Bình luận văn nghệ  Điểm sách

Giải mã những huyền thoại

Thứ Tư, 09/05/2018 00:03
(Đọc Giới hạn của những huyền thoại của Nguyễn Thanh Tâm, Nxb Văn học, 2017)

. YẾN THANH

Người làm phê bình thơ hiện nay ắt hẳn là những người dũng cảm, nhẫn nại, có thiên tư nghệ sĩ và cả sự liều lĩnh chấp nhận đối đầu với những rắc rối. Thơ ca Việt Nam hiện đang trong giai đoạn bùng phát. Quá trình này biến thơ ca từ vị thế một nghệ thuật được “thiêng liêng hóa” (sacralisation) mang màu sắc tôn giáo, trở nên bị “thế tục hóa” (sécularisation) mang màu sắc cận văn học hoặc văn học bình dân. Thế nên, mới có những sự tích “bi hài” như việc ai muốn đọc thơ phải trả tiền trong những cuộc vui, hoặc có chủ nhà treo biển “xin để dép và thơ ở ngoài”... Bùng nổ sáng tạo tất yếu dẫn đến bùng nổ phê bình. Và trong hàng loạt những công trình nghiên cứu về thơ, Giới hạn của những huyền thoại của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tâm là một cuốn sách đáng chú ý trên nhiều phương diện.

Có thể nói, sau những cây bút thành danh trong phê bình thơ như Hà Minh Đức, Hồ Thế Hà, Chu Văn Sơn, Nguyễn Đức Tùng, Khế Iêm… mà đặc biệt là Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Thanh Tâm xứng đáng là người trẻ kế thừa đầy triển vọng công việc nhọc nhằn này. Tập sách của Nguyễn Thanh Tâm bao gồm 14 tiểu luận, được sắp đặt một cách có ý đồ từ diện đến điểm, từ phê bình lí thuyết đến phê bình đời sống văn học, từ đó mới dẫn dụ vào những vũ trụ thơ cụ thể. Tất cả 14 tiểu luận đều được tác giả châu tuần lại trong chủ điểm nghiên cứu là “giới hạn của những huyền thoại”. Tác giả quan niệm “bất kì hệ thống biểu nghĩa nào đều là huyền thoại và sở đắc chân lí, quyền lực”, tự mỗi huyền thoại luôn tồn tại trong những giới hạn tất yếu của nó. Có thể thấy sự ảnh hưởng của quan điểm triết học của Trương Đăng Dung lên Nguyễn Thanh Tâm rất rõ nét ở ý hướng nghiên cứu ở tầm vĩ mô này, tác động ấy cũng chi phối đến các triển khai, diễn giải chi tiết trong quyển sách.

Tôi đặc biệt chú ý đến 5 tiểu luận đầu tiên của tập sách, bởi đây là 5 tiểu luận nghiên cứu tổng thể thơ ca Việt Nam hiện đại từ những động hướng mới (Thơ mạng ở Việt Nam và Chủ nghĩa tối giản và thơ Việt Nam đương đại), cũng đặt ra cơ sở lí luận chung về thể loại. Dựa trên nền tảng ấy, tác giả đã vận dụng để cắt nghĩa những hiện tượng thơ đương đại (Những giới hạn của sự viết, Thơ khó – khó và hay, Thơ như là hình thức “tị nạn”). Trong Giới hạn của sự viết, Nguyễn Thanh Tâm đã nêu ra những vấn đề triết học hiện sinh và hiện tượng luận mà anh chịu ảnh hưởng, để từ đó xây dựng nên cách tiếp cận mĩ học và lí thuyết văn học về thơ Việt Nam đương đại. Anh quan niệm rằng giới hạn là bản chất của tồn tại, chứ không phải là nhược điểm của chủ thể. Từ đó, những giới hạn của văn học nước nhà từ 1975 đến nay là sự thiếu vắng xã hội dân sự, khiến văn chương không tiếp cận được bản chất nghệ thuật, cả nền văn học được vận hành dưới bóng của những huyền thoại, luôn lo sợ vi phạm vào những cấm kị. Khả năng của nhà văn nói chung và nhà thơ nói riêng cũng có nhiều hạn chế, trong đó là những giới hạn liên quan đến sử dụng ngoại ngữ, không đủ năng lực vượt qua cái tôi bản thể chủ quan trong sáng tạo. Cấu trúc, tổ chức thơ dễ dãi, tùy tiện, sự lạm phát về danh xưng nhà thơ… là căn cứ để Nguyễn Thanh Tâm đi đến kết luận “búa bổ” rằng 90% thơ đã xuất bản chỉ có chất lượng tầm “câu lạc bộ”. Đó là những phản biện thẳng thắn cần thiết, mang tính khách quan, khoa học, thể hiện bản lĩnh và thái độ phê bình đúng đắn của một nhà phê bình trẻ. Những cảnh tỉnh của Nguyễn Thanh Tâm đối với nền thi ca đương đại của nước ta là xác đáng, có tính chất xây dựng, anh không hề tung hê, giải thiêng thần tượng hay phủ định triệt để. Nhà phê bình, ngược lại, muốn xây dựng một nền tảng thi ca mới, trong đó thơ ca vẫn là “ngôi nhà để con người nương náu bên cạnh không gian địa lí sinh tồn”, là không gian tâm hồn nơi con người tồn tại và thi giới là nơi an toàn tinh thần trong xã hội, là cách tự chữa trị tâm hồn trong đời sống… Những nhận định này, có tính chất khái quát mạnh mẽ.

