Những bước chân đi về hướng mặt trời

Thứ Sáu, 13/04/2018 10:34
logoKhi tôi tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa Đà Nẵng, chợt những lời thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cứ  thế ngân lên Người ra mũi sóng kết những vòng cung/ Những vòng cung viễn vọng/ Tiếp máu đất liền/ Đảo mở buồm về phương biển rộng…/ Từ vòng cung đất liền những đảo biếc vươn khơi/ Cánh tay đảo nâng vòng cung biển (Vòng cung đảo).
Nguyễn Quang Hưng là nhà thơ thế hệ 8X - cũng như nhiều nhà thơ trẻ, Hưng biết đến thời bom đạn chiến tranh qua lời kể của ông bà, qua những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Khói lửa chiến tranh đôi khi là niềm đau không hạnh ngộ. Tập thơ Cột mốc trong người của Hưng được chắt chiu từ những cảm xúc khi chạm sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa, hay đặt chân lên những mảnh đất địa đầu Tổ quốc trong những chuyến thực tế dưới con mắt của một nhà báo.
Những dòng thơ viết lên thực đến tận cùng và đau cũng tận cùng. Hình như, nhiều khoảnh khắc của chiến tranh được dựng lại bằng những câu thơ, nhẹ nhưng đọc lên lại trỗi đầy cảm xúc: Không thể, không khi nào đánh số/ Ở khắp nơi tình yêu biển/ Những tình yêu như thư ngày thường/ Vẫn viết lên bầu trời không ngủ (Thư Phan Vinh). Đối với những người lính đang ngày đêm canh giữ bình yên cho Tổ quốc, những lá thư, chính là nơi neo chặt nỗi nhớ thương quê nhà và biển đảo. Niềm hạnh phúc, đôi khi cũng giản đơn như khi bình minh lên được ngắm trọn mặt trời. Tình yêu từ những cánh thư, đã trở nên một điều huyền diệu, vẽ lên bầu trời rất xanh một nỗi nhớ.
Thức cảm Trường Sa như mạch máu nối trong mỗi nơ ron thần kinh để nhà thơ trẻ nhẹ từng bước chân trên đảo, trên triền sóng, trên những môi cười. Nếu không đến với Hoàng Sa, Trường Sa, không thể cảm nhận được mạch thở của đại dương tiếp nối đất liền trong mỗi trái tim. Người trên nhà giàn nhẩm tính tháng ngày/ Bằng những vầng mây đổi nhau phiên gác/ Bằng những chuyến tàu chở nặng tiếng người/ Tiếng người ra thăm ngọt như hương đất…/ Sóng lớp lớp mây bay/ Người lớp lớp bồng súng canh biển/ Gió từ nhà giàn/  Mở đường người đến/ Thổi mãi theo tâm trí người đi (Gió nhà giàn)

 
ddd
Bìa tập thơ Cột mốc trong người của tác giả Nguyễn Quang Hưng.
 
Tập thơ Cột mốc trong người được tác giả sắp xếp theo bốn nội dung với Ru vầng mây đỏ - Vòng cung đảo - Thế trận - Sao ngày thường.  Ở mỗi chủ đề thơ này đều khắc họa được hình ảnh người lính từ mọi vùng miền. Từ đồng bằng đến cao nguyên, từ đất liền đến biển đảo. Hình ảnh người lính được khắc họa dung dị, đầy bản lĩnh, nhưng lại rất gần với cuộc sống đời thường. Cũng với tình cảm được vun đắp lên từ tình yêu quê hương, niềm tự hào lính đảo, hay ở những vùng cao nguyên trên Đồng Văn, Hà Giang.
Người lính, ở vị trí nào, cũng luôn mang trong tim mình những trọng trách, nhiệm vụ và vẫn thả rơi nỗi nhớ nhà trong những buổi hoàng hôn. Dành một tình cảm đặc biệt với những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ Quốc, thơ Nguyễn Quang Hưng viết về Trường Sa xúc động: Mắt sóng mọc đến chân trời/ Từ ánh mắt những người lính/ Mấy chục năm giữ đội hình dưới biển/ Vẫn trừng lên tiếng thét…/ Con lặn vào ánh mắt những người ra khơi xa/ Lưng dựa lưng bấm chân trên đảo thép/ Mẹ nhớ con hãy ôm những bờ vai gân guốc/ Để thấy con trong sóng mắt mở không ngừng (Mắt sóng Trường Sa). Đó là những câu thơ đọc lên cứ lặn vào tim một nỗi đau xen lẫn tự hào. Mỗi người dân đất Việt, đi đâu, làm gì, vẫn đau đáu một niềm tự hào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng, trên mỗi con sóng, trên mỗi một ngọn hải đăng, đã có máu đổ xuống, đã có nước mắt mặn hơn cả biển.
Và trong Cột mốc trong người,  hình ảnh những người ngư dân Việt Nam bước vào thơ nhẹ như hơi thở mà cứ phải khắc cốt ghi tâm: Chụm lửa trên nước lớn/ Những thuyền như đốm lửa/ Rong khắp biển/ Hồn nhiên mưu sinh/ Trên biển nước mình/ Lửa tự cháy thành cờ Tổ quốc…/ Nhớ về gieo khúc hát/ Trên bãi bờ xanh mát tàu thuyền/ Để đất lại sinh những ngư dân/ Lấp lánh màu đồng xuống biển (Khúc ca ngư dân). Sự kết nối của những trái tim Việt Nam, từ người ngư dân đến người lính đảo, từ bao tâm hồn, trái tim người Việt Nam.
Đọc tập thơ Cột mốc trong người, tôi nghĩ nhiều về những niềm kiêu hãnh nhất của những người lính- khi bước chân chưa bao giờ ngưng nghỉ, vẫn hướng về phía mặt trời soi bóng tháng năm trôi: Bầu trời trắng/ Nay trắng them những vệt hình người/ Lòng biển xanh hơn từ áo người ở lại/ Nước mặn thêm nước mắt…/ Hãy nhớ chúng tôi! Để hướng về phía trước (Ỹ nghĩ lưng trời). Đi về phía mặt trời, có biển biếc và sóng xanh. Tình yêu đất nước, tình yêu lứa đôi, nỗi nhớ và niềm tự hào về những phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc đã ngân lên trong thơ Nguyễn Quang Hưng. Nhà thơ xúc động khi viết những câu thơ tận đáy tim mình: Đường chủ quyền đâu chỉ dọc biên giới / Mỗi chúng ta mang cột mốc trong người (Nhận tin bão xa).


Nguyễn Thị Anh Đào

 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)