Thực chất của một tiểu thuyết lừng danh - tại sao lại là "Số đỏ"?

Thứ Tư, 25/04/2018 00:53
. NGUYỄN THANH TÂM

Số đỏ (1936) là tiểu thuyết lừng danh của Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939). Việc nghiên cứu Số đỏ cũng như di sản nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng, dẫu chưa hoàn kết nhưng cũng đã có nhiều thành tựu. Tuy nhiên, những câu hỏi được đặt ra vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng: Tại sao Vũ Trọng Phụng đặt tên tác phẩm của mình là Số đỏ? Số đỏ có đơn giản chỉ là câu chuyện về cuộc đời may mắn của một nhân vật?

Nếu chỉ hiểu rằng: Số đỏ: số phận may mắn của một nhân vật thì thực chưa đánh giá hết tầm vóc Vũ Trọng Phụng, đặc biệt là tư tưởng nghệ thuật, tư tưởng xã hội của ông. Thêm nữa, trước khi là tiểu thuyết gia, Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là “vua phóng sự”, bởi thế, chất phóng sự, nhất là tư liệu hẳn sẽ ám ảnh thậm chí xâm nhập vào cấu trúc tiểu thuyết. Từ góc nhìn của phóng sự, tư liệu, thông qua nghệ thuật tiểu thuyết, hình ảnh của phong hoá thời đại, xã hội hiện lên có khi lại sinh động hơn, gần với thực tại vốn có của nó hơn. Bởi, chính Vũ Trọng Phụng đã nói trong Lục xì, “việc này không phải chỉ là một vấn đề xã hội. Việc này lại là một vấn đề phong hoá nữa”(1).

Trong phóng sự nhiều kì Hà Nội ban đêm, đăng trên Phong hoá (từ số 36 đến số 60, năm 1933) Việt Sinh (Thạch Lam) - Tràng Khanh đã cung cấp rất nhiều chi tiết về cái gọi là “Số đỏ”(2). Theo đó, số đỏ là số nhà, sơn đỏ, được sở kiểm dịch y tế gắn cho các nhà thổ. Những cô gái bán dâm trong các nhà thổ này phải đến y tế để trình báo và kiểm tra, cấp phép hành nghề. Có điều, khi đã vào dạng “Số đỏ”, nghĩa là hết thời, hết sắc, sắp về già - đĩ rạc rầy. Nhà thổ ở Hà Nội rất nhiều, nhưng chỉ có khoảng hơn 30 nhà có “Số đỏ”(3). Những cô gái “Số đỏ” là loại làm đĩ chuyên nghiệp hay như Vũ Trọng Phụng viết trong Lục xì: đĩ có giấy, “buôn bán có môn bài”. Trong thiên phóng sự này, Việt Sinh cũng nêu lên thái độ của xã hội đối với loại gái “Số đỏ”: khinh bỉ, ghê tởm, xa lánh. Dĩ nhiên, trong vai trò là các kí giả thâm nhập Hà Nội ban đêm, Việt Sinh và Tràng Khanh cũng như tinh thần của Phong hoá là phô bày cuộc sống đáng thương của một bộ phận người trong xã hội thời bấy giờ(4). Thực tế, hạng gái “Số đỏ” trong mắt xã hội đương thời là những kẻ đê tiện, hèn hạ, sống ở những nơi nhơ bẩn. Về thân xác, đó là “cái kho vi trùng các bệnh nguy hiểm”(5) của những kẻ mang ủ và gieo rắc mầm bệnh lậu, giang mai,… là những bệnh rất phổ biến trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Các loại thuốc trị bệnh lậu, giang mai được rao rất nhiều, trên khắp các mặt báo - có thể thấy qua Phong hoá - Ngày nay. Cũng theo số liệu mà Vũ Trọng Phụng khai thác được từ Sở vệ sinh và các bác sĩ Pháp ở Hà Nội: 74% lính Pháp ở Bắc Kì bị bệnh hoa liễu (1914), 70% người bị bệnh về mắt là do biến chứng từ bệnh lậu, cứ 4000 trẻ sơ sinh chết trong đó có chừng 1000 trẻ là do cha mẹ mắc giang mai, lậu(6). Ta cũng hiểu vì sao Xuân tóc đỏ lại có nghề rao thuốc lậu.

