Thế nào là một truyện ngắn hay?

Thứ Bảy, 19/05/2018 00:33
LTS: “Hay” là một phạm trù mở, trừu tượng và chủ quan. Những cách trả lời cho câu hỏi “Thế nào là một truyện ngắn hay?” của một số nhà văn, nhà phê bình dưới đây không phải nhằm định hướng, mà là nhằm đồng hành, cổ vũ cho Cuộc thi truyện ngắn “Lửa Mới” (2018-2020) đang diễn ra trên VNQĐ.

Nhà văn Bảo Ninh:Truyện ngắn hay là truyện ngắn… hay
 
BẢO NINH
Tôi cứ luôn cho rằng truyện ngắn thì phải… ngắn. Không phải “cực ngắn”, kiểu như dạo trước người ta tổ chức thi viết truyện một trăm, trăm rưỡi chữ, nhưng mà dằng dặc đến độ phải tải quá chục trang báo, tạp chí thì tôi thấy chan chán, ngại đọc. Dài thì dễ bị nhạt. Và ngược lại. Tôi nhớ Sang sông của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đăng lần đầu ở Văn nghệ, đâu chỉ hai hay ba cột báo, mà hay đến thế.

Kinh nghiệm đọc cho tôi thấy truyện xoàng thì nhạt ngay dòng đầu, mà hay thì cũng lập tức cuốn độc giả từ dòng đầu, thậm chí chữ đầu. Bởi vì ngắn nên truyện ngắn không có chỗ cho sự vớ vẩn và sự dông dài. Phải kiệm chữ nên bản lĩnh và chân tài của nhà văn hiện ra với từng câu, từng từ, từng dấu chấm, dấu phẩy, từng ngắt đoạn, chuyển đoạn. Viết truyện ngắn không khổ bằng viết tiểu thuyết, nhưng khó hơn viết tiểu thuyết. Cố nhiên, là nói truyện ngắn hay.

Kinh nghiệm đọc cũng cho thấy một truyện ngắn đáng gọi là hay nhất thiết phải có ít nhất một chi tiết hư cấu thần tình mà nếu không có nó thì dẫu cốt truyện có khác lạ cỡ nào cũng chỉ là truyện đọc đấy rồi quên. Chi tiết đó có thể là rất quái dị, như là những nhát chém của đao phủ Bát Lê trong Chém treo ngành; có thể chỉ là một hành động đơn giản, như trong Sang sông, đứa bé đút tay vào miệng cái bình cổ rồi không rút ra được; có thể là một triết lí, như lời bàn có tính “lập ngôn” của truyện Vàng lửa về cái ái tình giữa hai nền văn minh Hoa - Việt; cũng có thể chỉ là một câu nói thôi, như là lời anh Hoàng khi vỗ đùi kêu lên ở cuối truyện Đôi mắt…

Tuy nhiên, lạm bàn vậy, chứ cái hay của truyện ngắn là sự vô cùng. Hay là hay, vậy thôi. Tác giả tuy là bằng vào tài năng và nỗ lực nhưng cũng là do vô thức nữa mà có được truyện ngắn hay, còn độc giả thì cũng hầu như vô thức mà cảm được cái hay ấy.
 
Tiến sĩ Lê Hương Thủy: Truyện ngắn hay nhờ bút pháp

 
new
Có nhiều tiêu chí “hay” của một truyện ngắn: cốt truyện hấp dẫn; nhân vật sinh động; ngôn ngữ, chi tiết đắt; tình huống độc đáo…

Tính chất và giới hạn về dung lượng của thể loại đòi hỏi người viết phải dồn bút lực sao cho tác phẩm “ngắn” có thể chuyên chở thành công những ý tưởng nghệ thuật, mang đến cho người đọc những khoái cảm thẩm mĩ. Như vậy, bút pháp là yếu tố quan trọng chi phối đến thành công của truyện ngắn. Nhiều người viết truyện ngắn hôm nay đã không còn quan niệm truyện ngắn là một dạng thức phản ánh hiện thực như nó vốn có. Họ trình ra những sản phẩm mang chở quan niệm mới về văn học và thể loại, về việc khắc họa thế giới đời sống, ở đó, người viết đề cao tính tự do, tính biến hóa, coi đó như một trong những cách thức để mở rộng biên độ hiện thực, làm mới lối viết. Thực tiễn đời sống văn học cho thấy, khi những phương thức trần thuật truyền thống không còn tương thích, “vừa khuôn” với nhu cầu chuyển tải thông điệp của chủ thể sáng tạo cũng như với tầm đón đợi của chủ thể tiếp nhận, thì tác phẩm tất yếu phải mang một sắc diện khác, tức được tượng hình bởi bút pháp/lối viết khác, ở đó hằn in “vân chữ” và “tiếng nói” của kẻ viết. 

