Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Hồ Chí Minh

Cao thượng và minh triết

Thứ Hai, 21/01/2019 10:43

Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947 là chiến dịch lớn đầu tiên của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuộc tấn công lên Việt Bắc do Đại tướng Raun Xalăng chỉ huy. Điều trớ trêu là trước đó một năm (tháng 5 - 1946), Tướng Xalăng là sĩ quan tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến Người sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách. Hai người đã đi cùng trên một chuyến máy bay, ngủ cùng giường ở sân bay Karachi (Pakitxtan), đã cùng đàm đạo thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch... Đã thấu hiểu và thống nhất nhiều vấn đề về quan hệ hai nước. Đã là bạn của nhau... Vậy mà, chưa đầy một năm sau, hai người đã ở hai bên chiến tuyến.

Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đến An toàn khu Định Hóa. Người ở trên một căn lán nhỏ trên đồi Khau Tý, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến chống lại cuộc tiến công lên Việt Bắc của thực dân Pháp. Sau cuộc hội kiến với Pôn Muýt, đại diện cho cao ủy Đông Dương Bôlae tại Thái Nguyên, nhận được tin Đại tướng Xalăng đã trở lại Việt Nam chỉ huy cuộc tấn công lên Việt Bắc để "bắt sống" Chính phủ Hồ Chí Minh !?. Ngày 10 - 6 - 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi Xalăng. Bức thư viết:

"Chủ tịch Chính phủ

Gửi tướng quân Xalăng

Tướng quân thân mến,

Tôi vừa hay tin ngài lại đến đất nước tôi. Năm ngoái (đối với tôi vừa như mới hôm qua, lại vừa như đã cách đây hàng thế kỷ), chúng ta đã cùng nhau du ngoạn nhiều nơi, chúng ta đã cùng nhau nói chuyện nhiều. Chúng ta đã từng nhất trí với nhau về nhiều vấn đề; những con người và sự việc. Nói tóm lại, chúng ta đã là những người bạn tốt.

Nhưng hoàn cảnh ngoài ý muốn đã biến chúng ta thành hai kẻ đối địch. Điều đó thật đáng tiếc.

Tôi khá hiểu ngài để tin rằng, nếu ngài có mặt ở đây, và nếu ngài có đủ quyền lực cần thiết, thì đã có thể tránh được những chuyện đau thương kia. Tôi cũng khá hiểu ngài để tin rằng, trong thâm tâm, ngài không muốn có cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này, nó không giải quyết được gì mà chỉ hủy hoại tình hữu nghị và làm cho sự hợp tác trên tinh thần xây dựng giữa hai nước chúng ta thêm chậm trễ.

Nhưng sự việc đã xảy ra như thế đó! Về phần tôi, bổn phận thiêng liêng của một người yêu dân yêu nước buộc tôi phải chiến đấu vì Tổ quốc và đồng bào mình. Còn về phần ngài, trách nhiệm quân nhân cũng buộc ngài phải làm những điều mà trái tim ngài không muốn.

Thử hỏi, đánh lại một nước đã đón tiếp mình như anh em thì vinh quang ở chỗ nào? Một nhà chỉ huy đi đánh một dân tộc chỉ muốn sống trong hòa bình thì vinh quang ở đâu? Và đâu là vinh quang của nước Pháp khi đánh nước Việt Nam một quốc gia chỉ có nguyện vọng được thống nhất và độc lập trong khối Liên hiệp Pháp?

Phải chăng Liên hiệp Pháp có thể dựa trên bạo lực và sự hận thù dân tộc? Phải chăng Liên hiệp Pháp có thể tạo thành từ những thành viên què quặt, điêu tàn, tang tóc và đẫm máu? Dứt khoát không thể được! Nếu muốn, Liên hiệp Pháp phải dựa trên tình hữu nghị và sự tin tưởng lẫn nhau.

Nhưng thôi, đó là vấn đề chính trị. Nếu sự việc có đi theo chiều hướng khác thì đó không phải là lỗi nơi ngài.

Vì chúng tôi đã buộc phải chiến đấu, thì các ngài hãy tỏ ra là những chiến binh hào hiệp, những đối thủ quân tử, trong khi chờ đợi chúng ta trở thành bạn hữu của nhau. Chúng ta đã từng là bạn. Giữa hai chúng ta hiện nay vẫn là bạn bè của nhau. Ngài muốn như vậy chứ?

Vì tình yêu thương con người, lòng nhân đạo và nhân danh tình bạn của chúng ta, tôi yêu cầu ngài nghiêm cấm binh lính Pháp sát hại dân lành, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và phá hủy nhà thờ, đền miếu như họ vẫn làm từ trước tới nay.

Tôi đảm bảo với ngài binh lính và thường dân Pháp ở chỗ chúng tôi được đối xử rất tử tế. Tôi hy vọng người của chúng tôi trong tay ngài cũng được đối xử như vậy.

Ông Đại úy Cácchiê tốt bụng vẫn ở chỗ ngài đấy chứ?

Tôi gửi lời kính thăm bà Xalăng và gửi tới cháu trai lớn và cháu bé của ngài nhiều cái hôn âu yếm.

Tướng quân thân mến, hãy tin tưởng ở những tình cảm tốt đẹp nhất của tôi.

Ngày 10 tháng 6 năm 1947.

HỒ CHÍ MINH.

TB: tôi nhờ ngài chuyển bức thơ kèm theo cho ngài Chủ tịch Lêông Blum".

