. NGUYỄN CHÍ HOAN
Nadine Gordimer sinh ngày 20/11/1923 trong một gia đình nhập cư người Do Thái, tại Springs, một thị trấn mỏ ở Nam Phi. Cha bà, Isidore Gordimer, là một thợ đồng hồ di cư bởi nghèo đói từ Lithuania. Mẹ bà, Nan Myers, di cư cùng gia đình từ Anh và không bao giờ ngừng hoài niệm về quê cũ.
Gordimer nhớ lại, khi còn là một đứa trẻ, bà là một cô gái hay khoe khoang, thích nhảy và mơ ước trở thành một nữ diễn viên ballet. Nhưng mẹ bà khăng khăng đòi bà ngừng nhảy vì nhịp tim của bà nhanh. Khi mười tuổi, mẹ lôi bà ra khỏi trường tu viện đang theo học với lí do việc tham gia chạy và bơi lội có thể gây hại cho bà.
Rời tu viện, Gordimer trở thành một “người phụ nữ nhỏ tuổi”, học với một gia sư và đi cùng mẹ đến các sự kiện xã hội. Liều thuốc dành cho sự cô đơn của bà chính là việc đọc sách. Vào năm 1945, bà theo học tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg và vươn lên ở nơi mà bà gọi là “vườn ươm mầm” của cuộc sống đại học. Bà học văn học và quyết định theo đuổi nghiệp viết văn.
Vào năm 1949, Gordimer kết hôn với một nha sĩ và họ có một đứa con gái. Cuộc hôn nhân kết thúc với việc hai người li dị vào năm 1952. Hai năm sau đó, bà kết hôn với một nhà buôn tranh đã chạy trốn khỏi Đức Quốc xã, là cháu trai của triết học gia Ernst Cassirer. Con trai của họ được sinh vào năm 1955. Bà Gordimer nói rất ít về cuộc sống cá nhân của mình trong các cuộc phỏng vấn. Theo nhiều nhà báo từng phỏng vấn bà, Gordimer thường tỏ ra khinh thường và cáu kỉnh khi nhận được những câu hỏi về đời tư.
Sự nghiệp văn chương của bà gắn liền với những tác phẩm viết về chế độ phân biệt chủng tộc apartheid (a-pac-thai) kéo dài từ năm 1948 đến năm 1994. Những tiểu thuyết viết về chế độ này đã mang lại cho bà giải Nobel danh tiếng vào năm 1991. Khi bắt đầu sự nghiệp, Gordimer không chọn apartheid làm đề tài chính, nhưng bà sớm nhận ra rằng không thể nào đào sâu vào cuộc sống của người Nam Phi mà không đề cập tới chế độ đàn áp đó. Đề tài ấy đến với bà từ những bất công và tàn ác của các chính sách phân biệt chủng tộc tại đất nước mình. Và bà đã dày công khám phá không sót bất cứ ngóc ngách nào trong xã hội Nam Phi, từ những khu nhà gạch nóng nực đông đúc, những quán rượu nhỏ ở các thị trấn da màu cho đến những bữa tiệc nướng cạnh bể bơi, những bữa tiệc săn bắn và cocktail chủ nhật của người da trắng.
Thông qua tác phẩm của Gordimer, độc giả quốc tế hiểu được những hiệu ứng con người của “color bar” - cái “chấn song màu da” và những luật trừng phạt đã ngăn chặn một cách hệ thống các tiếp xúc giữa các chủng tộc. Sách của bà tràn ngập nỗi sợ hãi: nỗi sợ lực lượng an ninh đập cửa vào giữa đêm, và tự do là điều không thể. Kể cả những tù nhân chính trị được phóng thích cũng ngay lập tức bị bắt lại sau một trải nghiệm ảo ngắn nhất về việc trở lại với thế giới thực.
Gordimer là tác giả của hơn hai mươi tác phẩm hư cấu, bao gồm tiểu thuyết và các tuyển tập truyện ngắn, chưa kể những tiểu luận và bài phê bình văn học. Tập truyện đầu tiên, Face to Face (Giáp mặt) xuất bản năm 1949, và cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà, The Lying Days (Thời nói dối) xuất bản năm 1953.
