Nghĩ về thơ

Thứ Năm, 12/04/2018 00:35
.  ĐINH QUANG TỐN

1. Thơ thời sự chính trị và thơ nỗi niềm riêng
Trong nền thơ cũng như trong mỗi nhà thơ thường tồn tại cả hai dạng thơ này. Trước đây thỉnh thoảng tôi lại được những người làm thơ khoe những bài thơ không đăng được, và họ thường hi vọng khi công bố nó sẽ thành thơ của muôn đời! Vâng, rất cầu chúc cho nó được như thế. Nhưng thực tế thì đa phần đó là sự lầm tưởng. Thơ của muôn đời ư? Ai bảo thơ Thần của Lý Thường Kiệt, thơ Mừng xuân 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ Tự do và ái tình của Sandor Petofi (Hungary) không phải là thơ của muôn đời? Đó là thơ thời sự chính trị một trăm phần trăm. Nhưng để có được những bài thơ ấy tác giả của nó phải cả một đời sống cho lí tưởng ấy, trải nghiệm và nung nấu. Đó là thơ phát ra từ hồn của họ, cũng là hồn của dân tộc, hồn của đất nước trong thời khắc lịch sử. Ta thử đọc bài thơ của Petofi:


Tự do và ái tình
 
Tự do và ái tình
Vì các người ta sống
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi xin hiến đời tôi
Vì tự do muôn đời
Tôi hi sinh tình ái

       (Bản dịch của Xuân Diệu)

Đó là tiếng nói của lí tưởng hòa quyện tiếng nói của trái tim mà phát ra, mà tỏa sáng. Bây giờ nói đến lí tưởng nhiều bạn trẻ không mấy mặn mà. Nhưng thực tế thì ai cũng có một lí tưởng. Có điều cách hiểu về lí tưởng mỗi người một khác, và nó có tính lịch sử cụ thể của nó. Chứ không có lí tưởng thì con người chỉ là tồn tại, đâu phải là sống!

Còn thơ nỗi niềm riêng, tôi cũng thấy những bài để đời thấm đẫm lí tưởng. Nhật kí trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thơ nỗi niềm riêng từ hình thức đến nội dung. Người viết để tự nhủ, tự răn mình chứ có phải để công bố đâu! Những tâm hồn lớn niềm riêng thống nhất với nỗi chung. Nỗi đau nỗi buồn của họ cũng là nỗi đau buồn của thời đại. Với bài thơ Tim ta ơi! Đừng nên u uất, Heinrich Heine (Đức) đau buồn mà không yếu đuối:

Tim ta ơi! Đừng nên u uất
Số phận mình gắng chịu cho quen
Những cái gì mùa đông cướp mất
Xuân mới về sẽ trả cho em...

 
hoa bay

Thật khó phân biệt đây là thơ nỗi niềm riêng hay là thơ thời sự chính trị. Phải chăng tất cả những bài thơ bất tử đều như vậy? Khi một bài thơ để mọi người thấy được đó là thơ thời sự chính trị hoặc thơ nỗi niềm riêng thì đều là những bài thơ còn non. Có phải thế chăng mà một danh nhân đã nói: Mọi bài thơ đều có tính thời sự. Và nhà thơ nổi tiếng Epghenhi Eptusenko (Nga) có hai tập thơ độc đáo Trữ tình công dân và Trữ tình riêng tư. Tập thơ Trữ tình công dân gồm phần lớn thơ mà chúng ta thường gọi là thơ nỗi niềm riêng, và ngược lại tập thơ Trữ tình riêng tư lại gồm đa phần thơ có tính thời sự chính trị. Nhà thơ thấy không hề có ranh giới giữa hai loại thơ này chăng?

Nhưng trong thực tế vẫn có hai loại thơ ấy. Nó mang dấu ấn thời đại và phong cách của từng nhà thơ. Tài năng của mỗi nhà thơ là không để lại dấu vết của hai loại thơ này, sao cho mỗi bài thơ phải tự nhiên như hơi thở, như nắng trời. Thơ càng có dấu vết tạo dựng thì tác giả của nó chỉ là thợ thơ. Còn những thi sĩ đích thực thì những bài thơ của họ bao giờ cũng thấm đẫm nỗi niềm và tỏa ra ánh sáng tư tưởng, được mọi người mặc nhiên đón nhận.

