. ĐOÀN MINH TÂM
1. Nhớ hồi bắt đầu bước vào “đại học chữ to”, tôi được bố mua tặng một bộ Tam Quốc (bộ tám tập, bìa mỗi tập là bức tranh minh họa sự kiện tiêu biểu trong cuốn đó như tập 1 là cảnh ba anh em Lưu - Quan - Trương kết nghĩa vườn đào, tập 2 là hình ảnh Quan Vũ tay cầm đao, tay cầm đuốc đứng ngoài quán trọ canh cho hai chị dâu ngủ) để… tập ghép vần. Với trí óc nơn nớt của cậu bé lên sáu lúc đó, tôi đâu cảm nhận được cái hay, cái trác tuyệt của “thi pháp tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa”; những ẩn ý, triết lí sâu xa như trời xanh thăm thẳm, như dòng Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông trong bộ kì thư đó. Lí do chính khiến tôi say mê tập đọc Tam Quốc đến không dứt ra được lúc đó là nội dung hấp dẫn “đánh đấm” từ đầu đến cuối truyện hết tam anh chiến Lã Bố lại đến Quan Vũ qua năm ải chém sáu tướng, Triệu Vân tay cầm gươm báu, xông pha giữa tám mươi vạn quân Tào cứu ấu chúa, Hứa Chử cởi trần đánh Mã Siêu… Sau Tam Quốc là Thủy hử, Tây du kí, Đông Chu liệt quốc, Hán Sở tranh hùng… với những đại cảnh chiến trận hoành tráng, những màn tỉ đấu võ nghệ trời long đất lở đều có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại với một cậu bé như tôi. Chính tính giải trí đã gieo vào tâm hồn tôi niềm mê đắm với văn chương. Và tôi tin có nhiều người giống mình, nghĩa là tình yêu văn chương bắt đầu từ thuộc tính thuộc hàng thứ yếu nhất, không “cao siêu” gì của nó. Sau này, dù đã cảm thụ, “thấu cảm” văn chương khác xa ngày trước nhưng tôi vẫn luôn xem trọng chức năng giải trí của văn học. Bên cạnh nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ… giải trí là một chức năng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất thu hút người đọc đến với văn chương.
2. So sánh một cách hình ảnh thì hành trình thai nghén, sáng tác tác phẩm văn học đỉnh cao của nhà văn cũng giống như việc leo núi vậy. Đỉnh là nơi cao nhất của ngọn núi. Để lên đỉnh, mỗi người leo núi có một phương thức riêng. Có người miệt mài, cần mẫn leo từ chân với hi vọng một ngày lên đến nơi; có người chọn đường nhàn hạ như đi… cáp treo, thậm chí với một số ít người may mắn và có điều kiện thì… ngồi máy bay bay lên không trung ngắm cảnh chán chê rồi hạ cánh xuống đỉnh một cách không thể nhàn hạ hơn. Mỗi tác giả đều có những lựa chọn, những phương thức riêng để lên đỉnh vinh quang. Homer khiến cả thế giới nhớ đến mình bằng trường ca. Tên tuổi Shakespeare, Pierre Corneille, Racine, Molière... gắn liền với những kiệt tác kịch bất hủ. Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Pushkin... nổi danh cổ kim nhờ thơ. Chekhov, Guy de Maupassant... đưa truyện ngắn lên những tầm cao mới. Tolstoy, Dostoyevsky, Gabriel Garcia Marquez... trở thành những tượng đài bất tử của tiểu thuyết. Việc lựa chọn thể loại hợp với mình rõ ràng là con đường đúng đắn giúp nhà văn vươn đến đỉnh cao nghệ thuật. Và có những nhà văn cũng vươn lên đến tầm thế giới bằng việc lựa chọn thể loại “phi chính thống” như quan niệm một thời của giới lí luận văn học. Ở đây tôi muốn bàn về hai nhà văn viết tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng Trung Quốc: Kim Dung - Cổ Long. Văn chương khi đã đạt đến đỉnh cao thì không phân biệt thể loại, tính chất, tự thân đều mang những giá trị chân – thiện – mĩ, giá trị tư tưởng nhân văn sâu sắc. Một vài tiểu thuyết kiếm hiệp đỉnh cao