Nguyễn Thanh Tâm tỏ ra là người nhanh nhạy, bén mùi với cái mới. Bằng chứng là những trào lưu mới như thơ mạng, thơ tối giản cũng được anh phân tích khá kĩ trong quyển sách, trên cả góc độ lí thuyết, lịch sử hình thành, nền tảng triết mĩ cho đến thực hành sáng tạo. Từ những phê bình lí thuyết và phê bình lịch sử nói trên, Nguyễn Thanh Tâm đã “chọn mặt gửi vàng” vào những trường hợp nhà thơ đương đại đặc sắc, tiêu biểu có nhiều vấn đề để tiến hành phê bình tác giả và phê bình tác phẩm. Điểm đáng ghi nhận ở phê bình thơ Nguyễn Thanh Tâm đó là anh có “con mắt thơ” khá tinh tế, đủ sức nhìn ra nhãn tự của các vũ trụ thơ, từ đó đưa ra nhận định đắt giá. Dĩ nhiên mọi tri thức đều có tính chất kế thừa từ những người đi trước. Với Xuân Diệu, Nguyễn Thanh Tâm nhận định ông không thể là nhà thơ mới nhất trong những nhà Thơ mới, chỉ là Hoài Thanh không đủ sức “đọc ra” những người mới hơn. Với Lê Đạt, anh nhận định mã nghệ thuật của thơ ông được tạo nên từ quá trình “biến thơ thành hư từ, nhễ bỏ hình vị khỏi từ”. Với Mai Văn Phấn, anh cho đó là quá trình đổi mới, sinh tạo, “vong thân” liên tục qua các trào lưu, hệ hình. Với Nguyễn Việt Chiến, anh coi đấy là tâm thức lưu đày. Với Trúc Thông, anh nghĩ nhiều đến tâm thức sông trôi chảy và với Lương Đình Khoa là cảm thức “bi kịch kẻ quê ra phố”, bị bứng khỏi làng quê.


gioi han cua nhung huyen thoai LPGCTrong diễn ngôn phê bình, cũng cần ghi nhận ở Nguyễn Thanh Tâm nỗ lực làm mới mình, đồng hóa vào đối tượng phê bình. Cụ thể ở bài phê bình Trên đường đến với Kỉ niệm tưởng tượng – một tiểu luận phê bình thơ Trương Đăng Dung, Nguyễn Thanh Tâm đã không viết theo lối diễn ngôn tiểu luận truyền thống, mà chọn lối trình bày theo kiểu đối thoại. Nhà phê bình tự phân thân thành hai chủ thể hỏi và đáp là B và T, liên tục tra/chất vấn nhau nhằm làm rõ quan điểm. Cách viết này gần tương tự Martin Heidegger trong những công trình bàn về bản chất của ngôn ngữ. Lối viết này khá táo bạo và mạo hiểm, đòi hỏi nhà phê bình làm chủ kiến thức nền tảng của thông diễn học M.Heidegger, cũng như nắm được cốt lõi tư tưởng thơ Trương Đăng Dung. Cũng cần thẳng thắn chỉ ra thể nghiệm mới mẻ này chưa mang lại được sự đột phá trong phê bình của tác giả, tôi cũng không thích kiểu phê bình này vì có cảm giác “nói chưa tới”. Nhưng ở một người nhanh nhạy, ưa đổi mới như Nguyễn Thanh Tâm, thể nghiệm cũng là một cách tồn tại khác mang tính tất yếu của sự viết.

