Phim Việt cần chuyên nghiệp một cách đồng bộ

Chủ Nhật, 25/03/2018 00:36
. LÊ THIẾU NHƠN

Với Liên hoan phim Việt Nam 2017 chỉ có các hãng phim tư nhân tham gia, nền điện ảnh nước ta đang đứng trước một dấu hiệu chuyển động mới với sự lên ngôi của những tác phẩm phục vụ thị trường. Trong khi đó, quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lại gặp nhiều vướng mắc khó giải quyết. Từ bậc thềm năm mới 2018, cần phải suy ngẫm điều gì cho tương lai nghệ thuật thứ bảy?

Bông Sen Vàng của Liên hoan phim Việt Nam 2017 được trao cho bộ phim Em chưa 18 đúng là một câu chuyện đáng ngạc nhiên. Tiêu chí đầu tiên của những nhà làm phim tư nhân là doanh thu. Do đó, bộ phim ra rạp chỉ hướng đến thị hiếu nhất thời để bán vé, chứ không hướng đến giá trị thẩm mĩ chung cho đời sống văn hóa. Chân dài và váy áo vẫn chiếm lĩnh toàn bộ dòng phim tư nhân, mà nhiều bộ phim đã có lợi nhuận đúng mong đợi của đơn vị sản xuất. Ngoài Em chưa 18 phải kể đến hai bộ phim Cho anh gần em thêm chút nữa Cô Ba Sài Gòn cũng có doanh thu “ấn tượng”.

Điều đáng ái ngại nhất là Liên hoan phim Việt Nam 2017 chấp nhận phim remake - phim làm lại từ tác phẩm của nước ngoài. Nói cách khác, đó là những bộ phim mô phỏng theo các bộ phim ăn khách trên thế giới. Ví dụ, bộ phim Sắc đẹp ngàn cân không khác gì bản photocopy từ bộ phim 200 Pounds Beauty của Hàn Quốc. Nhìn bề ngoài, việc cho phép phim remake dự thi như một cơ chế thoáng, nhưng nghĩ kĩ thì thật mỉa mai cho tinh thần sáng tạo của điện ảnh đích thực! Trên thế giới, không có một nền điện ảnh nào có thể phát triển vững mạnh dựa trên nền tảng những tác phẩm bắt chước thiên hạ. Phim remake có mặt ở Liên hoan phim Việt Nam 2017 mang thông điệp hay ho ra sao, chưa ai hình dung được, mà trước mắt chỉ thấy rằng đó là sự khủng hoảng thiếu ý tưởng và bản lĩnh của những nhà làm phim hôm nay.

Theo đánh giá của ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam 2017 thì chất lượng tác phẩm tham dự tương đối yên tâm:“Có thể còn có nét vụng về của tác phẩm đầu tay, nhưng dễ dàng thấy được sự tươi mới trong cách phát hiện và tiếp cận các mảng đề tài của đời sống xã hội hiện đại dưới nhiều góc độ. Khả năng quan sát, cái nhìn đa diện, sự thẩm thấu bộc lộ trong sáng tạo của các nhà biên kịch, đạo diễn cùng nhiều thành phần sáng tác khác trong mỗi bộ phim”. Còn đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh ở vai trò Chủ tịch Ban giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh, đã phải bày tỏ nỗi băn khoăn: “Sự đổi mới của phim điện ảnh Việt Nam hiện nay mới chỉ là đổi mới của thị trường điện ảnh. Nhằm thỏa mãn nhu cầu của khán giả trẻ, chứ chưa phải đổi mới tự thân của điện ảnh”. Rõ ràng, một Bông Sen Vàng phải trao cho một chiếc đũa nhỉnh hơn các chiếc đũa khác chút đỉnh mà thôi. Còn cột cờ ở đâu, vẫn là niềm day dứt khôn nguôi của những người yêu điện ảnh nước nhà.

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người đã làm những bộ phim có tiếng vang như Vua bãi rác, Người đàn bà nghịch cát, Kí ức Điện Biên đã thẳng thắn bày tỏ: “Chúng ta không có phim hay, vì chúng ta đã quá dễ dãi trong việc cho các đạo diễn làm phim. Nếu như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đạo diễn trẻ ra trường vài năm còn chưa được giao phim, sau vài năm mới được làm phim một tập thì ở ta, vừa ra trường đạo diễn có thể đã làm phim, thậm chí là phim dài tập. Suốt mười năm qua, chúng ta vẫn làm phim theo lối cũ, vẫn cách kể chuyện cũ, thậm chí là cũ hơn cả những phim làm từ giữa thế kỉ trước. Mọi thứ đều rõ ràng tốt xấu, phân định rõ địch, ta, đang kể câu chuyện của nhà này thì phải kể hết mới sang câu chuyện nhà khác. Cả chặng đường mười năm qua, đã có cảnh quay nào hấp dẫn để chúng ta xem đi xem lại không chán? Lời thoại thì ngô nghê, quá thừa, không có câu nào đắt giá. Diễn viên đích thực không có, toàn ca sĩ, hoa hậu đi đóng phim. Thật thảm hại!”

 
ZVN 7772 zing zing
Kaity Nguyễn và "Em chưa 18" đoạt Bông sen vàng ở phim điện ảnh - Ảnh: Internet

Có thể ý kiến gay gắt thì chói tai, nhưng hai giải thưởng điện ảnh tồn tại song song là Cánh Diều Vàng và Bông Sen Vàng không hề phát huy giá trị đích thực của bệ phóng vinh danh tài năng làm phim. Cánh Diều Vàng không khác gì cơ hội mở dành cho những bộ phim chưa đoạt được Bông Sen Vàng hoặc Bông Sen Bạc. Lẽ ra, xưng danh sáng tạo của Hội Điện ảnh Việt Nam thì Cánh Diều Vàng phải chọn được hướng đi riêng, hoặc đột phá tuyên dương những tìm tòi khác lạ về kĩ thuật dàn dựng của giới làm phim, hoặc mạnh mẽ tôn vinh những ý tưởng  gai góc gây tranh cãi về nội dung của từng bộ phim. Đáng tiếc thay, Cánh Diều Vàng vẫn cứ lừng khừng một đoạn dây ngắn vừa thả lên vừa giật xuống trước ánh mắt khán giả mộ điệu vốn lắm tin yêu ngày càng ngả dần sang ngao ngán!