Lấy tên tác phẩm là Số đỏ, Vũ Trọng Phụng không chỉ ám chỉ số phận may mắn của Xuân. Số đỏ là một ẩn dụ, một ám chỉ (thậm chí hơn thế) cho tất cả các nhân vật trong tác phẩm. Đặt các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng trong một mạch liên tục, Cạm bẫy người, Cơm thầy cơm cô, Lục xì. Kĩ nghệ lấy Tây, Làm đĩ, Số đỏ, Giông tố, ta sẽ thấy chủ đề và những quan tâm rộng lớn hơn số phận một con người của Vũ Trọng Phụng (thực tế là Vũ Trọng Phụng đâu cần phải quan tâm đến số phận của một tên ma cà bông như Xuân tóc đỏ). Số đỏ, như thế phải là một diễn ngôn về đặc tính của xã hội lúc bấy giờ. Nó không chỉ là xã hội “chó đểu” như Vũ đã thốt ra. Mà tởm hơn: đĩ bợm - “cái nạn làm đĩ của loài người xưa nay”(7). Một xã hội đĩ. Đĩ từ thằng già đến thằng trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, từ gái có chồng, chết chồng đến chưa chồng. Đĩ từ thi sĩ, nhà thể thao đến thầy lang, sư sãi. Đĩ không chỉ là nghề mại dâm nữa, mà là đặc tính xã hội. Từ Xuân tóc đỏ, cụ cố tổ, cụ cố Hồng, mụ Phó Đoan, vợ chồng Văn Minh, cô Hoàng Hôn, cô Tuyết, ông Typn, “em chã”, sư cụ Tăng Phú, các quan khách dự đám ma cụ cố, cậu tú Tân,… mỗi nhân vật đều hiện lên với cái vẻ nét đĩ bợm riêng của mình. Nhân vật nào cũng đáng cười, đáng khinh, bệnh hoạn, ghê tởm. Nhưng, tất cả lại được giấu sau vẻ rất phong lưu, lịch lãm, sang trọng của giới trưởng giả. Những lớp che phủ ấy không khác gì lớp son phấn nước hoa trên người gái bán dâm. Nó che giấu cái tật bệnh, ung nhọt, nhơ nhớp bên trong. Điều này ta cũng có thể thấy qua Lục xì - phóng sự của Vũ Trọng Phụng. Một câu chuyện khác, có liên quan, đã nói rõ hơn tinh thần này của Vũ Trọng Phụng, đó là cuộc gặp gỡ của Minh Phượng (Nxb Minh Phượng), Nguyễn Vỹ và Vũ Trọng Phụng. Trong cuộc nói chuyện đó, Vũ Trọng Phụng thừa nhận ông viết Lục xì để nói cái bẩn. Nếu đọc mà không ghê tởm thì chẳng hiểu gì hoặc xem như không đọc gì Vũ Trọng Phụng (8).