Tôi đặc biệt chú ý đến hai tiểu luận mà hẳn rằng Nguyễn Thanh Tâm ưng ý nhất, dành nhiều công phu nhất, và nhờ chúng đã làm nên tên tuổi, vị thế phê bình thơ cho anh (Bản sắc nữ tính hay những lời nói dối to lớn và Vi Thùy Linh - giữa những quyền lực của lời). Đây là hai tiểu luận đầy công phu, thể hiện rõ sự tài hoa, nhạy cảm nghệ sĩ, nhưng được viết với tinh thần khoa học cao, nhiều phát hiện mới mẻ, sẵn sàng động chạm, gây hấn. Hai tiểu luận này kết tinh mọi ưu điểm và đặc trưng của phê bình Nguyễn Thanh Tâm, đó là dựa vào tiểu sử học, xã hội học nhằm phê bình tiểu sử, phê bình hoàn cảnh sáng tạo, từ đó đi sâu vào văn bản, chỉ ra đặc trưng nghệ thuật lẫn giới hạn (tất yếu) của người viết. Trong tiểu luận Bản sắc nữ tính hay những lời nói dối to lớn, Nguyễn Thanh Tâm đã làm rõ quá trình tái sinh, từ Vương Oanh Nhi - một thiếu phụ thân phận bên lề (gốc Hoa, bị tâm thần, bị mất hết gia sản, bị kì thị, bị chồng xa lánh, thất nghiệp) cho đến nữ thi sĩ Dư Thị Hoàn (bút danh của Vương Oanh Nhi) “khét tiếng” của văn học Việt Nam đổi mới. Chính tâm thế ngoại biên, khả năng cất tiếng nói nữ tính bằng ngôn ngữ cơ thể, đặc trưng cái tôi phụ nữ không đoan chính… đã biến Dư Thị Hoàn trở thành cây bút nữ quyền đáng chú ý nhất, và cũng gánh chịu nhiều búa rìu dư luận nhất trong 30 năm qua. Với tiểu luận về Vi Thùy Linh, Nguyễn Thanh Tâm thể hiện khả năng làm tư liệu đầy kỹ lưỡng, với sự phân định rõ ràng diễn ngôn thơ với diễn ngôn ngoài thơ của Vi Thuỳ Linh, từ đó phân biệt Vili (cái tôi trong thơ) với Vi Thùy Linh (cái tôi tác giả). Những nhận định, phê bình về thơ Vi Thùy Linh cũng được phân định thành phê bình về diễn ngôn thơ với phê bình diễn ngôn ngoài thơ, giữa luồng khen ngợi đáo để với luồng chê bai xuống bùn đen. Để cuối cùng, Thanh Tâm đi đến những kết luận hệ trọng, có khả năng đảo lộn mọi tín niệm đương đại, sẵn sàng chấp nhận mọi đối thoại như nhận định Vili không hề là nhà thơ nữ quyền, ngược lại thơ chị rất thần phục, khát khao nam quyền. Sự mâu thuẫn giữa lời ngoài thơ và trong thơ đã khiến nhiều người, cả phía khen và chê nhầm lẫn. Vi Thùy Linh là nhà thơ nữ đương đại đáng đọc, thông minh khéo léo trong PR nhờ truyền thông, chị có nhiều nỗ lực cách tân thơ, nhưng xét từ góc độ hệ hình tư duy nghệ thuật và ý thức giới tính, chị vẫn chỉ là bản sao cũ của những tượng đài đã cũ…