Kèm theo bức thư gửi Xalăng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi một bức thư cho ông Lêông Blum, mà Người gọi là Ngài chủ tịch. (năm 1936, Blum là Tổng thống Pháp; Năm 1946, là thành viên trong đoàn đại biểu Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Việt Nam). Hai bức thư này, Người giao cho ông Vũ Đình Huỳnh, Bí thư của Người chuyển tới Tướng Xalăng. Ông Vũ Đình Huỳnh đã chuyển được hai bức thư tới tay người nhận. Xalăng đã giữ gìn bức thư đó rất cẩn thận tới năm 1971 đã cho công bố lần đầu tiên trong cuốn Hồi ký Fin d'un expire Edition - Pari.

Một bức thư thấu lý, đạt tình. Lời lẽ nhẹ nhàng, tế nhị nhưng sâu sắc và mạnh mẽ. Trân trọng mà lên án, phê phán. Với cái nhìn xuyên thấu, Người đã chỉ ra tình thế trớ trêu và việc làm phi nghĩa của Xalăng (mà cũng là tình thế của quân đội Pháp). Với sự thông cảm "chân thành": "Tôi cũng khá hiểu Ngài, để tin rằng, trong thâm tâm, Ngài không muốn có cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này". Trên tinh thần thông cảm đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một loạt câu hỏi trực diện "làm khó" Xalăng: "Một nhà chỉ huy đi đánh một dân tộc chỉ muốn sống trong hòa bình thì vinh quang ở đâu?" ""đâu là vinh quang của nước Pháp khi đánh nước Việt Nam, một quốc gia chỉ có nguyện vọng được thống nhất và độc lập trong khối Liên hiệp Pháp".

Quả là khó trả lời! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã "gỡ bí" cho Xalăng bằng việc nêu lên bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với Tổ quốc và nhân dân mình: "Nhưng sự việc đã xảy ra như thế đó! Về phần tôi, bổn phận thiêng liêng của một người dân yêu nước buộc tôi phải chiến đấu vì Tổ quốc và đồng bào mình. Còn về phần Ngài, trách nhiệm quân nhân cũng buộc Ngài phải làm những điều mà trái tim Ngài không muốn".

Như vậy là thành thực đến tận cùng, sòng phẳng đến tận cùng. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Xalăng: "Vì chúng tôi đã buộc phải chiến đấu thì các ngài hãy tỏ ra là những chiến binh hào hiệp, những đối thủ quân tử. Trong khi chờ đợi chúng ta trở thành bạn hữu của nhau. Chúng ta đã từng là bạn. Giữa hai chúng ta hiện nay vẫn làn bạn bè của nhau. Ngài muốn như vậy chứ?"

Chắc chắn, Xalăng muốn như vậy và đã như vậy! Còn nhớ tháng 5 - 1946, trước khi tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Xalăng đã phát biểu với các sinh viên khu học xá Trung ương (ngày 30 - 5 - 1946):

"Thưa các bạn!

Tôi được tháp tùng vị Chủ tịch kính mến của các bạn tới Pari. Những ước nguyện của hai dân tộc cũng cùng đi theo chúng tôi. Bởi vì, nhân dân Pháp sẵn có sự tín nhiệm cao nhất và sự cảm phục lớn nhất đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chúng tôi đi, tay nắm trong tay và chúng tôi cũng sẽ trở về, tay trong tay".

Muốn là vậy, nhưng thời thế đã thay đổi, dù ước muốn và tinh thần lời phát biểu vẫn còn, thì thực thế đã xoay chiều ngoài ý muốn. Hai người bạn đã không thể "tay trong tay" mà đã "súng trong tay" ở 2 bên chiến tuyến.

Được đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Xalăng, Bí thư Vũ Đình Huỳnh nghĩ tới những bức thư Nguyễn Trãi gửi tướng giặc Vương Thông đang bị vây hãm trong thành Đông Quan (Thăng Long). Sự liên tưởng xa đó có phần đúng nhưng chưa đủ. Đây là một bức thư, một tác phẩm văn học, triết học của một nhà chỉ huy quân sự cao thượng, một trái tim hết lòng vì dân vì nước, của lòng yêu hòa bình, hiểu thấu lẽ đời và thời cuộc, là tiếng nói chân tình của những người bạn, những người thân, chí lý, chí tình, đầy minh triết... Chính vì thế Xalăng đã giữ gìn lá thư cẩn thận như giữ một kỷ vật quí giá và thân thiết.

Kết thúc chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, quân đội Pháp bị thảm bại với 7.200 binh lính và sĩ quan bị loại khỏi vòng chiến; 18 máy bay bị bắn rơi; 16 tàu chiến và 38 ca nô bị đánh chìm; 255 xe các loại bị phá hủy... Chiến dịch tiến công Việt Bắc bị bẻ gãy hoàn toàn. Thua đau, Xalăng hẳn là thấm thía những lời trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thảm bại sau Chiến dịch Việt Bắc-1947, Xalăng bị triệu hồi về Pháp. Cuối năm 1950, trở lại Đông Dương làm phó cho Đ.Tátxinhi. Năm 1952, giữ chức Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Liên tiếp bị thất bại trong nhiều chiến dịch, Xalăng bị gọi hẳn về nước tháng 5 - 1953.

Bảy mươi ba năm đã trôi qua, đọc lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tướng Xalăng, chúng ta càng thêm kính yêu cảm phục và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.

HOÀNG QUẢNG UYÊN

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)