2. Thơ phát ra từ hồn và thơ… sáng tác
Thơ đích thực là thơ phát ra từ tâm hồn nhà thơ. Vì thế, qua thơ có thể hiểu được nhà thơ, qua nền thơ có thể hiểu được dân tộc sinh ra nền thơ ấy. Người ta nói, thơ là tiếng lòng của dân tộc, là điệu tâm hồn của dân tộc là vì vậy. Nhưng trong thực tế luôn có hai loại thơ. Đó là thơ phát ra từ hồn và thơ sáng tác. Có thể ví thơ phát ra từ hồn như ngọc tự nhiên, còn thơ sáng tác như sản phẩm của người thợ kim hoàn, có thợ giỏi và thợ vụng. Thơ phát ra từ hồn thì rõ rồi, đó là tiếng lòng tự nhiên của thi sĩ phát ra thành câu chữ. Còn thơ sáng tác là vì một mục đích nào đấy mà tác giả viết ra. Mục đích ấy có thể cao cả, như bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, hay vì mục đích thù tạc bình thường, hoặc cũng có thể vì danh, vì lợi. Thơ sáng tác có mục đích thì thường ít có chất thơ, vì đa số nó không phải rung động từ tâm hồn. Tuy nhiên, thơ sáng tác vì một mục đích cao đẹp thực sự thì dễ hòa với hồn tác giả nếu tác giả cũng mang tâm hồn thi nhân chân chính.

Trong một nền thơ, mỗi nhà thơ có một dạng khác nhau. Có người thơ chủ yếu phát ra từ hồn, và có người thơ chủ yếu là sáng tác. Tất nhiên, lịch sử văn chương vô cùng tinh tường nên chỉ giữ lại những bài thơ phát ra từ hồn, còn những bài thơ sáng tác thường theo gió bay đi hết, dẫu đương thời có bị nhầm lẫn khi đánh giá. Ngay cả những nhà thơ lớn, điều này cũng thường xảy ra, đó là những bài thơ phát ra từ hồn xen lẫn với những bài thơ sáng tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài tập Nhật kí trong tù, trong kháng chiến chống Pháp của dân tộc còn có rất nhiều bài thơ phát ra từ tâm hồn anh hùng và nghệ sĩ như: Cảnh khuya, Đêm thu, Vô đề, Nhớ chiến sĩ, Cảnh rừng Việt Bắc, Đi thuyền trên sông Đáy, Pác Bó hùng vĩ, Tức cảnh Pác Bó, Đăng sơn... Đặc biệt là bài Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng):

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời
                          thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân
                             đầy thuyền

                (Bản dịch của Xuân Thủy)

Nhưng Bác cũng có một số bài thơ sáng tác vì mục đích lớn lao động viên toàn quân, toàn dân ta đoàn kết, anh dũng tiến lên tiêu diệt quân thù như: Ca công nhân, Ca dân cày, Bài ca sợi chỉ, Tặng các cụ lão du kích, Nhóm lửa... Nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi còn nhỏ, thơ phát ra chủ yếu từ tâm hồn ngây thơ trong sáng, có hàng loạt bài đã trở thành nổi tiếng: Góc sân và khoảng trời, Trăng sáng sân nhà em, Đánh thức trầu, Nửa đêm tỉnh giấc, Sao không về vàng ơi!, Trăng ơi từ đâu đến, Đêm Côn Sơn, Gửi theo các chú bộ đội, Hạt gạo làng ta, Mẹ ốm... Bài Côn Sơn chỉ có hai mươi chữ mà thấy cả một tâm hồn lộng gió, giàu có, tầm vóc lừng lững mà vẫn hồn nhiên của thi nhân:

Sáng đứng đỉnh Côn Sơn
Hương đồng thơm trong túi
Chiều xay thóc góc nhà
Tóc lại bay gió núi...


Tuy nhiên, ngay trong thời điểm ấy, Trần Đăng Khoa cũng có những bài thơ sáng tác, như: Đất ơi, Từ anh đi chiến trường xa, Em kể chuyện này, Viết trước ngày nhập ngũ, Điều anh quên không kể...