Phim Việt cháy vé ở các rạp, như dăm đốm sáng nhờ nỗ lực cá nhân, không đủ để làm nên diện mạo điện ảnh. Để tìm ra những bất cập của điện ảnh Việt Nam không khó. Thậm chí có những nhà biên kịch, những nhà quản lí và những đạo diễn có mặt hết tọa đàm này đến diễn đàn nọ cũng chỉ nêu được mấy câu trách móc chung chung một cách vu vơ. Những người hoạt động nghệ thuật thứ bảy vẫn có thói quen đổ lỗi cho nhau, nhưng xét từng yếu tố cấu thành một tác phẩm điện ảnh, thì rõ ràng vừa thiếu đồng đều vừa yếu đồng đều. Nếu nói kịch bản kém cũng chưa hẳn. Bằng chứng là nhiều bộ phim nước ngoài nổi tiếng, nhưng khi Việt hóa thì chất lượng thật ê chề.

Điện ảnh Việt Nam dù đi sau điện ảnh thế giới khoảng nửa thế kỉ, nhưng đã sớm mắc căn bệnh tuổi già, đó là hay nhắc ngày xưa phim hay thế kia, ngày xưa quay phim đẹp thế kia, ngày xưa diễn viên giỏi thế kia. Khổ thân, tất cả cứ xoay như đèn cù, mà quên mất một điều, chỉ đến khi đất nước hội nhập thì khán giả mới có dịp tiếp xúc nhanh chóng và đầy đủ với điện ảnh nhân loại. Không những đầu tư xây dựng hệ thống rạp chiếu hiện đại, mà những nhà kinh doanh điện ảnh còn nhanh nhạy mua bản quyền trình chiếu những bộ phim mới nhất với lịch chiếu gần như cùng thời điểm với Mĩ, Pháp hoặc Trung Quốc. Hơn nữa, với sự cập nhật của internet, không khó khăn gì để xem được những phim kinh điển hoặc những phim đoạt giải Oscar. Bây giờ khán giả đã có tiêu chuẩn để so sánh và cũng đã có nhu cầu được so sánh, làm cho vóc dáng không mấy đẫy đà của phim Việt Nam trở thành gầy gò thêm một chút. Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đúc kết: “Có một điều mà không ai nghĩ ra là chúng ta còn kém tài, lực chúng ta yếu quá, chúng ta không tâm huyết, không sâu sắc, không đam mê, không làm cái gì cho đến nơi đến chốn, đó là lỗi chính. Khi nào các nhà điện ảnh tự nhận lỗi chính mình thì lúc đó may ra mới biến chuyển được!”

Muốn phát triển điện ảnh Việt Nam, không ai có quyền sốt ruột. Hiện tại điện ảnh đã được đánh giá như một ngành công nghiệp không khói. Muốn phô diễn bản sắc Việt Nam trên màn bạc, không thể không đầu tư tương thích. Hãy để phim tư nhân vận hành theo túi tiền và theo thị hiếu của tư nhân. Còn phim được làm từ ngân sách cần lựa chọn quyết liệt, thay vì chia nhỏ hầu bao mỗi năm làm hai - ba phim, chỉ nên làm một phim thôi. Khi có kinh phí lớn thì mới có thể đòi hỏi giá trị kịch bản tối ưu, đòi hỏi hậu trường tỉ mỉ từng chi tiết và đòi hỏi chiến lược quảng bá đưa phim ra rạp. Dù có vẻ lí tài, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn để nói với nhau rằng, trong điện ảnh không có chuyện ý tưởng cao siêu  được thực hiện bằng nguồn vốn bé xíu. Vì thói quen “trông giỏ bỏ thóc”, nhiều bộ phim của chúng ta trang trí khá tạm bợ, khiến không ai nỡ đòi hỏi yếu tố mĩ thuật. Cũng vì thói quen “trông giỏ bỏ thóc”, các đạo diễn không dám dàn dựng đại cảnh, mà còn cắt giảm tối đa đạo cụ. Làm phim kiểu “khéo co thì ấm”, nên không thể trách khi xem phim đề tài lịch sử mà chứng kiến vị tướng ra trận lại cưỡi một con ngựa ốm trơ xương. 

Trong giấc mộng toàn cầu hóa, lĩnh vực nào cũng cần nhân sự có trình độ quốc tế. Điện ảnh càng cần hơn, vì làm phim vừa có tính thăng hoa nghệ thuật vừa có tính cụ thể khoa học, không thể đánh cược bằng năng khiếu bẩm sinh, mà người tài phải được rèn luyện trong một môi trường chuyên nghiệp thực sự. Mặt khác, điện ảnh không thể trông vào bất kì cá thể đột biến nào, mà phải nhờ vào tập thể cùng đẳng cấp tư duy. Một nhà sản xuất không đủ trình độ thì không thể hình dung đầy đủ một kịch bản khi thẩm định. Một đạo diễn hạn chế tầm vóc thì không thể tự tin chọn diễn viên theo yêu cầu vai diễn, đành phải dựa vào tên tuổi chân dài để có chỗ dựa cho sự thành bại của bộ phim.

L.T.N

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)