Nghiên cứu văn học ở Mĩ về chiến tranh Việt Nam

Thứ Năm, 03/05/2018 00:01
. TRẦN ĐĂNG TRUNG

Với người Mĩ, chiến tranh Việt Nam không chỉ đơn thuần là một cuộc xung đột vũ trang, mà đã trở thành một “não trạng”, một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Viết về cuộc chiến, vì vậy, là một nhu cầu tự thân, một thôi thúc nội tại với tất cả những ai đã từng chia sẻ cái trải nghiệm chung thấm thía đó. Hơn bất cứ cuộc chiến tranh thời hiện đại nào khác mà nước Mĩ từng can dự, Việt Nam là sự kiện sản sinh ra khối lượng sáng tác văn học đồ sộ nhất, đa dạng và phức tạp nhất. Sáng tác văn học về chiến tranh Việt Nam đã trở thành một trào lưu rộng khắp, một dòng chảy liên tục trong đời sống văn học Mĩ. Đứng trước hiện tượng nổi bật như vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã cho ra đời những công trình với tham vọng tổng kết, khát quát những đặc trưng cơ bản, phân tích những tác phẩm tiêu biểu và định giá chất lượng nghệ thuật của dòng văn học này. 

Trong công trình Bước đầu nghiên cứu: Những tự sự Mĩ về Việt Nam(1), Thomas Myers đưa ra những ngữ cảnh để có thể hiểu được nội dung và hình thức của các tự sự Mĩ về chiến tranh Việt Nam. Myers khảo sát những huyền thoại và tín điều cũng như truyền thống văn học Mĩ tác động tới các tác phẩm này. Ông cho rằng những sáng tác về Việt Nam hay nhất là những tác phẩm vượt qua được thứ chủ nghĩa hiện thực trận mạc đơn thuần để kết nối hay tương tác với những yếu tố lịch sử, văn hóa, văn học, những huyền thoại phổ biến hay những cuộc chiến trước đó của nước Mĩ. Tiếp theo, Myers khảo sát những chủ đề và phương thức biểu hiện cốt yếu trong những tự sự hay nhất về chiến tranh Việt Nam của các tác giả Mĩ. Ông chỉ ra rằng các tác phẩm theo xu hướng hiện thực chủ nghĩa thuần túy, thường xuất hiện ở thời điểm đầu giai đoạn hậu chiến, mặc dù gây ấn tượng mạnh với độc giả qua những trải nghiệm và cảm xúc mãnh liệt của chiến trận, song, dường như lại quá bị ám ảnh bởi tiểu tiết mà quên mất việc tái dựng bối cảnh rộng hơn hay đưa đến những ý nghĩa chiêm nghiệm sâu sắc. Những tác phẩm này, vì vậy, thường trở thành một thứ hiện thực ảnh chụp hay một dạng cứ liệu giản đơn. Những sáng tác thành công hơn, như Một ngày rất nóng (One Very Hot Day) của David Halberstam hay Thung lũng thứ 13 (The 13th Valley) của John Del Vecchio, có sự kết hợp nhuần nhuyễn hiện thực với hư cấu; chúng không chỉ dừng lại ở những chi tiết của cá nhân mà còn liên hệ tới cả những trải nghiệm tập thể; chúng chọn lọc, sắp xếp các yếu tố một cách tinh tế và đưa ra những đánh giá sâu sắc hơn. Trong những cuốn tự truyện nổi tiếng về cuộc chiến tại Việt Nam, như Nếu tôi chết trên chiến trường (If I Die in a Combat Zone) của Tim O’Brien hay Lời đồn chiến tranh (A Rumor of War) của Philip Caputo, Myers nhận thấy các tác giả cố gắng đưa ra những lời bộc bạch chân thành và bài học lịch sử qua việc đối chọi hiện thực trực tiếp mà bản thân trải nghiệm với những mô thức quen thuộc về chủ nghĩa anh hùng, lí tưởng đạo đức và hành động của người Mĩ. Cả O’Brien và Caputo đều hoài nghi và phủ định