Hãy tưởng tượng, tiểu thuyết Số đỏ như một ngôi nhà, ngôi nhà đó được đóng số đỏ, chúng ta sẽ thấy đầy đủ hơn nhãn quan xã hội của Vũ Trọng Phụng. Trong Lục xì, Vũ Trọng Phụng đưa ra con số: Hà Nội có hơn 5000 gái mại dâm (chưa kể hạng ả đào và gái nhảy các vùng ngoại ô). Con số này do Sở liêm phóng (Sở mật thám) cung cấp, là số liệu đáng tin cậy. Tính ra, Hà Nội khi ấy, dân số có mười tám vạn, cứ 35 người thì có một người làm đĩ. Hoàng Thiếu Sơn trong lời giới thiệu Lục xì cũng nói rằng, nên đọc tác phẩm này như một tài liệu khoa học, y tế. Lục xì là bệnh viện - phúc đường, để chữa bệnh cho gái mại dâm ở Hà Nội. Một chú thích ở Lục xì giúp ta hiểu rõ hơn điều đó: Nhà số đỏ: “Nhà chứa gái đĩ ngày ấy. Số nhà phải ghi thành chữ đỏ, để phân biệt với các nhà thường dân mà số nhà đều màu xanh”(9). Thông qua Lục xì chúng ta thấy thái độ của Vũ Trọng Phụng đối với nạn đĩ điếm: “vết thương đáng ghê tởm của nhân loại”(10). Vì thế, nếu phải chọn một từ để lột tả hết bản chất, đặc tính của xã hội khiến cho nhà văn họ Vũ phải ghê tởm đến thế chỉ có thể là từ Đĩ/ Số đỏ. Có lẽ, những phẫn uất của Vũ Trọng Phụng với cuộc đời, số phận đã chi phối khá nhiều đến điểm nhìn và thái độ của ông. Phải lựa chọn một biểu tượng nào đó để phô bày hết tất cả bản chất, đặc tính của xã hội và lồng được vào đó thái độ của người viết, đã đưa Vũ Trọng Phụng đến với “số đỏ”. Cũng cần liên hệ thêm, trong một mạch khác của sự diễn giải, ngay ở đó, ta cũng có thể đọc ra những đau đớn của đời sống văn sĩ mà Vũ Trọng Phụng đã trót sa chân vào. Vũ Trọng Phụng phải viết foieurton trên báo để kiếm tiền. Ông viết trong trạng thái không nhớ mình đã viết gì, diễn biến câu chuyện đến đâu. Điều này, dù thật tàn nhẫn, vẫn không sao ngăn được liên tưởng về câu chuyện hành nghề của gái nhà đỏ. Những kẻ buộc phải làm thứ công việc mà chẳng yêu đương, thích thú, lạc khoái gì, chỉ để kiếm sống, nuôi thân. Nếu, trong Kĩ nghệ lấy Tây, Vũ Trọng Phụng ví cái giường của mụ me Tây với cây dùi cui của thầy đội sếp thì thiết tưởng ta cũng có thể ví cái giường của gái nhà đỏ với bàn viết của hạng văn sĩ này. Vũ Trọng Phụng ý thức đến đau đớn bi kịch của mình, vì thế lại càng phẫn uất. Và có thể nào, trong chính những trang viết nhọc nhằn ấy, ông đã tự chửi rủa bản thân, miệt thị thứ văn chương, viết lách mà ông vẫn hàng ngày lăn xả vào để kiếm sống.

 
số đỏ vũ trọng phụng

Nhìn lại thời điểm các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng ra đời: Cạm bẫy người (1933), Kĩ nghệ lấy Tây (1934), Số đỏ (1936), Làm đĩ (1936), Lục xì (1937), chúng ta nhận ra những quan tâm thường xuyên và cả những ám ảnh của Vũ Trọng Phụng với mảng đề tài này. Như thế, vấn đề tình dục hay cái dâm trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng không phải là một trọng tâm, mà sâu hơn đó là vấn đề cái bẩn, ô uế, đồi bại, ghê tởm của xã hội, của phong hoá. Nói rõ hơn, Số đỏ là diễn ngôn về đặc tính dâm - đĩ (bệnh hoạn) của xã hội Việt Nam buổi giao thời. Chẳng thế, Lưu Trọng Lư trong điếu văn đọc trước mộ Vũ Trọng Phụng đã viết: “Tất cả sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng là phơi bày, là chế nhạo tất cả những cái rởm, cái xấu, cái bần tiện, cái đồi bại của một hạng người, một thời đại”(11). Như thế, hiện thực của Số đỏ là gì? Với những tư liệu có được về “Số đỏ”, có thể nói đó là một hiện thực ĐĨ BỢM. Hiện thực ấy hiện lên với đầy đủ tính chất: rởm, bẩn, xấu xa của nó. Nhưng, rởm lại cũng có nhiều dạng thái. Có cái rởm khiến người ta buồn cười, lảng tránh. Có cái rởm khiến người ta ghét, khinh. Có cái rởm khiến người ta vừa cười, vừa ghét, vừa khinh lại vừa ghê tởm. Ấy chính là cái rởm của “Số đỏ”, cái rởm lợm của một ổ đĩ. Có lẽ, những biểu hiện này là nguyên nhân để toà án truy tố Vũ Trọng Phụng về tội “chửi phong hoá”(12).

