Nhiệm vụ của nhà văn và nhà văn quân đội

Thứ Hai, 12/03/2018 09:54
. PHÙNG VĂN KHAI
 
Đại thắng mùa xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đồng thời mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc. Văn học, nghệ thuật bước vào chặng đường phát triển mới, chặng đường nhân dân ta về cơ bản trở lại cuộc sống thường nhật trong hòa bình.

Thấy rõ một điều rằng, do những vấn đề khách quan và chủ quan, chúng ta phải đối mặt với tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, hậu quả của chiến tranh triền miên cộng với chính sách cấm vận của Mỹ và phương Tây; tiếp đó là những chủ quan, duy ý chí trong xây dựng kinh tế đất nước đã dẫn đến sự khủng hoảng, trì trệ về mọi mặt. Tư tưởng xây dựng nền văn hóa mới, con người mới được đặt ra, nhưng do những điều kiện trên, trong khoảng mười năm sau chiến tranh, về cơ bản nền văn học vẫn trượt theo quán tính sử thi, ngợi ca một chiều. Con người trong văn học vẫn xa rời, thậm chí xa lạ với con người trong thực tiễn. Hơn ai hết, các nhà văn, đặc biệt là những người viết tiểu thuyết thấy rõ được điều này, nhưng để tự thoát ra lại là vấn đề khác.

Từ 1986 đến nay, cùng với sự đổi mới của đất nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội… văn học Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Sáng tác của các nhà văn với xu hướng tự sự nội tâm, ít nhân vật, ít đối thoại, xung đột luôn được kiểm soát bằng ngòi bút điềm tĩnh, từng trải, đôi lúc giễu nhại khá tinh tế đã cho bạn đọc thấy phong cách riêng của mỗi nhà văn trong từng tác phẩm, vừa phong phú vừa mới mẻ. Nhiều nhà văn không ngần ngại nhập cuộc bằng một thái độ quả quyết, tự định hình luật chơi, thể hiện sự làm chủ ngòi bút của người cao tay nghề. Đọc một loạt tiểu thuyết gần đây, thấy mở ra những hướng tìm tòi, thể nghiệm có chiều sâu, ít nhiều độc đáo, góp phần tạo sự khác biệt và cá tính của mỗi nhà văn.

Trong văn xuôi Việt Nam đương đại, vấn đề nhân cách con người luôn được đặt ra riết róng. Hiện thực cuộc sống đa dạng, phức tạp, sinh động luôn là đối tượng phản ánh của văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Nếu như tiểu thuyết Việt Nam hơn hai mươi năm trước luôn đòi hỏi một cái nhìn lạc quan về hiện thực, cái nhìn lý tưởng hóa người anh hùng, tính tô hồng, tính minh họa luôn nổi trội thì những năm sau này, tiểu thuyết có những biên độ mở rộng hơn rất nhiều. Nhân vật trong tiểu thuyết được khám phá toàn diện hơn ở các mặt sáng - tối, thiện - ác, cả phần vô thức, tiềm thức… Chất người, bản thể người ở nhân vật tiểu thuyết được mổ xẻ, định dạng, truy tìm một cách rốt ráo hơn.

Không ít con người trong tiểu thuyết mang số phận bi kịch, điển hình như nhân vật chính trong các tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng, Vòng tròn bội bạc của nhà văn Chu Lai, Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông của nhà văn Lê Lựu, Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng… Cũng thấy ngay một điều, các nhân vật tiểu thuyết đã định hình và ăn sâu bám rễ trong đời sống, là thực thể của đời sống. Với sự giản dị, tự nhiên giống như cuộc đời thực bên ngoài, nhân vật tiểu thuyết đã đặt ra những vấn đề cốt lõi của cuộc sống hôm nay, trình bày những gì vốn có của đời sống một cách chân thực, sinh động, khách quan nhất.

Văn học Việt Nam sau 1986 đã đề cập và mổ xẻ sâu sắc nhân cách con người một cách toàn diện, chạm tới những giới hạn cuối cùng của nhân tính. Các tiểu thuyết, truyện ngắn như: Mùa lá rụng trong vườn của nhà văn Ma Văn Kháng; Cha và con và…, Một cõi nhân gian bé tí của nhà văn Nguyễn Khải; Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường; Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Hai nhà của nhà văn Lê Lựu; Lão khổ, Bước qua lời nguyền, Thiên thần sám hối của nhà văn Tạ Duy Anh; Những đứa trẻ chết già, Thoạt kỳ thủy của nhà văn Nguyễn Bình Phương; Đi về nơi hoang dã của nhà văn Nhật Tuấn; Cõi người rung chuông tận thế của nhà văn Hồ Anh Thái; Dòng sông mía của nhà văn Đào Thắng; Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư… đã cho thấy sự đa thanh đa sắc của số phận con người, nhân cách con người hiện lên ở đủ các cung bậc. Đó là những đóng góp lớn của đội ngũ các nhà văn Việt Nam với văn học, với nhân dân một cách thiết thực, hữu ích.