Bây giờ là thời nhà nhà làm thơ, người người làm thơ thì thơ sáng tác là chủ yếu. Có những tác giả chỉ có thơ sáng tác, không có bài nào phát ra từ hồn. Nói như Hamlet, nhân vật trong kịch của Shakespeare: Chữ, chữ, toàn là chữ... 

Nhà thơ Xuân Diệu có lần nói đại ý: Không có thơ hay và thơ dở, chỉ có thơ và những thứ không phải thơ. Phải chăng, thơ là câu chữ phát ra từ hồn, còn những thứ không phải thơ là những bài… sáng tác? 
 
3. Thơ hướng nội và thơ hướng ngoại?
Có một thời trên thi đàn bàn nhiều đến thơ hướng nội và thơ hướng ngoại. Làm như thể thơ hướng ngoại thì nông cạn, thơ hướng nội mới là sâu sắc bởi nó đào sâu vào nội tâm con người. Rồi nhiều người có ý gán cho thơ mấy chục năm phục vụ kịp thời mấy cuộc kháng chiến của dân tộc là thơ hướng ngoại; còn bây giờ thơ đi sâu vào thế giới nội tâm, cõi riêng nhỏ bé, tâm sự buồn đau của từng cá nhân cá thể thì là thơ hướng nội, mới cao siêu! Đi theo suy nghĩ này, hàng loạt tập thơ nói về nỗi niềm riêng nhỏ bé, vụn vặt đã ra đời. Có những người tung hô, nhưng quần chúng yêu thơ thì không chấp nhận.

Thực ra thì làm gì có thơ hướng nội và thơ hướng ngoại. Từ mấy trăm năm trước đại thi hào Nguyễn Du đã viết: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng đã từng thốt lên: Ô hay, cảnh cũng ưa người nhỉ! Tức là hai thi hào cùng có ý nghĩ như nhau: Nhà thơ là người vịnh cảnh để nói tình và lùa tình vào trong cảnh. Thi tiên Lý Bạch (đời Đường - Trung Quốc) có bốn câu thơ nổi tiếng: Đầu giường ánh trăng rọi/ Ngỡ mặt đất phủ sương/ Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương (bản dịch của Tương Như). Đấy là thơ tả cảnh mà sao tình yêu quê hương sâu nặng vậy? Ca dao của ta cũng có bài chỉ miêu tả hoa sen mà sao lại thế sự đến thế:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen
                            nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh
                            mùi bùn...


Không phải cứ miêu tả cảnh vật, sự việc thì là thơ hướng ngoại, nông cạn. Cũng không phải cứ nói dằn vặt, thao thức, trăn trở, đau đớn, buồn tủi thì là thơ hướng nội, sâu sắc. Tả cảnh hay đến mức để người đọc rưng rưng xúc động thì là hướng nội hay hướng ngoại? Còn cứ vò đầu rứt tóc, bảo tôi đau lắm, buồn lắm mà người đọc vẫn dửng dưng chẳng mảy may xúc động thì thậm chí khó có thể gọi là thơ, chứ đừng nghĩ là thơ hướng nội sâu sắc.

Tuy nhiên, trong thực tế đời sống thi ca vẫn có những bài thơ để người đọc thấy là có tính chất hướng nội, hoặc có tính chất hướng ngoại. Đấy có thể là chỗ chưa tới của các tác giả thơ. Còn đã là câu thơ hay, bài thơ hay thì không còn gây cảm giác ấy cho người đọc. Tôi rất thích những câu thơ tả cảnh mà đầy tâm trạng như: Xóm chùa cháy đỏ những thân cau (Núi Đôi - Vũ Cao), Hoa xoan rụng tím áo dì, dì ơi (Đường làng - Ngô Hoàng Anh), Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối (Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn)... Đấy chỉ có thể gọi là những câu thơ hay, chứ không thể gọi là thơ hướng nội hay thơ hướng ngoại.

Tôi tin rằng các nhà thơ đích thực cũng không mấy ai băn khoăn về điều này. Thi hứng đến thì viết ra, trộn cảnh vật sự việc vào tâm tư mà thốt nên lời. Không ai nghĩ phải viết thế này, phải viết thế nọ. Thơ từ hồn phát ra thì tự nó đã là sự tổng hợp hài hòa giữa tất cả các yếu tố vô cùng sâu sắc và tinh tế.

Đ.Q.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)