Văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại - những biến đổi và những ẩn số

Thứ Hai, 14/05/2018 00:10
. ĐINH XUÂN DŨNG

Bài viết này dùng thuật ngữ “đương đại” với ý nghĩa là đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam đang diễn ra hiện nay, và bắt đầu từ những năm 80 của thế kỉ XX. Xác định nội hàm “đương đại” như vậy cũng chỉ có ý nghĩa tương đối, song mục tiêu là nhằm nhìn nhận văn học, nghệ thuật giai đoạn khoảng 30 năm qua đang trong quá trình biến đổi, biến động sâu sắc, nhanh, mạnh, phức tạp, kể cả những thử nghiệm mới chưa đi tới đích và cả những ẩn số chưa thể giải đáp được ngay. Có nghĩa là, nhìn nhận văn học, nghệ thuật giai đoạn hơn 30 năm qua không nên đánh giá ở trạng thái “tĩnh”, mà nên quan sát ở trạng thái “động”, chưa định hình, trong sự vận động tự tìm kiếm cho sự phát triển của mình.

Đặt vấn đề theo hướng đó, và không dừng lại chỉ ở lĩnh vực văn học mà thử đề cập đến các loại hình khác như âm nhạc, mĩ thuật, sân khấu... nên phạm vi của bài viết rất rộng, do vậy, người viết tự giới hạn bằng cách trình bày các vấn đề theo hướng khái quát, nêu vấn đề, mà không thể phân tích, chứng minh cụ thể, đầy đủ. Với ý nghĩa đó, bài viết chỉ dừng lại như một thử nghiệm trong nhận định, một gợi mở nhỏ về một vấn đề lớn chưa có thể đi ngay tới những giải đáp thuyết phục, bởi vì thực tiễn đang biến động và cùng với nó đã và đang xuất hiện những ẩn số trong sự vận động phức tạp đó.

 1. Theo M. Bakhtin, để đánh giá một giai đoạn hay một nền văn học, thể loại đóng vai trò rất quan trọng. Điều đó không chỉ đúng với văn học mà còn đúng với các loại hình nghệ thuật khác.

Kể từ năm 1945 đến đầu những năm 80 thế kỉ XX, chúng ta vốn quen với các thể loại đã tương đối ổn định trong đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam, mà trước đó giai đoạn từ 1930 đến 1945 đã có sự “chuẩn bị” với những đột phá táo bạo. Sự xuất hiện và phát triển của tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, thơ, nhạc, hội họa, kịch nói, kiến trúc… theo mô hình phương Tây đã tạo ra một bước quan trọng giúp cho văn học, nghệ thuật Việt Nam bước sang giai đoạn hiện đại hóa.

Diện mạo của văn học, nghệ thuật Việt Nam từ 1945 đến đầu những năm 80 chủ yếu là tiếp tục phát triển các thể loại đã được chuẩn bị từ năm 1945 về trước. Tất nhiên, nó cũng có biến đổi về nội dung, cố gắng tự đổi mới trong quá trình “sử dụng” các thể loại, song về cơ bản chưa có bước đột phá hay phá vỡ cái đã định hình (Các thể nghiệm về thơ văn xuôi, thơ bậc thang chỉ bùng lên một thời kì, số phận của nó không dài!).

Những năm gần đây, tình hình đã hoàn toàn khác trước, hay nói ít nhiều xác quyết hơn, đó là sự bùng nổ không cưỡng lại được, sự xâm nhập ồ ạt và cả sự lên ngôi, chiếm thị phần ngày càng lớn hơn của các thể loại mới trong tất cả các loại hình văn học, nghệ thuật. Đối với văn học là tiểu thuyết sắp đặt, là thơ hiện đại, là sự xâm nhập lẫn nhau giữa các thể loại. Đối với âm nhạc là các thể loại nhạc jazz, pop, hip hop, bolero, âm nhạc dân gian đương đại và cả nhạc “ma túy”! Đối với mĩ thuật là các thể loại trừu tượng, lập thể, tượng trưng, sắp đặt, mà có người gọi chung là mĩ thuật đương đại! Đối với điện ảnh là các phim truyền hình nhiều tập, có lúc nhiều đến “phát sợ”!

