. VI ANH
Trong tâm thức cộng đồng các dân tộc thiểu số, Tết Nguyên đán không chỉ là mùa của lễ hội (hội lồng tồng, hội gầu tào, hội mừng lúa mới…) mà còn là khoảnh khắc nơi những niềm vui được thắp lên, tình cảm bản làng được gắn kết. Trong văn học các dân tộc thiểu số, nếu nhiều tác phẩm thơ thường khiến con người ngập chìm với xúc cảm rộn ràng, sâu lắng khi xuân về thì đa phần các tác phẩm văn xuôi lại hướng đến việc tái hiện những câu chuyện kể, mà mùa xuân đôi khi chỉ là “cái cớ” để truyền tải những thông điệp ý nghĩa phía sau.
1. Hồn xưa dân tộc
Tết đến xuân về, những nét đẹp phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được hiện lên sinh động qua từng trang viết. Những ngày cận Tết, khắp nơi trong bản làng đã nhộn nhịp, rộn rã. Quanh năm vất vả nhọc nhằn, đấy là lúc “trong chuồng gà đẻ trứng hồng, vịt đẻ con bạc. Thóc lúa kìn kìn vào cửa trước. Trâu bò ngựa dê lung lúc vào cửa sau…” (Tết anh cả - Y Phương). Những niềm vui của sự no ấm, đủ đầy cũng cứ thế nhân lên.
Không khí rộn rã náo nức bao trùm cả thiên nhiên tạo vật và lòng người, đặc biệt trong những tác phẩm kí viết về đề tài mùa xuân. Lời chiêng Tây Nguyên của Linh Nga Niêkđam tái hiện một không gian xuân trên khắp các nẻo đường cao nguyên với loài hoa dã quỳ vàng rực báo mùa thu hoạch, mùa no đủ của Tây Nguyên. Ở đó là sự sống đang cựa mình trỗi dậy: “Nghe trong gió tiếng chiêng của mùa “ăn năm uống tháng” vang dội khắp các buôn làng, rừng suối. Những cơn mưa rừng đã tạnh, cái lạnh se se đủ làm hồng đôi má, làm lúng liếng ánh mắt các em gái Tây Nguyên trong những ngày lễ hội, đang theo gió xuân tràn về, thêm náo nức mời gọi những chuyến đi xa, đi gần”. Trong tâm thức con người, những tục lệ Tết xưa luôn trở thành một phần hồn thiêng liêng không gì có thể làm phai nhạt. Nếu như Hà Thị Cẩm Anh hướng cái nhìn về tục lệ đẹp của Tết xưa nơi Mường Dồ: “mỗi lần tết đến con trai con gái Mường Dồ đem cồng chiêng đến treo trong vườn rồi hát xường hát ghẹo với nhau” (Xuân này đào không thể ra hoa) thì truyện ngắn Bàn Thị Ba lại hướng đến việc khắc họa cuộc sống làng Khuôn Thao trong một khung cảnh yên bình. Những ngày Tết về trên ngôi làng mới định cư trở nên náo nhiệt và hào hứng khác thường. “Từ hai bẩy, hai tám tháng chạp, các gia đình người Dao Tiền ở làng Khuôn Thao đã lần lượt mổ lợn ăn tết (…). Bọn trẻ thì háo hức chờ đón ngày được mặc quần áo mới và đốt pháo. Các bà mẹ, các cô trong làng đều bận rộn cắt khâu quần áo mới cho con cháu (…) Đêm ba mươi tết, nước được gánh đổ vào chum vại đầy ăm ắp, bếp lửa được chụm bằng những cây củi gộc, lửa đỏ thâu đêm (Làng mới vào xuân). Cuộc sống mới ùa về với đầy đủ sự sinh sắc, rạng rỡ. Mùa xuân cũng là mùa của hát páo dung. Độc đáo hơn cả là cái tết nhảy của người Dao được gọi là tết púng nha háng “để cầu được mùa và dạy cho thanh niên trai tráng trong làng học các điệu nhảy theo nghi lễ cúng tế của người Dao”.
Hơi thở của cội nguồn truyền thống đến từ những điều tưởng chừng bình dị nhất, quen thuộc nhất. Dịp Tết là thời điểm để tận hưởng những niềm vui bất tận, của chợ phiên náo nức, đông vui, đầy ắp lá dong, gạo nếp, gà thiến, đặc biệt là chìm trong men say của “những chum rượu phình phàng ngất ngưởng bày từ sáng sớm đến chiều tà”. Để rồi, đến sáng mùng một, không ai bảo ai, “nhà nào cũng chuẩn bị một mâm cỗ cúng gia tiên. Mời cụ kị ông bà từ trên thượng giới xuống đây cùng các vị gia thần Thánh mẫu hoa vương, Nam tào Bắc đẩu. Khi các vị dùng xong ba tuần rượu, cũng vừa hết đúng một tuần nhang. Con cháu bê mâm xuống quây quần cùng thụ lộc” (Tết anh cả - Y Phương). Chẳng cầu kì mâm cao cỗ đầy, cốt là ở cái tình gắn bó, những phút thiêng liêng của đoàn viên ấy neo lại nơi hồn người cái nền xưa nếp cũ của cả một thời vàng son.
