Tô Hoài - văn chương như là cuộc đời

Thứ Năm, 17/05/2018 00:17
. ĐỖ HẢI NINH

to hoai d zaujTrong Cát bụi chân ai, Tô Hoài kể việc ông từng tham gia cải cách ruộng đất. Câu chuyện này cũng được nhắc đến trong Chiều chiều và tiểu thuyết Ba người khác. Ngoài ra, còn một số nhân vật, chi tiết đã từng xuất hiện trong Cát bụi chân ai Chiều chiều được “tái chế” trong Ba người khác. Vậy sự trùng lặp, láy đi láy lại các chi tiết, địa danh đó có ý nghĩa như thế nào ở ba tác phẩm: Cát bụi chân ai, Chiều chiềuBa người khác?

Trong ba tác phẩm đều có sự xuất hiện của người kể chuyện trần thuật ở ngôi thứ nhất - nhân vật xưng “tôi” - cung cấp thông tin chi tiết về vụ cải cách ruộng đất, những địa điểm, các đợt tham gia và chức vụ của bản thân (đội phó phụ trách tòa án). Nhưng trong Cát bụi chân aiChiều chiều sự hiện diện của Tô Hoài và những quãng đời, những gương mặt bè bạn văn chương khá rõ nét khiến người đọc dễ dàng nhận ra đây là các hồi kí của Tô Hoài (mặc dù tên nhân vật có đổi khác - “tôi” trong Chiều chiều được gọi là Tư). Tiểu thuyết Ba người khác mặc dù sử dụng lại một số chi tiết của các cuốn hồi kí, nhưng nhân vật “tôi” có nhiều “biến tấu”: nhân vật Nguyễn Văn Bối có những “song trùng và độ lệch” so với “tôi” trong hồi kí. Tuy nhiên, ngay khi vừa thông báo về việc thăng chức đội phó phụ trách tòa án thì số phận nhân vật Bối bất ngờ rẽ ngoặt và chuyển hướng xuống dốc: bị thôi việc vì có đơn tố cáo tội hủ hóa ở địa phương, rồi sống bằng nghề bơm xe đạp, vạ vật đầu đường xó chợ một thân một mình,... Nhân vật Bối là một kẻ khác, một hư cấu của tiểu thuyết, mặc dù Tô Hoài từng có lần so sánh: “tôi chỉ là anh Bối thôi. Anh Bối không biết gì nhưng anh Bối đi cải cách ba lần nên viết được” (Tọa đàm Ba người khác tại Viện Văn học ngày 22/12/2006). Theo lời Tô Hoài, anh Bối mang hình bóng của chính ông vì chẳng biết tí gì về nghề nông thế nhưng đi cải cách ruộng đất mấy đợt vẫn dạy cho nông dân kể khổ, đấu địa chủ, rồi thống kê sào mẫu, rồi cắm thẻ chia ruộng…. Bản thân Tô Hoài khi được hỏi Ba người khác là truyện hay hồi kí cũng thừa nhận cuốn sách này ông viết đã lâu nhưng đề là hồi kí thì khó in. Rõ ràng trong tiểu thuyết này, dấu vết của hồi kí vẫn còn, nhưng Tô Hoài đã chọn cách diễn đạt là tiểu thuyết với mục đích rất rõ ràng để xuất bản và công bố tác phẩm của mình. Một vài so sánh, đối chiếu qua ba tác phẩm trên đây cho thấy văn chương của Tô Hoài là sự trộn lẫn một cách tài tình, biến hóa giữa hư cấu và sự thực. Không chỉ hấp dẫn người đọc ở nguồn tư liệu tươi rói về đời sống văn nghệ một thời mà còn ở giọng kể và cách tạo không khí truyện kể. Dù ở thể loại nào, hồi kí hay tiểu thuyết, người kể chuyện trần thuật ở ngôi thứ nhất xuyên suốt ba tác phẩm vẫn là nhân vật giàu trải nghiệm, luôn chuyển dẫn từ quá khứ đến hiện tại nhờ hồi tưởng và liên tưởng, với giọng kể hóm hỉnh thể hiện cái nhìn bình thản và an nhiên trước mọi biến cố... Sự linh hoạt của ngòi bút và phong cách văn xuôi hấp dẫn của Tô Hoài có lẽ bắt nguồn từ chính quan niệm của ông: cuộc đời như là văn chương. Với Tô Hoài, những gì ở cuộc đời đều thấy trong văn chương của ông, những gì ông chứng kiến, trải qua đều được phục hiện và trở thành những chi tiết sống động trong tác phẩm. Bản thân cuộc đời Tô Hoài cũng là một tổng tập tác phẩm với nhiều chương đoạn mà khúc nào cũng đáng nhớ, đáng kể lại. Văn chương của Tô Hoài cũng giản dị như chính cuộc đời, không đao to búa lớn  hay triết lí cao siêu, không màu mè, hoa hòe hoa sói mà đơn giản chỉ là những câu chuyện trần ai, những nhân vật của cuộc sống hàng ngày với đủ thứ lo toan cơm áo, ăn uống, viết lách, đối nhân xử thế và cả những vòng xoáy cuốn đi bao trang đời, số phận.

