Dự trình của khai minh

Chủ Nhật, 06/05/2018 01:12
(Đọc Ngôn từ của Jean-Paul Sartre, Lê Ngọc Mai dịch, Nxb Văn học, 2017)
 
EOF2H5SL

. NGUYỄN ĐÌNH MINH KHUÊ

Theo lời kể của dịch giả Lê Ngọc Mai, Jean-Paul Sartre từng phát biểu trong một bộ phim tài liệu về cuộc đời mình, rằng ông viết Ngôn từ như một tự truyện thay cho lời giã biệt đối với văn học. Điều tự bạch lãng mạn đầy xúc động ấy hẳn không thể thành thật hơn khi thoạt nhìn qua, xuyên suốt tác phẩm này đều là những kỉ niệm văn học và thời ấu thơ của Sartre từ lúc lọt lòng đến năm 1917, khi ông mười hai tuổi.

Thế nhưng, với tay bút có thể viết nên hơn sáu trăm trang Tồn tại và hư vô (L’Être et le Néant) thách thức sự đọc của cả giới học thuật Pháp, cùng đầu óc vốn hứng thú trước những nghịch biện phức tạp như Sartre, lời lẽ ấy có phần đơn giản và ngây ngô đến nỗi… khó tin.

Nói như thế bởi lẽ Ngôn từ không hề mang trong mình dáng vẻ thường gặp của những tự truyện hay hồi kí man mác xúc cảm và hoài niệm. Trong đây, giọng điệu Sartre lạnh lùng, sắc sảo đến độ trào lộng, mỉa mai. Hơn nữa, cấu tứ của Ngôn từ vô cùng chặt chẽ với những sắp xếp có chủ đích, những hình tượng đa nghĩa và những suy tư triết học cao siêu. Paul de Man - một trong những tác giả quan trọng của giải cấu trúc Hoa Kì, trong bài viết Những tỏ bày của Sartre (Sartre’s Confessions), từng so sánh Ngôn từ với Những lời bộc bạch của J.J.Rousseau và cho rằng: Cùng là tập hồi kí về những kỉ niệm ấu thơ, nhưng Những lời bộc bạch chỉ ghi lại những kí ức đứt đoạn, nhập nhoạng nhớ quên hay tự thuật một cách mê đắm về những ham thích tuổi nhỏ mà không hề đưa ra các lí giải hay hoạch định. Trong khi đó Ngôn từ gần như phá bỏ tính hoài niệm và thuần trải nghiệm của những bộ tự truyện xưa nay, thoát xác thành một tiểu luận phân tích tâm lí học, một cuộc giải phẫu bằng văn chương mà đối tượng của nó là dự trình đến trưởng thành, chạm đến khai minh của Sartre.

Trên dự trình ấy, nói như Theodor Adorno, Sartre phải mâu thuẫn, tranh biện, giằng co, và cao nhất là giết chết “người cha tinh thần” đã đeo bám, chi phối, thậm chí thống trị đầu óc và tư duy mình từ lúc ông còn là một cậu bé Poulou nhút nhát và cô độc. Nhưng “người cha tinh thần” ấy là ai? Những hình bóng ý niệm nào đã dung dưỡng Sartre đồng thời ám ảnh và ngăn bước Sartre đến với trưởng thành?

Đọc qua một lượt hai phần “Đọc” và “Viết” của Ngôn từ, dễ thấy một trong những người có ảnh hưởng sâu sắc, cả tích cực lẫn tiêu cực, đối với cuộc đời và văn nghiệp của Sartre chính là ông ngoại Charles Schweitzer. Mất cha từ năm hai tuổi, Sartre được mẹ đưa về sống cùng ông. Nghĩ về điều ấy, Sartre vừa lạnh lùng mừng rỡ vì mình sẽ được “tự do”, vừa thương cảm cho mẹ phải quay về sống cuộc đời bị giam hãm, áp bức dưới tính nết khó chiều của ông ngoại: “Cái chết của Jean-Baptiste cha tôi là một sự kiện lớn trong đời tôi: nó trả lại cho mẹ tôi sợi dây xiềng xích và trao cho tôi tự do” (tr.34). Có lẽ trí óc non nớt của Sartre lúc ấy nào biết rằng, hình ảnh người cha như một luận đề phân tâm học rồi sẽ trở về nguyên vẹn dưới bóng dáng ông ngoại Charles.

