. VŨ KIM KHOA
Mấy năm trước, trong một lần đi thực tế, tôi nhìn thấy một người đeo ba lô máy ảnh đang phăm phăm bước ngược dốc theo lối mòn tiến lại gần mình. Cái tư thế đầu cứ chúi về phía trước, lưng hơi cong xuống mách bảo tôi anh này từng là lính. Tay tôi lọt thỏm trong lòng bàn tay to, dày cộm của anh. Sau cái bắt tay, anh đã vội vã triển khai chụp ảnh. Tôi chợt có chút tị hiềm với người bạn nghề bởi sự nhiệt huyết và cả những trang thiết bị anh đang sở hữu. Nhìn anh xoay xỏa công việc với những động tác dứt khoát, tự tin, chẳng hiểu sao tôi lại chợt liên tưởng đến vẻ thô ráp cũ kĩ của một viên gạch vồ nằm phơi mình bên công trình cổ.
Thì ra anh là Tạ Ngọc Xuân, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, mới vào sinh hoạt tại Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội. Cứ nghĩ rồi anh sẽ cả thèm chóng chán như rất nhiều người khi hưu rồi mới té sang sân chơi nghệ thuật. Nào ngờ anh bền bỉ, cấp tập: đi thực tế một mình, đi với bạn, đi với hội đoàn hoặc câu lạc bộ. Những chuyến đi như tiếp thêm cho anh sức bền bỉ dẻo dai, cho anh những tấm hình để bạn bè xúm vào khen - chê ở những buổi cà phê sáng. Và cũng giống như đại đa số người chụp ảnh ở Việt Nam, anh học những ưu việt của mỗi người, người này cho anh chút kinh nghiệm về sử dụng thiết bị, người kia truyền cho anh thông tin về những địa danh khả dĩ tạo ra tác phẩm. Vốn là dân kĩ thuật, được đào tạo căn bản từ những ngày học ở Liên Xô cũ, anh tiếp thu vấn đề rất nhanh. Tuy vậy anh sớm nhận ra chụp ảnh nghệ thuật không đơn giản như chụp ảnh kỉ niệm; để có được một bức hình khiến giới chuyên môn lưu mắt đến, phải học hỏi rất nhiều. Ngoài việc chiêm ngưỡng những bức ảnh của các bậc tiền bối, anh còn tìm hiểu trong sách vở những kiến thức về nghệ thuật. Chỉ khi tuân thủ đúng các niêm luật đặc thù trong chuyên môn, thì mới hi vọng tác phẩm truyền đạt được những cảm xúc mà mình gửi gắm.
Khi mới bập vào chơi ảnh nghệ thuật, Tạ Ngọc Xuân cứ nghĩ sẽ chỉ để giải trí - mong lấp vào khoảng thời gian trống thăm thẳm của những ngày nghỉ hưu nhàn tản. Nào ngờ anh giống một cậu trai vừa lớn: say tình ngay từ những buổi mới bước chân vào ngõ cửa nhà nàng. Mới ngày nào gặp ai cũng rắp tâm muốn học một tí ở họ, giờ anh nhanh chóng chơi ảnh khiến thiên hạ phát tị, phát thèm. Thực vậy, trong số cả ngàn hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, không phải ai cũng có đủ tác phẩm, đủ tiềm năng để mở riêng triển lãm ảnh. Vậy mà trong vòng bốn năm, Tạ Ngọc Xuân liên tục mở ba cuộc triển lãm ảnh cá nhân (trong đó có một lần triển lãm tại Bacu - Azerbaijan) và một lần in sách.
Sẽ thật không công tâm, nếu nghĩ đó là cuộc dấn thân của một người thừa tiền lắm của, hay nhờ nâng đỡ của một bề trên thế lực. Những tác phẩm nhiếp ảnh như Đường làng chụp một góc nhỏ ở miền quê, với cái mái ngói được phơi phủ bởi những túm cải giống, một ông lão đạp xe đi ngang qua. Sự tương phản từ mái tóc bạc sáng, với nền đường ngập lấp lóa nắng chiều, khiến người ta ngầm hiểu đây là cung đường mà cả đời người đàn ông đã diễu đi diễu lại. Sự cũ kĩ không làm cảnh sắc điêu tàn mà nó lại ca ngợi vẻ đẹp của tình người, tình quê bền chặt. Hay cái ấm áp và sôi động của Mặt trời của mẹ, cái miệt mài của Làm bánh đa, nét trầm lắng của Một mình, sự rạo rực của Lắng nghe mùa xuân... đã làm nên “ảnh hiệu” Tạ Ngọc Xuân.
Cả một đời theo binh nghiệp, Tạ Ngọc Xuân khi về với đời thường đã tìm được cho mình một đích để theo đuổi thật độc đáo. Khi hỏi anh, với lương hưu cấp tá, thiếu gì cách chơi nhàn tản hơn, sao lại vương vào nhiếp ảnh để có lúc phải dậy từ nửa đêm leo đồi, leo núi và ăn uống thì bữa khô, bữa nhạt…, anh hiền từ cười và nói, nhờ nhiếp ảnh mà mình đã được đặt chân đến những địa danh ghi ở trong sách giáo khoa, có được rất nhiều bạn bè trên mọi miền đất nước, hiểu cả thói quen, tập quán của từng địa phương và tìm thấy sự thú vị của cảnh quan thay đổi trong mỗi mùa mưa gió...
Lặng lẽ ở chốn ồn ào, cần mẫn ngay cả khi bạn nghề thấy chán mỏi, Tạ Ngọc Xuân đã không bỏ phí mọi cơ hội đến với mình. Năm 2017, ngoài cuộc triển lãm ảnh cá nhân tại Bacu nhân dịp chào mừng kỉ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Azerbaijan, anh đoạt giải C ảnh xuất sắc quốc gia, giành Huy chương Bạc tại Síp và Phần Lan... Hiện anh đã đủ điểm và đang làm thủ tục kết nạp vào Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế FIAP.
Người Việt ở thế hệ cũ vẫn thường tâm đắc với câu nói: Thầy già, con hát trẻ. Đưa cô Tấm, cô Cám lên sân khấu phải chọn diễn viên lứa tuổi mười tám đôi mươi mới mong có giọng ca, đường múa làm say lòng khán thính giả. Anh nghệ sĩ nhiếp ảnh già tuổi đời, trẻ tuổi nghề Tạ Ngọc Xuân hẳn không nằm trong logic ấy. Một mái tóc bạc, một nụ cười trẻ thơ hay những gợn sóng lăn tăn trên thửa ruộng bậc thang cũng đủ làm anh đắm đuối... Và một khi tác phẩm nhiếp ảnh được trùm phủ bởi lửa tình yêu của người sáng tạo, thì những vật tưởng như vô tri chợt bừng lên trong mắt người xem.
Quyển lịch của năm 2017 chưa kịp bóc hết, vậy mà đã thấy Tạ Ngọc Xuân chìa sổ tay cho tôi xem những cuộc hẹn với bạn bè ở đầu năm 2018. Nếu nói cuộc đời là những chuyến đi và mỗi bước chân của người lính là để chinh phục, thì tôi thầm chúc những chuyến đi của người chiến sĩ - nghệ sĩ nhiếp ảnh Tạ Ngọc Xuân sẽ là sự hội tụ của tình yêu quê hương, của những thân phận con người và vẻ huyền diệu của trời đất trong từng lần bấm máy.
V.K.K