những giá trị chiến tranh như lòng dũng cảm, sự hi sinh, tính chính đáng… được khắc họa tràn ngập trong lịch sử và những huyền thoại phổ biến của phương Tây. Tác phẩm của họ là những đối thoại, chất vấn lại cả một truyền thống lãng mạn hóa và lí tưởng hóa chiến tranh của người Mĩ. Theo Myers, những binh lính Mĩ tại Việt Nam phải đối diện với những nghịch lí quái gở. Họ cảm thấy đồng thời vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của cuộc chiến tàn bạo này. Những người lính như bị mắc kẹt trong một cỗ máy chiến tranh độc đoán bất lường, những đợt hành quân và chiến dịch vô mục đích, cùng những lập luận nực cười theo kiểu “cần phải san phẳng những ngôi làng để bảo vệ chúng”. Đối diện với những hiện thực nghịch dị đó, nhiều tác giả, chẳng hạn như Gustav Hasford trong Lính sắp xuất ngũ (The Short-Timers) hay Charles Durden trong Không kèn, không trống (No Bugles, No Drums), đã sử dụng hài hước đen (black humor) như một thủ pháp nghệ thuật chủ đạo nhằm lột tả tính chất phi lí của cuộc chiến. Bên cạnh đó, Myers còn cho rằng chiến tranh Việt Nam, với tư cách là cuộc chiến “hậu hiện đại” đầu tiên của nước Mĩ, khiến cho những kiểu truyền đạt thông tin và tái hiện lịch sử theo truyền thống trở nên bất lực. Cái đại tự sự chính thống của giới lãnh đạo, vẫn cố gắng mô tả cuộc chiến theo một chủ nghĩa lãng mạn kiểu Mĩ, đối lập chát chúa với hiện thực trên chiến trường. Những sự thật về chiến tranh Việt Nam, những bài học rõ ràng nhất đều đã bị bỏ sót hay cố tình tảng lờ. Bộ máy tuyên truyền, căn bệnh “lãng quên lịch sử” của người Mĩ, cùng sự ghẻ lạnh của cộng đồng trước sự trở về của các cựu binh càng làm tình trạng hiểu lầm tai hại về cuộc chiến trở nên trầm trọng. Đứng trước những khó khăn này, các tác giả, như Michael Herr với Những bản trình báo (Dispatches) hay Tim O’Brien với Đi tìm Cacciato (Going After Cacciato), đã sáng tạo ra những hình thức thẩm mĩ khác lạ để tái hiện dạng thức lịch sử mới này. Họ nhấn mạnh vai trò của trí tưởng tượng trong việc lột tả sự thật, biến đổi và sáng tạo lại hiện thực nhằm tạo lập những kí ức chiến tranh, đi sâu vào những ngóc ngách tâm thức cá nhân để diễn đạt trải nghiệm cộng đồng. Cuối cùng, nếu trong hai cuộc thế chiến trước đó, binh lính Mĩ trở về với vị thế của kẻ chiến thắng giữa những chào mừng long trọng, thì những người lính bước ra từ cuộc chiến Việt Nam lại bị coi như những kẻ thất bại. Nước Mĩ, với những huyền thoại về chiến thắng và sự thành công đã làm nên bản sắc cộng đồng, không thể đón nhận những đứa con thảm hại đó. Họ bị coi như những kẻ tội đồ, như chỗ để trút giận cho lương tâm và thể diện quốc gia. Truyền thông và phim ảnh xây dựng hình ảnh của họ như những kẻ tâm thần, cuồng bạo, biến thái. Những đau đớn thể xác và chấn thương tinh thần cũng bám riết, dằn vặt người lính nhiều năm sau chiến tranh. Tất cả những khó khăn, đau khổ đó của đời sống hậu chiến được khai thác và khắc họa thấm thía trong những tác phẩm như Trầm tư trong rừng (Meditations in Green) của Stephen Wright hay Những nỗi buồn của nước Mĩ (The American Blues) của Ward Just.