Vì sự nhục nhã, xấu xa, nên không ai dám công khai việc mãi dâm, mại dâm. Thành ra, số gái mại dâm có số đỏ ở Hà Nội rất ít (phần nhiều là đĩ trốn thuế). Nhà có số đỏ cũng rất ít. Điều này gợi lên những suy luận về việc Vũ Trọng Phụng làm động tác cấp số đỏ cho thế giới mà mình tạo nên trong tiểu thuyết Số đỏ. Tất cả đều được đóng số đỏ, nghĩa là được cấp phép, được kiểm duyệt, được công khai hoá. Vậy thì, tiểu thuyết Số đỏ hẳn là một sự công khai hoá những kẻ mại dâm của xã hội Việt Nam lúc ấy. Một người nhạy cảm với cái xấu, cái ác, cái đểu, cái ghê tởm,… như Vũ Trọng Phụng, không thể đứng ngoài vấn đề mại dâm vốn là vấn đề rất lớn của Hà Nội (và Sài Gòn) những năm 30, 40 của thế kỉ XX. Trong một trích dẫn từ nghiên cứu của mình, Đặng Vân Chi nêu lên việc gái mại dâm bị buộc muôn nghìn tội lỗi(13). Mại dâm thành một cái nạn và liên tục trên báo chí các bài phóng sự điều tra được tiến hành. Điều đó, lí giải vì sao, “đĩ” trở thành một biểu tượng, thâu thái trường cảm xúc, thái độ của Vũ Trọng Phụng đối với xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Còn từ gì xấu xa hơn từ “đĩ” để nói về cái xấu của xã hội lúc ấy. Vũ Trọng Phụng là nhà văn sành sỏi về chữ nghĩa, ông đặc biệt xuất sắc về ngôn ngữ, giọng điệu, cấu trúc cùng các thủ pháp tạo dựng tình huống, ngữ cảnh, biểu đạt. Do vậy, nếu chỉ hiểu Số đỏ là vận mệnh nhân vật Xuân tóc đỏ thì chẳng phải đã đánh giá chưa hết Vũ Trọng Phụng hay sao?

Mại dâm là một hiện tượng xã hội. Thời xưa, quan hệ tình dục ngoài vợ chồng (nếu được phép) thường có thể được xem là một nghi lễ dâng hiến lên thần thánh, thì với sự phát triển của thị thành kiểu phương Tây, yếu tố thị trường, hàng hoá phát triển đã đẩy những hình thức này sang trạng thái mua bán, kinh doanh, lợi nhuận. Như thế, một liên tưởng không phải không có căn cứ: mại dâm, đĩ điếm chính là sự hiện hình chiều kích ghê tởm của xã hội hiện đại, của thị trường. Ở khía cạnh này, thương mại tình dục như một tệ nạn, ta hiểu ý Henri Miler khi ông đòi hỏi việc gạt bỏ phương diện gớm ghiếc của cuộc hiện sinh, nhằm hướng đến những nhận thức tốt đẹp hơn về đời sống. Vũ Trọng Phụng viết Làm đĩ, Số đỏ, Kĩ nghệ lấy Tây, Lục xì,… có thể nào không dẫn chúng ta đến những suy tư về việc cá nhân cảm nhận sự thay đổi của xã hội từ góc độ mại dâm - nhất là một người ưa khám phá, thâm nhập thực tế và rất có tài phóng sự như Vũ Trọng Phụng. Đó không đơn giản là phong hoá suy đồi, mà còn là những biểu hiện của sự thay đổi đặc tính xã hội, của các biểu trưng, các chỉ dấu nhận diện thời đại. Lịch sử cận hiện đại Việt Nam có thể khai thác, phục hoạt từ nhiều góc độ, và mại dâm có thể là một góc nhìn về đời sống xã hội, sinh thái tinh thần của con người Việt Nam. Con số gái mại dâm, nhà thổ, bệnh dịch, nhà thương - lục xì, các hàng thuốc trị bệnh lậu, giang mai,… và cả những tác phẩm như của Vũ Trọng Phụng có thể xem là những dữ kiện xã hội học, nhân học quan trọng. Hướng tiếp cận này xem ra đến được gần hơn với cấu trúc tinh thần xã hội Việt Nam thời cận hiện đại.