Tết là dịp giúp con người mở lòng ra đón nhận những niềm vui mới mà vẫn không quên đi những giá trị xưa cũ. Những phút hoài niệm về quá khứ khiến con người biết trân trọng và hết mình cho thực tại. Bởi vậy, tìm về những giá trị thiêng liêng như sum vầy dịp Tết cũng chính là giúp cho tâm hồn bớt những hời hợt, vô ưu.
Hình ảnh bếp lửa như một nhắc nhớ da diết với những đứa con tha hương. Ở đó, trong gian bếp ấm cúng mỗi độ xuân về, mọi người quây quần bên ngọn lửa, sưởi ấm và xích lại gần nhau hơn. “Tha hương trong những ngày này là một sự cực chẳng đã. Mới hôm qua, bạn còn gọi điện rủ qua phòng, ấy mà giờ bạn đã yên ấm quây quần bên bếp lửa. Tự dưng cồn cào nhớ, cái nhớ mênh mang, quắt quay vị khói hăng hắng trong gian bếp quê, nơi tuổi thơ tôi bắt đầu từ những củ khoai củ sắn được vùi tro hôi hổi nóng (…) Và cũng chính ở bên ngọn lửa ấy, nam thanh nữ tú được dịp trổ tài. Câu sli câu lượn mượt mà hơn khi lời thương đã gói trong ánh mắt cùng đó là những thức quà được làm ra từ cảm hứng yêu thương” (Về thôi Tết này – Hoàng Chiến Thắng). Nó ấm áp và nồng hậu, bởi thế khi không được đón những cái Tết quê, sự thiếu vắng càng trở nên khắc khoải. Những háo hức của nhân vật Chít về một cái Tết ở quê, nơi có bà nội ngóng chờ mòn mỏi, cứ dần dần bị hẫng hụt: bố bận trực, mẹ sa ngã theo sự cám dỗ vật chất… qua giọng kể của một đứa trẻ, với những trường đoạn về tập tục Tết quê trong Ngày cuối năm của Nông Quang Khiêm dễ tìm được những đồng cảm.
Sự mai một văn hóa truyền thống dù không còn là vấn đề mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ. Y Phương ngậm ngùi khi so sánh những cái Tết quê nhà với cái Tết nơi thành thị: “Đã tròn bốn mươi năm nay tôi không có Tết… Đâu đâu cũng thơm phức mùi quà bánh đắt tiền, mùi rượu Tây. Nhưng làm sao gọi là Tết được. Ở đó thiếu không gian đọng đính và bầu trời ngợp khói Tết. Sạch sẽ thơm tho quá, cũng làm cho Tết co cẳng chạy mất tăm” (Tết anh cả).
2. Chất xúc tác để gắn kết và yêu thương
Bên cạnh những tác phẩm trực tiếp nói đến những phong tục đẹp ngày Tết, thì nhiều tác giả dân tộc thiểu số chọn không gian xuân như một cái cớ để đẩy những xúc cảm của nhân vật lên cao, tạo những tình huống truyện độc đáo. Lỡ hẹn của Vi Thị Kim Bình mượn thời điểm những ngày Tết để nói đến ước muốn sum họp gia đình, đôi lứa của nhân vật Lim. Cô chờ đợi Đằng, người chồng bộ đội đã mấy năm không về thăm nhà, nhưng rồi lại lỡ hẹn vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Từ những xúc cảm hụt hẫng ở phần đầu tác phẩm gợi ra những tục lệ đã thành xa xưa như “đốt băng pháo đầu tiên “mời các cụ” về nhà ăn bữa cơm chiều ba mươi Tết ấm cúng cùng gia đình”. Mạch truyện triển khai theo diễn biến của những sự kiện: Lim xin phép đi thăm chồng tại đơn vị, bà con trong xã, huyện tìm đến gửi quà cho Đằng… tạo nên không khí ấm áp của tình cảm cộng đồng.