của Kim Dung và Cổ Long theo tôi đã đạt được những giá trị nhân bản cốt lõi đó. Nếu lột bỏ những màn tỉ đấu võ nghệ, những câu chuyện tranh hùng xưng bá trong giới võ lâm thì Thần Điêu đại hiệp sẽ “hiện nguyên hình” là khúc hoan ca Kim Dung dành ngợi ca tình yêu bất diệt. Tình yêu của Dương Qua và Tiểu Long Nữ là mối tình đặc biệt, vượt lên vòng cương tỏa của lễ giáo xưa nay (thầy trò yêu nhau), bỏ qua định kiến hẹp hòi và khắc nghiệt về trinh tiết (Tiểu Long Nữ bị người khác xâm hại thân thể). Để đến được với nhau, cả hai đã phải vượt bao hiểm nguy trên bước đường “hành tẩu giang hồ”, đặc biệt họ đã cùng nhau chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù ghê gớm nhất của tình yêu đó là sự xói mòn của thời gian (Dương Qua phải chờ mười sáu năm mới gặp lại người mình yêu) và những cám dỗ ngọt ngào (Dương Qua được rất nhiều người con gái xinh đẹp, trẻ trung theo đuổi). Mối tình đó quả đúng là Thiên hạ vô song như tựa đề bài hát đầu phim (phiên bản Trung Quốc, phát hành năm 2006), do ca sĩ - diễn viên chính Lưu Diệc Phi thể hiện. Cũng như vậy nếu gạt những chi tiết mang tính giải trí “võ hiệp kì tình” sang một bên, chúng ta sẽ thấy tư tưởng lớn lao trong Thiên long bát bộ: Một con người khi đứng trước tha thứ, khoan dung và thù hận cùng quyền lực sẽ lựa chọn cái nào? Tiêu Phong lựa chọn phương án đầu tiên và phải trả giá bằng cái chết của mình nơi ải Nhạn Môn quan hùng vĩ, trùng trùng sát khí thê lương. Mộ Dung Phục đi theo con đường thứ hai và hóa điên. Sự tự ải của Tiêu Phong đã cứu cho nhân dân hai nước Tống, Liêu tạm thời khoát khỏi cảnh binh đao khói lửa. Mộ Dung Phục hóa điên là dấu chấm hết cho nguy cơ về một cuộc nội chiến trong lòng nước Tống. Qua số phận của hai nhân vật, chúng ta hiểu và cảm nhận thấu đáo điều Kim Dung muốn gửi gắm ở đây là sự lựa chọn của mỗi cá nhân không chỉ tác động tới bản thân họ mà còn đến số mệnh của quốc gia, dân tộc.
Văn chương xét đến cùng rồi cũng quy về thân phận con người. Tài năng của nhà văn, theo tôi, khác biệt, hơn kém nhau duy chỉ ở một điểm có tạo ra được những nhân vật đầy sức ám gợi với độc giả hay không mà thôi. Về điểm này, Kim Dung và Cổ Long cũng rất thành công. Trường hợp Phó Hồng Tuyết trong loạt truyện Tiểu lí phi đao của Cổ Long hay Tiêu Phong trong Thiên long bát bộ của Kim Dung là những minh chứng tiêu biểu. Được nuôi dưỡng, rèn luyện, trưởng thành trong bão tuyết và hận thù với sứ mệnh duy nhất là trả thù nên con người Phó Hồng Tuyết khác người thường, từ ngoại hình đến tính cách. Bàn chân xưa nay vẫn được xem là “trái tim thứ hai” của con người. Cổ Long đầy tinh tế khi cho Phó Hồng Tuyết bị khuyết tật về ngoại hình - thọt chân - như một ẩn dụ kín đáo về những khuyết tật trong tâm hồn. Cây đao – biểu tượng của sự báo thù – luôn gắn chặt với nhân vật này ngay cả khi… ngủ với đàn bà:
“Rồi, nàng dìu chàng đến chiếc giường trong một góc, sau đó hai thân hình ngã xuống, nhưng bàn tay tả của Phó Hồng Tuyết vẫn còn nắm chặt chuôi đao. Thanh đao đã biến thành một bộ phận dính liền với thân thể chàng. Thanh đao có giá trị ngang sanh mạng của chàng, chẳng bao giờ chàng rời nó…”