Tuy nhiên, trong việc phản ánh hiện thực xã hội vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Một số nhà văn xông thẳng vào vùng đất khó - tham nhũng và chống tham nhũng - nhưng viết về đề tài này còn tỏ ra khá loay hoay, tác phẩm còn phiến diện, mang tính chủ quan, áp đặt, đơn điệu, thậm chí tự đặt ra những vùng cấm, vùng nhạy cảm, đâu đó còn thấy sự hằn học, nông cạn… Ở một điểm nhìn khác, nhà văn có thể rơi vào việc bôi đen, thái quá, đưa những hiện tượng ngoài xã hội vào tác phẩm theo lối tự nhiên chủ nghĩa, dẫn đến cường điệu, xuyên tạc, câu khách. Nhà văn tỉnh táo phải thoát ra khỏi cạm bẫy này.

Trong bối cảnh xã hội đang phát triển đa dạng, phức tạp, nhiều vấn đề đạo đức phi truyền thống nảy sinh, sự ứng xử trước văn minh vật chất và quyền lực, sự đồng lõa và thỏa hiệp với cái xấu, cái ác… được thể hiện trong các tác phẩm gần đây là những thông điệp lớn của nhà văn với xã hội. Sự trăn trở đến tận cùng ngòi bút được khơi dậy bằng trái tim và cách nghĩ của con người yêu con người, yêu và gìn giữ những giá trị nhân văn đang ngày càng mai một. Sự tha hóa, biến chất, thói cơ hội, trục lợi cá nhân, sự biến dạng nhân tính thông qua hàng loạt số phận, cuộc đời các nhân vật trong tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn đã gióng lên một hồi chuông nhân - quả khiến chúng ta không khỏi giật mình.

Hiện nay, sự thay đổi nhanh chóng về khoa học, công nghệ đã dẫn đến sự chuyển động sâu sắc, mãnh liệt các vấn đề xã hội - nhân văn, trong đó nổi lên vấn đề về tư tưởng. Các thế lực thù địch chống phá Nhà nước ta ngày càng quyết liệt và tinh vi trên lĩnh vực tư tưởng, lí luận. Các nước lớn, các cường quốc đang tìm mọi cách áp đặt lối chơi, tự đặt ra luật lệ để o ép và trục lợi từ các nước nhỏ. Xã hội có sự phân hóa sâu sắc về tư tưởng, giới tuyến ta - địch ngày càng khó phân định, hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trở nên phức tạp và trầm trọng hơn. Văn học - với sứ mệnh bồi dưỡng cội nguồn nhân văn trong mỗi con người, làm phong phú tấm căn cước văn hóa của mỗi dân tộc trong cộng đồng thế giới - đang phải chịu những thách thức vô cùng to lớn. Nhiệm vụ của nhà văn, hơn lúc nào hết đang được đặt ở tuyến đầu. Những cuộc suy thoái về kinh tế, khủng hoảng về chính trị, băng hoại về đạo đức xã hội trên bình diện toàn cầu đã và đang tác động rất lớn đến các nhà văn. Điều này cần được nhìn nhận thẳng thắn và cần phải khích lệ các nhà văn vào cuộc, trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng. Nhà văn không thể né tránh, im lặng, mũ ni che tai trước sự lộng hành của cái xấu cái ác, nhưng trong việc phản ánh những tiêu cực, mặt trái của xã hội nhà văn cũng cần viết với nhãn quan chính trị tỉnh táo, với tinh thần nhân văn và ý thức xây dựng, tránh để cho các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành những âm mưu thủ đoạn chống phá trên mặt trận văn học nghệ thuật.