 
cat bui chan ai to hoai chieu chieu banguoikhac sachkhaitam

Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ với số lượng hơn 200 đầu sách, ngay từ những tác phẩm đầu tiên, Tô Hoài đã viết bằng trải nghiệm của chính mình. Ngay cả tác phẩm hư cấu về thế giới loài vật như Dế mèn phiêu lưu kí cũng được viết nên từ kỉ niệm thuở thiếu thời và gắn với lí tưởng “thế giới đại đồng” của nhà văn thời kì Mặt trận Bình dân. Trong gia tài sáng tác của Tô Hoài, hồi kí, tự truyện là một mảng luôn song hành với những thể loại khác và xuyên thấm vào các thể loại khác, bên cạnh Cỏ dại, Tự truyện là Quê nhà, Mười năm, Quê người, cùng với Cát bụi chân ai, Chiều chiềuBa người khác. Nhìn lại toàn bộ tác phẩm của Tô Hoài có thể thấy rất rõ ý thức kể lại câu chuyện cuộc đời và lịch sử, bởi vậy, từng quãng đời của chính tác giả đều lần lượt được nhắc đến: Cỏ dại là những kí ức tuổi thơ ở một làng quê vùng ven đô nối đến Tự truyện là quãng bắt đầu đi học (Mùa hạ đến mùa xuân đi), tham gia phong trào Ái hữu (Những người thợ cửi), đi làm và bước chân vào nghề viết, tham gia kháng chiến và cách mạng (Một quãng đường), rồi đến cải cách ruộng đất, chỉnh huấn văn nghệ, đi thực tế nông thôn (Cát bụi chân ai, Chiều chiều)… Có thể thấy tính hệ thống trong các hồi kí, tự truyện khi ông dường như không muốn bỏ sót những quãng đời, những sự kiện và những gương mặt mà ông là nhân chứng, người can dự, từng biết, từng gặp. Chính Tô Hoài từng phát biểu trong tọa đàm về Ba người khác: Ông muốn thế hệ sau được hiểu rõ về lịch sử một thời. Tạng văn của Tô Hoài phù hợp với hồi kí, tự truyện, bởi khả năng quan sát đời sống kĩ lưỡng, sự tỉ mỉ trong câu chuyện và tính độc sáng trong từng chi tiết. Các tác phẩm tự thuật của Tô Hoài tạo nên sức hút kì lạ bởi bút pháp thực mà hư, hư mà thực. Những câu chuyện, chi tiết trong tác phẩm đều chân thật và có tính xác thực, bởi có một “hợp đồng ngầm” giữa người kể và người đọc khi xuất hiện tên tuổi của các nhân vật nổi tiếng trong làng văn và các sự kiện văn chương, sự kiện lịch sử. Điều này khiến cho các tác phẩm của Tô Hoài dẫu không đề tên thể loại nhưng vẫn được xếp vào ô hồi kí, tự truyện - những thể loại mang tính tự thuật. Chính vì vậy, Cát bụi chân ai, Chiều chiều khi thì được gọi là hồi kí, khi là tự truyện cũng có khi đươc tiếp nhận như là tiểu thuyết. Thực ra, khó có thể phân định một ranh giới rõ ràng giữa hồi kí và tự truyện bởi hồi kí cũng có khi được coi là “một dạng tự truyện của tác giả”. Sự khác nhau ở chỗ, nếu như trong tự truyện, tâm