. GS.TS. ĐINH XUÂN DŨNG
1. Có lần được trình bày với lãnh đạo Trung ương về tình hình xuất bản để chuẩn bị ra chỉ thị 42-CT-TW về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, tôi có một thông tin ngắn về xuất bản của nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ khoảng mười năm cuối thế kỉ XX: Người ta đã thống kê khoảng mười nhà văn có sách xuất bản nhiều nhất trong thời gian trên phần lớn đều viết về tình dục, trinh thám giật gân, sex câu khách… Một dấu hiệu khủng hoảng rõ rệt của một nền xuất bản lớn. Sau này, khi lên cầm quyền, Tổng thống Nga Putin đã có thái độ kiên quyết định hướng điều chỉnh lại tình trạng trên. Ông đã có lần nói trước các văn nghệ sĩ Nga, đại ý rằng: Bảo vệ tiếng Nga, ngôn ngữ Nga là bảo vệ tính cách Nga và dân tộc Nga. Ông đã ra sắc lệnh có hiệu lực từ 7 - 2016 kiên quyết phạt tiền và buộc phải sửa chữa mới được phát hành những tác phẩm văn học, nghệ thuật sử dụng các từ thô tục.
Trong một lần khác, có dịp trao đổi với một số cán bộ chỉ đạo văn nghệ của Trung Quốc, tôi nghe họ nêu một phương châm của Đảng Cộng sản Trung Quốc là: Một mặt, tôn trọng sự phát triển ngày càng đa dạng của văn nghệ, trong đó có cả những cái lạ, cái phức tạp, cái chưa thể kết luận; và mặt khác, họ kiên trì huy động nhân tài, vật lực, trí lực, nguồn lực cho văn nghệ để khẳng định tư tưởng “hát vang giai điệu chính” mà nội dung cơ bản của nó là đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đáp ứng sự phát triển của đất nước, nhu cầu lành mạnh của nhân dân.
Cũng một lần khác, có dịp trao đổi với một số vị lãnh đạo, quản lí và hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh của Hàn Quốc, tôi nghe họ tâm sự rằng: Chúng tôi chủ trương phát triển điện ảnh Hàn Quốc để khẳng định truyền thống và lối sống của dân tộc Hàn, để thế giới hiểu chúng tôi từ chiều sâu văn hoá và nhân cách con người Hàn Quốc.
Vài hồi ức nhỏ như trên để bày tỏ một suy nghĩ rằng: Trong xã hội hiện đại, một đảng cầm quyền, một nhà nước lãnh đạo và quản lí xã hội bao giờ cũng có chủ đích: cùng với lãnh đạo chính trị, kinh tế, xã hội… cần phải lãnh đạo, định hướng cho sự vận động và phát triển của văn nghệ để nó góp phần cho sự phát triển tốt đẹp của dân tộc, đất nước mình. Điều đó cũng có nghĩa là, lãnh đạo văn nghệ không phải là sự áp đặt chủ quan của đảng cầm quyền, mà trở thành nhu cầu khách quan, không chỉ cho việc thực hiện mục tiêu, lí tưởng của đảng đó mà còn vì bản thân sự phát triển đúng hướng, toàn diện, có ích và đáp ứng khát vọng tốt đẹp, phong phú, lành mạnh của nhân dân, của dân tộc.
Trình bày như vậy để trao đổi rằng, khuynh hướng phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật nước nhà, nếu loại trừ những người muốn qua đó phủ định sự nghiệp cách mạng nói chung, thì khuynh hướng đó là thiếu tầm nhìn rộng, là thiếu khoa học và mang tính định kiến chủ quan. Sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực đặc thù này không phải là một quy luật phổ quát trong toàn bộ tiến trình vận động và phát triển của văn nghệ dân tộc từ hàng ngàn năm, nhưng đó là một nhu cầu cần thiết, một đòi hỏi khách quan trong sự phát triển hết sức phức tạp, khó lường của xã hội hiện đại và không phải vì Đảng muốn có “uy quyền” đối với văn nghệ mà chỉ vì mục đích lớn nhất là phát huy cao nhất vai trò, sứ mệnh “chân, thiện, mĩ” của văn nghệ vì khát vọng cao đẹp của nhân dân, của dân tộc ta.
2. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII một lần nữa khẳng định: “Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình, cổ súy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa, đồng thời, cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn”. Xin đặc biệt lưu ý rằng, trong âm mưu và thủ đoạn trên, các thế lực thù địch đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực văn hoá - văn nghệ, vì đi cùng với âm mưu “diễn biến hoà bình” là âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và coi đó là kết quả, là “điểm đến” của chiến lược “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực giành giật con người, làm biến chất con người. Chính vì thế, trong quan điểm của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc, cùng với việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân…, Nghị quyết 8 đồng thời chỉ ra yêu cầu “bảo vệ văn hoá” là một nội dung quan trọng của bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xin nhắc lại rằng, từ năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ, cùng với việc các nước đế quốc âm mưu xâm lăng nước ta về quân sự, còn thực hiện âm mưu “xâm lăng văn hoá”.
Những quan điểm sai trái, lệch lạc phủ nhận vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá - văn nghệ đã bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc, tập hợp để thực hiện âm mưu phân hoá, phá vỡ sự đồng thuận, sự hợp lực của đội ngũ sáng tạo văn hoá - văn nghệ vì mục tiêu cao đẹp của dân tộc. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) chỉ rõ âm mưu đó: “Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng, cổ súy cho quan điểm tư tưởng dân chủ cực đoan, thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng”.
Có thể cụ thể hoá những quan điểm sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực văn hoá - văn nghệ ở một số biểu hiện chính như:
Nhân danh tìm tòi, đổi mới, có một bộ phận văn hoá, văn nghệ đang lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xuyên tạc, hạ bệ những giá trị thiêng liêng của dân tộc, phủ nhận quá khứ, đánh tráo phải - trái, tốt - xấu, công - tội, chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, miêu tả cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc như một cuộc nội chiến. Một số tác phẩm dùng thủ pháp giễu nhại để vu cáo, xuyên tạc, bôi bẩn các giá trị văn hoá dân tộc từ quá khứ đến hiện tại. Từ đó, đã và đang tồn tại xu hướng phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc ta, muốn dùng văn hoá - văn nghệ để thực hiện ý đồ chính trị chống phá chế độ. Họ cố tình tạo ra ảnh hưởng tiêu cực, lệch lạc trong hoạt động tiếp nhận văn hoá cũng như trong thị hiếu của một bộ phận công chúng, đồng thời tìm cách thực hiện và quảng bá những tác phẩm chống chế độ, xuyên tạc nhằm hạ uy tín lãnh đạo, cố tình tôn vinh những kẻ đã và đang chống lại hay đi ngược đường lối cách mạng và công cuộc đổi mới dưới chiêu bài đấu tranh cho “dân chủ”, “nhân quyền”… Họ hô hoán “đổi gác” trong văn học, cho rằng thế hệ văn học chống Mĩ đã hết thời, phải “thay gác”, bàn giao cho thế hệ mới. Đây thực chất là sự phủ nhận văn học, nghệ thuật cách mạng và kháng chiến, kể cả sáng tác của chính mình, chia rẽ đội ngũ văn nghệ sĩ. Họ cho rằng, đó là sự sáng tác theo cái gậy chỉ huy của Đảng Cộng sản, từ đó tự coi mình là “thằng hèn”, tự than không đủ quyết tâm như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, chạy trốn ra nước ngoài để được “tự do” nói và viết (!)
Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã sử dụng một số sáng tác xấu để tuyên truyền, thổi phồng những sai lầm của Đảng, Nhà nước, từ đó hủy hoại niềm tin của người tiếp nhận đối với lí tưởng của Đảng. Chúng ta không phủ nhận rằng, trong quá trình lãnh đạo nhà nước và xã hội, Đảng ta đã không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm mà chính Đảng đã nhận thức rõ, nghiêm khắc tự phê phán và đề xuất những giải pháp khắc phục. Việc Đảng ra Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) vừa qua thể hiện sáng rõ điều đó. Tuy nhiên, các thế lực thù địch và một bộ phận văn nghệ sĩ cố tình lờ tránh điều đó, sáng tác và truyền bá, cổ súy cho những tác phẩm chỉ nhấn mạnh một chiều cái xấu, cái ác, phủ một màu đen lên hiện thực muôn màu của đời sống, dẫn đến tâm lí hoài nghi, bi quan, mất niềm tin vào tương lai của đất nước. Hãy nghe lời một bài hát: Thôi chào nhé. Chào vĩnh biệt những mùa xuân thật là thê thảm, những mùa xuân thật là dã man, những mùa xuân tối tăm, bệnh hoạn. Những mùa xuân đã chết rồi trong trái tim của anh và em và cũng có thể của cả dân tộc. Sáng tác loại đó cố tình tạo ra một bức tranh xã hội thê thảm, bế tắc, không lối thoát.