Tuy nhiên, nếu chỉ thấy việc thể hiện cái xấu, cái đểu, cái bẩn, cái nhơ nhớp, ung nhọt của xã hội để xa lánh, để ghê tởm, xem ra lại cũng chưa đánh giá hết Vũ Trọng Phụng. Qua tác phẩm, qua các cuộc tranh luận “dâm hay không dâm”, và dường như qua cả cốt cách, đạo đức, luân lí trong con người tiểu sử Vũ Trọng Phụng… có thể thấy, ông viết về cái xấu đó để lên tiếng, kêu gọi sự thay đổi, chấn hưng xã hội, cứu vớt các giá trị trước cảnh “phong hoá suy đồi”. Thằng Xuân và thế giới đĩ trong Số đỏ cũng chỉ là nạn nhân, là cái uế tạp sinh ra từ cơ thể xã hội đang nung ủ ung nhọt, lở loét đến hồi bục vỡ. Hẳn là, Vũ thấm thía bi kịch bị đẩy đến nước làm đĩ: “sở dĩ có hạng phụ nữ ra thân làm đĩ” bị “tiếng đời dị nghị chê bai... xã hội mỉa mai, miệt thị, nhà đạo đức luân lí gọi là thứ vô giáo dục, kém đạo đức làm rối loạn lễ giáo phong tục” đó, “không phải tội lỗi nơi họ” mà là “tội ác của xã hội” (14). Vũ Trọng Phụng đau đớn khi chính mình cũng lâm vào bước đường cùng ấy. Xét cho cùng, trên bình diện phong hoá, sức ép của thị trường, cuộc mưu sinh đã kích hoạt “đĩ tính” trong mỗi con người và trong xã hội.