điểm là cái tôi cá nhân của người viết và về bản chất, nó mang đặc trưng của truyện (giàu tính miêu tả, chú ý đến nghệ thuật kể) thì tâm điểm của hồi kí là thế giới bên ngoài, là bức tranh thời đại, mang đặc trưng của kí (nặng về tính sự kiện, tính xác thực). Trong các tác phẩm mang tính tự thuật của Tô Hoài, chỉ có Cỏ dại tập trung vào câu chuyện của Cu Bưởi, còn lại, kể cả Tự truyện đều tập trung đến những không gian lịch sử đặc biệt và những câu chuyện đời, những nhân vật xung quanh. Người kể chuyện hướng tới đối tượng là sự kiện chứ không nhằm thể hiện cái tôi bản thân và quá trình hình thành nhân cách, do đó, phần nhiều tác phẩm được coi là hồi kí. Những chi tiết, sự kiện ấy qua ngòi bút nhà văn trở thành chất liệu nghệ thuật, đầy thi vị và ám ảnh. Trong Cát bụi chân ai là không gian pha trộn giữa thực và ảo, là sự trở đi trở lại hình ảnh ngã sáu Hàng Kèn leo lét ánh đèn phố phường Hà Nội như là cái ngã sáu đường đời chập chờn bao kỉ niệm quá khứ, xa xôi mà như vừa mới ngay đây. Mạch trần thuật theo dòng liên tưởng, chen lẫn nhiều trữ tình ngoại đề khiến cho câu chuyện trở nên mơ hồ, khó nắm bắt. Cát bụi chân ai Chiều chiều có khá nhiều đoạn cảm thán bộc lộ cảm xúc của người kể chuyện: “Ôi thôi, bao nhiêu não nùng trần ai”, “Ôi sao chưa vào xuân mà đã tưởng hồng hoa. Hay là cứ tưởng ra thế?”. Dường như trong Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Tô Hoài có ý thức viết một tác phẩm văn chương và làm nhòa đi tính chất hồi kí, tự truyện khi ông chọn kể những câu chuyện hấp dẫn, ấn tượng, những chi tiết sinh động, chân thực, những nhân vật sắc nét, độc đáo. Hồi kí Tô Hoài đầy những kí ức chồng xếp, mạch liên kết tưởng chừng lộn xộn, đứt nối. Ông cảm nhận rất rõ những bước đi của thời gian và khoảng trống của đời người khi thời gian trôi đi. Riêng với Ba người khác, ý thức chuyển hóa dữ liệu kí ức thành tiểu thuyết đã hiện rõ trong cách nhà văn dàn dựng cuộc đời nhân vật Bối. Cái thực mà hư, hư mà thực ấy tạo cho tác phẩm Tô Hoài một độ mở mặc dù ông thường sử dụng cấu trúc hồi cố: mở đầu Cát bụi chân ai là gặp gỡ Nguyễn Tuân, kết thúc là tưởng nhớ Nguyễn Tuân; mở đầu Chiều chiều là chuyến đi thực tế Thái Bình, kết thúc về thăm lại làng Đồng; mở đầu Ba người khác là chuyện tham gia cải cách ruộng đất, kết thúc là chuyện liên quan đến anh đội năm nao và xóm cũ làng xưa. Đoạn kết bao giờ cũng gieo vào lòng người một thoáng mơ hồ, “như giấc chiêm bao”. Đó chính là nghệ thuật viết của Tô Hoài và là lựa chọn, ứng xử của nhà văn khi viết ra sự thật.