Cuốn tiểu thuyết thứ hai, A World of Strangers (Một thế giới của người lạ), xuất bản năm 1958 của bà bị cấm ở Nam Phi trong mười hai năm. Câu chuyện kể về một thanh niên người Anh trẻ tuổi, mới đến Nam Phi, phát hiện hai phần xã hội riêng biệt mà anh không thể qua lại: một xã hội ở những thị trấn da màu, nơi có một nhóm bạn bị lưu đày; một xã hội đặc quyền của da trắng, dành cho một nhúm người anh biết. Một tiểu thuyết khác, The Late Bourgeois World (Thế giới tư sản muộn), xuất bản năm 1966 cũng bị cấm trong mười năm, quãng thời gian đủ dài để giết chết hầu hết các cuốn sách như lời bà chua chát nhận xét. Thế giới tư sản muộn kể về một người đàn bà đối mặt với lựa chọn khó khăn trong cuộc sống khi chồng cũ của cô, một kẻ phản bội cuộc chống phân biệt chủng tộc, tự sát. Cuốn tiểu thuyết thứ ba của bà bị cấm - cũng là cuốn được bạn đọc biết đến nhiều nhất, Burger’s Daughter (Con gái của Burger), xuất bản năm 1979 - kể về một đứa trẻ thuộc một gia đình cách mạng tìm kiếm lối đi riêng của mình sau khi cha cô hi sinh vì sự nghiệp chung. Cuốn tiểu thuyết chỉ bị cấm ở Nam Phi trong vài tháng thay vì nhiều năm trời đằng đẵng như hai cuốn trước, lí do chủ yếu vì tác giả của nó đã được… quốc tế biết đến. Chủ nhân của những cuốn tiểu thuyết, may mắn thay, dù công khai chỉ trích chế độ đàn áp dã man của nhà cầm quyền nhưng chưa từng bị giam giữ hoặc bức hại.
Khả năng hiểu thấu con người và xã hội đã đưa Gordimer đi xa hơn những ranh giới “da trắng - da đen” để khám phá những nền văn hóa khác dưới sự đàn áp của chế độ apartheid. Trong truyện ngắn A Chip of Glass Ruby (Mảnh kính đỏ) in năm 1983, bà viết về một gia đình Ấn Độ theo đạo Hồi và trong tiểu thuyết My Son’s Story (Chuyện con trai tôi) in năm 1990, bà viết về một nhân vật lai hỗn chủng. Bà đoạt giải Booker vào năm 1974 cho cuốn The Conservationist (Người bảo thủ) mà nhân vật chính là một người đàn ông da trắng.
Bà cũng là người sớm tiên đoán về sự sụp đổ của chủ nghĩa apartheid và công cuộc hồi sinh kì diệu của đất nước Nam Phi. Trong cuốn July’s People (Người của July) in năm 1981, bà viết về một cuộc đấu tranh bạo lực đòi quyền bình đẳng của người da đen lan tới vùng ngoại ô của người da trắng, quét sạch thiểu số cầm quyền. Vai trò của con người ở đây bị đảo ngược: July, một người hầu da đen, đưa những chủ nhân của anh, một gia đình da trắng, chạy trốn đến một ngôi làng hẻo lánh, nơi anh có thể bảo vệ họ. Tiểu thuyết có đoạn: “Người đầy tớ mãn nguyện và được trả lương hậu hĩnh, sống trong nhà họ kể từ khi họ kết hôn, (…) được nghỉ ngày thứ tư hoặc chủ nhật, được phép mời bạn đến thăm và người phụ nữ của anh ta được ngủ cùng trong phòng - anh ta đã hóa thành người được chọn nắm giữ sự sống chết của họ; hoàng tử ếch, vị cứu tinh, July”.
Khi Hội đồng Nobel trao cho bà giải thưởng văn học vào năm 1991, họ có lưu ý đến hoạt động chính trị của bà. Tuy nhiên Gordimer nói, chính trị không ảnh hưởng tới các tác phẩm của mình. Vào năm 1975, bà viết trong phần giới thiệu của cuốn Selected Stories: “Sự căng thẳng giữa việc đứng ngoài và việc can dự, đó là điều tạo nên một nhà văn. Đó là nơi chúng ta bắt đầu”.
Gordimer tiếp tục viết sau sự chấm dứt của chủ nghĩa apartheid, chống lại ý tưởng rằng sự sụp đổ của nó đã tước đoạt khỏi bà một chủ đề văn chương vĩ đại. Nó “tạo một khác biệt lớn trong cuộc đời tôi”, bà nói, “nhưng nó không thực sự ảnh hưởng tới tác phẩm của tôi, bởi vì không phải apartheid đã biến tôi thành một nhà văn, và không phải sự kết thúc của apartheid sẽ ngăn tôi viết”. Tuy nhiên, một số nhà phê bình nghĩ rằng bà đã đánh mất văn phong sau những tác phẩm làm nên tên tuổi của mình. Bà “mạo hiểm” viết về một quốc gia Ả Rập trong cuốn tiểu thuyết năm 2001, The Pickup, và bà tiếp tục viết rất nhiều trong nhiều năm sau khi nạn phân biệt chủng tộc đã trở thành “lịch sử”.
Mặc dù vô cùng hài lòng khi nhận được giải Nobel, nhưng những giá trị ý nghĩa của nó đã khiến bà lo lắng về những gì nó nói với thế giới về tương lai của bà.
“Khi tôi đoạt giải Nobel”, bà nói, “tôi không muốn nó được xem như một vòng hoa trên mộ của tôi”.
N.C.H
VNQD