Charles Schweitzer là giáo viên dạy tiếng Đức có gia thế lâu đời ở vùng Alsace phía Đông Bắc nước Pháp. Gia tài của ông là quyển Những bài học tiếng Đức gây nhiều danh tiếng ở Paris, những kho sách kinh điển to sụ, những thói quen cổ quái hà khắc, tính nết gia trưởng (ông vẫn thường được so sánh với Đức Chúa Cha - tr.34) và những mối quan hệ nhùng nhằng đôi lúc nhố nhăng với những người trong xã hội trung - thượng lưu tao nhã và kiểu cách thời ấy.

Chính vì vậy, sống cùng ông ngoại, Sartre ngay từ nhỏ đã được/bị hưởng thụ một vùng sách vở mênh mông, khó nhằn của những tiền nhân uyên áo. Quyển sách đầu tiên Sartre được ông ngoại đưa cho là bộ Truyện cổ của thi sĩ Maurice Bouchoir. Tiếp theo đó, cậu bé Poulou tóm lấy Những gian truân của một người Hoa ở Trung Quốc, rồi Bà Bovary, rồi Maupassant, Corneille, Chateaubriand, Alfred de Musset… với niềm mê say đến đắm nghiện, đúng như lời Sartre: “Một mình giữa đám người lớn, tôi là một người lớn thu nhỏ, và tôi đã đọc sách của một người lớn. (…) Tôi không dám chắc là tôi có lỗi (…) ai trong nhà cũng khoái và tôi biết điều ấy: đúng thế, tôi biết, hằng ngày đứa trẻ tuyệt vời kia làm thức dậy những cuốn sách ma mị mà ông ngoại nó không còn đọc nữa. Tôi sống già hơn tuổi như người ta sống trên khả năng tài chính của mình: hăng hái, mỏi mệt, chịu đắt để khoe mẽ” (tr.83). Và như một hệ quả tất yếu, trong khi những người bạn kiêu kì của gia đình Schweitzer tấm tắc kinh ngạc “Ôi thằng bé yêu Corneille làm sao!”, thì những quyển sách không hợp tuổi ấy đã khiến Sartre phải bước vào biết bao cuộc khủng hoảng đạo đức, nhận thức và đức tin, lấy đi gần như tất cả ngây ngô hồn nhiên, biến Sartre thành một cậu bé cô độc và dị thường giữa đám bạn đồng lứa.

Bên cạnh đó, Sartre còn thừa nhận rằng chính ông ngoại đã “ném tôi vào một trò bịp mới đã thay đổi đời tôi” (tr.150): nghiệp viết. Song chẳng may thay, trong những ngày đầu say sưa viết lách, Sartre đã phải chán chường: “…viết như khỉ bắt chước, theo nghi thức xã giao, để làm người lớn: tôi viết trước hết bởi tôi là cháu ngoại của ông Charles Schweitzer” (tr.155), với những lá thư bằng thơ hay những lần đọc và bắt chước thể tự do của La Fontaine mà Sartre chẳng hề thích thú. Thậm chí, ông ngoại Schweitzer còn bĩu môi chê trách, tức giận trước những trang viết được đăng báo của Sartre mà ông cho là nhảm nhí, bình dân và thô vụng.

Từ đây, Charles Schweitzer bước vào trang viết của Sartre là một điển hình của tầng lớp trung - thượng lưu Pháp kiêu căng và hãnh tiến, với phông văn hóa ken đặc những quy tắc và định kiến suốt từ thời phong kiến cho đến những thế kỉ Phục hưng, Cổ điển hay Khai mông. Chính vì vậy, “người cha tinh thần” của Sartre không đơn thuần là người ông khắt khe mà còn là toàn bộ nền văn hóa trưởng giả - nền văn hóa đã nuôi nấng, vun vén bầu sữa tri thức cho sự hình thành một triết gia Sartre uyên bác, song cũng phủ bóng, ám ảnh, bóp nghẹt Sartre đến nỗi, đôi lúc trong Ngôn từ, người đọc rất dễ nhận ra những lời cay nghiệt đến ngạc nhiên mà triết gia này dành cho ông ngoại và cả phông văn hóa mà mình thừa hưởng trong suốt thời thơ ấu. Riêng Sartre, theo cách nào đó, chợt trở thành một Oedipe đầy mặc cảm, tuy bệnh mù cuối đời của ông là do chứng huyết áp cao và chảy máu mắt, chứ không phải bởi tự chọc mù như vị vua thành Thebes trong bi kịch Sophocles thời cổ sơ.