Điểm đáng chú ý nhất trong diễn ngôn phê bình của Nguyễn Thanh Tâm là khả năng đồng hiện/cảm với đối tượng phê bình. Phê bình trong trường hợp này là những khoảnh khắc đồng hiện giữa chủ thể đọc và chủ thể viết. Nhà phê bình là loài vật lưỡng thê như cách nói của học giả Đỗ Lai Thúy. Anh ta vừa khách quan lại vừa chủ quan trong khi viết, mang thân phận của nhà khoa học đồng thời cũng là người nghệ sĩ “đồng sáng tạo”. Nhà phê bình vừa nỗ lực tái tạo tối đa chủ ý của nhà văn, nhưng đồng thời cũng đưa cái tôi chủ quan của mình vào diễn ngôn như một tất yếu, đúng với câu nói nổi tiếng của Hoài Thanh là “Tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Phê bình văn học do đó, luôn đứng giữa lằn ranh của sự băn khoăn: nhân hình hóa và phi nhân hình hóa, khoa học và nghệ thuật, khách quan và chủ quan. Nguyễn Thanh Tâm chỉ trong một cuốn sách mỏng đã thể hiện khá đầy đủ, và đặc biệt, là khá thành công tất cả những đặc trưng nói trên của phê bình. Rất nhiều đoạn phê bình chúng ta có thể thấy rõ tính trữ tình, chủ quan, đồng sáng tạo của nhà phê bình. Đồng cảm với Vi Thùy Linh, Thanh Tâm viết: “Linh thường bộc lộ khát khao yêu đương của mình một cách không giấu giếm. Thế nhưng, như một sự đối lập, đỉnh cao của tiếng yêu trong thơ Linh lại là sự lặng im. Lặng im để nhớ, lặng im để buồn, lặng im đau, lặng im khóc, lặng im thở dài, lặng im giấu tháng năm vào tóc,… và lặng im trên đỉnh sóng cuồng si” [tr.224]. Nguyễn Thanh Tâm cũng không ngại va chạm và tranh luận trong phê bình, điều này thể hiện bản lĩnh cầm bút của anh. Ngay cả với những “đại gia” trong làng văn vốn nổi tiếng “nhiều chuyện” và chua ngoa như Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Hoàng Đức, anh vẫn thẳng thắn phê phán khi cần thiết: “Trần Mạnh Hảo chỉ ra điều ấy không sai, nhưng cách anh chỉ ra cũng không kém phần “đanh đá”, cũng “xổ ra hết” nên làm cho sự tranh luận trở nên khiếm nhã…”; “Lí lẽ của Nguyễn Hoàng Đức không thể hiện sự tiết chế cần thiết của một người được mệnh danh là “nhà triết học”; “Lẽ ra chúng tôi nên vứt bỏ những dạng bài như thế, nhưng nhận ra dạng bài viết này phản ánh một kiểu làm phê bình hời hợt, cẩu thả, đang làm suy thoái chất lượng phê bình của ta, cần nêu ra để cảnh giác” [tr.265-269]. Điều đáng ghi nhận ở Thanh Tâm trong phê phán là anh không hề bênh ai, không thiên vị trong quan điểm, điều này tạo ra sự khách quan cần thiết và sự thuyết phục tự nhiên. Khi cần, anh vẫn phê phán Vi Thùy Linh: “Nguyễn Trọng Tạo, Vi Thùy Linh bản thân họ cũng đã không tiết chế, sự nhiều lời của đôi bên làm cho lí trí trở nên lú lẫn và chỉ có thể sử dụng những kiểu lời có tính “gây hấn” để đả kích nhau” [tr.267]. Với những quan điểm thẳng thắn như trên, tôi dự cảm Nguyễn Thanh Tâm sẽ sớm gặp những sóng gió trên trường văn trận bút, nhưng tôi tin anh chấp nhận sự không an toàn đó, để được là chính mình, được nói lên tiếng nói công chính, xuất phát tự đáy lòng về khát khao một đời sống văn chương Việt Nam tốt đẹp hơn. Tôi chúc bạn sẽ luôn “chân cứng đá mềm” trên con đường đã chọn.

Nhìn chung, đúng như định đề mà Thanh Tâm đã đặt ra đó là những giới hạn, tập tiểu luận phê bình của anh cũng có nhiều giới hạn cần chỉ ra. Ví dụ như một vài tiểu luận còn sơ sài, dung lượng ngắn, lại có tiểu luận quá dài, viết rối nhưng không chia chương mục. Có tiểu luận đưa cả phê bình văn xuôi vào để “đẽo chân cho vừa giày” khi nói về một tác giả mà rất có thể anh đã “lỡ” viết hai bài về họ. Không phải tiểu luận nào cũng chỉ ra được những giới hạn như ý hướng chung của quyển sách. Phương pháp phê bình cũng chưa thống nhất, có khi khách quan (thi pháp, thông diễn học, cấu trúc luận…), có khi lại chủ quan (kiểu “tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người”) như trong lời nói đầu. Tuy vậy, những giới hạn trên là tất yếu đối với một người nghiên cứu trẻ. Tôi tin, trong tương lai, Nguyễn Thanh Tâm sẽ là một trong những người đi đầu của thế hệ phê bình mới, bởi những gì thể hiện trong quyển sách mỏng này là một chứng cứ của niềm tin đầy lí tính ấy. 
 
Y.T
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)