Chi tiết đắc địa bậc nhất trong đời văn Cổ Long này phản ánh “vết sẹo” nơi trái tim Phó Hồng Tuyết lớn đến chừng nào, khi mà cái bản năng nguyên thủy, hung hãn nhất của con người trong giờ phút bộc phát mạnh mẽ nhất vẫn không thắng nổi khát vọng báo thù hằn sâu trong lí trí của nhân vật. Và khi bí mật được phơi bày, thân thể hiển lộ, vết sẹo ấy thêm một lần nữa lại bị khoét, nong sâu hơn bao giờ hết. Trong phút chốc, hận thù - thứ tưởng chừng tồn tại vĩnh viễn nơi Phó Hồng Tuyết - cũng rời bỏ hắn mà đi. Tâm hồn Phó Hồng Tuyết kiệt quệ, trống rỗng, hư không như tuyết trắng. Sau tất cả, đọng lại trong tâm trí người đọc là hình ảnh một Phó Hồng Tuyết, tay trắng nhợt, đao đen sì, chiếc chân thọt lê lết, lầm lũi trong đêm tối mênh mông, phố xá đông đúc, giữa sa mạc hay mịt mù bão tuyết. Có thể nói Phó Hồng Tuyết là một nhân vật đáng thương được khắc họa trong hình hài kiếm khách vô địch thiên hạ. Tiêu Phong của Kim Dung là một nhân vật ám ảnh bạn đọc theo một cách khác. Tôi thật sự khâm phục người nhạc sĩ sáng tác ca khúc Khoan thứ (bài hát cuối phim, bản Trung Quốc, phát hành năm 2003) khi chỉ bằng đôi dòng ca từ ngắn gọn, súc tích đã khái quát toàn bộ con người và tấn bi kịch cuộc đời của Tiêu Phong. Lời bài hát gây xúc động, gợi cái buồn mênh mang, tưởng như Cai Hạng ca thời hiện đại: “Chàng là đấng anh hùng hào kiệt/ Luôn mang theo chí lớn bên mình/ Nhưng hạnh phúc suốt đời chàng thiếu nợ/ Thì lấy gì bù đắp lại đây?/ Lẽ nào tình yêu khó tha thứ hơn thù hận”. Cuộc đời của nhân vật bị ruồng bỏ này đặt ra và làm chúng ta day dứt trước hàng loạt những câu hỏi về chính nghĩa - phản loạn, đúng - sai, tình yêu - ghen tuông mù quáng, tha thứ - trả thù, quyền lực - hòa bình, gia đình - quốc gia… Một điểm nữa khiến tác phẩm của Kim Dung và Cổ Long ngự trị trong tâm trí người đọc là văn hay. Khác nhiều tác giả kiếm hiệp chỉ cốt tạo ra cốt truyện hấp dẫn mà không mấy chú trọng đến câu văn, Kim Dung và Cổ Long tạo nên phong cách kiếm hiệp của mình bằng giọng văn riêng. Văn Cổ Long có tiết tấu nhanh, lạnh và sắc như kiếm rời khỏi vỏ, đao đã trong chiêu, kích thích thần kinh, làm ma mị độc giả đến tột cùng. Văn Kim Dung chậm rãi, khoan thai, mê đắm lòng người bằng nội lực vô biên đến từ sự lịch duyệt, tinh tế trong “luận sử” và miêu tả tâm lí con người. Phân tích sơ như vậy để thấy Kim Dung, Cổ Long chỉ mượn tấm áo choàng võ hiệp khoác lên mình nó thứ mĩ học của riêng mình và bằng tài năng văn chương thiên phú, hai ông đã sáng tạo nên những nhân vật “đi cùng năm tháng” với nhiều thế hệ bạn đọc. Mặc dù đi bằng đường “tiểu ngạch” nhưng hai ông vẫn vươn lên đến đỉnh cao của văn học.
3. Vì lí do công việc, nên khoảng một, hai năm trở lại đây tranh thủ những lúc rảnh việc là tôi lại miệt mài ở Thư viện Quốc gia. Trong lúc chờ chị thủ thư đi lấy sách (thường khoảng ba mươi phút hoặc lâu hơn) hay khi cảm thấy không thể nhét được cái gì vào đầu nữa, tôi thường lân la vào khu sách tự chọn kiếm một vài quyển đọc chơi. Lục lọi mới thấy sách Trung Quốc được dịch nhiều và bày trên giá nhiều nhất là các tiểu thuyết thuộc ba dạng: ngôn tình, trinh thám và kiếm hiệp (đời mới). Ngôn tình đã quá tuổi đọc, kiếm hiệp (đời mới) - kể cả Tru tiên của Tiêu Đỉnh - có lẽ vẫn còn một khoảng cách nhất định so với hai cây đại thụ kể trên. Vậy nên trinh thám là lựa chọn khả dĩ nhất. Tiểu thuyết trinh thám Trung Quốc đương đại pha trộn giữa khoa học và lịch sử - huyền thoại thật sự hấp dẫn khiến tôi mải đọc đến mức nhiều khi quên mất mục đích chính của mình ở đây. Chợt nghĩ một nền văn học mạnh có lẽ là một nền văn học bên cạnh những kiệt tác