trần Ngọc Thọ, Hải Phòng, tr.4.
2. Lam Khuê, “Tôn vinh tác phẩm văn học sáng giá của Việt Nam”, http://thethaovanhoa.vn.
3. Xem thêm: Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương, Sỹ Tiến, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984; Sân khấu cải lương Nam Bộ 1918-2000, Đỗ Dũng, Nxb Trẻ, 2002; Nghệ thuật cải lương, Tuấn Giang, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2006.
4. Thụy Du, Nguyễn Du với Kiều: Cuộc giao thoa của kịch thơ và kịch hình thể”, http://hanoimoi.com.vn.
5. Xem thêm: “Sài Gòn nhật thực: Một phiên bản Kiều bất thường”, http://tuoitre.vn/; “Sài Gòn nhật thực: Một phim... khó xem!”, http://www.sggp.org.vn; “Sài Gòn nhật thực: Một phim cẩu thả, xúc phạm!”, http://nld.com.vn...

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)