Quan tâm tới bút pháp, hướng tới những thể nghiệm là đòi hỏi tất yếu của thời đại. Tất nhiên, mọi thể nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật không bao giờ có ý nghĩa nếu chỉ đơn thuần dừng lại ở phương diện hình thức. Bút pháp ở đây cần được xem như là “thuật kể chuyện”, là yếu tố cần thiết để sinh tạo và duy trì hấp lực, hút cuốn người đọc cùng can dự vào những vấn đề của cái đời sống phong phú, đa dạng, nhiều tầng bậc này.       
 
Phó giáo sư, tiến sĩ, Nguyễn Thị Minh Thái: Truyện ngắn hay là truyện thêu thùa rất khéo ngôn từ thể loại

 
NGUYỄN THỊ MINH THÁI
Từ trong bản chất thể loại, truyện ngắn được xác tín là ngắn, so với tiểu thuyết, là thể loại dài hơi. Ngắn, vì dung lượng của nó chỉ được đựng vừa xinh trong một lát cắt của thời gian và một mảnh hẹp của không gian. Ngắn, còn vì độ co giãn có thể của nó, từng co nhỏ thành truyện 100 chữ, và 1000 chữ. Ở Việt Nam, từ cuối thế kỉ trước, Tạp chí Kiến thức ngày nay từng tổ chức thi “Truyện ngắn 100 chữ”, Tạp chí Thế Giới Mới cũng từng tổ chức thi “Truyện ngắn 1000 chữ” và đều gặt hái được truyện ngắn hay, theo chuẩn của cả hai cuộc thi.

Không ngẫu nhiên, các nhà nghiên cứu văn chương thế giới đã phú cho thể loại truyện ngắn một định nghĩa kinh điển, nằm gọn trong một từ “momen” (khoảnh khắc). Truyện ngắn, vì vậy, còn được gọi với nhiều tên, xoay quanh cái sự ngắn, như “short-short story”, “very short fiction”, “flash fiction”. Vì thế, tôi  thích cách hình dung của nhà văn Mĩ Joyce Carol Oates, khi nói rằng nhịp điệu của truyện ngắn rất gần với thơ, vì được dồn nén trong khoảng không gian hẹp. Và nghiệm sinh của người đọc chỉ có thể được khơi gợi mà thôi.

Vậy, theo tôi, một truyện ngắn được coi là hay, đương nhiên phải thỏa mãn các tiêu chí kinh điển trên. Muốn truyện ngắn hay, nhà văn phải chọn đúng và trúng một tình huống, có thể rất đơn lẻ nhưng lại điển hình, kiểu tình huống “nhặt vợ” trong truyện Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Người đàn bà chỉ vì đói quá, được đãi vài tấm bánh đúc mà theo không về làm vợ người ta. Đấy là một lát cắt thật độc đáo, đựng một chuyện lạ biệt, buộc người đọc nhớ mãi về tình người trong hiện thực nạn đói năm 1945. Cao hơn, là giấc mơ về hạnh phúc. 

Đọc một truyện ngắn hay, người đọc muốn được ngẫm nghĩ, liên tưởng gần xa, thích thú soi mình vào nhân vật, muốn đọc chậm, để dò gặp những chi tiết ấn tượng và ngoạn mục bất ngờ được nhà văn khôn khéo sắp đặt, để thấu suốt vẻ đẹp của tiếng Việt được nhà văn biểu đạt chuẩn xác, tinh tế và mới lạ, trong giọng kể riêng biệt. Nghĩa là nhà văn Việt đã biết thêu thùa rất khéo ngôn từ truyện ngắn bằng tiếng Việt.

Nhà văn Tô Hải Vân: Truyện ngắn hay là truyện ngắn không kể lại được

 
TÔ HẢI VÂN
Tôi thích đọc truyện ngắn, vì nó... ngắn, đọc lúc nào và ở đâu cũng được, nhất là trong thời đại ngày nay hiếm thời gian và nhiều “món” hấp dẫn khác. Gặp một truyện ngắn hay thì sướng lắm.

Một truyện ngắn hay khi đọc hết phải thấy bâng khuâng, muốn đọc lại. Truyện ngắn như vậy, ngay từ đoạn mở đầu đã phải ám gợi, kích thích, và mạch truyện phải được dẫn dắt khéo léo như nước chảy mây trôi, tự nhiên như không, hoặc giật cục độc đáo mà vẫn… hay.

Điều này nhiều người đã nói: Truyện hay còn nhờ ở nhân vật hấp dẫn; chi tiết đắt; cái kết bất ngờ, dư ba… Riêng kết cấu, tôi nghĩ, có thể chặt như trường phái cổ điển, có thể rất lỏng, đầu mở ra một kiểu, thân và đuôi triển khai theo kiểu khác, miễn là… hay. Truyện ngắn hay là đọc xong phải đọng lại một cái gì đó, có thể là một ý tưởng triết học, một quan niệm khang khác, một ý nghĩa nhân văn, một kiểu hành văn lạ..., hoặc cao hơn cả, chả biết “cái gì đó” là cái gì mà vẫn vấn vương.