Phải thấy một điều rằng, không ít nhà văn trong đó có nhà văn quân đội các thế hệ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh sáng tác của mình, xứng đáng với sự mong mỏi của nhân dân. Chúng ta, nhất là các nhà phê bình hay đặt ra mục tiêu phải có tác phẩm văn học đỉnh cao. Thế nào là đỉnh cao? Lấy thước đo là các giải thưởng văn chương trong nước, khu vực, châu lục, thế giới? Điều này, tôi nghĩ các nhà văn và độc giả mọi thế hệ khó phân định được. Văn chương đích thực hay văn học đỉnh cao đều phải lấy bạn đọc, thời gian và đương nhiên cả hàm lượng giải thưởng làm thước đo. Điều ấy chỉ ra rằng, thế hệ các nhà văn kế tiếp nhau của chúng ta đã nỗ lực để có được những tác phẩm ưu tú nhất đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Nếu bây giờ ta mong mỏi, chờ đợi những gì cao hơn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Thời xa vắng của Lê Lựu, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai… cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, trong văn chương đôi khi khó có thể lấy tác phẩm này đặt lên trên tác phẩm khác, định vị cao hơn hoặc thấp hơn. Vẻ đẹp của văn chương chính là sự khác biệt, độc đáo.
Tôi luôn nghĩ nhà văn ở thế hệ nào cũng phải làm tốt công việc của mình, đặc biệt ngày hôm nay càng đòi hỏi đức hy sinh của người cầm bút. Các nhà văn hôm nay đang ở đâu, đã ở đúng vị trí hay chưa, đã làm tròn bổn phận, thiên chức, sứ mệnh của mình hay chưa  - đó là một tự vấn luôn treo lơ lửng trên đầu ngọn bút.

Đối với các nhà văn, nhất là các nhà văn quân đội, chúng ta phải xác định rằng, viết về đề tài chiến tranh cũng bình đẳng như các đề tài khác. Tôi không tham gia chiến tranh, nhưng cha mẹ tôi, chú bác tôi đều có mặt, đổ máu ở trong cuộc chiến ấy. Là con cháu các anh hùng liệt sĩ, việc viết về chiến tranh cũng như máu thịt chảy tự nhiên trong thân thể mình. Là một nhà văn quân đội, các truyện ngắn, tiểu thuyết, chân dung văn học mà tôi viết phần lớn là về chiến tranh, từ thời bình đi ngược về quá khứ thời chiến. Đây cũng là đặc điểm riêng, là thế mạnh của các nhà văn quân đội, đặc biệt ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội – cái nôi của văn học về đề tài chiến tranh cách mạng, nơi lưu giữ tâm hồn người lính nhiều thế hệ.

Nhiệm vụ của nhà văn là hướng tới thân phận con người. Chiến tranh là sự kiện lớn của con người, của quốc gia, nên với một đất nước như Việt Nam, sự đậm đặc tác phẩm viết về chiến tranh là tất yếu. Mặc dù các đề tài khác cũng luôn được các nhà văn quan tâm, và nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao, nhưng không thể tách các tác phẩm ra khỏi bối cảnh chiến tranh dù nó được viết sau chiến tranh. Một đất nước từng hàng chục, thậm chí hàng trăm năm chiến tranh thì con người xã hội sẽ không thể tách rời những ảnh hưởng đặc trưng của nó. Hiện nay, nhiều cây bút (đã hoặc không trải qua chiến tranh) ở Văn nghệ Quân đội đang viết khá hay về chiến tranh. Có thể kể đến Nguyễn Bình Phương với Mình và họ, Sương Nguyệt Minh với Miền hoang – những tác phẩm đã tạo luồng dư luận khá phong phú. Trong các cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội hay các trại sáng tác do Tạp chí này tổ chức, số lượng các tác phẩm viết về chiến tranh, người lính thường chiếm một tỉ lệ không nhỏ. Điều đó cho thấy đề tài chiến tranh luôn là mảnh đất màu mỡ của các nhà văn chuyên nghiệp cũng như các cây bút trẻ mới vào nghề.

Lực lượng viết văn quân đội hiện nay khá đông và chất lượng. Riêng ở Văn nghệ Quân đội, các nhà văn Nguyễn Bình Phương, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Mạnh Hùng, Uông Triều… đang ở độ tuổi sung sức nhất trong sáng tác. Họ xác lập tên tuổi trên văn đàn không chỉ ở đề tài chiến tranh cách mạng, mà với sự đa dạng và khác biệt về sở trường, mỗi nhà văn đã chọn một hướng đi riêng cho mình để thực hiện tốt sứ mệnh của người cầm bút, làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Nhà văn phải có bổn phận phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Trái tim và ngòi bút nhà văn, dù ở lực lượng và thế hệ nào, phải thuộc về nhân dân và Tổ quốc.
 
P.V.K
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)