Milton Bates trong công trình Những cuộc chiến chúng ta mang tới Việt Nam: Xung đột văn hóa và truyện kể(2) lại đưa ra một hướng tiếp cận khác với các tác phẩm tự sự về chiến tranh Việt Nam. Tác giả cho rằng cuộc chiến tại Việt Nam thực chất phản ánh những vấn đề nội tại của nước Mĩ mà ảnh hưởng của chúng vươn xa tới tận những người lính trên chiến trường. Bates chỉ ra đó là những xung đột văn hóa, những “cuộc chiến” nhỏ lồng trong cuộc chiến lớn, giữa những nhóm người mang viễn kiến khác nhau về sự mở rộng lãnh thổ nước Mĩ, giữa người Mĩ da đen và người Mĩ da trắng, giữa tầng lớp hạ lưu và tầng lớp thượng lưu, giữa nam giới và phụ nữ, và giữa hai thế hệ già trẻ của nước Mĩ. Các xung đột xoay quanh những vấn đề về biên giới, chủng tộc, giai cấp, giới tính và thế hệ này tác động tới những sáng tác truyện kể về chiến tranh Việt Nam cả trên phương diện nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Trước hết, Bates cho rằng cuộc chiến tại Việt Nam thực ra chỉ là một sự tiếp nối tự nhiên của cái gọi là “vận mệnh hiển nhiên” (manifest destiny), một quan điểm hình thành vào thế kỉ XIX về tính chính đáng và tất yếu phải mở rộng lãnh thổ của nước Mĩ ra toàn châu lục mà trọng tâm là bành trướng về phía Tây. Ý tưởng này dựa trên một niềm tin đoán chắc vào sự vượt trội của những giá trị Mĩ cũng như nghĩa vụ phải truyền bá, phổ biến rộng rãi những điều tốt đẹp đó. Những binh lính tham chiến tại Việt Nam, vì vậy, cũng mang sứ mệnh đạo đức và tinh thần cao cả, hệt như những tổ tiên từ thế kỉ trước của họ đã chinh phục và khai hóa cho những thổ dân châu Mĩ. Sự chia rẽ của người Mĩ trong việc can thiệp quân sự vào Việt Nam, ủng hộ hay phản đối cuộc chiến, thực chất phản ánh những tranh luận, mâu thuẫn xung quanh quan điểm trên. Bên cạnh đó, Bates nhận thấy rằng chiến tranh Việt Nam diễn ra vào đúng thời điểm mà nước Mĩ đang đứng trước một bước ngoặt trong ý thức về chủng tộc, khi những xung đột về màu da đã trở nên căng thẳng tột độ, cần phải được giải quyết triệt để. Thái độ phân biệt, kì thị chủng tộc cũng như quá trình hòa nhập và được chấp nhận của người da đen vào cộng đồng chung của nước Mĩ, như những đối lập gay gắt, được thể hiện rõ nét qua đời sống binh lính tại Việt Nam. Tiếp theo, dựa trên quan điểm marxist về lao động, tha hóa và bóc lột, Bates đã chỉ ra cách thức mà tầng lớp bần cùng bị sử dụng như công cụ để đạt tới mục đích của những kẻ thống trị trong chiến tranh Việt Nam. Những người lính bị lợi dụng và coi rẻ thậm chí còn hơn cả những thứ vũ khí và máy móc mà họ được trang bị. Quá trình bóc lột nặng nề này không chỉ trong chiến tranh mà còn tiếp tục kéo dài suốt thời kì hậu chiến. Tất cả những sự bất công đó phản ánh những phân hóa giai cấp sâu sắc trong xã hội Mĩ. Từ một góc nhìn khác, áp dụng quan điểm và phương pháp nghiên cứu của các nhà nữ quyền luận, Bates đặt ra vấn đề thú vị về nam tính và chiến tranh. Theo đó, ông chỉ ra rằng những hình ảnh phụ nữ trong chiến tranh Việt Nam đều được nhìn nhận và tạo lập dưới con mắt của nam giới, và do đó, bị áp đặt bởi những giá trị nam quyền. Họ bị xem như những công cụ xác thịt nhằm thỏa mãn nhu cầu giải tỏa và giải trí của đàn ông trong chiến tranh. Ẩn sâu sau đó là những mâu thuẫn, xung đột âm ỉ mà không kém phần dữ dội giữa đàn ông và phụ nữ cũng như vấn đề bình đẳng giới đang nổi cộm tại nước Mĩ vào thời điểm này. Về vấn đề xung đột thế hệ, Bates viện dẫn tới lí thuyết của Freud để phân tích những căng thẳng trong mối quan hệ giữa những người cha từng chiến thắng trong Thế chiến II và những người con bị cưỡng ép phải gia nhập vào cuộc chiến tại Việt Nam.

