"Tên của đóa hồng" - thực hành hoàn hảo của Umberto Eco về tính liên văn bản

Thứ Ba, 22/05/2018 00:07
umberto eco

. NGUYỄN VĂN THUẤN

Umberto Eco là một học giả lớn người Italia có tầm ảnh hưởng quốc tế. Ông sinh năm 1932 tại thành phố Alessandria, vùng Piedmont, tây bắc Italia. Ông nghiên cứu triết học tại Đại học Turin. Từ năm 1975, ông là giáo sư về kí hiệu học tại Đại học Bologna. Ông là tác giả của hàng chục quyển sách, hàng ngàn bài báo về kí hiệu học, lí thuyết văn học, phê bình văn hóa đồng thời là tác giả của các tiểu thuyết ăn khách nổi tiếng thế giới như Tên của đóa hồng, Con lắc Foucault, Baudolino, Nghĩa địa Praha… Ông được John Lechte xếp vào danh sách 50 nhà tư tưởng đương đại chủ chốt, sánh ngang với các tên tuổi tầm cỡ như Barthes, Greimas, Hjelmslev, Kristeva, Peirce, Saussure, Todorov trong lĩnh vực kí hiệu học. Ông mất năm 2016 tại Milan ở tuổi 84. 

Tên của đóa hồng của Umberto Eco (bản dịch tiếng Việt của Lê Chu Cầu, Nxb Văn học, Hà Nội, 2013) lấy bối cảnh cuộc viếng thăm của thầy trò William xứ Baskerville và chủng sinh Adso xứ Melk đến một tu viện giàu có tọa lạc biệt lập trên một ngọn núi hẻo lánh thuộc dãy Apennin nước Italia. Tu viện này được điều hành bởi các thầy tu dòng Benedict. Sứ mệnh của William, một học giả dòng Francisco là dàn xếp tại đây một cuộc gặp gỡ giữa các đại diện của Giáo hoàng John và Hoàng đế Ludwig nhằm tiến tới giải quyết xung đột quyền lực và tôn giáo phức tạp đang xảy ra giữa họ. Khi đến tu viện này, một tu sĩ đã chết một cách bí ẩn và William được tu viện trưởng Abo ủy thác điều tra. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thông qua việc diễn giải các văn bản và nhiều dấu vết khác, nhất là thông qua những cuộc trò chuyện với các thầy dòng trong tu viện này, hai thầy trò William đã tìm ra kẻ giết người bí ẩn và sự liên quan của kẻ thủ ác đến một văn bản bàn về hài kịch đã thất truyền của Aristotle bị che giấu trong mê cung thư viện.

Mở đầu tiểu thuyết, độc giả tiếp cận với một dẫn nhập mang tên Một cảo bản, dĩ nhiên! cung cấp lịch sử của bản thảo tiểu thuyết mà chúng ta đang đọc: Một bản chép tay của giáo sĩ Adso xứ Melk, viết bằng tiếng Latin, được dịch sang tiếng Pháp theo ấn bản của giáo sĩ Mabillon bởi linh mục Vallet nào đó, tình cờ rơi vào tay Tôi rồi bị mang đi mất nhưng Tôi đã kịp đọc và hoàn thành bản dịch sang tiếng Ý “đầy kín mấy tập giấy khổ lớn” vào khoảng tháng tám năm 1968. Tiếp đó, một Ghi chú giải thích sự phân chia thành bảy ngày và mỗi ngày thành tám nghi lễ tôn giáo của tiểu thuyết, cũng là trật tự sinh hoạt đời sống hàng ngày của các thầy tu thế kỉ XIV. Một Đoạn mở đầu ngay sau đó, nơi mà Adso, người kể chuyện của tiểu thuyết, viết về phần cuối cuộc đời mình và giới thiệu thầy William của ông ta, một người Anh tôn sùng triết gia Roger Bacon, các phát minh khoa học, máy móc cùng những sự kiện lịch sử đã dẫn dắt câu chuyện. Tiếp theo là Ngày thứ nhất, giờ Kinh đầu, tiểu thuyết bắt đầu bằng câu: “Đó là một buổi sáng đẹp trời cuối tháng mười một”. Dòng sự kiện chính của tiểu thuyết kết thúc vào Ngày thứ bảy, khi tu viện bị cháy rụi, nhưng tiểu thuyết chưa chấm hết ở đó mà còn có những Trang cuối, ở đó người kể chuyện Adso, nay đã rất già, ngẫm nghĩ về những sự kiện đã xảy ra thời trẻ và văn bản mình đã viết. Trang cuối này nối kết với Đoạn mở đầu, tạo cho Tên của đóa hồng hình thức của một thành phẩm hoàn tất, đầu cuối tương ứng, nhưng cũng là một tác phẩm mở, nơi Adso hoài nghi về ý nghĩa của văn bản mình đã biên chép và mời gọi các “độc giả không quen biết” diễn giải nó.