Thế nhưng, khác với Oedipe gần như chỉ biết trách cứ căn tính và số mệnh, Sartre lựa chọn trưởng thành khi trong suốt quãng đời tuổi nhỏ được kể lại trong Ngôn từ, ông liên tục tranh luận, giằng xé, cả bằng hành động và trong nội tâm, với những chuẩn mực của văn hóa thượng lưu.

Với việc đọc, được mẹ ủng hộ và giúp đỡ, Sartre chuyển từ đọc các loại kinh điển khập khiễng so với tuổi tác sang các bộ tạp chí chuyên in truyện tranh cho trẻ con như Cri-cri, Cậu bé cừ khôi, những tiểu thuyết bằng tranh nhiều kì như Những kì nghỉ, Ba cậu hướng đạo sinh của Jean de la Hire hay Vòng quanh thế giới của Anould Galopin. Về viết lách, vùng thoát khỏi những ràng buộc của văn hóa trưởng giả, Sartre thích thú trước những câu chuyện giả tưởng hay thám hiểm, phiêu lưu và mơ mình là một người hùng chống lại bạo cường. Thậm chí, từ những năm tháng tuổi thơ, Sartre từng trăn trở với ngôn từ, với văn chương, từng có ý định từ bỏ nghiệp viết lách tân toan ấy, để đến cuối cùng, trong những dòng khép lại Ngôn từ, Sartre nói lời từ giã: “Suốt một thời gian dài tôi đã coi ngòi bút của mình là thanh gươm, giờ đây tôi biết sự bất lực của chúng ta. (…) Văn hóa chẳng cứu vớt được gì cũng chẳng cứu vớt được ai, nó không bào chữa được”.

Dường như, những chống đối giằng co với “người cha tinh thần” của mình trong suốt quãng đời thơ ấu đã thực sự đưa Sartre tiến bước đến với cứu cánh khai minh, đến với trưởng thành, mà đích cuối cùng ấy, đối với Sartre, là vượt thoát khỏi thói trưởng giả kiêu kì để trở thành một kẻ dấn thân, một “trí thức toàn diện” (intellectual total), một người không chỉ biết chúi mũi vào sách vở mộng mơ mà còn phải quan tâm đến cuộc đời, đến con người.

Những Neverland(1) diệu kì - nơi trẻ con không bao giờ trưởng thành, nơi niềm vui và những mơ ước ấu thơ hóa thành phép màu - có lẽ chưa bao giờ thôi là niềm khao khát, hoài vọng của những con người trần tục. Nhưng ngẫm cho cùng, đó thật ra cũng chỉ là ước mơ bình dị xa xôi của đại chúng - những con người có khả năng bình thường, vui với những hạnh phúc bình thường và sống cuộc đời cũng rất bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường: họ mơ được trở về làm một đứa trẻ để không phải đương đầu với bao trái khoáy bất toại, bao cay đắng nghiệt ngã của đời. Song, với những bộ óc siêu việt và thiên tài, như Jean-Paul Sartre, điều ấy đôi khi ngược lại hoàn toàn, mà Ngôn từ là một minh chứng sáng rõ.

Đọc Ngôn từ, để thấy con đường trở thành một người trưởng thành, trong tri cảm của những triết gia, gian nan ghềnh thác đến thế nào. Và đọc Ngôn từ, cũng để thấy cần phải ứng xử với viết lách văn chương ra sao, sẽ ở lại trong những tháp ngà bưng kín hay hóa thành hạt bụi nâu trên bước chân những đứa trẻ nghèo.

N.Đ.M.K
 
--------
1. Vùng đất tưởng tượng trong tiểu thuyết Peter Pan của J.M.Barrie.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)