Trao đổi thêm về bài Tứ thơ và hướng tiếp cận mới của Nguyễn Vũ Tiềm

Thứ Sáu, 11/05/2018 00:20
. THI VŨ

Tạp chí Văn nghệ quân đội số 885, tháng 1 năm 2018 vừa đăng bài viết Tứ thơ và hướng tiếp cận mới của tác giả Nguyễn Vũ Tiềm. Nhận thấy bài viết này nêu lên một vấn đề dù đã được bàn thảo nhiều nhưng không hẳn đã có xác quyết cuối cùng, thậm chí nhiều người còn mơ hồ về tứ thơ và cấu tứ, chúng tôi muốn cùng tác giả trao đổi thêm để có thể mở rộng đường biên về một trong những vấn đề cốt lõi của thơ.

Trước hết, chúng tôi đánh giá đây là bài viết thể hiện rõ những nhận thức từ quá trình tìm hiểu, nghiên cứu thơ của một người vừa làm thơ vừa quan tâm đến lao động sáng tạo của nhà thơ. Chúng tôi tán thành quan điểm “tứ thơ là một khám phá” mà tác giả nêu lên, và xem đó là đóng góp của Nguyễn Vũ Tiềm trong việc khẳng định khía cạnh tìm kiếm cái mới của chủ thể sáng tạo. Bằng cảm quan nghệ sĩ, tác giả đã trình bày những suy ngẫm của mình một cách khá “tung tẩy”. Cùng với những bài viết hàn lâm, khúc chiết, bằng hệ thống lí thuyết, phương pháp rõ ràng, những bài mang phong cách nghệ sĩ là cần thiết, bởi nó bổ khuyết cho vẻ khô khan, khách quan ở phía hàn lâm học thuật. Trong tình thế của chúng ta, những hiện diện khác trở nên đáng quý, thể hiện khí quyển dân chủ và cởi mở. Đó là cơ hội cho sự phát triển. Bên cạnh những điểm không thể không tán đồng, xét thấy còn những vấn đề chưa thỏa đáng, xin có đôi lời được trao đổi lại cùng tác giả.

Từ việc đọc kĩ bài viết, chúng tôi nhận ra còn có những chỗ chưa chặt chẽ trong tư duy của tác giả. Phần thứ nhất Tứ thơ nội hàm của khám phá tác giả vào đề bằng một câu khá mông lung: “Tôi từng nghe nhiều nhà thơ nói về tứ thơ…”. Dù nói trước là tóm tắt lại những quan điểm của người khác, nhưng chỉ 2/4 quan điểm có nguồn gốc dẫn liệu. Như thế, trong tư duy nghị luận, hai quan điểm còn lại cho thấy tác giả chưa cẩn trọng trong việc tiếp cận tư liệu. Vẫn trong phần nêu vấn đề, tác giả lại viết: “Tình cờ tôi đọc ở đâu đó một câu trích: “Tứ thơ là một khám phá”. Dù tán thành với quan điểm trong câu trích, nhưng chúng tôi muốn nói về cách tác giả tiếp cận quan điểm. Sự tung tẩy là có thể, nhưng lối nghị luận “Tình cờ đọc ở đâu đó”, “trong một bài thơ tôi không nhớ tên” quả rất đáng ngại.

 
nhung canh hoa bay

Để làm rõ quan điểm “tứ thơ là một khám phá” mà tác giả cho là “rất cô đọng và chính xác”, phần nghị luận tiếp theo nêu lên các dẫn chứng từ thơ của Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Đường Thanh Thần, Trần Ninh Hồ. Lỗi logic lập luận tiếp tục diễn ra. Người đọc không khó để nhận thấy sự lủng củng trong cách trình bày của tác giả: dẫn thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên - thời Thơ mới, rồi Đường Thanh Thần - thời Đường, Trần Ninh Hồ - khá muộn về sau. Như thế, xét trên trình tự dẫn chứng, logic niên đại đã không được chú ý. Mặt khác, để khẳng định nội hàm “khám phá” của tứ thơ, Nguyễn Vũ Tiềm đặt ra yêu cầu cần phải “khác thường - đột biến - bất ngờ”. Tuy nhiên, trong các dẫn chứng nêu lên, tác giả không chỉ ra cho người đọc thấy được, bài Bẽn lẽn của Hàn Mặc Tử “khác thường” ở chỗ nào. Bài Nguyệt cầm của Xuân Diệu, tác giả viết: “Câu nào cũng mới lạ khác thường mang đến cho người đọc hết bất ngờ này đến bất ngờ khác”. Nhưng, bất ngờ như thế nào tác giả lại không chỉ ra. Như thế khác nào dẫn người đọc đi từ sự mơ hồ này đến một sự mơ hồ khác.