Mục tiêu của trăm trang đầu tiên, theo Eco, là nhằm “xây dựng người đọc”. Ở đây, tác giả tiểu thuyết đưa ra các thỏa ước với người đọc mà ông định xây dựng: tiểu thuyết này là một palimpsest (một văn bản viết trên miếng da cạo) bởi ít nhất có bốn văn bản/ bốn cấp độ trần thuật chồng lên nhau mà không rõ đâu là nguồn gốc: Tôi nói rằng: Vallet đã nói rằng: Mabillon đã nói rằng: Adso đã nói rằng… Điều đó có nghĩa là, cái mà Tôi nói đã được nói bởi ai đó và ở đâu đó rồi. Mặt khác, lịch sử thời Trung cổ chứa đựng trong khung trinh thám của tiểu thuyết này, xét về thực chất, bị gián cách với người đọc hoặc rất nên nghi ngờ nếu nó trở thành nghiêm trang. Tiếp đến, trong Kinh đầu thuộc Ngày thứ nhất, Eco giới thiệu với chúng ta kiến trúc của tu viện (ta biết rằng kiến trúc chính là lĩnh vực được bàn đến trước hết và nhiều nhất trong chủ nghĩa hậu hiện đại). Trong Kinh sáng, tác giả hé lộ đôi điều về một xác chết dập nát đã được tìm thấy (sau này ta biết là Adelmo, người minh họa sách), nhiệm vụ của William được ủy thác điều tra (khung trinh thám) và những răn cấm liên quan đến sự bí ẩn của mê cung - thư viện luôn khiến người ta lạc lối. Trong Kinh trưa, qua việc Adso trầm trồ cổng chính giáo đường, tình cờ gặp gỡ nhân vật Salvatore “trông như dã thú”, nghe y nói thứ ngôn ngữ kì quặc khiến người đọc nhận ra ở đây các ý tưởng của Bakhtin về thế giới carnival hóa, hiện thực nghịch dị, trạng thái và ý thức đa ngữ (cuộc sống trong quá khứ tà giáo của viên quản hầm (và Salvatore) được y ví như “đại tiệc của lũ ngu đần, là ngày hội hóa trang tưng bừng”, “một ngày hội hóa trang lớn và trong ngày hội này mọi chuyện đều ngược đời” - Kinh đầu, Ngày thứ tư). Đoạn Gần kinh xế trưa, ghi chép “cuộc mạn đàm uyên bác giữa William và sư huynh dược thảo Severinus” (và những cuộc đối thoại của William cùng Severinus ở các chương mục sau đó trong tiểu thuyết) gợi ra một chủ đề mà triết gia giải cấu trúc Derrida đã bàn quanh thuật ngữ pharmakon, một khái niệm lửng lơ bất khả quyết của thuốc với nghĩa thuốc trị bệnh và thuốc độc. Đoạn Sau kinh xế trưa, thầy trò William tham quan phòng sao chép, gặp gỡ nhiều học giả, xem các trang minh họa của tu sĩ xấu số Adelmo xứ Otranto, đối thoại với ông già mù Jorge xứ Burgos nối kết tiểu thuyết này với các tác phẩm của nhóm Bakhtin bàn về tính carnival hóa, tính đối thoại và nghệ thuật trào tiếu. Đoạn văn sau đây của tiểu thuyết (cùng với đoạn miêu tả tỉ mỉ cổng chính giáo đường) có thể nói là một diễn đạt khác về tính carnival hóa, về một thế giới lộn ngược, nghịch dị: “Đó là một quyển Thánh Vịnh, trên các lề giấy khắc họa một thế giới đảo ngược với thế giới mà ý thức của chúng ta hằng quen thuộc. Như thể ở bên lề một bài giảng, theo định nghĩa là bài giảng của sự thật, tiếp diễn một bài giảng của sự giả trá về một vũ trụ đảo lộn - rất gần gũi với bài giảng nọ, qua những ám chỉ kì lạ bí ẩn, trong đó chó chạy trốn thỏ, hươu nai săn sư tử. Những cái đầu nhỏ xíu có chân chim, thú vật có tay người trên lưng, những cái đầu rậm tóc mọc chân, chằn có da sọc như ngựa vằn, thú bốn chân đầu rắn cổ soắn cả nghìn nút không gỡ ra nổi, khỉ mọc sừng hươu, những mĩ nhân ngư mang hình chim công