Sự xuất hiện và phát triển của các thể loại đó dẫn đến, đây là điều quan trọng nhất, việc “cạnh tranh” giữa chúng với các thể loại vốn quen thuộc trong giai đoạn 1945 - 1980. Tiểu thuyết, hội họa tả thực có còn chiếm giữ vai trò lớn như trước đây? Âm nhạc trữ tình truyền thống của 30 năm trước (1945 – 1975) giữ vị trí ra sao trong tương quan với jazz, pop, hip hop...? Liệu thể loại sang trọng như giao hưởng thính phòng sẽ có vai trò như thế nào trong sự phát triển của âm nhạc Việt Nam hiện đại?

Và ngay cả đối với các thể loại mới được du nhập vào nước ta, những thể nghiệm, tìm tòi mới liệu số phận của nó ra sao trong tiến trình phát triển, nếu quá trình “Việt hóa” không đạt được các thành tựu đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng? Tôi đã được đọc một tập thơ mà hầu hết các bài thơ, từng từ trong bài thơ được viết trong hình các chữ cái viết hoa A, B, C, D... Tôi đã đi xem các cuộc triển lãm mĩ thuật đương đại, đặc biệt là nghệ thuật sắp đặt và không bất ngờ khi thấy sự “nghi ngờ”, e ngại của công chúng trước những thể nghiệm đó. Được hỏi về số phận của bolero, một bạn là cán bộ quản lí văn nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng sau khi lên cao trào nó sẽ xẹp xuống. Điều này không biết có đúng không? Một giám khảo điện ảnh người Mĩ từng nhận xét phim Việt đương đại có phần giống với phim Mĩ!

Sự vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam những năm qua với sự xuất hiện và phát triển xen kẽ nhau của các thể loại, cả cũ và mới, cả truyền thống và du nhập từ nước ngoài, là một sự biến đổi hoàn toàn mới, trong đó đã và đang xuất hiện các ẩn số chưa thể giải đáp.

2. Sự biến đổi, phát triển của các thể loại có thể nhìn thấy được, song, hiểu nó và đi tìm nguyên nhân xuất hiện của nó trong giai đoạn văn học, nghệ thuật hơn 30 năm qua lại không đơn giản. Cho rằng, đó là kết quả của quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế, điều đó đúng, nhưng chắc chưa đủ. Có lẽ phải tìm ở nguyên nhân sâu hơn, bắt nguồn từ sự biến đổi trong quan niệm và tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ. Nghệ sĩ bao giờ cũng đi tìm một thể loại có thể chuyển tải tốt nhất những gì họ ấp ủ, muốn thể hiện, muốn giãi bày. Tất nhiên, nguồn gốc của sự biến đổi tư duy sáng tạo lại bắt đầu từ việc nỗ lực vượt qua những hạn chế của giai đoạn trước và khát vọng đáp ứng nhu cầu mới của xã hội trong hiện tại. Bởi vậy, biến đổi tư duy sáng tạo (hay nói như một định đề được nhiều người xác định: tự đổi mới là nhu cầu tự thân của văn nghệ) là một dấu hiệu nổi bật, chi phối sâu sắc đặc điểm, diện mạo của văn học, nghệ thuật Việt Nam những năm qua. Có nhiều khuynh hướng của sự biến đổi trên. Vượt qua tư duy miêu tả, phản ánh cái hiện thực đang diễn ra của giai đoạn văn học, nghệ thuật trước, người nghệ sĩ hôm nay, bằng tư duy độc lập của mình, muốn phân tích, mổ xẻ hiện thực, qua đó “can thiệp” trực tiếp (tất nhiên, phải bằng sáng tạo nghệ thuật) vào cái hiện thực được nhận thức đó (cả hiện thực trong quá khứ, hiện thực chiến tranh và hiện thực đương đại). Có lẽ, khuynh hướng tư duy này bắt đầu từ kịch của Lưu Quang Vũ, truyện của Nguyễn Minh Châu... Vượt qua những nỗ lực kể tả lại những biến cố, sự kiện lớn, tư duy sáng tạo của nghệ sĩ hôm nay khát khao khám phá, ở tận chiều sâu nhất, số phận con người, cả vô thức, tiềm thức và ý thức, cả niềm vui và nỗi đau, cả anh hùng và bi kịch, cả bóng tối và ánh sáng… Bài viết này chưa có ý định bàn tới cái được và chưa được, cái mới và cái ngộ nhận trong khuynh hướng tư duy sáng tạo trên, mà chỉ dừng lại cố gắng chỉ ra sự biến đổi của nó, khi xem xét từ tiến trình lịch sử của sự phát triển.