Sự xuất hiện của những tác phẩm giàu ý nghĩa phản tỉnh như Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác tất yếu ở trong không khí xã hội và thời điểm Đổi mới, có sự hậu thuẫn của nhiều yếu tố (vị thế và tuổi tác của nhà văn, sự phát triển bung ra của báo chí, xuất bản). Thời điểm những năm đầu Đổi mới đã chứng kiến sự nở rộ của kí, phóng sự, tiểu thuyết tư liệu cho thấy nhu cầu được nói lên sự thật lịch sử. Viết tự thuật, Tô Hoài có ý thức là chứng nhân lịch sử và kể lại lịch sử ấy cho những thế hệ sau. Chính vì vậy, những vụ án văn chương, sự kiện được ông nhìn nhận bằng một thái độ thẳng thắn, sòng phẳng với cái nhìn trực diện và bình thản. Bao nhiêu chuyện hài hước, chua chát của Tô Hoài làm người đọc “té ngửa” và thay đổi cách nhìn về sự thật lịch sử hoặc làm đảo lộn quan niệm, cách đọc tác phẩm từ trước tới nay. Cũng vì vậy mà tác phẩm của Tô Hoài thấm thía, sâu lắng hơn về những sai lầm, ấu trĩ của một thời, những oan khiên làm tan tác bao nhiêu số phận. Phải ngụp lặn trong môi trường đó, nắm bắt từng chân tơ kẽ tóc của biến cố thời cuộc và chiêm nghiệm sâu sắc lẽ đời, Tô Hoài mới có thể nghĩ và dám nói một cách rõ ràng về vụ án văn chương trước kia: “thực ra người ta chỉ đọc a dua rồi đánh đòn hội chợ. Cấp trên hô người ấy, bài ấy có vấn đề, tự nhiên cảm thấy có vấn đề thật và người ta dò tìm từng câu từng chữ”. Bằng một sự nhạy bén, Tô Hoài kể lại sự kiện theo cách của ông, khôn ngoan và khéo léo. Những sai lầm, lịch sử long trời lở đất được kể lại một cách điềm nhiên, thậm chí hài hước. Mọi thứ đều giản dị, như chính cuộc sống. Các tác phẩm tự thuật của ông, như đã nói ở trên, nhuốm màu sắc hư cấu mà chính ông hay gọi là những chuyện mơ màng, chính ông cũng không biết là thực hay là chiêm bao. Từ Cát bụi chân ai, Chiều chiều đến Ba người khác là hành trình thoát thai từ tự truyện, hồi kí thành tiểu thuyết. Tô Hoài đã lựa chọn những hình thức tiếp cận đời sống khác nhau (hồi kí, tự truyện, tiểu thuyết) nhưng về cơ bản vẫn là diễn ngôn về sự thật trong quá khứ. Tô Hoài luôn ngẫm nghĩ và chọn thời điểm để kể lại những câu chuyện cũ. Và, dù làm lộ ra những chuyện nhếch nhác, lôi thôi, những thói hư tật xấu của giới văn chương nhưng Tô Hoài luôn viết về họ với tình cảm trìu mến, thương quý. Tô Hoài cũng không ngần ngại bộc lộ cái vụng về, tầm thường của bản thân, không ngại ghi lại những đánh giá của đồng nghiệp về mình như “thằng ngoại ô láu cá, văn chương đẽo gọt”, “cái mặt mủm mỉm hiền lành không hiền lành”, “hữu khuynh”... Tô Hoài không ngại phơi bày những góc khuất sâu kín nhất của lịch sử và bản thân, bởi với ông, văn chương chính là cuộc đời.

Quan niệm cuộc đời như là văn chương, Tô Hoài đã viết những trang sách đời mình, hấp dẫn và thú vị. Cuốn sách đời người ấy vẫn sẽ tiếp tục được người đọc những thế hệ sau lật giở, sẻ chia. Ở một khía cạnh khác, từ những hình thức văn chương khác nhau, quá khứ đã trở về, rọi cái nhìn chất vấn vào hiện tại. Và xa hơn, tương lai là những dự phóng ẩn chứa điều nhắc nhở của lịch sử.
 
Đ.H.N

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)