chính thống còn có những tác phẩm thuộc thể loại giải trí xuất sắc. Nước Anh có Shakespeare, có Charles Dickens, chị em nhà Bronti thì cũng có Conan Doyle với bộ truyện về thám tử Sherlock Holmes lừng danh, nước Mĩ có Jack London, Hemingway thì cũng có Mario Gianluigi Puzo với tiểu thuyết Bố già, Dan Brown với Mật mã Da Vinci, Hỏa ngục, Pháo đài số… Trung Quốc bên cạnh những Lỗ Tấn, Lão Xá, Mạc Ngôn, Lí Nhuệ, Cao Hành Kiện, Giả Bình Ao… ngoài Kim Dung, Cổ Long quá nổi tiếng còn có Thiên Hạ Bá Xương với Ma thổi đèn, Hà Mã với Mật mã Tây Tạng… Nhìn người lại ngẫm đến ta. Văn học Việt Nam tính từ năm 1975 đến nay dường như chỉ mải mê đi tìm tác phẩm đỉnh cao ở dòng chính thống mà lơ là, bỏ quên, thậm chí nhường hẳn “sân nhà” cho các nền văn học khác ở lĩnh vực giải trí. Xét riêng về kiếm hiệp, kiếm hiệp Việt Nam đang tồn tại những bất cập nghiêm trọng. Thứ nhất, đội ngũ tác giả ít ỏi, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của kiếm hiệp Trung Quốc từ cổ điển đến hiện đại. Những sáng tác của các tác giả như Ưu Đàm Hoa, Hàn Giang Nhạn… đều lấy y chang bối cảnh, địa danh của Trung Quốc, khiến nhiều bạn đọc tưởng đó là sáng tác của tác giả nước ngoài. Thể loại kiếm hiệp mới (tiên hiệp, xuyên không) thì mang nặng dấu ấn của Tiêu Đỉnh, Huỳnh Dị... Thứ hai, chịu gián cách lịch sử nghiêm trọng do thời cuộc. Sau sự xuất hiện của những tác phẩm chất lượng khá, mang nét riêng của người Việt như Lửa hận rừng xanh, Người đẹp thành Phiên Ngung… trải qua hàng chục năm, kiếm hiệp Việt không có thêm một tác phẩm nào đáng chú ý nữa.
Chính điều này làm văn học Việt Nam thiếu hẳn đi sự sinh động, đa dạng. Có một điều lạ là trong khi nhiều nhà văn đã ngày một chú ý hơn đến tính giải trí, đã mạnh dạn đưa nhiều chi tiết có tính chất này vào tác phẩm của mình (như tính dục, bạo lực, trinh thám…) nhưng họ lại không chú ý, không quan tâm và nói thẳng ra là không dám viết một tác phẩm giải trí thực thụ. Dường như vẫn có một sự e dè, ngại ngần, nhạy cảm quá đỗi của các nhà văn khi nhắc đến “tác phẩm văn học giải trí”. Tôi đoán chắc rằng nếu tác phẩm bị đánh giá là tác phẩm giải trí, nhiều nhà văn sẽ không vui, sẽ cho rằng tác phẩm của mình đang bị… hạ thấp. Nhiều người sẽ lí giải rằng những yếu tố giải trí trong tác phẩm mình viết là phục vụ… mục đích nghệ thuật chứ không nhằm “mua vui một vài trống canh”.
Viết những dòng này, trong lúc chứng kiến nhiều người Việt Nam mê đắm kiếm hiệp, trinh thám nhưng không có khả năng văn chương mà vẫn cố miệt mài ngồi viết trong vô vọng, tôi mong muốn những nhà văn Việt hãy mạnh dạn “dấn thân”, chuyển sang khai mở một mảnh đất rất giàu tiềm năng còn ít người khai phá này, viết những tác phẩm giải trí “ra tấm ra món” để nền văn học Việt trở nên cân bằng hơn, hấp dẫn hơn và có tính giáo dục, định hướng bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ tốt hơn. Lịch sử, địa lí, văn hóa của dân tộc nếu được lồng ghép vào trong một tác phẩm văn học giải trí hấp dẫn sẽ “nhập tâm” người đọc hơn khi đứng một mình trong những cuốn sách chuyên ngành, những bài giảng, giáo trình, những giờ lên lớp và thậm chí cả những tác phẩm văn học chính thống. Đó là một phương thức giúp chúng ta chống chọi lại những cơn bão “xâm lăng” văn hóa từ các quốc gia khác đang ồ ạt đổ bộ vào nước ta hiện nay, điều mà các nhà văn chắc hẳn cũng luôn đau đáu trong lòng.
Đ.M.T