Trong suốt một thời gian dài, những nghiên cứu về văn học chiến tranh Việt Nam bị bó hẹp trong khuôn khổ quốc gia - dân tộc của mỗi bên tham chiến. Tuy vậy, các sáng tác văn học về chiến tranh Việt Nam vẫn cần phải được nghiên cứu từ một góc nhìn xuyên quốc gia bởi lẽ cuộc chiến, về bản chất, là một xung đột và trải nghiệm đậm đặc tính quốc tế, đa diện và đa phương. Với tinh thần đó, một số nghiên cứu gần đây của các học giả tâm huyết đã nỗ lực trình bày một cách toàn diện các tác phẩm văn học về chiến tranh Việt Nam dưới góc độ bao quát hơn.

Trong công trình tổng kết thành tựu nghiên cứu văn học chiến tranh Việt Nam tại Bắc Mĩ qua hơn bốn mươi năm và vạch hướng đi cho tương lai Chiến tranh Việt Nam: Những chủ đề trong văn học Bắc Mĩ đương đại(3), Brenda Boyle, sau khi điểm qua các khuynh hướng và đặc điểm chính của dòng văn học hậu chiến Mĩ, phê phán mạnh mẽ việc các nhà nghiên cứu Hoa Kì đã tạo lập nên những “điển phạm”, những tác phẩm được xem như tiêu biểu và có giá trị nhất, mà trong đó những trải nghiệm thống khổ của người Việt Nam trong suốt cuộc chiến bị tảng lờ. Việc các sáng tác này chỉ tập trung nhấn mạnh vào hình ảnh người Mĩ, những chiến binh khốn khổ vật lộn với nghịch cảnh, thực chất đã che khuất và loại trừ đi những tiếng nói của người Việt, ở cả hai phía từng can dự vào chiến tranh, và cả những người Mĩ gốc Việt sau đó. Boyle dành hẳn một chương trong cuốn sách để khảo sát các tác phẩm phía Việt Nam đã được dịch sang tiếng Anh mà bà có điều kiện tiếp cận. Thông qua những tiểu thuyết như Những thiên đường mù, Tiểu thuyết vô đề của Dương Thu Hương hay Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Boyle chỉ ra rằng những khổ đau và khốc hại mà người Việt Nam phải hứng chịu vì cuộc chiến do phía Mĩ gây ra quá lớn đến mức thái độ “tự mê” của các sáng tác và nghiên cứu phía Hoa Kì trở nên ngược ngạo và kệch cỡm. Không phải chỉ những binh lính Mĩ mới bị thương tổn, mới biết đến đau đớn, còn rất nhiều những nạn nhân khác của cuộc chiến mà vô tình hay hữu ý đã bị lãng quên và gạt ra khỏi những câu chuyện về chiến tranh. Việc tự lấy mình làm trung tâm của mọi thứ, một tâm thế phổ biến của người Mĩ, chẳng những hoàn toàn không phù hợp mà còn ẩn chứa nhiều nguy cơ khiến cho những sai lầm tai hại trong quá khứ lặp lại.