với cánh như có màng… (tr.96). Danh sách dài hơn hai trang giấy khổ lớn về những hình ảnh có tính carnival hóa đó làm chủ đề cho màn dạo đầu cuộc đối thoại giữa hai nhân vật đại diện cho hai xung lực, hai xu hướng nhân cách, hai tư thế và thái độ khác nhau: “thám tử” William - người có thái độ đối thoại, tìm kiếm những sự thật biết cười và tên tội phạm mù lòa Jorge xứ Burgos - người có thái độ độc thoại, kẻ thù của tiếng cười, người muốn thư viện được phong kín hơn là nơi để phổ biến tri thức. Cuộc đối thoại này bị ngắt quãng rồi được tiếp nối trong đoạn Kinh tối, Ngày thứ nhất (được thuật lại gián tiếp và được tiếp tục trong các phần tiếp theo của quyển sách: Kinh sáng, Ngày thứ hai; Kinh tối, Ngày thứ năm; Đêm, Ngày thứ bảy). Đối thoại giữa William và Jorge hiện ra đúng như Graham Allen đã phân tích: “Với Jorge, chỉ có một Chúa, một Luật và một Lời. Bổn phận của các tu sĩ như lão là bảo vệ những quyển sách thiêng và giảng truyền một tôn giáo độc thoại mà thực tế bưng bít, che đậy con người dung tục, những dục vọng mang tính carnival và những quan điểm không đồng nhất của họ. Tuy nhiên, với William, “cười là đặc trưng của con người, đó là dấu hiệu của lí trí con người” (tr.152). Các quyển sách không phải là thiêng liêng trừ phi chúng được đọc bởi con người, và toàn bộ thế giới, cùng với mê cung thư viện mà ông cố gắng để thấu hiểu, là một văn bản mở cho sự diễn giải. Những minh họa ở bên lề quyển Thánh Vịnh đã trở thành chủ đề của một cuộc tranh luận nghiêm túc, do đó, nó vang vọng phương pháp của các nhà giải cấu trúc thường quan tâm đến những yếu tố ngoại biên hoặc xóa nhòa ranh giới giữa cái trung tâm và cái ngoại biên. Mặt khác, thông qua việc diễn giải mối quan hệ giữa cái được gọi là tà giáo và chính giáo, về các xu hướng li giáo và sự hợp lưu của chúng, miêu tả cuộc sống “quan phương” ban ngày và “phi quan phương” ban đêm của tu viện, Eco đã trình bày, theo cách khác, có diễn giải, bình luận tư tưởng của Bakhtin (và của chủ nghĩa hậu/ giải cấu trúc) về những lực li tâm và hướng tâm của ngôn ngữ, của sự vận động thể loại và sự vận động xã hội. Theo đó, những thế lực muốn độc quyền chân lí (mà Jorge là đại biểu) thường lo sợ sự thắng thế của cái ngoại biên khi nó tràn vào trung tâm, hóa lỏng trung tâm: “ngày nào lời của triết gia biện minh cho những trò đùa bên lề trang sách do sự tưởng tượng sa đọa của đầu óc, thì ôi thôi ngày ấy, đúng vậy, cái bên lề sẽ nhảy tót vào chính giữa và mọi dấu vết của trung tâm sẽ biến sạch”. Ngược lại, tinh thần hậu hiện đại cổ súy cho quá trình giải trung tâm hoặc phi tâm hóa bằng tiếng cười nhại. Trong đối thoại này và những đối thoại sau đó xuyên suốt tiểu thuyết, các học giả thường xuyên viện dẫn vô số các văn bản đến từ những nguồn khác nhau khiến người đọc có cảm tưởng dường như các văn bản đang trò chuyện với nhau, diễn giải nhau thông qua trung gian con người. Logic tất yếu và ý tưởng cơ bản của tiểu thuyết này cuối cùng đã được Adso thốt ra vào Kinh sáng, Ngày thứ tư: “Đến nay tôi cứ nghĩ mỗi quyển sách đều nói về những chuyện của con người hay thần thánh nằm bên ngoài sách vở; giờ mới vỡ lẽ rằng không hiếm sách nói về sách, như thể chúng trò