Để phê phán một số quan điểm chưa thỏa đáng về tứ thơ, Nguyễn Vũ Tiềm đặt ra những mâu thuẫn nội tại của các quan điểm đó. Tác giả viết: “Nhiều bài có xương sống, có cột nhà, có hạt nhân, có sự liên kết các ý thơ, có tập trung… nhưng vẫn không có tứ bởi không có khám phá gì cả, do quan niệm không đúng về tứ thơ”. Tôi không hiểu “có sự liên kết ý thơ” tại sao lại không có tứ thơ? Hạt nhân của tứ thơ là “ý” và “tình”. Nói cách khác, cấu tứ là quá trình tổ chức ý - tình để thành tứ thơ. Như thế, có “sự liên kết ý thơ” mà lại không có tứ thơ là một mâu thuẫn trong tư duy của tác giả bài viết. Thêm nữa, vẫn trong mạch nghị luận, tác giả cho rằng, sự khám phá như là nội hàm của tứ thơ đòi hỏi “… một giá trị mới lung linh đa chiều chưa từng có”. Tôi lại một lần nữa không hiểu, rằng có thứ gì là mới hoàn toàn - “chưa từng có” như tác giả nhấn mạnh. Xét về tư duy nói chung, tư duy thơ nói riêng, dù trong những địa hạt giàu tưởng tượng nhất, không có gì bắt nguồn từ chỗ không có gì. Chúng ta chỉ có những cái khác sản sinh từ một góc nhìn khác, một quan niệm khác, một cách tiếp cận khác mà thôi. Ngay cả khi, một điều gì đó tưởng như là “độc sáng”, thì hệ thống kí hiệu hay những phương thức thể hiện nó lại cũng là những cái đã sẵn có. Chẳng phải châu Mĩ đã ở đó trước khi Ch. Columbus đặt chân đến hay sao?

Phần thứ 2 Các hình thức của cấu tứ là phần thể hiện rất rõ sự tư biện của tác giả. Nguyễn Vũ Tiềm nêu lên bốn hình thức cấu tứ: cấu tứ chủ đề, cấu tứ cảm đề, cấu tứ định đề, cấu tứ phản đề. Ở phần này, lập luận của tác giả khá chông chênh nếu không muốn nói rằng nó lỏng lẻo đến đáng ngờ. Khi trình ra một khái niệm, một thuật ngữ, nhất là những khái niệm đang cần được minh định, giúp người đọc hiểu hơn vấn đề đang bàn, tác giả lại không tiến hành thao tác định nghĩa. Cấu tứ chủ đề là gì? Cấu tứ cảm đề là gì?... Cùng với đó, những nhận định hay kết luận của tác giả cũng khiến người đọc hoài nghi về độ tin cậy của nó. Đánh giá về sự “khó” - “dễ” của cấu tứ cảm đề, bài viết nêu lên: “cấu tứ cảm đề tưởng dễ mà khó, khó bởi mỗi câu, hay cặp câu phải là một chi tiết độc đáo, hoặc một ý tưởng sâu sắc mới lạ, có khả năng đứng riêng biệt đủ để người ta dừng lại nghĩ suy, chiêm nghiệm”. Liệu rằng, “một chi tiết độc đáo”, “ý tưởng sâu sắc mới lạ” có phải là một diễn đạt thỏa đáng về “cảm đề” - “thiên về cảm tính” như tác giả nêu lên ở đầu? H. Bergson (cha đẻ của thuyết trực giác, điểm tựa của chủ nghĩa ấn tượng) khi đề cao các dữ kiện của trực giác cũng đặt “những cố gắng gân thịt” - ẩn dụ về trí não, xuống hàng thứ yếu. Mà, “ý tưởng sâu sắc” dường như đã hàm chứa trong nó rất nhiều sự nỗ lực của lí trí. Điều này có mâu thuẫn với “cảm đề” mà Nguyễn Vũ Tiềm đang muốn nói đến hay không? Câu trả lời có ngay sau đó khi ông nhận định rằng, cấu tứ cảm đề “dễ tích hợp những hằng số bí ẩn, dễ tạo nên những trầm tích tâm linh tiềm thức”. Tâm linh, tiềm thức, trong cơ chế tồn tại và vận hành của mình, nó khước từ sự thô bạo và thiển cận của lí trí. Cũng ở phần này, khi dẫn ra những nhà thơ tiêu biểu cho lối cấu tứ cảm đề, Nguyễn Vũ Tiềm đã nhắc đến Trương Đăng Dung. Nếu ông để dành nhà thơ này như một dẫn chứng của lối cấu tứ định đề thì không còn gì thuyết phục hơn. Tiếc là, ông đã không làm thế. Về bài thơ Nguyễn Vũ Tiềm “không nhớ tên” của Trần Thị Huyền Trang, đó là “nỗi buồn, nỗi cô đơn đẹp một cách trong trẻo trầm huyền”. Có vẻ như, tác giả đã hơi làm dáng trong tổ hợp “trong trẻo trầm huyền”. Tương tự, những mệnh đề “trầm tích tâm linh tiềm thức”, “ánh chớp thi tài” cũng khiến người đọc nghi ngại bởi nó bóng bẩy, kiểu cách vượt xa biên độ tung tẩy mà ta sẵn lòng thể tất cho lối viết của nghệ sĩ.