Có lẽ, ngược với kiểu tư duy trên, những năm gần đây xuất hiện một dạng tư duy sáng tạo đang có chiều hướng phát triển là “tư duy hướng nội”. Tôi nhận biết đặc điểm đó trong nhiều bài thơ, bút kí, bản nhạc, bức tranh được sáng tác trong những năm gần đây. Hiện thực không phải là mục tiêu, cảm hứng chính của người sáng tạo, mà qua đó, thế giới nội cảm riêng của tác giả được thể hiện đậm đặc, là cái đích cuối cùng của cảm hứng sáng tạo. Không kịp dẫn chứng cụ thể trong đây, tôi đã được đọc, nghe, xem với niềm vui bất ngờ về những phát hiện sâu và mới trong trí tuệ và tâm hồn người sáng tạo (và chỉ của riêng họ) ở những tác phẩm theo hướng trên, đặc điểm rất ít thấy trong tác phẩm ở giai đoạn trước. Đồng thời, tôi cũng được tiếp xúc với không ít tác phẩm chỉ là nơi buông thả những cảm xúc, suy tư cá nhân, tưởng là mới lạ nhưng nhạt nhẽo, vô bổ, đôi khi như trò chơi ú tim, khó hiểu và tăm tối.

Vượt quá giới hạn của tư duy hướng nội này là quan niệm cho rằng trong thời kì hiện đại, văn học, nghệ thuật không còn chức năng nhận thức, giáo dục, mà chỉ là một “sân chơi” tự do của cá nhân, là trò chơi ngôn ngữ nghệ thuật - kể cả văn học và các loại hình nghệ thuật - từ đó, coi tác phẩm chỉ là sự thỏa mãn, biểu hiện không giới hạn nhu cầu cá thể, là sự giải trí thuần túy.

Cùng với các kiểu tư duy trên, trong đời sống văn học, nghệ thuật đương đại, cho đến nay, vẫn đang tồn tại kiểu tư duy sáng tạo truyền thống mà đặc điểm chủ yếu của nó là chỉ có khả năng kể tả lại các sự kiện, biến cố trong cuộc sống (cả trong quá khứ chiến tranh và hiện thực đương đại), biểu hiện một cách giản đơn thế giới tinh thần, tâm lí con người… Người ta có thể tìm thấy kiểu tư duy đã trở nên cũ đó trong một số tiểu thuyết, trong hàng trăm tập thơ (ít nhiều có tính chất “nghiệp dư”), trong cả các bản nhạc, bức tranh, vở kịch, bộ phim được xuất bản, sản xuất, biểu diễn... Kiểu tư duy sáng tạo này, tự nó, đã đánh mất đi khá nhiều công chúng tiếp nhận.

Sự biến đổi của tư duy sáng tạo diễn ra âm thầm nhưng rất quyết liệt, đòi hỏi một quá trình tự vượt mình của mỗi cá thể và của cả đội ngũ gồm nhiều thế hệ trong hơn 30 năm qua, cho đến nay, chưa có nhiều dấu hiệu của thành tựu lớn và mới, vì quá trình đó chưa kết thúc. Nhu cầu của cuộc sống, đòi hỏi của công chúng và quy luật tự đổi mới của sáng tạo văn học, nghệ thuật đang là động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình tự vượt mình đó. Thành tựu thực sự có hay không trong tương lai đang là một câu hỏi, một ẩn số.

