Quan hệ cộng sinh của văn học và điện ảnh, nhìn từ tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh

Thứ Bảy, 28/04/2018 00:23

Hơn 30 năm sáng tác với gần 100 tác phẩm đã được xuất bản, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ lâu đã trở thành một “thương hiệu” quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.

Thành công về mặt thương mại và độ phổ biến của Nguyễn Nhật Ánh là không thể phủ định. Hơn một nửa trong số những tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh xuất bản đều trở thành best-seller ngay sau khi vừa ra mắt và được tái bản nhiều lần, tiêu biểu có thể kể đến: Cô gái đến từ hôm qua (truyện dài, 1989), Mắt biếc (truyện dài, 1990), Kính vạn hoa (bộ truyện 54 tập, 1995-2002), Chuyện xứ Lang Biang (bộ truyện 4 phần, 2004-2006), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (truyện dài, 2008), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (truyện dài, 2010), Bảy bước tới mùa hè (truyện dài, 2015)… Thành công của Nguyễn Nhật Ánh, ở bề nổi, rõ ràng mang dấu ấn của thành công thương mại, nhưng quan trọng hơn cả, ở chiều sâu, đó là thành công của một tâm hồn, một lối viết được duy trì bền bỉ trong suốt 3 thập kỷ. Có thể nói, Nguyễn Nhật Ánh đã có được chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả Việt với phong cách trong sáng, nhẹ nhàng, với những câu chuyện đơn giản nhưng giàu ý nghĩa và xúc cảm.
 

1

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Không dừng lại ở phạm vi văn chương, sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh còn đem lại nhiều hứng thú cho các nhà làm phim, từ đó có thêm những thế hệ độc giả mới. Hàng loạt tác phẩm của ông tiếp tục gây tiếng vang bằng phiên bản điện ảnh, như: Áo trắng sân trường (năm 1990, dựa theo truyện dài Nữ sinh), Chú bé rắc rối (năm 1998, dựa theo truyện ngắn cùng tên), Kính vạn hoa (từ năm 2004 đến 2008, phim dài tập dựa theo truyện dài cùng tên), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (năm 2015, chuyển thể từ truyện dài cùng tên) và Cô gái đến từ hôm qua (năm 2017, chuyển thể từ truyện dài cùng tên). Thậm chí, hai bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cô gái đến từ hôm qua nằm trong tốp 10 phim Việt đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Sức hút của truyện Nguyễn Nhật Ánh đối với điện ảnh không khó để lý giải. Theo chúng tôi, câu chuyện, nhân vật và không gian là 3 yếu tố cơ bản khiến cho tác phẩm của nhà văn này trở thành “thỏi nam châm” đối với các nhà làm phim.

Thứ nhất, về câu chuyện, truyện Nguyễn Nhật Ánh lôi cuốn người đọc bởi những câu chuyện hấp dẫn từ đầu đến cuối được kể bằng giọng điệu trong trẻo, hài hước, tạo cảm giác dễ chịu với kết cấu đơn giản. Một số truyện có cốt truyện ly kỳ, mang màu sắc trinh thám (Kính vạn hoa). Đặc biệt, Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng được một thế giới học đường thu nhỏ với hình ảnh của học trò, thầy cô giáo, của lớp học, mái trường (Áo trắng sân trường, Cô gái đến từ hôm qua). Đó đều là những câu chuyện sinh động, gắn với những cung bậc vui buồn, những trò nghịch ngợm, những trò chơi thú vị, những thông điệp ý nghĩa và không thiếu những tình tiết bất ngờ, hoàn toàn phù hợp với tính chất trực quan của điện ảnh. Hơn thế, mỗi câu chuyện nhà văn kể đều gắn với một bài học giáo dục nhẹ nhàng. Điều đó hẳn cũng khiến các nhà làm phim quan tâm, đặc biệt là với những phim dành cho đối tượng thiếu nhi.

Thứ hai, về nhân vật, có thể nói, truyện Nguyễn Nhật Ánh thành công phần nhiều nhờ vào một thế giới nhân vật đa dạng, đa sắc, bao gồm cả người lớn, trẻ nhỏ và nhân vật ở độ tuổi “lưng chừng” nửa trẻ con nửa người lớn. Nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh thường gây ấn tượng bởi ngoại hình và những nét tính cách nổi bật. Nguyễn Nhật Ánh luôn đặc biệt chú ý gia công cho các nhân vật của mình từ ngôn ngữ, hành động đến tính cách và thế giới nội tâm, do đó nhân vật thường có cá tính riêng biệt, không thể trộn lẫn (như Tường, Mận, Thiều trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, hay Quý ròm, nhỏ Hạnh, Tiểu Long trong Kính vạn hoa). Nhờ vậy, truyện của Nguyễn Nhật Ánh đã cung cấp cho điện ảnh một hệ thống nhân vật rõ nét, dễ hình dung, dễ kiến tạo trên màn ảnh.

Thứ ba, về không gian, Nguyễn Nhật Ánh thường sử dụng những không gian quen thuộc như trường học, khu tập thể, vùng nông thôn… trong các câu chuyện của mình. Đó đều là những không gian mang tính chất tiêu biểu và dễ “gợi nhớ”. Chẳng hạn, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thành công với việc xây dựng không gian phim dựa trên một quan niệm chung về “quê hương”, “làng quê”, “tuổi thơ”: Cánh đồng xanh bất tận, bầu trời rộng mở, sông nước, những con đường đất… Chính vì thế, khán giả có cảm giác “trở về”, nhớ lại một miền ký ức trong sáng của tuổi thơ, dù cho sự trùng khớp giữa không gian truyện (hay phim) và ký ức mỗi người là nhiều, ít hay thậm chí không có. Bộ phim mượn một ký ức rất chung và cộng đồng (những cánh đồng xanh, hoa vàng, bầu trời, dòng sông...) như cầu nối để đến với niềm yêu mến dành cho quê hương và tuổi thơ rất riêng ở mỗi người. Đó là những không gian mang đậm tính điện ảnh, gợi nhiều xúc cảm mà chắc hẳn nhiều nhà làm phim mong muốn kiếm tìm.

Ngoài 3 yếu tố trên, sự nhạy bén của các nhà làm phim khi lựa chọn bối cảnh phát hành đã tăng thêm điểm cộng cho các tác phẩm chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Trong những năm gần đây, điện ảnh chứng kiến sự bùng nổ và phát triển mạnh của thể loại phim hành động Hollywood. Đạo diễn Victor Vũ và sau đó là Phan Gia Nhật Linh đã lựa chọn được một thời điểm “đắt giá” để chuyển thể hai tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cô gái đến từ hôm qua của Nguyễn Nhật Ánh lên màn ảnh rộng: Đó là khi thị trường phim đã quá bão hòa và đơn sắc (với khoảng 30-35 phim thuộc thể loại giả tưởng/hành động/siêu anh hùng ra rạp trong các năm: 2015, 2016, 2017). Khi khán giả đã rất quen thuộc với những tình tiết gay cấn, những pha hành động giật gân thì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cô gái đến từ hôm qua trở thành điểm khác thường, kỳ lạ và lôi cuốn. Những câu chuyện về 3 đứa trẻ nông thôn, về tình yêu học trò tưởng như không thể hấp dẫn bằng những trận chiến ngoài không gian hay anh hùng diệt quái vật, nhưng thực chất lại lôi kéo khán giả bằng cách cho họ tìm thấy một phần của chính mình trong phim.

Với những lợi thế nói trên, hứa hẹn sẽ có thêm những tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh được hiện diện trên màn ảnh.

Tiến sĩ LÊ THỊ DƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)