chuyện với nhau vậy. Hiểu thế nên thư viện lại càng khiến tôi băn khoăn. Hóa ra nó là nơi chứa đựng lời thì thầm dài của hàng bao thế kỉ, một cuộc đối thoại thầm kín giữa tờ giấy này với tờ giấy khác, một vật thể sống, nơi tích tụ những sức mạnh mà không đầu óc con người nào chế ngự nổi, một kho tàng đầy những điều bí mật xuất phát từ bao bộ óc và tiếp tục tồn tại sau khi những kẻ tạo ra hay truyền đạt chúng đã quá vãng” (tr.315). Logic ấy đã không được Jorge và những thế lực độc thoại sau lão thừa nhận, vì vậy, một cách ẩn dụ, bao tội lỗi đã diễn ra do người ta mù lòa tin vào những “con voi chân lí” không thể nghi ngờ; bao cái chết đã diễn ra trong tăm tối chỉ vì người ta cuồng tín những chân lí độc thoại. Như những thầy bói mù trong ngụ ngôn Thầy bói xem voi, Jorge và những thế lực đứng sau lão khước từ các khả năng đối thoại liên văn bản và liên văn hóa có thể khiến cho sự thật biết cười và thế giới gần nhau hơn.

Bị điều khiển bởi một kẻ mù lòa tàn nhẫn, tu viện biệt lập này trở thành tu viện của tội ác. Ngày thứ hai giờ Kinh sớm bắt đầu bằng sự cố kinh hoàng: phát hiện xác chết thứ hai của Venantius xứ Salvamec, học giả tiếng Hi Lạp - nạn nhân cắm đầu trong thùng tiết heo. Đêm, Ngày thứ ba, rạng sáng ngày thứ tư, xác Berengar, trợ tá thủ thư được phát hiện, trần truồng chìm dưới đáy bồn tắm. Ngày thứ năm, giờ Kinh trưa, sư huynh dược thảo Severinus bị giết. Kinh sớm, Ngày thứ sáu, thủ thư Malachi gục chết trước mắt mọi người sau khi thốt ra vài lời bí ẩn. Đêm, Ngày thứ bảy, sau khi quyển sách bàn về hài kịch của Aristotle được tìm thấy và sự thật được phơi bày trong căn phòng bí mật của mê cung thì thư viện bị cháy rụi, thiêu chết kẻ thủ ác, lão già mù Jorge xứ Burgos. Những nạn nhân đã chết vừa ngẫu nhiên tình cờ vừa được sắp đặt dựa theo Sách Khải huyền. Cuộc điều tra của “thám tử” tài ba William, cuối cùng phát hiện ra kẻ thủ ác là lão mù Jorge, theo đúng như khung tiểu thuyết trinh thám, nơi sự thật sẽ được lật bài ngửa ở chương cuối. Như những tiểu thuyết trinh thám kinh điển, mối quan hệ giữa William và Jorge là mối quan hệ giữa thám tử và tội phạm, họ chơi trò chơi thách đố và chinh phục lẫn nhau, cả hai cuối cùng đều xuất sắc vì rất mưu trí và tài nghệ trong vai của mình. Cặp đôi William và Adso rõ ràng mô phỏng cặp đôi Sherlock Holmes và Watson của Arthur Conan Doyle. Tác giả truyện trinh thám nổi tiếng thế giới này còn có một truyện khác mang tên Con chó săn của dòng họ Baskerville (The Hound of the Baskerville), do đó, cái tên William xứ Baskerville là một kết hợp liên văn bản. Tương tự, cái tên Jorge xứ Bugos vang vọng tên tuổi của nhà văn người Argentina thế kỉ XX, Jorge Luis Borge, người đã từng làm thủ thư, sớm mù lòa, có liên hệ với chủ nghĩa độc tài và là tác giả của các tác phẩm liên quan đến thư viện và mê cung thư viện như Vòng tròn những tàn tích (The Circular Ruins) và Thư viện Babel (The Library of Babel). Tuy nhiên, khác với Conan Doyle và các nhà tiểu thuyết trinh thám khác, Tên của đóa hồng là một “câu chuyện nói về sách”. Tiểu thuyết trinh thám này liên quan đến sự đọc và sự diễn giải văn bản, nơi mà thám tử/ người đọc luôn thử đưa ra các phán đoán và lầm lẫn