Trong truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh, không gian xuân xuất hiện khá nhiều. Giải vía nói đến nỗi vất vả của một nữ kiểm lâm viên với những tình tiết gây xúc động. Truyện kết thúc vào những ngày sắp sang xuân cũng là lúc xua đi những buồn đau của quá khứ, cô tìm được hạnh phúc của đời mình với người đàn ông đã nhẫn nại đợi chờ “Tết này anh giải vía cho em”, người đàn bà cô đơn đã bước qua số phận mình giữa lúc giao thừa… Tiếng hát chiều cuối năm lại đặt những nhân vật trong guồng quay khắc nghiệt của số phận, nhưng rồi tình yêu thương và lòng bao dung đã cứu vớt và che chở cho tất cả. Tấm lòng người anh trai nghèo khó với đứa em thành đạt nhưng mắc chứng vô sinh, sự vị tha của người vợ và nỗi tủi thân của đứa con trai mang tiếng “ngoài giá thú” bị gọi với cái tên Đa Mang. Những xúc cảm được đẩy lên với cao trào của truyện. Người đọc cũng như chênh vênh và cảm thấy se sắt với số phận của những nhân vật qua lời xường buồn bã, trong khung cảnh những ngày cuối cùng của năm: “Chiều ba mươi tết. Con đường về miền Tây chênh vênh và uốn lượn theo những con đèo cao và những cánh rừng rậm rạp bỗng trở nên vắng vẻ hẳn so với mấy ngày cuối năm ồn ào và tất bật của những chuyến xe ngược rừng, xuôi phố”.
Khi bước sang một khởi đầu mới, người ta dễ mở lòng bao dung mà tha thứ những lỗi lầm của nhau. Trong Hoa mơ của Bàn Kim Quy, vì giận Hềnh hay có tính ăn trộm, vợ Hềnh bỏ về nhà mẹ đẻ. Vào những ngày cuối năm, khi hoa mơ nở trắng đồi mặc sương mù giăng lạnh buốt, sự bứt rứt không yên của vợ Hềnh như được thôi thúc trở về: “Mơ là loài cây kì lạ, chúng luôn nở vào lúc trời lạnh nhất, khi chưa kịp nảy lên cái lộc nào, những cánh hoa nhỏ nhoi, trắng muốt cứ bung ra, như hàm răng trắng xóa của thiếu nữ cười tinh khôi trong màn sương giá. Nó làm thị nhớ tới ngày về làm dâu, thị mặc trên người tầng tầng váy áo, vòng bạc theo bước chân leng keng, áo chàm thêu chỉ đỏ rực rỡ làm cho cả bầu trời mùa đông sáng bừng lên, như nụ cười của gã…”. Những ăn năn và hối lỗi nơi người chồng cùng những nỗi nhớ cảm giác thân thuộc nơi gia đình nhỏ của người vợ khiến câu chuyện kết thúc một cách mộc mạc mà sáng lên tình yêu thương của con người.
Chính ở vào phút chuyển giao của thiên nhiên tạo vật, con người thường hay giật mình thảng thốt, tư lự và thức nhận giá trị của thương yêu. Nông Quang Khiêm mường tượng một tương lai rực rỡ: “Tôi nhìn ra ngoài kia, rừng sơn tra đang vươn những tán lá xanh pha tím thẫm, dày ngậm sương, thân bạc phếch bởi thời gian, gió rét, đang lặng lẽ tích cho mình thứ nhựa chua chát, để chẳng bao lâu nữa xuân về, rừng sơn tra bung nở muôn vàn hoa trắng; tháng chín, tháng mười quả sai trĩu trịt, căng mẩy đầy cành, cho người dân Lùng Cúng những mùa no ấm” (Sơn tra Lùng Cúng). Trong khi đó Mã A Lềnh với bút kí Chộn rộn đường xuân ngẫm lại hành trình đổi thay của Lào Cai, “hình như mọi ngả đường đều chộn rộn hơn” rồi chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc sống, về mùa xuân của đất trời, mùa xuân của lòng người. Ông viết: “giờ mới hiểu ra người già bảo tốt phúc mới nhìn thấy đỉnh cột đá chống trời – đỉnh Phan Xi Păng, mới ngẫm thấu lời cha rằng trong khoảnh khắc mưa lắc rắc lây phây mới nhìn thấy hình hài một gia đình hai vợ chồng, đứa con trai và con chó đi tìm đất sống khắc bên tảng đá”. Và một năng lượng chợt đến, mà có lẽ mùa xuân của cả đất trời và lòng người hội tụ lại mới có được: “nhấp một ngụm rượu xuân rồi lại chuẩn bị tinh thần cho cuộc hành trình sự nghiệp”.
Có thể thấy, dù suy ngẫm, ưu tư về mùa xuân, về con người khác nhau song niềm tin tưởng và hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và hiến dâng không bao giờ vơi cạn trong tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số.
V.A