Từ vị trí của một người Mĩ gốc Việt, trong tiểu luận Ghi nhớ chiến tranh, ước mơ hòa bình: Về chủ nghĩa thế giới, sự đồng cảm, và văn học(4), học giả Viet Thanh Nguyen cũng chỉ ra một thực tế rằng mặc dù chiến tranh Việt Nam đã được tái hiện dưới rất nhiều hình thức như văn học, điện ảnh, lịch sử, chính trị… nhưng tất cả đều xoay quanh một câu chuyện nổi bật được ông định danh là tấn kịch sướt mướt của những người đàn ông da trắng bị chấn thương (melodrama of traumatized white manhood). Cái câu chuyện thương tâm đó đã được thổi phồng lên và phổ biến rộng rãi, trở thành một cách diễn giải chủ đạo và trung tâm về chiến tranh Việt Nam của người Mĩ. Tác giả phê phán quan điểm này bằng việc đọc sâu một số tác phẩm của những nhà văn thuộc sắc tộc thiểu số trong lòng nước Mĩ và những nhà văn phía quân đội đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc) kể về cuộc chiến từ góc nhìn của họ, qua đó lột tả sự chán ghét chiến tranh và cả lòng căm phẫn của những người da màu vì sự đàn áp của người da trắng trong thời chiến cũng như thời bình. Họ đồng cảm với những nạn nhân của cuộc chiến, những người Việt Nam bị giày xéo dưới sự xâm lăng của quân đội Mĩ, cùng chung số phận bị đàn áp như họ. Viet Thanh Nguyen cho rằng những suy cảm này rất gần gũi với những gì được thể hiện trong những văn bản văn học phía Việt Nam như cuốn nhật kí của Đặng Thùy Trâm, nơi lòng căm thù quân xâm lược được đẩy lên cao trào. Có một sự đồng cảm gắn kết những con người bị áp bức vượt qua mọi giới hạn về chiến tuyến và sắc tộc; có một câu chuyện chung của những màu da dưới ách chà đạp đã bị che khuất và lãng quên đi bởi những tự sự lấy người da trắng làm trung tâm. Theo Viet Thanh Nguyen, văn học về chiến tranh Việt Nam của người Mĩ hiện đang bị kẹt trong một thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi chỉ nhấn mạnh tới trải nghiệm và đau khổ của nhóm người này mà làm mờ đi những nhóm người khác. Ông đề nghị một thái độ mang tính quốc tế chủ nghĩa (cosmopolitan) trong các sáng tác văn chương về đề tài này và kèm theo đó là một sự đồng cảm mang tính bao gộp và phổ quát hơn. Tiếp nối tinh thần của tiểu luận trên, Viet Thanh Nguyen phát triển đầy đủ và trọn vẹn hơn ý tưởng của mình trong chuyên luận dày dặn Không có gì chết đi: Việt Nam và kí ức chiến tranh(). Tác giả vạch trần sự bất bình đẳng trong việc ghi nhớ những kí ức về cuộc chiến tại Việt Nam. Với sức mạnh vượt trội của một siêu cường và cả một ngành công nghiệp văn hóa hùng hậu, Hoa Kì đã thành công trong việc biến những câu chuyện của mình trở thành phổ biến và chính thống trên toàn thế giới. Chiến tranh Việt Nam nghiễm nhiên được nhìn nhận và lí giải thông qua lăng kính của người Mĩ, một hiện tượng đặc biệt và có lẽ là duy nhất trong lịch sử nhân loại, khi những kẻ thất bại giành được quyền viết lại lịch sử. Mọi cuộc chiến đều được diễn ra hai lần, một trên chiến trường và một trong kí ức. Người Mĩ đã thua trong cuộc chiến đầu tiên, nhưng thật mỉa mai, họ lại thắng trong cuộc chiến thứ hai. Bằng một sự khảo sát hết sức công phu và bao quát các hình thức lưu giữ kí ức chiến tranh từ những tác phẩm văn chương, nghệ thuật, những viện bảo tàng, đài tưởng niệm, đến những nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích phục vụ du lịch ở hầu khắp các quốc gia từng có liên hệ với cuộc chiến không chỉ Việt Nam và Mĩ mà còn cả ở Hàn Quốc, Lào, Campuchia và một số quốc gia Đông Nam Á khác, Viet Thanh Nguyen bóc tách từng lớp trầm tích lịch sử được thể hiện qua từng tạo vật để cho thấy tính phức tạp, đa bội và đa phương của trải nghiệm chiến tranh vốn dĩ luôn có khuynh hướng bị đơn giản hóa và lược quy vào những khuôn khổ quốc gia - dân tộc cứng nhắc và khiên cưỡng. Sự lấn lướt hoàn toàn của kí ức chiến tranh của người Mĩ so với các quốc gia từng can dự khác tạo nên một sự bất công to lớn khi một nhóm người này được nhớ đến nhiều hơn hẳn so với các nhóm người khác, khi những trải nghiệm của phía này được gợi nhắc lặp đi lặp lại trong khi những phía khác bị tảng lờ và rơi vào lãng quên. Viet Thanh Nguyen vạch trần toàn bộ cái cơ chế tạo nên sự bất bình đẳng này; việc kí ức của phía Hoa Kì được khuếch đại quá mức là một phần không thể tách rời trong sự vận hành của cỗ máy chiến tranh, như một tổ hợp công nghiệp - quân sự, tại quốc gia này. Sự nguy hiểm của nó không chỉ đối với các quốc gia thù nghịch mà ngay cả với người dân ở chính nước Mĩ, những người thường xuyên bị tẩy não về những tội ác mà chính quyền và giới quân sự của họ đã gây ra cho biết bao dân tộc khốn khổ khác để rồi lại hào hứng lao vào những cuộc chiến tranh khác bất chấp những bài học cay đắng trong quá khứ. Chiến tranh cần đến sự quên lãng kẻ khác và xã hội Mĩ được thiết kế rất hoàn hảo cho sự lãng quên đó. Cuốn sách của Viet Thanh Nguyen là một sự phê phán hết sức gay gắt chủ nghĩa bá quyền văn hóa của đế quốc Mĩ cũng như một lời gợi mở rất có giá trị cho một hướng tiếp cận bao dung và nhân đạo hơn với di sản của cuộc chiến.