liên tục, bởi một thực tế, như William đã thừa nhận: tuy không bao giờ hoài nghi chân lí của các dấu hiệu/ kí hiệu vì “chúng là thứ duy nhất con người ta có được để định hướng trên thế gian. Điều ta không hiểu là mối tương quan giữa các dấu hiệu” (tr.537). Những lời thú tội của Berengar và những thầy dòng khác khi bị William tra vấn hoặc lời thú tội của những kẻ bị coi là tà giáo trước các phán quan dường như chỉ là tiếng vọng của những điều đã được viết ra trong một quyển sách nào đó mà nạn nhân đã đọc/ nghe ở đâu đó rồi. Những điều này khiến người đọc liên kết với những tư tưởng quan trọng của hiện tượng luận và triết học ngôn ngữ: chúng ta không tư duy bằng ngôn ngữ mà ngôn ngữ tư duy chúng ta, chúng ta không hành động theo sự mách bảo của lí trí hoặc xúi giục của vô thức mà hành động theo những khung khổ đã được định hình bởi các diễn ngôn khuôn sáo trước đó. Quá trình điều tra của William, ngay từ mở đầu của thiên tiểu thuyết, đã gắn với việc tìm kiếm thông điệp/ sự thật thông qua kí hiệu và vết tích kí hiệu. Trong quá trình điều tra án mạng, qua so sánh của William, Eco làm rõ một tên gọi mà Genette đã sử dụng cho quyển sách quan trọng của ông, Palimpsests: Literature in Second Degree (Bản viết trên tấm da nạo: Văn chương ở độ hai): “Tuyết, Adso ạ, là một tấm giấy da tuyệt hảo, trên đó thân thể con người ta để lại những hàng chữ có thể đọc rất dễ dàng. Nhưng tấm giấy da viết rồi này đã bị cạo sửa be bét, nên có lẽ thầy trò ta sẽ không đọc được gì thú vị trên đó nữa” (tr.125). Nhưng không chỉ là dấu vết trên tuyết, tiểu thuyết này còn nói về sự chuyển dịch từ hệ thống kí hiệu này sang hệ thống kí hiệu khác (qua việc dịch văn bản bí mật của Venantius mà chính nó lại được tổ chức như một trò chơi chữ). Tên của đóa hồng là một cấu trúc kí hiệu, một liên văn bản, chính nó tự định nghĩa nó. Bởi vì, qua lời của Adso (người kể chuyện đồng thời là tác giả cảo bản bằng tiếng Latin của văn bản tiếng Ý mà ta đang đọc), văn bản này thực ra được biên chép lại từ những mảnh mẫu văn bản còn sót lại sau vụ hỏa hoạn thiêu rụi thư viện và người viết thực sự không chắc chắn về ý nghĩa của những gì đã viết ra: “những điều tôi viết trên những trang giấy này mà bạn đang đọc, thưa độc giả không quen biết, chỉ là một bài thơ chắp nhặt, một bài tụng ca tượng trưng, một bài thơ acrostic mênh mông chẳng nói lên hay nhắc lại được gì ngoài những điều mà các mẫu giấy ấy đã gợi cho tôi, tôi cũng không biết cho đến nay mình đã nói về chúng hay chúng nói qua miệng mình. Nhưng bất kì khả năng nào trong hai điều ấy có thể đúng chăng nữa, càng nhủ đi nhủ lại câu chuyện phát sinh từ chúng, tôi càng thấy khó hiểu nổi phải chăng nó chứa đựng một ý định vượt khỏi tiến trình tự nhiên của các sự kiện và thời gian kết nối chúng. Thật khổ tâm cho người tu sĩ già này, trên ngưỡng cửa của cái chết mà không biết những chữ mình viết ra ấy có ẩn chứa ý nghĩa nào chăng, hoặc hơn một, hoặc nhiều, hoặc chẳng có ý nghĩa gì hết thảy” (tr.544). Nếu Adso trong vai người biên chép thì William trong vai người đọc/ người diễn giải văn bản. William đã thực hành những kĩ thuật đọc mà Eco lí thuyết hóa: đọc tuyến tính như đọc tiểu thuyết trinh thám