Số đỏ có thể được xem là một biểu hiện của tình trạng chấn thương nào đó ở Vũ Trọng Phụng. Sự căng thẳng lâu dài của tinh thần dẫn đến những biểu lộ có chiều hướng cực đoan không phải là không nhận thấy trong những trang tiểu thuyết, phóng sự của Vũ Trọng Phụng. Như Karen L.Thornber (giáo sư  Đại học Harvard - Hoa Kì) đã chỉ ra, sự căng thẳng lâu dài đó “quấy rối sự nguyên vẹn của cá nhân”(15). Rõ ràng, sự liên quan nào đó của tiểu sử luôn làm bận lòng những phân tích về thái độ và ứng xử của Vũ Trọng Phụng đối với cuộc đời, xã hội. Cảnh nghèo túng kéo dài, gánh nặng nuôi sống gia đình, những cảnh sống giàu có, ô trọc, bẩn thỉu trước mắt,… là những nhân tố khiến sự phẫn uất không ngừng được tăng lên trong cảm xúc, tinh thần của nhà văn. Thế nên, có thể hiểu được những tổn thương của Vũ Trọng Phụng khi ông xây dựng thế giới Số đỏ. Ông muốn nhét tất cả vào nhà thổ tởm lợm ấy cho thoả sự uất ức của mình. Trong Làm đĩ, ông để cho nhân vật nhấn mạnh: “Ông ghét nhất quân đạo đức giả”(16). Đạo đức giả, đểu, bẩn thỉu, lừa lọc,… là những chứng bệnh của xã hội trong sự nhập nhằng “mưa Âu gió Mĩ” mà trong mắt Vũ Trọng Phụng nó đục khoét như vi trùng giang mai, hoa liễu. Mối liên hệ ở đây chính là trường liên tưởng của Vũ Trọng Phụng. Cơ sở của liên tưởng là cuộc đời ông, cảnh sống của ông, cảnh sống của bọn thượng lưu hạ đẳng, của đám trưởng giả đạo đức giả, sự lên ngôi của cái rởm,… Ông cần một đối tượng để liên hệ đến. Và, để thích đáng nhất cho liên tưởng của mình, ông chọn “số đỏ”. Số đỏ là phương thuốc để tự chữa trị những chấn thương cho Vũ Trọng Phụng. Và từ đó, qua những biểu hiện nơi tiểu thuyết Số đỏ, những tư liệu về nạn mại dâm, về sức ép kinh tế thị trường trong đô thị kiểu phương Tây, sự lên ngôi của thương mại, dịch vụ, đồng tiền, sự phá sản của cấu trúc xã hội phương Đông và người nông dân, những đe doạ về sinh kế,… đã khiến cho phong hoá xã hội có những diễn biến theo hướng “suy đồi”. Dĩ nhiên, cái nhìn của Vũ Trọng Phụng cũng mang nhiều thiên kiến (thậm chí ông bị trừng phạt vì điều đó), nhưng, rõ ràng đó là những tham khảo hữu ích trong cái nhìn hồi cố cũng như rọi chiếu những suy tư về đương đại.

N.T.T
______
 
1. Vũ Trọng Phụng, Lục xì, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998, tr. 9.
2. Việt Sinh - Tràng Khanh, “Hà Nội ban đêm”, Phong hoá, số 40, ngày 31 Mars, 1933, tr. 2.
3. Việt Sinh - Tràng Khanh, “Hà Nội ban đêm”,Phong hoá, số 54, thứ 6, ngày 7 Juillet, 1933, tr. 2.
4. Lời thưa trước, Phóng sự “Hà Nội ban đêm”, Phong hoá, số 45, thứ 6, mùng 5, Mai, 1933, tr. 2. Xem thêm, Việt Sinh, “Cái luân lí của Hà Nội ban đêm”, Phong hoá, số 57, thứ 6, ngày 28, Juillet, 1933, tr. 2.
5. Việt Sinh - Tràng Khanh, “Hà Nội ban đêm”, Phong hoá, số 48, thứ 6, ngày 26, Mai, 1933, tr. 2.
6. Vũ Trọng Phụng, Lục xì, sđd, tr. 22.
7. Vũ Trọng Phụng, Lục xì, sđd, tr. 26.
8. Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1969, tr. 52.
9. Vũ Trọng Phụng, Lục xì, sđd, tr. 30.
10. Vũ Trọng Phụng, Lục xì, sđd, tr. 29.
11. Lưu Trọng Lư, “Điếu văn đọc ngày 15/10/1939, bên mộ Vũ Trọng Phụng”, Tiểu thuyết thứ Bảy, Số 284, ngày 11/11/1939, tr. 7.
12. Lại Nguyên Ân, “Vài tư liệu về việc Vũ Trọng Phụng bị gọi ra toà năm 1932”, http://lainguyenan.free.fr.
13. Đặng Vân Chi, “Báo chí tiếng Việt và vấn đề mại dâm trong xã hội Việt Nam thời thuộc địa”, Nghiên cứu Gia đình và Giới, Số 1, 2008, từ tr. 34 đến tr. 43.
14. Công luận, ngày 7/3/1932, Dẫn theo, Đặng Vân Chi, tldd.
15. Karen L. Thornber, “Lý thuyết chấn thương”, Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2016, tr. 120.
16. Nhiều tác giả, Văn học Việt Nam thế kỷ XX (Tiểu thuyết trước 1945), Q.1, tập IX, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, tr. 589.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)