Nghiên cứu văn học chiến tranh Việt Nam ở Mĩ gắn liền với một nỗ lực cắt nghĩa, lí giải cuộc chiến một cách riết róng của người Mĩ. Những câu chuyện lẩn khuất, những tiếng nói bị lãng quên, những sự thật đa tạp dần được khai mở và nhận thức rõ ràng. Những vết thương chiến tranh cùng những điều đen tối nhất không ngừng được mổ xẻ, phân tích và chính thái độ sòng phẳng đó đã góp phần chữa lành nhiều di hại mà cuộc chiến gây ra cho con người. Nước Mĩ đã thất bại thảm hại trong cuộc chiến, nhưng những nỗ lực đầy trăn trở để đối diện với di sản chiến tranh trong suốt hơn bốn thập kỉ qua của học giới Mĩ đã làm sâu sắc thêm nhiều nền văn hóa của đất nước họ và tạc ghi vĩnh viễn bài học Việt Nam vào lịch sử giúp cho người Mĩ trở nên lương thiện và khoan dung hơn.
 
T.Đ.T
 
---------
 
1. Thomas Myers (1988), Walking Point: American Narratives of Vietnam, Oxford University Press, New York.
2. Milton Bates (1996), The Wars We Took to Vietnam: Cultural Conflict and Storytelling, University of California Press, Berkeley.
3. Brenda Boyle (ed.) (2015), The Vietnam War: Topics in Contemporary North American Literature, Bloomsbury Academic, New York.
4. Scott Laderman and Edwin Martini (ed.) (2013), Four Decades On, Vietnam, the United States, and the Legacies of the Second Indochina War, Duke University Press, Durham, pp.132-154.
5. Viet Thanh Nguyen (2016), Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War, Harvard University Press, Cambridge.
 
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)