Vị xuân an lạc trong thơ của Phật Hoàng - Thi sĩ Trần Nhân Tông

Thứ Ba, 17/04/2018 00:28
. ĐOÀN THỊ THU VÂN
 
Thơ đời Trần từng được giới nghiên cứu phê bình và thi nhân đời sau khen ngợi, ngưỡng mộ bởi ý tứ phóng khoáng, mới lạ, lời lẽ thanh nhã. Trong đó, Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba triều Trần, người lãnh đạo đất nước anh hùng và tài ba, tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Đại Việt, cũng đồng thời là một nhà thơ, được xem là một gương mặt tiêu biểu cho thi phong đời Trần. Qua nhiều cơn binh lửa của chặng đường dài lịch sử, thơ Trần Nhân Tông còn giữ lại được đến nay chỉ hơn ba mươi bài. Ngoại trừ một số bài thơ thù tiếp sứ giả có tính ngoại giao, vài bài thơ có chủ đề chính trị, tôn giáo, đa số còn lại là những bài thơ tả cảnh tả tình dạt dào cảm xúc biểu lộ một tâm hồn thi nhân phong phú, mẫn cảm và những suy nghiệm sâu sắc trước cuộc đời.

Trong ba mươi hai bài thơ còn lại của Trần Nhân Tông, có mười tám bài trực tiếp và gián tiếp đề cập đến mùa xuân (qua hình ảnh gió xuân, hoa mai), chiếm tỉ lệ 56,5%. Điều này cho thấy khác với đa số các nhà thơ xưa thường yêu thích mùa thu, Trần Nhân Tông có cảm xúc đặc biệt đối với mùa xuân. Có khi, đó là mùa xuân vừa mới đến, còn non tơ, tươi mới với bước chân nhẹ nhàng, chưa ai kịp hay, nhưng đã có những sứ giả tình nguyện đưa tin - một đôi bướm trắng bé nhỏ làm xôn xao cả đất trời:

Thuỵ khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phất phất sấn hoa phi

                                (Xuân hiểu)
Ngủ dậy mở cửa ra
Không hay xuân đến nhà
Một đôi bươm bướm trắng
Lất phất lượn bên hoa
(1)
                (Buổi sáng mùa xuân)

Có khi là một cành mai với khóm hoa vừa hé nụ nghiêng mình trên mặt nước xua tan băng giá để đón hơi ấm về:
Ảnh hoành thủy diện băng sơ bạn
Hoa áp chi đầu noãn vị phân

                (Tảo mai kì nhị)   

Bóng nghiêng mặt nước vừa
                               tan giá
Hoa trĩu đầu cành đợi ấm lên

                (Hoa mai sớm, bài 2)

Ở bài Hoa mai sớm, hai câu thơ tả thực về cội mai nở sớm trong thời khắc giao mùa băng giá vừa tan, hơi ấm mới chớm, nhưng tiếp đó thì vẻ đẹp say người của hoa mai đã dần đưa tác giả vào cõi mộng với đâu đó giọng ca Thuý vũ dường như nhấn chìm cả ánh trăng trên quán núi, tiếng sáo Hoạ long như thấm ướt cả đám mây nơi cửa ải. Không gian, cảnh vật đã trở nên bồng bềnh, hư ảo. Từ đó mà cành mai có thực đã đi vào giấc mộng gặp lại cố nhân, để rồi khi tỉnh dậy thì hối tiếc không thể đem cành mai nở sớm tặng người để cùng chia sẻ vị xuân, tình xuân. Bài thơ có kết cấu hồi hoàn, đi từ thực đến mộng rồi trở lại thực để lại một dư âm khó tả:

Nhất chi mê nhập cố nhân mộng
Giác hậu bất kham trì tặng quân
Một cành vào mộng cố nhân
Bâng khuâng tỉnh giấc khôn
                       mang tặng người

(Hoa mai sớm, bài 2)

Ở bài thơ Đăng Bảo Đài sơn (Lên núi Bảo Đài), mùa xuân huyền ảo và mộng mơ với mây bồng bềnh quyện vào núi tựa hồ vừa xa lại vừa gần, lối đi nở đầy hoa nửa sáng nửa tối (Vân sơn tương viễn cận/ Hoa kính bán tình âm). Cảnh vật vừa như thực vừa như hư trong không gian cao rộng cô tịch, tạo cảm giác về sự hiện hữu vô thường của vạn vật trong cái hằng thường của bản thể vô cùng.
Mùa xuân có khi xuất hiện ở thời điểm viên mãn nhất, phủ tràn sức sống lên vạn vật:

Tam thập tiên cung hoành
                            dạ tháp
Bát thiên hương sát động
                            xuân triều
Cung tiên la liệt giường đêm
Triều xuân lay động tám nghìn
                    phướn thơm

(Thiên Trường phủ)

Nếu hàng dãy cây phướn nhà chùa phất phới trong gió được cảm nhận như khơi động cả nước triều đêm xuân thì ở một đêm xuân khác, đêm mười một tháng hai, cảnh vật càng kì thú hơn với hình ảnh: Trời trong như nước, trăng sáng như ban ngày/ Bóng hoa tràn đầy khung cửa sổ, giấc mộng xuân miên man (Nhất thiên như thuỷ, nguyệt như trú/ Hoa ảnh mãn song xuân mộng trường(2)). Cảnh xuân tĩnh lặng êm đềm nhưng tình xuân rạo rực cả đất trời. Điểm thêm nét kì tuyệt cho cảnh là con người thư thái hồn nhiên với giấc mộng xuân an lạc. Một sự trở về, hoà nhập không còn phân biệt ta và vật để lại một dư vị thật khó tả.

Với thi tứ chuyển hoá, đan xen giữa thực và mộng trong cảm quan nghệ thuật Thiền tông, thơ xuân Trần Nhân Tông lung linh một sức thu hút khá đặc biệt so với nhiều nhà thơ khác. Cũng có khi là xuân tàn, nhưng không gợi cảm xúc buồn thương, tiếc nuối thông thường mà mùa xuân đi qua trong sự bình thản ngắm nhìn diễn tiến của quy luật khách quan:

Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn
(Sơn phòng mạn hứng, kì nhị)
Hoa hết mưa tan non lặng lẽ
Chim kêu một tiếng lại xuân tàn

(Mạn hứng ở Sơn phòng, bài 2)

Mùa xuân của trần thế qua đi, hoa của ngày hôm nay rơi rụng, nhưng từ khi hiểu thấu về bản thể vạn vật, xuân trong tâm hồn nhà thơ đã ở lại vĩnh hằng:
Như kim khám phá Đông
                    hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán
                           truỵ hồng

                                                (Xuân vãn)
Chúa xuân nay rõ dáng hình
Ngồi trên thảm cỏ ngắm nhìn
                                 hoa rơi

(Chiều xuân)

Với cái tâm an nhiên tự tại, cảnh vật ở mỗi thời điểm đều có ý vị riêng, không phân biệt hơn kém:
Động Thiên hồ cảnh thượng
Hoa thảo giảm xuân dung
Thượng đế liên sầm tịch
Thái thanh thì nhất chung

                (Động Thiên hồ thượng)
Hồ Động Thiên ngoạn cảnh
Hoa cỏ nhạt màu xuân
Thượng đế thương hiu quạnh
Tầng xanh điểm tiếng chuông

(Trên hồ Động Thiên)

Ngắm cảnh hồ Động Thiên vào cuối xuân, hoa cỏ giảm sắc tươi, chợt nghe có tiếng chuông ngân, nhà thơ dí dỏm tưởng tượng đó là quà tặng của Thượng đế dành cho thế gian. Chỉ thỉnh thoảng vọng đến, tiếng chuông không biết từ đâu nhưng đủ để xua tan cái tĩnh lặng của không gian xanh mênh mông. Ở đây âm thanh giao hoà cùng màu sắc - sắc màu xanh biếc bao la như một khối tĩnh lặng ngưng đọng bị lay động bởi tiếng chuông ngân, đồng thời sắc màu xanh biếc ấy cũng thẩm thấu vào âm thanh khiến tiếng chuông tan hoà trong màu xanh man mác lan toả khắp đất trời. Tứ thơ mới lạ như hình ảnh tiếng ve ngâm thấm sâu vào đá trong thơ hai-kư của Basho.