3. Sự ra đời và phát triển, phần lớn là tự phát, của một thị trường các sản phẩm văn học, nghệ thuật cũng là một đặc điểm hoàn toàn mới trong đời sống văn học, nghệ thuật hôm nay. Tôi không có điều kiện và có lẽ cũng thấy không cần thiết phải miêu tả cụ thể thị trường đó đối với từng loại hình nghệ thuật. Điều cần hơn là chỉ ra sức tác động ghê gớm của nó đối với các khuynh hướng sáng tác, biểu diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật. Tất nhiên, không nên phủ định mặt tích cực của nó, được coi như một động lực của sáng tạo và là chân đế cho sự xuất hiện các tài năng mới, song không thể xem nhẹ sự tác động tiêu cực, khi thị trường trở thành một nhân tố dẫn dắt người sáng tạo làm ra những hàng hoá rẻ tiền, thỏa mãn các nhu cầu tầm thường của một bộ phận công chúng. Thị trường, với sức mạnh ma quái của đồng tiền và lợi nhuận đang chi phối một bộ phận những người sáng tác, sản xuất, quảng bá, biểu diễn văn học, nghệ thuật. Từ đó, đặt ra một thử thách hoàn toàn mới đối với người sáng tạo và hoạt động văn học, nghệ thuật hiện nay là có khả năng kết hợp trong sáng tạo của mình năng lực vừa định hướng vừa đáp ứng nhu cầu của công chúng nghệ thuật hay không. Ngày nay, nếu chỉ có định hướng như trước đây sẽ khó chấp nhận, và ngược lại, coi sáng tạo của mình chỉ nhằm mục tiêu thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, dù nhu cầu đó có thật nhưng tầm thường lệch lạc, sẽ rất dễ biến sản phẩm văn học, nghệ thuật thành hàng hóa đơn thuần, đánh mất dần chức năng cao quý vốn có của mình. Đối với đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam hôm nay, câu trả lời đang ở phía trước!

4. Trong những năm gần đây, lí luận văn nghệ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiếp nhận đãxác định người tiếp nhận như là người đồng sáng tạo. Với vai trò đó, chủ thể tiếp nhận không phải là nhân tố bị động, được tuyên truyền, được giáo dục, mà trở thành thành tố quan trọng và chủ động trong “vòng đời” của tác phẩm. Chủ thể tiếp nhận đó, trong những năm vừa qua và trong những năm sắp tới, đang diễn ra một quá trình biến đổi cực kì nhanh chóng theo các chiều hướng sau: đa dạng hóa, cá thể hóa, phân nhóm và phân hóa. Không còn dễ dàng tìm thấy sự đồng nhất, thống nhất trong đánh giá, thưởng thức văn học, nghệ thuật như thời gian trước. Một vài ví dụ nhỏ: khi hỏi 636 người chọn đề tài để đọc, có tới 65,9% trả lời là chọn đề tài hôn nhân, tình yêu, và chỉ có 37,1% chọn đề tài chiến tranh, 74,5% người được hỏi quan tâm đến những tác phẩm đang được dư luận chú ý, đặc biệt có 33,2% tìm đọc những tác phẩm được coi là “có vấn đề” như sex, đề tài nhạy cảm liên quan đến quan điểm, đề tài bí mật đời tư...

Không chỉ biến đổi theo hướng đa dạng hóa, phân nhóm thị hiếu, mà việc tiếp nhận còn bộc lộ rõ cả sự khác nhau, thậm chí đối chọi nhau, ngược nhau trong đánh giá, cảm thụ tác phẩm.

Trong sự biến đổi phong phú, phức tạp trên của thị hiếu người tiếp nhận đang có sự cùng tồn tại, đan xen nhau giữa cái cũ và cái mới, cái đúng và cái lệch lạc, cái đã định hình và cái đang trong quá trình tự tìm kiếm... Đặc điểm đó đã và đang tác động mạnh, sâu đối với đời sống, sáng tạo văn học, nghệ thuật, không chỉ hôm nay và chắc chắn đối với nhiều năm sắp tới.

Cần nhận thức rằng, sự biến đổi, biến động của công chúng văn nghệ là một quy luật khách quan, và cao hơn là một sự phát triển của quá trình dân chủ hóa. Vấn đề đặt ra chính là tôn trọng sự phát triển hợp quy luật đó, đồng thời có năng lực định hướng, điều chỉnh và đáp ứng các nhu cầu tốt đẹp, lành mạnh, phong phú của công chúng nghệ thuật.
 
Đ.X.D

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)