Bình luận văn nghệ  Điểm sách

“Ngày đó có em” và thiên thu mộng

Thứ Hai, 01/04/2019 11:22

Cầm cuốn sách mỏng trên tay, tôi lại thấy ngậm ngùi. Hà Nội, một ngày mưa u ám. Mưa, như chẳng phải là mưa, là những thổn thức từ một nỗi niềm xa xăm nào đó, của những linh hồn yêu mến trần gian mà lụy đầy phiêu dạt. Những giọt mưa trĩu buồn trên rêu phong như làm thức dậy những vang âm xưa cũ. Sợi gió rã rượi qua rặng long não, nghe thê lương như một thiếu phụ chạnh lòng nhớ thương cố quận và cố nhân. Tôi đọc Ngày đó có em của Đinh Hùng trong niềm thảng thốt ấy. Để ghi dấu một ngày mưa, một ngày cái lạnh còn như cố níu giữ khoảng trời đã len lén giao mùa!

Ấn phẩm do Nxb Văn học và Như Books ấn hành, 2018

Đinh Hùng viết về Bích Khê, chỉ riêng điều đó thôi đã khiến lòng ta rung lên những xúc cảm về niềm tri âm, tình nghệ sĩ. Hơn sáu mươi trang giấy mong manh không chứa nổi những mối kì tình. Đinh Hùng, trong cơn trường dạ, trong những u huyền khói sương mê hồn, trong tòa vân thạch chập chờn ảnh hình hư ảo, trong những hoài niệm đầy thương mến, trước những giai nhân có tuổi tên, căn cước mà đã thành từ chương bất diệt, đã viết những lời gan ruột về Bích Khê. Đinh Hùng có đầy đủ thẩm quyền để viết về những bóng dáng giai nhân đi qua đời Bích Khê. Bởi, đời Đinh Hùng cũng như đời Bích Khê, là những cuộc viễn du đầy say sưa trong những mối kì tình. Với Đinh Hùng, không chỉ là một nàng Kiều Hương thuở đôi tám, không chỉ là đóa Bạch Liên đầy đau đớn, cũng không phải nàng Diệu Thư,… mà đó là một Kỳ nữ, Thần nữ, là người gái muôn đời, gái Giao Đài, người gái thiên nhiên. Nếu Hàn Mặc Tử có Mộng Cầm, Ngọc Sương, Thương Thương, Mai Đình, Hoàng Cúc, Thu Yến, Thu Hà, Thanh Huy, Mỹ Thiện, thì với Bích Khê là nàng Song Châu, Thanh Thủy, Ngọc Kiều,… những giai nhân đã quyện vào đời thi sĩ nguồn thơ bất diệt. Như thế, dù có thể không phải là người hiểu nhất, nhưng chắc chắn Đinh Hùng là người thấu cảm được những diễn biến xôn xao, vi tế nhưng cũng đầy mãnh liệt trong lòng người thi sĩ đa tình. Hơn thế, cái đa tình của Bích Khê lại là một nỗi đa tình ương ngạnh, bướng bỉnh. Bích Khê yêu say đắm và cuồng nhiệt, nhưng không muốn biến mộng thành thực, bởi thực ngắn ngủi và ảm đạm. Đó có thể nào khác, một dạng ái tình của thi sĩ. Chỉ yêu, như là mộng, mà sợi dây ràng rịt chính là điểm chết của giấc mơ luyến ái. Nhưng, có phải là ảnh mộng? Niềm say mê và nỗi đau là có thực. Đinh Hùng nhận ra, đằng sau mỗi dáng kiều là một tình sử, là một tình thơ. Tình yêu hay những cách chia ngăn trở trổ ra trong đời thi sĩ những nhánh tê mê và đau thương, khiến người thơ lịm đi vì khoái lạc nhưng cũng rên xiết vì đọa đày. Với giai nhân nào Bích Khê cũng chung thủy và yêu bằng trái tim tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Thơ đến với Bích Khê trong những nhớ thương và cách trở, trong những gần gụi và xa xôi, trong những hẹn thề mà đành đoạn. Cảm thấu được nỗi niềm ấy, Đinh Hùng đã dành cho thi sĩ những trang đầy lưu luyến: “Tiếng thơ Bích Khê rạo rực những cảm giác ân tình nồng cháy. Từng dòng chữ mê cuồng níu kéo dòng chữ. Từ điệp âm vời gọi từng điệp âm. Mỗi chi tiết nhịp nghe nóng ran từng hơi thở. Mỗi vọng thanh tưởng kèm theo cả một cơn gió rùng mình. Và những đảo ngữ, những chuyển cung, cả những chỗ ngừng, chỗ nghỉ cũng làm nên hồi hộp, bất ngờ. Và từ điệu nhiều lúc dạt dào thác lũ, sôi nổi cuồng lưu, cũng có lúc thao thức, quằn quại, da diết như một thân thể đang bừng bừng cơn sốt bạo hành. Vì lời thơ Bích Khê, từng dòng, từng chữ, bất cứ lúc nào cũng tỏa lên sinh khí ngùn ngụt, tưởng chừng có thể mọc lên da thịt thực sự” (tr. 65).

Ngày đó có em được xuất bản lần đầu năm 1967, nghĩa là sau gần 20 năm ngày Bích Khê đi vào cuộc hư vô (17/1/1946). Ngày đó Đinh Hùng không biết, bây giờ chúng ta đều biết, 1967 cũng là năm Đinh Hùng rời bỏ cuộc trần lâm lụy trong một bệnh viện bình dân ở Sài Gòn. Những người thơ đều từ giã thế giới này để nuôi tiếp giấc mộng của mình trong trời hư ảo. Những xác thân hữu hạn có nghĩa lí gì với cơn mơ vĩnh hằng của tình yêu thương và dâng hiến. Như một suối tóc, một làn hương, một khóe môi ngoan, một nét mi u huyền, một sóng mắt Nghê Thường, một thịt da dậy hương trinh khiết, một Đào Nguyên ngát hương khoái lạc,… giai nhân cứ hiển hiện đầy mê đắm nơi những tờ thơ vang vọng. Ngày đó có em, thổn thức như từng phím mưa trên mái cũ nhòa, từng sợi gió qua hành lang chưa kịp theo mùa. Và, những cơn mơ cứ thế hiện hình chập chờn bóng dáng giai nhân. Giấc mộng này ta đã mơ từ tiền kiếp…

NGUYỄN THANH TÂM

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)