Gần đây xuất hiện khuynh hướng cố tình đề cao, “chiêu tuyết” một số tác giả, tác phẩm đã bị lịch sử, nhân dân phê phán và một số tác giả đã từng có khuynh hướng chống cộng. Đây là một loại hoạt động khá phổ biến, nguy hiểm và tinh vi nằm trong âm mưu, chiến lược “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hoá - văn nghệ. Tất nhiên, chúng ta phải có thái độ gạn đục khơi trong và cả sự tỉnh táo, khách quan xem xét lại một số hiện tượng, sự kiện trong quá khứ, song không thể dưới chiêu bài “nhận thức lại”, đánh giá khách quan lịch sử để dẫn tới khuynh hướng dần dần cố tình “chiêu tuyết” cho tất cả tác giả, tác phẩm đã bị lên án một cách chính xác, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ở một vài trường đại học đã xuất hiện xu hướng lựa chọn các tác phẩm loại trên làm đề tài nghiên cứu luận văn, luận án, khoá luận tốt nghiệp đại học, sau đại học. Hình như chúng ta còn lơ là, chủ quan với xu hướng có tác hại lâu dài này. Ở đây, tôi trích lại một đoạn trong bài viết của Thu Tứ - con trai của Võ Phiến, một nhà văn đã có những biểu hiện chống cộng trong một số sáng tác của mình ở miền Nam Việt Nam thời chống Mĩ: “Chẳng ai muốn chỉ ra cái sai của người đẻ ra mình! Chúng tôi làm việc này vì vừa được biết một tổ chức phi chính quyền trong nước đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm của nhà văn Võ Phiến chứa nội dung chính trị sai lầm. E rằng việc làm của họ có thể khiến một số người đọc hoang mang, ảnh hưởng tới đoàn kết dân tộc, chúng tôi quyết định tự mình phản bác nội dung này… Sẽ hết nhóm này đến phe kia những lúc nào đó đem vận dụng văn nghiệp Võ Phiến một cách có hại cho đất nước. Phải làm thật rõ về cái phần nội dung chính trị sai lầm trong văn nghiệp ấy ngay từ bây giờ” (Thu Tứ, báo Nhân Dân, 7-10-2015).
Hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông là sự du nhập ồ ạt từ bên ngoài vào Việt Nam nhiều lí thuyết, quan điểm, trường phái (cả lí luận, phê bình và sáng tác) văn học, nghệ thuật; tiên tiến, tích cực có, tiêu cực, lỗi thời, phản động có. Sự xâm nhập của một số tác phẩm độc hại đã tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lí, hành vi của một bộ phận người tiếp nhận, nhất là thanh thiếu niên, làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỉ, thích hưởng lạc, sa đoạ, cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hoá lành mạnh bị đe doạ nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, chuẩn mực sống và niềm tin của con người. Tiếp nhận, học tập có chọn lọc các thành tựu lí luận văn nghệ ở bên ngoài là rất cần thiết để khắc phục những biểu hiện lạc hậu, xơ cứng của hệ thống lí luận văn nghệ cũ, từ đó khẩn trương hiện đại hoá lí luận, phê bình văn nghệ. Tuy nhiên, vẫn có biểu hiện tâm lí “sính ngoại”, thiếu khả năng chọn lọc, đánh giá trong tiếp nhận để lại rơi vào tình trạng cực đoan khác, phủ nhận quan điểm Marx - Lenin về văn hoá, văn nghệ, chỉ đề cao một chiều các lí thuyết bắt nguồn từ thực tiễn văn học, nghệ thuật phương Tây, trong đó có trào lưu, khuynh hướng đã suy tàn từ mấy chục năm nay mà vẫn có người trong giới nghiên cứu đề cao, vận dụng như là rất mới, rất sáng tạo! Xu hướng trên đã gây ra sự lệch chuẩn, loạn chuẩn và “gây nhiễu” trong sáng tác cũng như nghiên cứu lí luận, phê bình văn nghệ.
3. Phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ để khẳng định tính cấp thiết phải có sự lãnh đạo, định hướng của Đảng trên lĩnh vực có nhiều đặc thù này. Song, khẳng định không phải là đủ, là “yên tâm”, mà cần phải tỉnh táo đặt ra yêu cầu mới về tầm nhìn xa, về năng lực lãnh đạo, về khả năng thấu hiểu và nắm vững những quy luật đặc thù trong lĩnh vực này để có thể lãnh đạo, chỉ đạo đúng và trúng.
Năm 1989, tôi đang phụ trách Phòng Văn nghệ quân đội thì được Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ kiêm Trưởng Đoàn ca múa quân đội (nay là Nhà hát quân đội). Xuống đoàn nhận nhiệm vụ, tôi xúc động khi nhìn tấm ảnh Bác Hồ ngồi trên thềm nhà giữa hàng trăm diễn viên, hình như Người đang trò chuyện rất thân tình với văn nghệ sĩ. Hình ảnh đó tác động sâu sắc đối với tôi. Tôi nghĩ rằng, xuống đoàn không phải chỉ để lãnh đạo, chỉ huy, mà phải để học thêm, để yêu thêm nghệ thuật, để đồng cảm với sự sáng tạo của nghệ sĩ. Tình yêu, nhiệt huyết, sự thấu hiểu là điều kiện không thể thiếu bảo đảm cho sự lãnh đạo văn hoá - văn nghệ. Từ tình yêu, sự đồng cảm và thấu hiểu đó, Bác Hồ đã chinh phục hoàn toàn tình cảm, sự kính phục của các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam. Từ đó, Người đã có một tầm nhìn xa và cực kì sâu sắc về vai trò, vị trí của văn hoá - văn nghệ trong toàn bộ sự phát triển của đất nước, khi Người khẳng định dứt khoát rằng: Trong sự phát triển bền vững của dân tộc, cần coi trọng ngang nhau cả bốn yếu tố: chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.
Tôi nhớ một câu chuyện của nhà thơ Hoàng Cầm kể về danh tướng quân sự, chính trị - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Vào khoảng năm 1952, khi đang làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã rất chân tình, thẳng thắn, khiêm nhường tâm sự với Hoàng Cầm: “Tôi rất “dốt” về văn nghệ… Không biết gì về văn chương, nghệ thuật thì lãnh đạo thế nào được văn nghệ sĩ?... Vậy các anh phải làm như giáo viên giảng giải cho tôi biết về văn thơ, nhạc, hội hoạ, kịch, cả múa nữa… Và như thế, tôi còn phải học mãi, học mãi để tôi nắm chắc được cái vũ khí vô cùng lợi hại là văn nghệ, thì tôi làm việc của Đảng và Nhà nước giao phó mới có thể thành công”. Và từ đó, Đại tướng đã thực sự học trong nhiều năm. Sau này, nhà thơ Hoàng Cầm đã tâm sự: “Tôi thấy Anh thật sự xứng đáng là người lãnh đạo mình và các văn nghệ sĩ trong quân đội”. Bể học là mênh mông, bể học văn hoá - văn nghệ lại càng sâu thẳm, không có kết thúc. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã hoàn thành xuất sắc và vô cùng độc đáo vai trò lãnh đạo văn nghệ trong quân đội những năm từ 1950 đến khi ông vào Nam chiến đấu. Bài học đó thực sự sâu sắc đối với các thế hệ lãnh đạo văn nghệ. Điều đó có nghĩa là khẳng định vai trò lãnh đạo văn nghệ của Đảng đồng thời phải gắn với yêu cầu không ngừng nâng cao tình yêu, sự thấu hiểu, đồng cảm, tầm nhìn xa và vốn hiểu biết sâu sắc văn hoá - văn nghệ của người lãnh đạo. Đó là đòi hỏi khách quan, không thể né tránh.
Đ.X.D