Dành nhiều ưu ái cho mùa xuân, thơ Trần Nhân Tông mang sắc thái thanh tân, nhẹ nhàng, trong sáng. Không phải con người ấy vì quá được số phận ưu đãi, luôn thành công trong cuộc sống, rực rỡ hào quang danh vọng nên yêu đời, lạc quan. Nhận thức được lẽ vô thường của cuộc đời, nhà vua - Trúc Lâm sơ tổ đã chọn cho mình cuộc sống đạm bạc, từ thuở Mình ngồi thành thị/ Nết dụng sơn lâm(3) đến lúc về với núi rừng Người già, ngựa mỏi, vượn yên/ Am mây một chiếc giường thiền như xưa (Viên nhàn, mã quyện, nhân ưng lão/ Y cựu vân trang nhất tháp thiền(4)). Trong cuộc sống đó, Phải trái rụng theo hoa buổi sớm/ Lợi danh lòng lạnh với mưa đêm (Thị phi niệm trục triêu hoa lạc/ Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn(5)). Giống như ông của mình - Trần Thái Tông, Nhân Tông thường xuyên phản tỉnh để tự hỏi về ý nghĩa của đời người. Trên đường Tây chinh, nhà vua cũng sầu nhớ quê nhà, người thân như tâm tư của bao tướng sĩ:

Thê lương hành sắc thiêm
                         cung mộng
Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi
Hành cung lạnh giấc chiêm bao
Thấm trong chén rượu tình sầu
                             mông mênh


Để rồi tự hỏi:
Hán Vũ phiên chiêu cùng
                         độc báng
Nam nhi cấp cấp nhược vi tai?
Đời chê Hán Vũ cuồng chinh
Làm trai gấp việc đao binh ích gì?

                (Tây chinh đạo trung)

Khi nhìn ngắm mọi việc trong đời cứ trôi đi không ngừng như nước tuôn chảy không ai có thể ngăn lại, con người ấy cảm thấy cô đơn hơn bao giờ vì biết bao điều chỉ có thể “Trăm năm lòng nhủ lòng” (Bách niên tâm ngữ tâm(6)). Với tư cách con người - cộng đồng, nhà vua đã sống hết mình, chan hoà, nhiệt huyết. Nhưng với tư cách con người - cá thể, nhà thơ đã chiêm nghiệm sâu sắc nỗi cô đơn như một thuộc tính gắn với mỗi phận người, cho dù đang ở ngôi cao chín bệ hay làm kẻ dật dân chốn sơn lâm. Không phải là nỗi cô đơn thường tình do thất chí, thất tình, sinh bất phùng thời, không người tri kỉ… mà lớn lao hơn nhiều. Đó là nỗi cô đơn mang ý nghĩa triết học khi cảm nhận sâu sắc về sự hữu hạn của kiếp người, sự phù du của đời, sự mong manh vô nghĩa của danh vọng, quyền lực. Trải nghiệm này giúp con người ấy coi khinh phú quý, bình thản trước thịnh suy. Có nhiều thi hứng với mùa xuân, phải chăng từ một cái tâm đã an định, có thể an nhiên nhìn ngắm mọi vật diễn biến tự nhiên và sống trọn vẹn với những thời khắc thực tại, buông mình trong dòng sống không ngừng tuôn chảy:

Cảnh tịch an cư tự tại tâm
Lương phong xuy đệ nhập
                           tùng âm
Thiền sàng thụ hạ nhất
                      kinh quyển
Lưỡng tự thanh nhàn thắng
                           vạn câm
Ở yên cảnh vắng lòng thanh thản
Gió mát thổi lồng qua bóng thông
Dưới cội, giường thiền, kinh
                             một quyển
Ngàn vàng khôn sánh chữ
                             thong dong

(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca)

Chính vì “cư trần lạc đạo” nên nhà thơ vừa yêu say cuộc sống, thiết tha gắn bó với thiên nhiên đất nước vừa giữ được an nhiên, điềm tĩnh khi nhìn xuân tàn hoa rụng, vô thường lướt qua mọi vật trên đời. Sự dung hoà được hai mặt tâm trạng tưởng như đối lập này khiến thơ Trần Nhân Tông luôn mang sắc màu trong sáng của vị xuân an lạc trong tâm hồn.
 
Đ.T.T.V
______
 
1. Tất cả những phần dịch thơ trong bài viết do tác giả tạm dịch.
2. Trần Nhân Tông, “Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ” - Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng,
Viện Văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 465.
3. Trần Nhân Tông, “Cư trần lạc đạo phú” - Thơ văn Lý Trần, sđd, tr. 497.
4. Trần Nhân Tông, “Sơn phòng mạn hứng (kì nhất)” - Thơ văn Lý Trần, sđd, tr. 469.
5. Trần Nhân Tông, “Sơn phòng mạn hứng (kì nhị)” - Thơ văn Lý Trần, sđd, tr. 469.
6. Trần Nhân Tông, “Đăng Bảo Đài sơn” – Thơ văn Lý Trần, sđd, tr. 456.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)