và đọc phi tuyến tính như đọc từ điển bách khoa. William tài ba trong việc đọc và diễn giải văn bản, cố nhiên nhân vật này không mù lòa trong kiến thức bách khoa của mình vì được dẫn dắt bởi tinh thần nhân văn chủ nghĩa đầy khoan dung, thấu hiểu rằng: “kẻ cho mình là người diễn giải sự thật chẳng khác gì hơn một con quạ vụng về nhai lại những điều nó đã học từ lâu” (tr.522). Nhưng William sẽ không thể diễn giải nếu không được trợ giúp từ một chiếc kính - một ẩn dụ về thành tựu của khoa học kĩ thuật. Thành tựu của khoa học hỗ trợ sự diễn giải, tìm tòi bí ẩn của kí hiệu và sách cũng như bí ẩn của thế giới nhưng thành tựu của khoa học cũng có thể bị các thế lực độc thoại sử dụng để hù dọa hoặc phong kín thế giới, thậm chí giết người (tấm gương làm biến dạng, dược liệu gây ảo giác nhằm hù dọa những ai muốn đột nhập thư viện, thuốc độc được tẩm vào sách có thể giết người lần giở nó). William cũng không thể thành công trong sự diễn giải nếu không được trợ giúp bởi trực giác (và cả giấc mơ) của Adso và những liên hệ ngẫu nhiên, tình cờ khác. Cuối cùng, sự thật được phơi bày, kẻ thủ ác bị phát hiện, nhưng William đến quá trễ: quyển sách bị Jorge nhai nuốt và phần còn lại bị ném vào lửa. Tuy nhiên, quyển sách bị khống chế, bị che giấu, bị tiêu hủy vẫn được nhận ra qua tiếng vọng của nó trong các văn bản khác. Một vòng tròn được kiến tạo: quyển sách của Aristotle cũng như cảo bản tiếng Latin của Adso có thể không bao giờ tìm thấy như một bản gốc nhưng sẽ hiện ra dưới một hình thức khác, trong sự chuyển dịch, trích dẫn và đối thoại liên văn bản. Những điều này cho thấy việc sản xuất và tiêu thụ văn bản, sáng tác và diễn giải văn chương luôn có một cơ sở, một tiêu chuẩn, một điểm tựa. Với William và Adso, cũng như với Eco, điểm tựa đó chính là kí hiệu học, trên đó kiến tạo đối thoại liên văn bản giữa tác giả - văn bản - độc giả. Để thấu hiểu thế giới và thấu hiểu mỗi văn bản cá nhân, nhất thiết phải tiến dẫn văn bản vào mạng lưới liên văn bản (như thuộc tính của nó) và lắng nghe những hồi thanh liên văn bản của cuộc đối thoại này.

Tiểu thuyết Tên của đóa hồng đã xây dựng thành công độc giả kiểu mẫu kép của nó: khung trinh thám và khung lịch sử đã làm hài lòng những độc giả trung thành của dòng tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết lịch sử; khung kí hiệu học và liên văn bản làm hài lòng các nhà lí thuyết hàn lâm, các siêu độc giả, theo đó, toàn bộ tiểu thuyết có thể được đọc như là sự diễn giải và bình luận của Eco về lí thuyết liên văn bản nói riêng và kí hiệu học nói chung. Người đọc có thể phải thường xuyên ngả mũ cúi chào những người quen cũ (Conan Doyle, Thomas Mann, Dante, Jules Verne, Borges, Calvino, Pynchon, Bakhtin, Barthes, Guattari, Deleuze, Derrida, White, Chomsky, Peirce…), nhưng sẽ luôn cảm thấy hồi hộp, thú vị về cuộc đối thoại bàn tròn kịch tính giữa họ do Eco kiến tạo. Tiểu thuyết kinh viện này là khả độc đồng thời là khả tác, vừa thuộc về đại chúng vừa chỉ dành cho thiểu số. Nó thuộc về lối viết hậu hiện đại ở thời điểm nó được sản xuất và giờ đây nó là đại biểu mẫu mực cho lối viết này.

Huế, tháng 2/2018
N.V.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)