Truyện ngắn hay không có chi tiết thừa, đoạn thừa, câu thừa, chữ thừa. Câu “Nàng ngước mắt lên” chẳng hạn, nghe qua, nghe quen chẳng thấy có gì sai, nhưng thực ra thừa chữ “lên”, bởi chả lẽ ngước mắt còn có cả ngước xuống, ngước ngang, ngước xiên? Vậy, nên xóa chữ “lên”, tương tự như cách làm của anh chàng trưng biển “Ở đây bán cá tươi” ấy. Xóa và nén. Truyện ngắn hay là truyện… ngắn mà sức dung chứa lớn. 

Và nữa, tôi thích những truyện ngắn không kể lại được. Tất nhiên là truyện đó phải hay. Có khối truyện chẳng thể kể lại được vì nó nhạt phèo, chẳng có gì để kể, đáng kể.
 
Nhà văn Tống Ngọc Hân: Truyện ngắn hay giống như cái thuyền chài

 
19 Tống Ngọc Hân
Chiếc thuyền chài tròng trành khi tôi nhảy xuống. Tiếp tôi là người đàn ông khó đoán tuổi. Tôi còn chưa biết ngồi đâu thì anh chủ thò tay xuống gầm chõng lôi ra hai cái ghế mây nhỏ lồng vào nhau. Một cho tôi và một cho anh. Ngồi xuống, tôi nhìn quanh chiếc thuyền chài và hỏi “Anh có thấy chật chội quá không?”. Chủ nhà nheo mắt cười cười “Tôi thấy khá thoải mái, nhà tôi có bốn người mà. Hai vợ chồng tôi và hai đứa con, một trai một gái, chúng lên bờ đi học, bà nhà tôi đi chợ bán cá”. Tôi đưa mắt nhìn quanh và phát hiện cái bàn học bằng gỗ gấp treo ngay trên bức ngăn cạnh chỗ tôi ngồi. Đang định hỏi han về việc học hành của bọn trẻ thì có tiếng lục cục sau phên vách ngăn. Chủ nhà bảo “Con mèo đấy, nó đang săn chuột trong buồng của hai mẹ con bà ấy”. Theo tay anh chỉ, tôi thấy căn buồng nhỏ chừng hơn hai mét vuông bằng cót ép. “Anh nuôi cả mèo?” - tôi hỏi. Chủ nhà gật đầu, nói “Tôi còn nuôi cả chó nữa”. Rồi anh chậc lưỡi gọi “Mực… êu”. Từ gầm chõng, một con chó đen nhánh đến hơn chục cân ưỡn ngực trườn ra, vẫy đuôi như chào khách. Ông chủ bảo “Đấy, nó toàn nằm dưới gầm giường của bố con tôi”. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi anh giới thiệu chỗ các con học, chỗ nấu ăn, chỗ để lương thực, đồ đánh bắt cá. Không những thế, anh còn xoa tay vào cái cột thuyền nhẵn bóng và bảo “Tôi thường ngồi dựa đây đọc sách hay thổi sáo mỗi buổi không đi lưới anh ạ”. Rồi anh đứng dậy, khom người, ngẩng đầu, gỡ từ trên mái vòm xuống một cây đàn guitar hơi cũ. Anh ôm đàn vào lòng, so dây, nắn phím. Tôi nhắm mắt lại trong cảm giác chờ đợi. Bỗng giọng anh ngậm ngùi cất lên “Tôi chơi đàn không tệ. Tuy nhiên, hôm nay tôi mời anh xuống đây là có câu chuyện muốn thưa”.

Vâng, tôi viết ra đoạn văn như vậy cho dễ hình dung. Truyện ngắn hay, trước hết là truyện phải có chuyện. Như câu nói của anh chủ nhà trong đoạn văn trên: “Tôi mời anh xuống đây là có câu chuyện muốn thưa”. Và về nghệ thuật thì, truyện ngắn hay giống như cái thuyền chài ấy. Vừa vặn, không thừa không thiếu bất cứ thứ gì. Bốn con người ở được. Có chỗ học bài, ngủ, nấu nướng, kê đồ đạc. Vẫn có chỗ đọc sách, đàn sáo, ngắm sao trời và tiếp khách. Sắp xếp thế nào cho gọn gàng, che giấu thế nào cho kín đáo và phơi mở thế nào cho đúng lúc để khách đi hết tò mò này đến ngạc nhiên khác là cái tài của chủ thuyền. Chủ thuyền định làm gì khách không đoán được. So dây đàn nhưng không chơi đàn mà lại kể chuyện. Tuổi của chủ thuyền khách cũng khó đoán... Mọi thứ quanh chiếc thuyền nhỏ đều giản dị nhưng có sức hút đặc biệt với người khác. Truyện ngắn hay là như thế. 
 
ĐĂNG HOÀNG thực hiện

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)