Bàn về cấu tứ định đề, Nguyễn Vũ Tiềm dẫn ra hai bài thơ: Tôi ở cách xa tôi của Karl Lubomirski và Nếu hòn sỏi nói của Bertolt Brecht. Điều đáng nói là đang bàn về tứ thơ, trong tư cách là người am tường về nó, Nguyễn Vũ Tiềm dường như chưa bắt trúng định đề của bài thơ:

Tôi ở cách xa tôi
Xa đến nỗi nếu em không đến đó
Không cuộc đời nào đến được với
                                           tôi đâu

(Quang Chiến dịch)

Triết lí nhân sinh mà Nguyễn Vũ Tiềm nhận ra là: “Nếu không có em thì chính tôi cũng chẳng đến được với tôi, có khi tôi cũng “vô tích sự” chẳng ra gì”. Dĩ nhiên, mỗi người có cách đọc khác nhau, nhưng nếu có thể, tôi (T.V) đề xuất: bài thơ là một ý niệm hiện sinh. Chẳng phải không có em thì tôi “vô tích sự” mà không có em thì tôi không phải là tôi, hay đúng hơn, tôi không hiện hữu. Một khi, tôi không hiện hữu thì “vô tích sự, chẳng ra gì” không phải là vấn đề nữa.

Như đã nêu lên ở đầu, trao đổi này của chúng tôi xuất phát từ mối quan tâm đến một trong những vấn đề cốt lõi của thơ là: tứ thơ. Hẳn, Nguyễn Vũ Tiềm sẽ nhận ra sự đồng điệu đó trong niềm hứng khởi trước sự phản hồi về bài viết của mình. Tứ thơ là một khám phá. Khám phá đó như một “Big Bang” khởi tạo nên “ý”, “tình”. Sự tổ chức ý - tình gọi là cấu tứ. Cấu tứ được triển khai bằng một hệ thống kí hiệu gợi cảm, giàu hình ảnh, nhịp điệu - Đỗ Đức Hiểu gọi là “một cấu trúc đầy âm vang”. Yêu cầu về sự “khác thường - đột biến - bất ngờ” mà Nguyễn Vũ Tiềm nêu lên quả thực đã thâu tóm được bản chất của sự khám phá. Nỗ lực đúc kết những trải nghiệm trong lao động nghệ thuật thành con đường, phương thức (bốn cách cấu tứ) tự nó nói lên những bận tâm nghiêm túc của tác giả đối với thơ. Trong ý nghĩa đó, chúng ta dường như đã gặp nhau.

T.V
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)